Nô lệ hiện đại và góc khuất sau những hứa hẹn hoa mỹ

Đăng ngày:

Có nỗi đau nào lớn hơn với một người làm cha mẹ khi họ biết con mình sắp chết mà không thể làm gì để cứu? Vì thế mà tin nhắn của Trà My, một cô gái Việt – người có thể là một trong số 39 người đã chết trong một thùng xe container tại Anh – đã khiến người Việt Nam lần đầu tiên trở nên đặc biệt quan tâm tới vấn đề buôn người vào Anh và các nước châu Âu. Tuy nhiên, chuyện này không còn mới.

Nếu ai theo dõi báo chí nước Anh, họ sẽ biết rằng nô lệ thời hiện đại là một vấn nạn lớn của đất nước này. Và dù đã được cả nhà nước, cảnh sát lẫn truyền thông bàn đến và tìm cách ngăn chặn, vấn nạn này vẫn tiếp tục tăng lên hàng năm.

Trong báo cáo này, chính phủ Anh cho biết từ năm 2013 đến 2018, số lượng nạn nhân tiềm năng của vấn nạn nô lệ hiện đại tăng lên từ 1.746 người thành 6.985 người. Trong số gần bảy ngàn người là nạn nhân tiềm năng trong năm 2018, thì khoảng 55% là người lớn, 45% là trẻ em (dưới 18 tuổi). 52% trong số người lớn là bị bóc lột sức lao động, 33% bị bắt làm nô lệ tình dục/bán dâm. 63% trẻ em bị bóc lột sức lao động, 20% bị ép phục vụ tình dục/bán dâm.

Cũng báo cáo trên cho thấy đến năm 2018, Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước có nhiều người đang là nô lệ hiện đại tại Anh nhất (sau chính nước Anh và Albania). Mà đây mới chỉ là các trường hợp nô lệ hiện đại đã được ghi nhận, chứ còn bao nhiêu trường hợp khác nữa vẫn đang bị che giấu.

người đàn ông đứng dưới tuyết

Ảnh minh họa

Khi câu chuyện về Trà My trở thành tiêu điểm của cả báo chí và mạng xã hội, nhiều người thương cảm cho cô (và cho số phận người Việt vượt biên), nhưng cũng nhiều người cho rằng đó là cái giá của lòng tham. Đặc biệt, con số 30.000 bảng Anh mà cô phải trả để trốn từ Việt Nam – Trung Quốc sang Anh, khiến người ta cho rằng cô và những người như cô quá tham lam. Với số tiền ấy, họ có thể bắt đầu một cuộc đời ngay tại quê nhà, đi học, đầu tư.

Nhưng, tôi chỉ muốn nói rằng, đừng vội nghĩ tất cả các nạn nhân bị đưa đến nước Anh đều là những người có từng đấy tiền để trả. Trên thực tế, từ những vụ đã bị phát hiện và giải cứu cho thấy, các nạn nhân có thể chỉ trả một ít tiền, thậm chí là không đồng nào cho bọn buôn người trước khi ra đi. Số tiền nói rằng họ sẽ phải trả để được vận chuyển qua Anh được coi là một món nợ mà họ sẽ phải trả bằng cách trừ dần vào lương khi đã tới được Anh làm việc. Bằng cách “cho vay” này, những kẻ buôn người sẽ nắm thóp được họ. Và họ sẽ bị ép làm việc ở bất cứ nơi nào (trang trại cần sa, điều chế ma túy, nhà thổ) mà không được trả lương, vì lương đã bị trừ vào số tiền nợ kia. Họ còn bị đe dọa là nếu tìm cách bỏ trốn, thì cha mẹ và gia đình của họ tại quê nhà sẽ bị giết hại. Vì thế, họ mãi mãi sẽ là nô lệ.

hai bàn tay chạm vào nhau

Ảnh minh họa

Trong một bài báo đăng đầu năm 2018, một cậu bé Việt Nam đã kể lại câu chuyện bị dụ dỗ đưa sang Anh, và ép làm việc cho một trang trại cần sa dưới hầm. Suốt nhiều năm, cậu không được nhìn thấy mặt trời, bị đánh đập, bỏ đói. Ngay cả đến khi được bọn buôn người nới lỏng luật, cho phép cậu ra ngoài, cậu cũng chẳng dám bỏ đi đâu, vì chẳng có nơi nào để đến. Rồi đến khi bị cảnh sát bắt và xếp cho ở cùng một gia đình người Anh, cậu lại tìm cách trốn trở về với chính những kẻ bóc lột mình.

Nhưng ngay cả khi có tiền để trả, không có nghĩa là những người đến được nước Anh (chứ không chết trên đường) đảm bảo sẽ một cuộc sống an toàn và cơ hội đổi đời. Họ bỏ ra từng đó tiền để ra đi vì những lời hứa hẹn hoa mỹ về một cuộc sống hoàn toàn trái ngược với những gì họ đang có chứ không hề biết chính xác có gì đang đợi họ ở cuối hành trình. Có những gia đình đã chạy vạy vay mượn để có được số tiền ấy, với hy vọng con em họ sẽ giúp cho cả gia đình trở nên sung túc, giàu có hơn.

