[ELLE Voice] Phương Nguyễn: Để đi đúng hướng và đi nhanh hơn

Đăng ngày:

Phương Nguyễn là Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Piktina, một nền tảng trao đổi, mua sắm thời trang đã qua sử dụng tại Việt Nam. Với nhiều kinh nghiệm và bài học quý báu tích lũy được trong suốt thời gian làm việc tại các tập đoàn và công ty công nghệ lớn trước khi bắt đầu Start-Up, chị tập trung vào việc xây dựng một đội ngũ vững mạnh, bắt đầu từ việc phát triển con người, để cùng nhau giải bài toán về thời trang bền vững.

Nền tảng kinh nghiệm từ các tập đoàn, công ty công nghệ trước đó giúp chị như thế nào trên con đường xây dựng start-up? Bên cạnh đó, có những khó khăn, thách thức nào chị phải đối mặt khi chuyển từ lĩnh vực công nghệ sang lĩnh vực thời trang bền vững?

Nhân sinh quan, thế giới quan của mỗi người được xây dựng từ những trải nghiệm và quan sát mà người ấy có được từ thế giới bên ngoài và bên trong mình. Dù giữ vai trò là một founder (nhà sáng lập), tôi vẫn suy nghĩ, hành động và đưa ra quyết định chủ yếu dựa trên kinh nghiệm cá nhân, do đó, những bài học mà tôi rút ra được từ những công việc trước đây đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng công ty hiện tại. Từ việc nhận diện vấn đề, đưa ra giải pháp, kiểm soát những biến số trong quá trình thực hiện và biết tận dụng các nguồn lực bên trong và bên ngoài để giải quyết vấn đề… Tôi nghĩ rằng kinh nghiệm không giúp chúng ta thành công nhanh hơn nhưng chắc chắn là nhân tố giúp chúng ta nhận diện rủi ro và sai lầm tốt hơn.

Thách thức lớn nhất của xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam nằm ở quy mô nhỏ, thiếu công nghệ dẫn đến giá thành cao. Tư duy của chúng ta đâu đó vẫn còn cục bộ, thiếu sự hợp tác, kinh nghiệm xây dựng thương hiệu một cách bài bản và khả năng kể những câu chuyện thương hiệu truyền cảm hứng. Ý tưởng kinh doanh của Piktina là sự kết hợp giữa công nghệ, thời trang và con người để góp phần cải thiện những hạn chế của ngành này ở nước ta. Chúng tôi quan niệm rằng thời trang bền vững là một xu hướng còn khá mới mẻ, nên được quảng bá trước tiên đến người trẻ, những con người cởi mở hơn với sự thay đổi. Tuy nhiên, hướng tiếp cận và cách kể câu chuyện thời trang bền vững nên được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thông qua những hành động thiết thực, dễ tham gia, như vậy mới có khả năng biến nhận thức thành tư duy, tư duy thành hành động, hành động thành thói quen. Do đó, chúng tôi chọn mô hình resale – mua đi bán lại. Resale là mô hình có khả năng nhân rộng và tính đến bây giờ là mô hình hiệu quả nhất về mặt chi phí khi thực hiện, so với các mô hình khác như redesign, recycle, repurpose.

Chị và đồng sáng lập Trịnh Thanh Huyền chia sẻ tầm nhìn chung như thế nào? Cả hai hỗ trợ nhau trong công việc ra sao?

Trước khi cùng thành lập nên Piktina thì chị Huyền và tôi đã có gần 4 năm làm việc cùng nhau ở start-up trước, có thể nói là cũng đã khá hiểu nhau và “chịu” được nhau. Nếu như tôi tập trung vào các mảng chiến lược, gọi vốn, quản trị thì chị Huyền tập trung vào việc kinh doanh, xây dựng thương hiệu và tăng trưởng. Cả hai đang bổ trợ cho nhau rất tốt.

Ở nước ngoài, việc xây dựng chương trình mentoring trong doanh nghiệp là khá phổ biến, nhưng hình thức này lại ít thấy ở Việt Nam. Chị nghĩ như thế nào về tầm quan trọng của việc xây dựng mạng lưới trao đổi, hướng dẫn và hỗ trợ giữa phụ nữ với nhau trong và ngoài doanh nghiệp?

