Với dự án “Life at Home”, Nguyễn Quang Trâm trở thành một trong 6 ứng viên lọt vào danh sách rút gọn của Giải thưởng Saltzman-Leibovitz Photography – giải thưởng được thành lập bởi Lisa Saltzman, một nhiếp ảnh gia, nhà sản xuất phim và nhà từ thiện nổi tiếng tại New York, phối hợp cùng huyền thoại nhiếp ảnh Annie Leibovitz. Lisa Saltzman tin rằng việc hỗ trợ các nhiếp ảnh gia trẻ trong thời đại kỹ thuật số là rất quan trọng: “Việc trao cho họ sự công nhận và cơ hội có thể là công cụ để định hình con đường sắp tới của họ, giúp họ nổi bật trong một lĩnh vực đã bão hòa”.
Chia sẻ về dự án “Life at Home” của Nguyễn Quang Trâm, bà cũng cho biết: “Điều ấn tượng nhất với tôi là chiều sâu cảm xúc và khả năng kể chuyện qua tác phẩm của cô ấy. Khả năng chuyển đổi mất mát cá nhân thành sự phản ánh về giá trị gia đình khiến tác phẩm của cô ấy vô cùng cảm động”. Trong dự án này, Trâm đã hướng ống kính vào không gian quen thuộc nhất – ngôi nhà thuở ấu thơ, nhưng dưới một góc nhìn hoàn toàn mới: sự vắng mặt và những khoảng trống còn lại sau khi mẹ cô qua đời.
Chào Trâm, bạn có thể chia sẻ về hành trình từ một sinh viên nghiên cứu khoa học thần kinh nhận thức đến một nhiếp ảnh gia không?
Niềm đam mê với khoa học thần kinh nhận thức và nhiếp ảnh phim có lẽ đều xuất phát từ sự quan tâm của tôi về con người. Hai lĩnh vực này cho phép tôi tiếp cận chủ đề từ những góc nhìn khác nhau. Tôi nhận ra mình muốn theo đuổi nhiếp ảnh khi thấy rất hứng khởi dù đang phải vừa học hai chương trình Thạc sĩ, vừa tham gia lớp nhiếp ảnh buổi tối hằng tuần ở học viện nghệ thuật. Giai đoạn đó, tôi liên tục chuyển đổi giữa việc viết bài, phác họa ý tưởng nhiếp ảnh và di chuyển khắp nơi, tuy vất vả nhưng thực sự đáng giá. Đơn giản là tôi cảm thấy như đang về nhà vậy.
Nền tảng khoa học thần kinh ảnh hưởng đến cách kể chuyện bằng hình ảnh của bạn như thế nào?
Tôi thích ví bản thân như một viên kim cương nhiều cạnh, mỗi cạnh phản chiếu ánh sáng đến những cạnh khác. Nghiên cứu khoa học thần kinh đã giúp tôi rèn luyện khả năng quan sát chi tiết và tư duy phân tích. Tôi áp dụng những kỹ năng này để hiểu điều gì tạo nên một hình ảnh hấp dẫn, và làm sao nó phù hợp với câu chuyện mà tôi muốn kể.
Ở góc độ triết học, khoa học thần kinh khiến tôi tin tưởng vào sức mạnh của nhiếp ảnh hơn bao giờ hết. Tôi vốn đã biết bằng trực giác rằng nhiếp ảnh khơi gợi cảm xúc theo cách đặc biệt mà các phương tiện khác không làm được. Nhưng từ khi học về lý thuyết đằng sau nó, tôi như được khai sáng. Thị giác chiếm một phần lớn trong não bộ chúng ta và là giác quan chính mà hầu hết mọi người dùng để định hướng trong thế giới, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Bạn mong muốn người xem cảm nhận được điều gì khi họ nhìn vào những bức ảnh của bạn?
Tôi hy vọng những bức ảnh của mình tạo được cảm giác kết nối với người xem – có thể họ sẽ nhận ra trải nghiệm của bản thân, hoặc cảm nhận được tính người hiện diện trong tác phẩm. Lý tưởng nhất, tôi mong muốn mở ra những góc nhìn mới và khơi gợi các cuộc đối thoại ý nghĩa. Khi sáng tạo, tôi luôn nhớ đến câu nói của Tiến sĩ Cesar A. Cruz: “Nghệ thuật nên an ủi người đang bất an và làm bất an người đang quá thoải mái”.
BÀI LIÊN QUAN
Điều gì đã truyền cảm hứng cho bạn thực hiện dự án “Life at Home”, tập trung vào ngôi nhà thuở ấu thơ và nơi bạn từng sinh sống?
