Vì yêu thôi chưa đủ

Đăng ngày:

Có người nói rằng, chỉ cần yêu thôi là đủ rồi, kết hôn vốn dĩ là một thủ tục mang tính hình thức, không phải là ràng buộc quan trọng nhất giữa hai con người. Điều đó có thể đúng, cũng có thể sai. Gia đình là tế bào của xã hội. Với những cặp đôi đồng tính, giấy chứng nhận kết hôn mang theo sức nặng của pháp luật, là tiếng nói công nhận sự bình đẳng, cho họ quyền và nghĩa vụ được trở thành một “tế bào” hiện hữu như bao gia đình bình thường khác.

Những rào cản không vô hình

Chúng tôi chỉ muốn là những người bình thường, buổi sáng thức dậy có nhau, làm những công việc bình thường, được hưởng những quyền lợi bình thường, đóng góp như những người bình thường, không phải ngập ngừng khi thể hiện bản thân…” – đó là những chia sẻ của Đông Anh và Hương Giang, cặp đôi mà ELLE có dịp trò chuyện trong chuyên đề lần này. Dù là những doanh nhân thành đạt với cuộc sống dường như viên mãn, họ vẫn có những mong ước rất bình dị – những điều vốn dĩ giản đơn mà đôi khi họ phải nỗ lực gấp trăm, gấp ngàn lần mới có được. Đó có lẽ cũng là mong ước của rất nhiều cặp đôi đồng tính khác, trong bối cảnh Hôn nhân đồng giới vẫn chưa được hợp pháp hóa tại Việt Nam.

Hôn nhân đồng giới là quan hệ kết hôn hợp pháp của hai người có cùng giới tính. Cặp đôi cùng giới đầu tiên kết hôn hợp pháp trong thời hiện đại là Michael McConnell và Jack Baker, diễn ra vào năm 1971, tại Quận Blue Earth, Minnesota, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, phải đến năm 2001, Hà Lan mới trở thành quốc gia đầu tiên ra điều luật quy định về bình đẳng hôn nhân giữa các cặp đôi cùng giới và khác giới. Kể từ đó đến nay, hôn nhân cùng giới đã được pháp luật công nhận ở 34 quốc gia, hầu hết là các nước châu Mỹ và Tây Âu. Nam Phi là quốc gia duy nhất ở châu Phi và Đài Loan là quốc gia duy nhất ở châu Á thuộc danh sách này. Estonia sẽ trở thành quốc gia thứ 35 hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới vào 1/1/2024.

ELLE nói về hôn nhân đồng giới

Ảnh: Unsplash/Norbu Gyachung

Mặc dù hôn nhân đồng giới chưa được công nhận tại Việt Nam, suốt 10 năm qua, các tổ chức xã hội vẫn không ngừng nỗ lực vì niềm tin rằng một ngày không xa, những người yêu nhau bất kể giới tính sẽ được danh chính ngôn thuận ở bên nhau, dưới sự bảo hộ của luật pháp. Năm 2013, chiến dịch “Tôi Đồng Ý – I do” được khởi xướng bởi Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm ICS đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong các hoạt động công khai ủng hộ Bình đẳng Hôn nhân tại Việt Nam. Với 12.000 chữ ký được gửi đến Quốc hội, lần đầu tiên, vấn đề Hôn nhân cùng giới được đưa ra thảo luận một cách cởi mở. Tháng 11/2013, dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) đã bãi bỏ quy định cấm tổ chức đám cưới giữa những người cùng giới. Đây được xem là một bước tiến tích cực đối với cộng đồng LGBTIQ+.

Tuy nhiên, quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhưng không công nhận mối quan hệ hôn nhân hợp pháp của các cặp đôi đồng giới đã để lại khoảng trống rất lớn trong cuộc sống của cộng đồng LGBTIQ+. Các cặp đôi dù có thể tổ chức đám cưới và về sống chung một nhà, nhưng lại không thể tiếp cận các quyền và lợi ích của hôn nhân, bao gồm các vấn đề an sinh xã hội, thừa kế, cấp dưỡng, sinh con hoặc nhận con nuôi, sở hữu tài sản chung, bảo hộ hợp pháp… Chính khoảng trống này đã mang đến nhiều hệ lụy và khó khăn trong đời sống hằng ngày của các cặp đôi đồng giới.

Hãy thử tưởng tượng: Bạn và bạn đời không được gia đình hai bên chấp nhận vì “pháp luật cũng không công nhận”; dù sống chung nhà nhưng vẫn là “người lạ” vì không được nhập hộ khẩu, gặp nhiều khó khăn về thủ tục pháp lý, giấy tờ sở hữu tài sản, nhà đất; không thể làm gì khi người còn lại đau ốm, bệnh tật vì không thể đại diện pháp lý cho nhau trong trường hợp cấp thiết; không được công nhận là bố/mẹ hợp pháp của con; không thể bảo lãnh bạn đời định cư nước ngoài theo diện kết hôn… Những điều vốn là quyền lợi và nghĩa vụ đương nhiên của các cặp đôi khác giới lại trở thành những mong ước xa xỉ đối với các cặp đôi đồng giới. Tại sao lại như vậy? Họ cũng bắt đầu từ sự rung động, phát triển thành tình yêu thương, có mong muốn gắn kết, cùng xây dựng tổ ấm, sống bên nhau đến già. Vậy, điều gì khiến những cặp đôi cùng giới chịu nhiều thiệt thòi hơn so với các cặp đôi khác giới?