Khi đã đặt chân tới nước Anh, khi nhận ra những gì họ có được chỉ là những công việc phi pháp và đời sống khốn khổ, họ cũng khó có cơ hội tố cáo những kẻ lừa đảo. Rõ ràng họ là những người nhập cư bất hợp pháp, nên dù bị bóc lột và đối xử tồi tệ, họ cũng sẽ không dám báo cảnh sát. Đầu năm nay, hai cô gái người Việt đã được tìm thấy trong một tiệm nail, làm việc không công hoặc được trả 30 bảng mỗi tháng, ăn ngủ trên sàn. Họ rõ ràng được tiếp xúc với khách hàng, lộ khuôn mặt ra trước ánh sáng, nhưng mất bao lâu người ta mới nhận ra họ là những nô lệ.

cô gái làm nail - nô lệ hiện đại

Ảnh minh họa

Thế nhưng tại sao vẫn tiếp tục có người tìm mọi cách trốn được vào Anh, kể cả khi họ không nghèo đói, khốn quẫn? Nhiều người trên Facebook gọi đó là hám ngoại, ham giàu, ngu xuẩn.

Tất nhiên, tôi nghĩ người ta đã tình nguyện đến Anh (và các nước khác) theo con đường nhập cư trái phép, dù có trả tiền hay không có trả tiền, đều xuất phát từ khát vọng được thay đổi số phận của mình, ít nhất là về mặt vật chất. Bạn có thể gọi họ là tham, nhưng đừng quên bạn là ai và họ là ai. Khi chúng ta là người có học thức, lớn lên giữa những người có học thức khác, chúng ta được nhìn thấy nhiều điều và nhiều cơ hội trong cuộc sống, chúng ta sẽ thấy rằng có nhiều hơn một cách để làm giàu.

Nhưng, những người kia có thể chưa bao giờ có được cơ hội ấy. Họ lớn lên ở những vùng quê đã hình thành nên một con đường: Muốn làm giàu, phải đi xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, chuyện đi xuất khẩu lao động tại Nhật Hàn, hay lấy chồng ngoại quốc, hay đi làm giúp việc tại Dubai, hay đi lao động tại Trung Quốc thường diễn ra theo khu vực. Ở một số vùng, số lượng người đi theo cùng một con đường thoát nghèo (dù ấu trĩ tới đâu) đông tới giật mình. Khi xung quanh chúng ta ai cũng làm một việc, thì tự nhiên ta thấy mình cũng nên làm, nhất là khi nhìn ra xa không thấy con đường nào tốt và dễ dàng hơn. Chúng ta thực ra cũng sống trong một quán tính y như vậy, chẳng qua chúng ta sống ở một môi trường khác họ.

Không phải ai đi Anh cũng chết hay là nô lệ mãi mãi, và những người “thành công” ấy, sẽ khiến những người khác cảm thấy họ cũng có thể làm được. Những kẻ làm cò mồi dụ dỗ họ lên đường cũng có đủ mánh khóe để họ tin rằng ra đi là cách tốt nhất và nhanh nhất để giàu có. Chúng có thể đóng vai là người đi lao động tại Anh, Hàn, Nhật trở về, quần áo xúng xính, nhà cao cửa rộng, lái ô tô tiêu tiền chẵn. Với những người sống ở nông thôn, đó là tất cả những gì họ cần để tin vào một giải pháp. Thật dễ để chỉ trích để mỉa mai người khác, nếu chúng ta không lớn lên và sinh sống trong điều kiện thiếu thốn thông tin của họ.

người đàn ông trên thuyền thúng

Ảnh minh họa

Tôi khó mà tưởng tượng được nỗi đau của cha mẹ Trà My. Nhưng tôi cũng biết ơn họ đã công khai tin nhắn và thông báo về trường hợp của con mình. Họ đã mở ra một cơ hội cho những người dân xung quanh nhìn rõ hơn vào bức tranh hiện thực, và giúp người ta có thêm một cơ hội cân nhắc trước khi nghe lời dụ dỗ của bất kì ai. Và tất nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta hiểu rằng hàng năm, có hàng trăm hàng nghìn người Việt đã được chất vào các thùng xe tải, dù bị cưỡng chế hay tình nguyện, trở thành nạn nhân của hiếp dâm, bóc lột, ngược đãi trên suốt cả hành trình từ Việt Nam tới Anh, và tiếp tục trở thành nạn nhân khi đã tới được Anh.

Nếu bạn có được một cơ hội để nói cho một người dân nghèo nào ở các vùng nông thôn về sự thật ấy, thì hãy nói ngay. Và đó là cách tốt nhất để giúp họ, chứ không phải là việc gọi họ là hám tiền hay ngu dốt.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh minh họa: Unsplash

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more