Ban đầu, tôi khởi động dự án bằng cách xin phép vào nhà của nhiều người khác nhau – từ người hàng xóm quen sơ, họa sĩ minh họa tôi ngưỡng mộ trên Instagram, đến người bạn thân yêu âm nhạc đã chuyển nhà nhiều lần. Thế nhưng, càng thu thập nhiều câu chuyện, tôi càng cảm thấy mình muốn quay về với không gian của chính mình.
Tôi vừa mới bắt đầu sống một mình sau quãng thời gian dài ở cùng gia đình vì sức khỏe mẹ suy giảm. Chúng tôi đã di chuyển từ ngôi nhà tuổi thơ của tôi, đến ngôi nhà của mẹ ở Sài Gòn, rồi lại quay về ngôi nhà tuổi thơ. Theo bản năng, tôi biết mình cần tìm hiểu sâu sắc giai đoạn đặc biệt này, khi còn rất nhiều cảm xúc chưa được giải quyết.
Điều gì làm bạn bị cuốn hút vào chủ đề ký ức, sự vắng mặt và hoài niệm?
Tôi nghĩ đó chính là nỗi sợ về sự vô thường. Thử tưởng tượng xem, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu hôm nay được thông báo rằng bạn bị chứng mất trí nhớ, và sẽ quên đi tất cả những trải nghiệm khiến thế giới của bạn trở nên ý nghĩa?
Điều thú vị là, trong thời gian học đại học, tôi còn phát hiện ra rằng với một người, ký ức cũng sẽ thay đổi mỗi lần được truy xuất, tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc hiện tại của họ. Điều này khiến tôi cảm thấy việc ghi lại khoảnh khắc thông qua nhiếp ảnh có sức mạnh chữa lành đặc biệt. Ngay cả khi những hình ảnh tôi lưu giữ không tồn tại mãi mãi, tôi vẫn cảm thấy an ủi khi biết rằng mình đã cố gắng hết sức để nắm bắt những giây phút quan trọng.
Bạn có nghĩ nhiếp ảnh có thể trở thành một công cụ chữa lành không? Nó đã giúp bạn đối diện với những mất mát cá nhân như thế nào?
Dù yêu thích đọc và viết, tôi tin có những cảm xúc không thể diễn tả trọn vẹn bằng lời. Trong gia đình tôi, đặc biệt là nam giới, việc chia sẻ cảm xúc rất hiếm khi xảy ra. Từ khi mẹ qua đời, nhà chỉ còn ba người – bố, em trai và tôi. Chúng tôi hiếm khi nói về nỗi đau mất mát. Nhiếp ảnh giúp tôi biến điều vô hình thành hữu hình mà không gây áp lực phải diễn đạt thành lời. Cá nhân tôi thường khó hiểu rõ cảm xúc ngay lúc nó diễn ra, nên việc ghi lại khoảnh khắc qua ảnh giúp tôi quay lại sau này để hiểu sâu hơn về chính mình.
Bức ảnh nào từng chụp khiến bạn xúc động nhất?
Bức ảnh chạm đến trái tim tôi sâu sắc nhất là bức ảnh đen trắng chụp bàn thờ ở nhà chúng tôi, với một chiếc ghế đặt trước nó. Mỗi khi nhìn vào bức ảnh này, tôi lại nghĩ đến tất cả những giờ mẹ tôi đã dành ra để lên ý tưởng và tham khảo trên mạng, chỉ để tạo nên một bàn thờ đúng như ý bà muốn.
Bên cạnh đó, bức ảnh này còn miêu tả hoàn hảo sự giao thoa giữa tục thờ cúng tổ tiên có từ lâu đời trong văn hóa Việt Nam và đạo Công giáo xuất hiện sau này trong dòng chảy lịch sử. Điều này thực sự gắn kết với mối quan tâm của tôi về vai trò của đạo Công giáo trong văn hóa Việt Nam.
Sau tất cả, mục tiêu lớn nhất của bạn trong nhiếp ảnh là gì? Bạn muốn để lại dấu ấn gì qua những tác phẩm của mình?
Như bao người khác, tôi mong muốn để lại một di sản có ý nghĩa – không chỉ dưới dạng đóng góp văn hóa, mà còn là nguồn cảm hứng trao quyền cho những người trong hoàn cảnh tương tự: phụ nữ, những người tiên phong, và đặc biệt là những người đứng giữa hai nền văn hóa như tôi.
Tôi luôn tâm đắc với câu nói của Marianne Williamson: “Khi chúng ta để ánh sáng của chính mình tỏa sáng, chúng ta vô thức cho phép người khác làm điều tương tự”. Vào ngày cuối cùng của cuộc đời, tôi muốn nhìn lại và thực sự cảm nhận rằng mình đã là một trong những ngọn lửa thắp sáng và khơi nguồn cảm hứng cho người khác tỏa sáng theo cách riêng của họ.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành của bạn!
Nhóm thực hiện
Bài: Taylor Phạm
Ảnh: NVCC