Những định kiến đã cũ

Có những định kiến cố hữu về người đồng tính nói riêng và cộng đồng LGBTIQ+ nói chung như “đồng tính là bệnh”, “hôn nhân đồng giới làm suy giảm dân số”, “hôn nhân đồng giới trái với tự nhiên”, “trẻ em lớn lên trong gia đình có phụ huynh đồng giới sẽ bị lệch lạc về giới tính”… Sự thật là, quan hệ cùng giới là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và đã xuất hiện xuyên suốt lịch sử phát triển của thế giới, ở nhiều loài động vật, bao gồm cả con người. Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khẳng định đồng tính không phải là bệnh. Bộ Y tế Việt Nam cũng đã có Công văn số 4132/BYT-PC năm 2022 gửi các sở y tế và các cơ sở khám chữa bệnh nhằm chấn chỉnh công tác khám bệnh, chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới, không coi đồng tính, song tính và chuyển giới là bệnh.

tình yêu trong sáng

Ảnh: Unsplash/Kinga Howard

Một nghiên cứu đăng tải trên BMJ Global Health (3/2023) cho thấy, xu hướng tính dục của phụ huynh không phải là yếu tố quyết định đến sự phát triển của trẻ, con của các cặp đôi cùng giới hay khác giới đều có sự phát triển tương đồng. Thậm chí, việc được lớn lên trong một gia đình tôn trọng sự đa dạng, tự do và khác biệt còn giúp con trẻ dễ cảm thấy thoải mái trong việc khám phá, chia sẻ và công khai xu hướng tính dục của bản thân. Hơn hết, chất lượng nuôi dạy con cái không phụ thuộc vào giới tính hay xu hướng tính dục, mà đến từ kiến thức, kỹ năng và tình yêu thương của phụ huynh.

Nhìn trên nhiều khía cạnh, hợp pháp hóa Hôn nhân cùng giới không chỉ mở ra một môi trường bình đẳng cho các cặp đôi cùng giới, giúp họ tự tin và sẵn sàng cống hiến cho xã hội, cải thiện các vấn đề về sức khỏe tinh thần mà còn là sự tiến bộ chung của xã hội, nơi mà gia đình, con cái của người LGBTIQ+ và mọi người xung quanh được sống trong môi trường bình đẳng, đa dạng, cởi mở.

Một xu thế tiến bộ

Việt Nam là một trong những thành viên tích cực của các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hợp Quốc. Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1948 quy định: “Mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng về các quyền và nhân phẩm”. “Mọi người” ở đây không phân biệt giới tính, màu da, tuổi tác, ngôn ngữ, tôn giáo… và tất nhiên người đồng tính cũng không ngoại lệ. Họ cũng xứng đáng được hưởng những quyền mà Hiến pháp và pháp luật công nhận. Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới là xu hướng tích cực và ngày càng có nhiều quốc gia ủng hộ. Tin rằng, với việc sớm gia nhập vào nhóm quốc gia tiến bộ này, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tiên phong vì bình đẳng giới và cải thiện quyền con người.

hôn nhân đồng giới

Ảnh: Unsplash/Madalena Veloso

Cần phải nói một điều, pháp luật không xuất hiện một cách tự phát. Bản chất của pháp luật là những định khung quản lý có hệ thống do Nhà nước đặt ra. Chính các vấn đề pháp lý thúc đẩy luật pháp ra đời dựa trên yêu cầu của xã hội, và phải được xem xét trên các khía cạnh toàn diện. Vấn đề nào càng ảnh hưởng đến số đông người dân, càng mang tính cấp bách thì càng dễ được mang ra thảo luận. Tuy nhiên, từ sự việc pháp lý đến quy định pháp luật lại là một quá trình phức tạp vì nó liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là lợi ích của số đông. Hôn nhân đồng giới hiện nay đã “chạm” đến một bộ phận công dân nhất định, nhưng chỉ khi nó đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà nước và toàn thể người dân thì mới được cân nhắc điều chỉnh. Đó cũng là lý do mà sự đồng thuận của xã hội là rất quan trọng.

Đây cũng là mục địch hướng tới của chiến dịch Tôi Đồng Ý với chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu”. Năm 2022, chiến dịch tái khởi động với sự tham gia đồng hành của 15 Đại sứ. Qua hàng loạt chương trình tập huấn và chia sẻ như Unitour, Doanh Nghiệp Đồng Hành, phối hợp với cộng đồng LGBTIQ+ nhiều địa phương tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức… chiến dịch đã thu hút sự chú ý và nhận được hơn 43.000 chữ ký hợp lệ ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới (gấp 3 lần so với năm 2013). Ngay từ bây giờ, bạn có thể góp phần thúc đẩy hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới tại Việt Nam bằng cách ký tên ủng hộ tại website toidongy.vn, đồng thời chia sẻ, lan tỏa thông điệp tích cực để thay đổi nhận thức của những người xung quanh mình.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more