“Phòng” & “Chống” trong quản lý tài chính hậu đại dịch

Đăng ngày:

Ngày 8/4/2020, Bloomberg Economics đánh dấu con số 100% mức độ suy thoái của nền kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới, con số cao nhất kể từ khi Mỹ vừa vượt qua Đại suy thoái (Great Recession) vào tháng 6/2009.

Do ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu COVID-19, chúng ta phải đối mặt với sự xáo trộn trong cuộc sống và công việc hằng ngày, cũng như đang trải qua một thời kỳ kinh tế, tài chính đầy rủi ro. Giá dầu giảm, thị trường chứng khoán xuống dốc, ngân hàng trung ương phải ra tay, các dự án đầu tư bị ứ đọng và nhiều ngành nghề liên quan đến xuất nhập khẩu phải ngưng hoạt động. Nếu so sánh với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 hoặc tác động của dịch SARS năm 2003 – 2004, vào lúc này, tôi đang chứng kiến sự ảnh hưởng ở ngay bên cạnh mình, từ bạn bè, gia đình và cộng đồng tôi quen biết.

Gần đây, tất cả những gì liên quan đến coronavirus đều xoay quanh hai đề tài: Phòng và Chống. Vì thế, tôi muốn mượn lại hai góc độ này để nói về quản lý tài chính cá nhân.

LẬP KẾ HOẠCH (PHÒNG)

Luôn phải có kế hoạch riêng cho bản thân ở bất cứ thời gian, hoàn cảnh nào, dù nền kinh tế có thăng trầm ra sao. Mỗi cá nhân cần phải có ý thức và kỷ luật nếu bạn muốn tiến đến một mục đích tài chính nào đó dù xa (5-10-15 năm) hay gần (1-3 năm). Việc có kế hoạch cụ thể và đi theo định hướng đã vạch ra có thể giúp bạn đối phó với khủng hoảng như đại dịch lần này.

Ngoài các bước nêu ra dưới đây, tôi muốn nhấn mạnh hai trường hợp không nên xảy ra: overleveraging (quá nhiều nợ, nợ hơn khả năng trả), và overspending (chi tiêu hơn khả năng tự có). Đây là hai trường hợp sẽ đưa bạn lâm vào tình trạng xấu nhất khi có chuyển động trái chiều của nền kinh tế.

tài chính cách tiết kiệm

1. Quỹ khẩn cấp (Emergency fund)

Nên chuẩn bị 3 đến 6 tháng lương dự phòng cho “ngày mưa”. Hoặc đơn giản, khi lên ngân sách kế hoạch tháng, bạn có thể theo phương pháp 50-30-20. 50% vào chi phí cố định, 30% vào chi phí tùy tiện (discretionary) và 20% vào khoản tiết kiệm.

Khi tiết kiệm, phải luôn phát huy chức năng tự động hóa, để dòng tiền tự sinh sôi nảy nở, ví dụ như compound interest (lãi suất cộng gộp). Có rất nhiều máy tính miễn phí trên mạng giúp bạn tính toán compound interest. Nên nhớ, tiền tiết kiệm khác với quỹ khẩn cấp. Bạn có thể chia một phần tiền tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp, hoặc khi có lương tháng 13 hoặc các khoản thưởng thêm, bạn nên để vào quỹ khẩn cấp này.

2. Sức khỏe – Y tế

Bạn đã làm gì khi nghĩ đến sức khỏe của mình? Tôi nhớ có xem một đoạn phim ngắn ở Singapore, trong một buổi tiệc cưới, người cha cầm micro và chúc mừng hạnh phúc của con, kèm theo đó, ông nói thêm: “Cha mẹ có món quà cho hai con, cha mẹ đã tự mua bảo hiểm cho mình”. Ý nghĩa của đoạn phim này là gì? Sức khỏe của mình nằm trong tay mình, không thể nào là trách nhiệm của người khác, dù là con cái hay bất cứ thành viên nào trong gia đình. Nhất là trong thời điểm đại dịch như thế này, khi các sự cố rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tầm quan trọng của bảo hiểm được thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

3. Quỹ hưu trí

Khi 55 hoặc 62 tuổi, bạn sẽ sống như thế nào nếu thu nhập ổn định chấm dứt? Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho ngày đó. Vài chục, vài trăm hay vài triệu đồng một tháng tùy theo hoàn cảnh là bước đầu bạn có thể làm để tiết kiệm cho tương lai. Thời đại ngày nay, có rất nhiều cách “bỏ heo” với các mục đích khác nhau, thông qua tiết kiệm, đầu tư hay thiết lập ngân sách.

