Muôn trùng âu lo, vạn đường trăn trở
Tôi nghĩ là làm cha mẹ cũng như bước vào tình yêu, người chưa từng yêu thì càng tự tin là mình có thể kiểm soát được mọi thứ, nhất là kiểm soát bản thân. Nhưng, khi bắt đầu hành trình rồi, chúng ta nhận ra thậm chí không thể kiểm soát được cả việc con mình sẽ chịu ăn với chiếc tô màu hồng hay màu đỏ, đồ chơi được cất vào giỏ hay trong tủ lạnh. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi có con rồi, các bậc phụ huynh sẽ tin hơn vào sức mạnh của “ông trời”, vì có một đứa con khỏe mạnh, ít ốm đau và hợp tác với cha mẹ, thân thiện với mọi người… quả là ơn trời.
Tuy nhiên, ngay cả khi biết rằng con cái là trời ban, chẳng có cha mẹ nào từ bỏ khao khát kiểm soát được thế giới xung quanh con và con đường con chọn để đi. Khi con đã qua tuổi chỉ cần lo, lo ngủ, lo mặc, lo chơi, cha mẹ đột nhiên nhận ra trước mắt họ có quá nhiều con đường và quá lắm nỗi bất an. Và tất nhiên là cha mẹ sẽ luôn sống cùng âu lo, sợ hãi. Khi con còn tuổi thiếu niên, cha mẹ sợ con ngây thơ quá ra đường có gặp chuyện gì cũng không biết xử lý, sợ con khôn lớn trưởng thành nhanh quá chẳng được hồn nhiên lâu dài, sợ con mải chơi thua kém bạn bè, cũng sợ con chỉ biết học mà không có đời sống xã hội. Con vào tuổi mới lớn, nỗi âu lo của cha mẹ còn chất chồng hơn nữa vì khi ấy, con chẳng còn muốn giao tiếp với mình, con chỉ muốn chơi với bạn hay điện thoại, bắt đầu có bí mật, có khám phá giới tính, thử những trải nghiệm mới lạ và chọn tin người ngoài nhiều hơn là người thân…
Thế nên, tôi chẳng bao giờ thực sự tin những người cha người mẹ có thể tự hào mà nói rằng mình đang rất tự tin, chủ động trong hành trình nuôi dạy con và biết mọi thứ về con. Thậm chí, tôi nghĩ còn có khả năng ngược lại, con cái mới là người biết mọi thứ về cha mẹ, còn cha mẹ mới biết rất ít về chúng.
BÀI LIÊN QUAN
Làm cha mẹ cũng chỉ sống một lần
Nhưng, hãy quay lại với cuộc trò chuyện của tôi với cô sinh viên chăm chỉ. Cuộc trò chuyện của chúng tôi vốn để lấy “insights” của khách hàng, đã trở thành một cuộc đối thoại nhỏ giữa hai thế hệ. Tôi hỏi em, bản thân em mong muốn gì ở cha mẹ mình? Câu trả lời khiến tôi bất ngờ mà lại không thể không mỉm cười. Em nói: “Em muốn bố mẹ hãy sống thật tốt cuộc đời của bố mẹ”.
Làm cha mẹ xét cho cùng là một cam kết trọn đời, một công việc không có ngày nghỉ, một trách nhiệm ta tự nguyện gánh lấy, nhưng không thể tự ý rời bỏ. Có rất nhiều người khi sinh con ra sẽ mất luôn tên riêng của mình. Họ gọi vợ chồng mình là “bố” “mẹ” thay vì anh em, giáo viên ở trường cũng sẽ gọi họ là “bố” “mẹ” rồi gắn thêm tên của con để phân biệt. Nhưng, hãy nghĩ mà xem, kể cả danh tính của chúng ta gắn với con đi chăng nữa, cuộc đời của chúng ta vẫn là cuộc đời của chúng ta.
Cũng giống như con cái mình, chúng ta đối mặt với sự đổi thay chóng mặt của khoa học công nghệ, sự xuất hiện của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và sự biến mất của rất nhiều ngành nghề. Chúng ta cũng chứng kiến và bị ảnh hưởng lớn lao bởi các biến động về chính trị, bệnh dịch, những di cư về tài chính, văn hóa, việc làm. Trên thực tế, chúng ta có rất ít khả năng kiểm soát thế giới xung quanh và những thứ có thể tác động lên mình.
Vậy thì điều cuối cùng mà ta có thể kiểm soát là gì? Câu trả lời có lẽ nhiều bạn đọc đã từng nghe qua, đó chính là thái độ “sống thật tốt”. Nuôi con bản chất là một quá trình “tu thân” – trước hết hãy cố gắng là người mình muốn con mình trở thành. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trẻ nhỏ học rất nhiều từ quan sát cách sống của cha mẹ. Sống thật tốt lành trước những biến động của cuộc sống có lẽ là điều tốt nhất cha mẹ có thể trao cho con mình.
Bên cạnh đó, tôi cũng hiểu ý của em sinh viên về việc cha mẹ hãy thực sự “sống” cuộc đời của họ. Có rất nhiều cha mẹ đã ràng buộc niềm vui và nỗi buồn của mình vào con, từ đó mà kiểm soát niềm vui, nỗi buồn, đường đi nước bước của con. Với con trẻ, có lẽ đó là kịch bản tệ nhất ở độ tuổi mới lớn và trưởng thành. Trên thực tế, rất nhiều đứa trẻ đã phải diễn vai con ngoan dù trong lòng các em không hẳn chấp nhận con đường mà cha mẹ đặt mình vào. Tiếc là vở kịch này có thể sẽ đẩy các em xa khỏi cha mẹ, ngăn cản các em nói lên tâm tư, khát vọng. Cha mẹ tưởng mình kiểm soát được tình hình, nhưng thực ra họ chỉ nắm được cái vỏ mà con cái tạo ra trước mặt mình.
Nhưng, dù thế nào đi chăng nữa, tôi biết, chính tôi cũng không phải ngoại lệ, rằng là cha mẹ, chúng ta sẽ không ngừng cố gắng kiểm soát thế giới quanh con và định hướng con đi trên một con đường đúng đắn. Chỉ có điều, trong sự cố gắng ấy, tôi nghĩ sẽ có lúc chúng ta phải chấp nhận giới hạn của mình, chấp nhận sự thật là chúng ta chỉ có thể kiểm soát chính mình. Hãy sống thật tốt, và sống tốt cuộc đời của mình trước đã.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Huyên
Ảnh: NVCC