[ELLE Voice] CEO Hoàng Phi – Sự đồng cảm lấp đầy khoảng cách thế hệ

Đăng ngày:

11 năm gắn bó với vai trò cố vấn và hỗ trợ trong lĩnh vực khởi nghiệp, ceo IBP Trương Lý Hoàng Phi đưa ra những lời khuyên giá trị đến các lãnh đạo trẻ, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Với chị, được góp sức vào hành trình theo đuổi đam mê của người trẻ chính là nguồn cảm hứng cho chị mỗi ngày.

Chị có thể chia sẻ những khó khăn, đồng thời đánh giá những thách thức mà Gen Z đang và sẽ phải đối mặt trong hành trình khởi nghiệp?

Trong hành trình khởi nghiệp, một trong những điều quan trọng nhất mà tôi rút ra được, đó là cần một người định hướng đúng. Người trẻ nếu được định hướng tốt, họ sẽ tiết kiệm được thời gian, dồn nguồn lực và tâm sức để phát huy điểm mạnh một cách tối đa. Có thể nói, Gen Z không thiếu thông tin và cơ hội trong học tập, việc làm. Công nghệ đã giúp Gen Z có cơ hội học hỏi những người thầy tốt nhất trên thế giới và có thể bắt đầu trải nghiệm với công việc yêu thích ngay cả khi chưa ra trường. Thách thức của Gen Z là tìm ra và lựa chọn những thông tin, cơ hội phù hợp với mình. Nếu nắm bắt cơ hội một cách hời hợt, thiếu mục tiêu, và không khai thác đúng mức, cơ hội sẽ có khả năng biến thành nguy cơ…“lạc lối” và lãng phí “tài nguyên”.

Thường xuyên tiếp xúc với thế hệ trẻ trong công việc chị có cảm thấy sự cách biệt lớn giữa hai thế hệ? Theo chị, làm sao để lấp đầy khoảng cách này?

Thật ra, mỗi thế hệ có thể có những vấn đề quan tâm khác nhau. Môi trường khác nhau sẽ quyết định tư duy và thái độ hành xử khác nhau. Bởi thế, khoảng cách giữa các thế hệ là chắn chắn có. Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ tích cực, khoảng cách sẽ tạo ra yếu tố gọi là sự cộng hưởng. Và đó trở thành thế mạnh thay vì rào cản. Theo tôi, quan trọng là nhà lãnh đạo phải có kỹ năng để hiểu tâm lý của các thành viên trong team mình. Khi đã có sự đồng cảm, người quản lý sẽ biết cách để giao việc hiệu quả hơn, đồng thời truyền cảm hứng cho các nhân viên dựa vào đặc tính cá nhân của họ.

gen Z tiếp cận với môi trường start up

Gen Z là thế hệ có nhiều ý tưởng và ước mơ lớn nhưng đôi khi thiếu thực tế. Với nền tảng tài chính từ gia đình, đa số có tư tưởng muốn làm chủ hơn là bắt đầu từ một vị trí nhỏ nhất đi lên. Chị có thể chia sẻ những trải nghiệm của chị về các start-up nhóm này?

Chúng ta nên khuyến khích những người trẻ có nhiều hoài bão lớn nhưng cần tạo môi trường tương tác giúp họ bổ sung nhanh hơn những chất liệu từ thực tế. Gen Z là một thế hệ yêu thích sự phản biện, và điều tốt nhất chúng ta nên làm là cho các bạn không gian để nói lên ước mơ nhưng đồng thời trang bị “công cụ”, bản lĩnh để các bạn có đủ năng lực tiếp nhận những phản biện cho chính những ước mơ đó.

3F (Family, Friends, Fools) là phương thức các bạn start-up thường ứng dụng ở vòng hạt giống hay thậm chí tiền hạt giống. Vậy nên, với những start-up “nhà giàu”, nghĩa là các bạn được gia đình hỗ trợ về tài chính, tôi cho rằng đó cũng là một khởi đầu tốt khi thuyết phục được gia đình (family), chữ F đầu tiên trong công thức 3F.

Tuy nhiên, mỗi “bài học” trong start-up đều có một mức “học phí” nhất định. Phụ huynh cũng nên cân nhắc mức học phí có thể “chi trả” và đứng trên vai trò nhà đầu tư thật sự, thay vì chỉ ở vai trò người thân, để phản biện, bổ sung ý kiến giúp các bạn trưởng thành hơn.

gen Z trong môi trường khởi nghiệp

Chị đã truyền nhiều cảm hứng đến giới start-up trẻ. Vậy ngược lại, giới trẻ đã truyền cảm hứng đến chị như thế nào? Và họ có khiến chị phải thay đổi cách nhìn cũng như cách làm việc của mình không?

Giới trẻ truyền cho tôi sự nhiệt thành – một yếu tố rất đặc trưng không lẫn vào đâu được. Bên trong những bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp luôn có nhiều ý tưởng mới và quyết tâm hiện thực hóa chúng.

Sự thật là, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ có một nỗi sợ thất bại, những áp lực và rào cản do chính chúng ta tạo ra khi nghĩ đến việc thực hiện một ý tưởng mới. Nhưng đối với Gen Z thì không. Tôi học được ở họ cách để cho dòng máu sáng tạo luôn chảy và chiến đấu với tinh thần “chưa có gì để mất”. Chính xác là suy nghĩ đó sẽ luôn tạo nên nguồn năng lực tích cực để dấn thân.

Chị có suy nghĩ gì về những người trẻ muốn khởi nghiệp hay làm giàu mà không quan trọng việc theo học đại học?

Tôi suy nghĩ về việc làm sao để các bạn trẻ dung nạp được nền tảng kiến thức để tạo ra một pháo đài, thành trì vững chắc cho tương lai. Vậy nên, nếu đã vào đại học thì tại sao không tận dụng cơ hội và môi trường đó để học thật tốt?

Những người khởi nghiệp thành công dựa vào rất nhiều yếu tố, nhưng yếu tố đầu tiên là họ phải đặc biệt giỏi trong ngành nghề của họ, bao gồm cả lý thuyết và thực tiễn. Trong thế giới số, các start-up đòi hỏi phải có công nghệ lõi và các yếu tố sâu hơn về mặt phương pháp luận bên cạnh các biến số bên ngoài.

gen Z và cách CEO Hoàng Phi giao tiếp

Từ kinh nghiệm và kiến thức của chị, bài học và lời khuyên nào giúp start-up thành công?

Quá khó và cũng không có công thức cho một start-up thành công đâu vì nếu có chắc ai cũng thành công cả rồi (cười). Tuy nhiên, có 3 yếu tố cơ bản có thể là “bài kiểm tra”: Một, team sáng lập có lợi thế hoặc điểm mạnh đặc biệt nào, sự đặc biệt đó càng tiến gần đến điểm tuyệt đối càng tốt. Hai, đó là sự kiên trì, và cả sự hy sinh. Bạn đã chuẩn bị tinh thần cho những gian nan và hy sinh ở hành trình phía trước. Ba, mức độ sẵn sàng cho sự thay đổi, điều chỉnh liên tục để phù hợp với thị trường mà bạn đang hướng tới.

Nhóm thực hiện

Bài: H. Tôn 

Ảnh: Quốc Nam 

Sản xuất: Tân Đoàn 

Trợ lý: Vy Trần 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more