4. Cải tiến kỹ năng

Đặc biệt là những kỹ năng ngoài ngành bạn đã học và làm. Ví dụ, nếu biết thêm một ngôn ngữ, bạn có thể làm gia sư hoặc dạy online. Bạn sẽ không bao giờ biết được khi nào mình cần dùng tới những kỹ năng này và nó có thể giúp đỡ bạn như thế nào vào những lúc không ngờ.

5. Đầu tư

The New Savvy có “101 Guide” về đề tài đầu tư cho phụ nữ. Vì là đề tài có muôn vàn cách khác nhau, không một ai, kể cả tôi, có thể biết hết tất cả các sản phẩm và các kênh. Các bạn có thể tham khảo thêm.

Lời khuyên của tôi là bạn không nên đầu tư vào bất cứ kênh nào nếu bạn không bỏ thời gian ra tìm hiểu, học hỏi và đo lường mức độ chấp nhận rủi ro của mình. Đầu tư hùa, theo tôi, là cách đầu tư rủi ro nhất và cá nhân tôi không bao giờ chọn.

tài chính thời hậu đại dịch

VƯỢT TRỞ NGẠI (CHỐNG)

Sau khi vượt qua khủng hoảng kinh tế, chúng ta luôn có thêm những bài học hoặc phương pháp để ứng phó tốt hơn cho lần sau. Nhưng để vượt qua khó khăn trước mắt, chúng ta cần cố gắng tối thiểu hóa và hạn chế việc mất mát tài chính cá nhân trong thời kỳ kinh tế suy thoái.

1. Quỹ khẩn cấp (đã nêu ở trên)

Chắc chắn giúp được bạn trong khoảng thời gian này nếu chẳng may bạn bị mất nguồn thu nhập.

2. Tìm thêm kênh thu nhập mới (training, freelance, dạy học online…)

Đây là lúc các kỹ năng chuyên môn và ngoài ngành mà bạn đã chuẩn bị trong thời gian qua được phát huy.

3. Giảm thiểu chi phí tối đa

Chắc chắn bạn phải hy sinh các hoạt động yêu thích trong thời gian này. Đây cũng là lúc phải cắt lỗ (đối với những chi phí trả theo định kỳ), không nên tiếp tục giữ các khoản chi này. Bạn có thể mất hết và nếu phải dùng đến số tiền tiết kiệm, nó sẽ trở thành vấn đề lớn.

4. Các đầu tư đang có hoặc sẽ có

…phải giữ mức độ an toàn thấp nhất. Cắt giảm thua lỗ cho đầu tư không sinh lợi vào lúc này. Với quan điểm của tôi, vào lúc khủng hoảng, tôi sẽ không đầu tư. Vì mức độ chấp nhận rủi ro của tôi khá yếu nên tôi sẽ không đầu tư vì mục đích lướt sóng (speculate).

bí quyết đầu tư cho bản thân

• Xây dựng một CV hoành tráng.

• Tìm hiểu các cơ hội làm freelance, kể cả các cơ hội làm việc tình nguyện.

• Lên ý tưởng làm kinh doanh nhỏ lẻ và bắt đầu xây dựng nền tảng cơ bản dựa vào ý tưởng sẵn có. Kết nối với thật nhiều chương trình và mở rộng network với các nhà đầu tư tiềm năng.

• Tự học để phát triển kỹ năng mới. Với thời đại công nghệ, có hàng trăm thông tin miễn phí trên mạng nếu bạn quyết tâm tìm hiểu và học hỏi.

• Đừng quên sử dụng thời gian thật chất lượng với bản thân, gia đình và bạn bè. Sự sáng tạo sẽ đến khi bạn có một tinh thần vững chắc và không chùn bước bởi bất cứ lý do gì.

tài chính phương thức phòng chống

Tác giả: Chung Vũ Thanh Uyên từng được biết đến là Á hậu Áo dài 1995 và là thành viên tứ ca Ngẫu Nhiên cùng với Trương Ngọc Ánh, Trịnh Kim Chi và Minh Anh. Tuy nhiên, sau khi học về tài chính ở Mỹ và hoạt động trong ngành ngân hàng hơn 10 năm tại các nước châu Á, Thanh Uyên có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thanh toán quốc tế, tài trợ xuất nhập khẩu, ngoại hối và lưu ký cho các ngân hàng trong khối châu Á. Hiện tại, cô đang là đại sứ tại Việt Nam của The New Savvy.

Nhóm thực hiện

Bài: Mina chung

Stylist: Bùi Việt Hà

Ảnh: Lê Phạm Quang Khuê

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more