[ELLE Voice] Gap Year – Trải nghiệm là hành trang đường đời

Đăng ngày:

Mỗi cá nhân có một cuộc sống khác nhau, với bất kỳ ai, Gap year cần nhất là một mục tiêu rõ ràng. Đó là thành Rome. Đến được thành Rome thì có nhiều con đường, thậm chí ta còn có thể kiến tạo ra những con đường mới”.

Trong khi ở phương Tây, “Gap year” quen thuộc như một “thủ tục” cần có sau mỗi giai đoạn chuyển tiếp của cuộc đời như tốt nghiệp trung học – đại học, kết thúc công việc cũ… thì tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ, cũng không tránh khỏi nhiều ngộ nhận. Nhưng không thể phủ nhận, Gap year là một trong những bước đệm hữu ích trên cung đường trưởng thành của mỗi người. Dưới góc nhìn của chị Nguyễn Phương Mai, một người có vô vàn kinh nghiệm ngang dọc thế giới, và bạn Quỳnh Anh, một cô gái trẻ với nhiều hoài bão cho tương lai – Gap year sẽ được lý giải một cách cụ thể, thú vị và mang ý nghĩa tương đối tròn vẹn hơn. Như chị Mai chia sẻ: “Mỗi cá nhân có một cuộc sống khác nhau, với bất kỳ ai, Gap year cần nhất là một mục tiêu rõ ràng. Đó là thành Rome. Đến được thành Rome thì có nhiều con đường, thậm chí ta còn có thể kiến tạo ra những con đường mới”.

Nguyễn Phương Mai – Tự do là một khái niệm mơ hồ

Gap year không còn xa lạ ở phương Tây, nhưng tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mơ hồ. Có lẽ chị là người hiểu Gap year rõ nhất sau những năm tháng trải nghiệm. Chị có thể chia sẻ với ELLE được không?

Gap Year bắt đầu thế này. Sau chiến tranh thế giới lần II, khi những người lính từ chiến trường trở về thì… trẻ con được sinh ra, hệt như Việt Nam ta hồi sau 1975 vậy. Lũ trẻ ấy gọi là baby boom, nghĩa là “bùng nổ bé bi”.

Vào những năm 1960, thế hệ baby boom trưởng thành trong một xã hội quẫy đạp với văn hóa hippie, phong trào phản chiến tại Việt Nam, xóa bỏ phân biệt chủng tộc của ngươ i da đen, giành quyền bình đẳng cho phụ nữ… Trong bối cảnh như vậy, một số bạn trẻ chọn cách bỏ đi để tách biệt mình với hệ tư tưởng cũ kỹ của cha mẹ. Có ý kiến cho rằng họ đi tới những miền đất khác nhau để trao đổi văn hóa nhằm góp phần hóa giải những cuộc chiến mới trong tương lai.

Dần dần Gap year trở thành một phương thức để các bạn trẻ tìm hiểu và phát triển nhân cách cũng như chuyên môn thông qua các hoạt động học tập, làm việc hoặc di chuyển xuyên văn hóa. Như vậy, Gap year hay Sabbatical year không nhất thiết phải là di chuyển, và luôn có tiêu chí là phát triển bản thân chứ không phải đi chơi.

Hiện tôi cũng đang trong thời gian Sabbatical (nghỉ phép dài), dù không hề phải đi đâu xa. Tôi đang theo học hai năm thạc sĩ về ngành Thần kinh não bộ để có thể xây dựng những lý thuyết mới trong chuyên ngành quản trị đa văn hóa. Tuy mới chỉ sắp lấy bằng, nhưng cả hai cuốn sách mới tôi viết đều dựa vào sự đóng góp của kiến thức thần kinh não bộ.

gap year không phải du lịch

Chắc chắn chị đã từng có những “cú” Gap year khó quên?

Tôi thực hiện hai cú Gap year hay Sabbatical year (thường dùng cho người đã đi làm). Lần thứ nhất đi theo lịch sử di cư của loài người, khởi nguồn từ châu Phi và kết thúc ở Nam Mỹ. Khi trở về lớp học với mái tóc do một bạn người Phi tết giùm, tôi đã có những bài giảng ngập tràn trải nghiệm tới mức không cần giáo án. Sản phẩm của chuyến đi đó là cuốn Tôi là một con lừa.

Cú Sabbatical year thứ hai tôi thực hiện khi châu Âu đang tranh cãi kịch liệt về các giá trị đa văn hóa với các cuộc khủng bố bởi phần tử cực đoan Hồi giáo. Đứng trước một vấn đề quá sức phức tạp, tôi quyết định tự mình trải nghiệm.

Chuyến đi này có cung đường đi theo sự lan tỏa của dải văn minh Hồi giáo, bắt đầu từ Ả Rập Saudi, theo chân các chiến binh Ả Rập tỏa ra hai nhánh, phía Tây xuyên qua châu Phi vào thẳng châu Âu, và phía Đông vượt sang châu Á. Lúc đó là đỉnh điểm của mùa Xuân Ả Rập. Hầu như tất cả các đất nước trong nhánh phía Tây tôi đi qua đều đang quẫy mình trong biểu tình va  nội chiến. Nhưng tôi đã phải ngỡ ngàng trước sự hiếu khách của người Trung Đông. Chưa bao giờ tôi cảm thấy đi một mình mà an toàn như thế, bất chấp chiến tranh và bạo loạn. Với người Hồi, khách là món quà của Thượng đế. Kết quả của chuyến đi đó là một khóa học mới về Trung Đông do tôi thiết kế, và cuốn Con đường Hồi giáo. Nhưng kết quả lớn hơn là khả năng kìm nén sự phán xét và vơ đũa cả nắm. Đó là một Sabbatical year thành công quá mức tôi mong đợi.

gap year Phương Mai trải nghiệm

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Nguyễn Phương Mai từng có thời gian làm Thư ký tòa soạn báo Hoa Học Trò. Hiện tại, chị là PGS. TS giảng dạy tại trường Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan. Chị từng xuất bản hai cuốn du ký “Tôi là một con lừa” và “Con đường Hồi giáo” nằm trong series “Lên đường với trái tim trần trụi”. Chị cũng đã xuất bản hai cuốn sách giáo khoa về giao tiếp và quản trị đa văn hóa bằng tiếng Anh, được sử dụng trong một số trường đại học.

Chị có cho rằng Gap year cũng cần thiết cho giới trẻ Việt không?

Gap year với ý nghĩa là để phát triển bản thân là cần thiết cho bất kỳ ai, chứ không riêng các bạn trẻ. Đó là thời gian để ta thoát ra khỏi guồng máy của thói quen, khám phá thế giới, và tìm kiếm giá trị thặng dư của cuộc sống.

Gap year còn là cơ hội để làm giàu CV, mà không chỉ có ích khi đi xin việc đâu nhé. Năm ngoái khi tôi đăng tin tìm người thuê nhà, một bạn gái người Pháp gửi cả CV. Chỉ có một trang, nhưng thông tin Gap year của bạn rất ấn tượng, gồm các khóa học, kỹ năng và hoạt động xã hội. Tôi lập tức lựa chọn bạn đó.

Truyền thông và mạng xã hội đang tô màu hồng cho chủ nghĩa xê dịch. Làm sao để các bạn không ngộ nhận?

Gap year không có nghĩa là xê dịch, càng không phải là du lịch. Nếu không có mục tiêu cụ thể thì Gap year chỉ là trốn chạy bản thân chứ không phải khám phá bản thân. Vả lại, Gap year không nhất thiết phải tính bằng năm. Vài tháng cũng có thể là một sabbatical trọn vẹn.

Hy vọng Việt Nam sẽ dần có các công ty kiến tạo hành trình và kế hoạch Gap year như phương Tây. Sau đại dịch, nhiều bạn sinh viên cho rằng học online không có hiệu quả, thà Gap year còn học được nhiều hơn. Các công ty nên tận dụng cơ hội này và quảng cáo Việt Nam là đất nước an toàn để Gap year có ý nghĩa.

gap year phát triển bản thân

Nhiều bạn đã chọn đi Gap year nhiều năm liền bởi thích cuộc sống tự do. Nhưng “tự do” cũng có cái giá của nó phải không chị?

Cái gì chẳng có giá, huống chi tự do! Đời người công bằng nhất là ngân quỹ thời gian, ai cũng chỉ có ngần ấy giờ một ngày, ngần ấy ngày một năm, ngần ấy năm trong một đời người. Vậy chúng ta chọn tiêu pha quỹ thời gian ấy bă ng cách ném thời gian qua cửa sổ hay chắt chiu cho một trải nghiệm có ích?

Mua gì không quan trọng mà là ý nghĩa của thứ ta đã mua. Một tháng tự do với người này là quá nhiều, nhưng với kẻ khác là chiếc phao cứu cánh để cuộc đời chuyển hướng. Giá tiền như nhau (1 tháng), nhưng giá trị khác nhau. Ta không nên đánh đồng và phán xét rằng “tự do cũng có giá”. Giá của nó thế nào, chỉ có chính bản thân người đó mới có thể quyết định.

gap year khám phá nền văn hóa mới

“Vào thời điểm này, tôi chỉ mong mình không phải… ngủ để có thể sống dài hơn, háo hức, hăm hở lâu hơn, ăn gian quỹ tháng ngày nhiều hơn một tí”.

Có chuyến đi nào chị cho rằng mình đã quyết định sai lầm và hối hận?

Tôi thường phải chia thời gian của mình ra ba phần, một phần ở châu Âu, một phần ở Úc, một phần ở Việt Nam. Cuộc sống giờ như thể là một hành trình bất tận vậy. Có những chuyến đi, dừng chân ở ba quốc gia, thì ở cả ba nơi, nhân viên hải quan nhìn vào hộ chiếu của tôi rồi nói: “Chào mừng chị đã trở về nhà”. Hải quan người Việt thì nói: “Về nhà ăn Tết vui chị nhé”. Nghe xong cũng thấy hoang mang. Thế đâu là nhà? Định nghĩa “nhà” với tôi giờ đã trở thành một cảm giác (feel at home) chứ “nhà” không còn có ý nghĩa vật lý nữa. Đã có những lúc tôi thấy khá chông chênh, không hối hận, chỉ thấy hơi chông chênh. Rồi nó cũng qua. Coi như mình đã trưởng thành hơn một bậc.

Nếu có thể làm lại, chị vẫn sẽ chọn cuộc sống tự do và nhiều trải nghiệm như bây giờ chứ?

Không phải ai cũng thích cuộc sống tự do và nhiều trải nghiệm. Tôi sẽ luôn chọn một cuộc sống có “ý nghĩa” hơn là một cuộc sống “tự do”. Tự do là một khái niệm mơ hồ và dễ gây tranh cãi. Đó cũng không phải là một mục đích sống vững bền. Còn “ý nghĩa” thì dễ hiểu hơn và cũng là chất xúc tác vô biên khiến ta có thể bật dậy giữa đêm mà lao vào hành động. Cuộc sống tự do nhiều trải nghiệm không phải là mục đích, mà chỉ là hệ quả của lựa chọn đó. Cũng như Gap year, lên đường chỉ là hệ quả của một mục đích ý nghĩa hơn, đó là hoàn thiện và phát triển bản thân mình.

Nhóm thực hiện

Bài: H.Ton

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more