Đúng là các chương trình, hệ thống mentoring ở Việt Nam chúng ta chưa thực sự phổ biến. Tôi nghĩ rằng việc này quan trọng cho sự phát triển của founder nói chung, dù đó là nữ hay nam, có kinh nghiệm hay mới khởi nghiệp lần đầu. Vì với mỗi mô hình kinh doanh và nhà sáng lập, ở mỗi giai đoạn, lại đòi hỏi những kỹ năng và kiến thức rất khác nhau để thành công. Tất nhiên founder có thể tự học, nhưng nếu có người hướng dẫn thì chắc chắn họ sẽ đi đúng hướng và đi nhanh hơn.

mentor trong doanh nghiệp

Cá nhân tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị làm mentor cho các bạn founder, có những người trẻ nhưng cũng có những người còn lớn tuổi hơn mình. Các vấn đề mà founder thường cần giúp đỡ là: kỹ năng xây dựng thương hiệu cá nhân, thuyết trình trước đám đông, kể câu chuyện của doanh nghiệp một cách có chủ đích; góp ý về mô hình kinh doanh, kế hoạch triển khai, quản trị con người/dòng tiền/doanh nghiệp cho đến gọi vốn. Nói chung, giờ đây founder không cần những lời khuyên chung chung kiểu “bucket list” đọc sách cũng ra nữa mà họ cần được phát triển bản thân và doanh nghiệp của mình dựa vào thực lực, điểm mạnh yếu của chính họ.

Tại nhiều công ty, mentor không nhất thiết phải là cấp trên. Mối quan hệ mentor-mentee có khả năng mở rộng và mang tính đồng hành nhiều hơn. Chị định nghĩa thế nào về một mối quan hệ mentorship?

Tôi nghĩ việc xem manager hay sếp của mình là mentor trong thực tế rất khó khả thi và ít khi xảy ra. Đó là vì khi chúng ta có một mối quan hệ công việc, dù muốn hay không, chúng ta cũng bị bao bọc bởi những kỳ vọng và phạm vi của công việc đó, việc trao đổi trở nên không dễ dàng. Mentor cũng nên là người có kiến thức rộng, không chỉ về chuyên môn mà còn về những thứ ngoài chuyên môn, có khả năng truyền tải chúng một cách dễ hiểu và nên là một hình mẫu thành công mà chúng ta muốn hướng đến, như vậy, họ mới có thể giúp ta được.

Tôi nghĩ mối quan hệ giữa mentor và mentee cũng giống như mối quan hệ giữa người đi tập gym và PT vậy. Bạn có một mục đích cụ thể khi đi tập gym và PT là người sẽ giúp bạn hoạch định lộ trình thực hiện. Mentor cũng vậy, họ nên là người hiểu con người của bạn, mục tiêu của bạn và giúp bạn hoàn thiện bản thân để chuẩn bị cho bạn tốt nhất trong quá trình chinh phục mục tiêu. Khoảng cách giữa khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công chỉ có chính bạn thôi, nếu bạn thay đổi thành công thì doanh nghiệp của bạn sẽ khởi nghiệp thành công.

Theo chị, đâu là những tố chất cần có của một mentor? Ở cấp độ cá nhân, chị thường truyền cảm hứng và khích lệ cấp dưới như thế nào?

Tôi nghĩ không có câu trả lời chung cho tất cả mentor, điều này tùy thuộc vào lĩnh vực mà bạn có thể mentoring. Tuy nhiên, những yêu cầu cần có để trở thành mentor cho start-up founder theo tôi nên là: kiến thức sâu rộng và được cập nhật liên tục; khả năng truyền đạt cho mỗi cá nhân một cách dễ hiểu, linh hoạt và mang tính thực hành cao; sự thấu cảm, kiên nhẫn, lắng nghe, tập trung cao độ vào mục tiêu. Cuối cùng, mentor nên là người đã trải qua và đạt được những thành công phù hợp với mục tiêu và con đường mà bạn lựa chọn.

Tôi không nghĩ rằng việc trực tiếp mentor ở môi trường công sở sẽ hiệu quả. Thay vào đó, tôi thường gửi cho các bạn những đầu sách, mẩu tin tức, bài học hay mà mình gặp hằng ngày nếu chúng có ích cho mỗi người. Mỗi khi có dịp tham gia trò chuyện với sinh viên, các nhóm cộng đồng, founder… tôi cũng khuyến khích mọi người trong công ty đi nghe để học hỏi thêm. Đây là cách mà tôi truyền cảm hứng cho các bạn một cách gián tiếp. Piktina cũng là một công ty nhỏ nên các bạn được tham gia sâu rộng vào quá trình xây dựng chiến lược và kế hoạch thực thi của công ty, qua đó, tôi hy vọng từng người có thể rút ra những bài học thực tiễn cho bản thân để sau này có thể xây dựng công ty riêng của các bạn.

Một trong những lời khuyên của chị về việc xây dựng start-up là tập trung xây dựng con người (đội ngũ) hơn là tiền bạc. Với chị, thế nào là một đội ngũ vững mạnh?

Một đội ngũ vững mạnh là một đội ngũ có thể tin tưởng lẫn nhau tuyệt đối, có chung một chí hướng và mục tiêu cuối cùng, có những chuyên môn và khả năng rất khác nhau nhưng lại chia sẻ quan điểm làm việc giống nhau. Bạn sẽ biết bạn có một đội ngũ như vậy hay không khi bạn không thể quán xuyến công việc trong một tháng mà mọi việc vẫn chạy “ngon lành”; hoặc khi công việc không thuận lợi, bạn buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn và bạn không ngần ngại chia sẻ những quyết định ấy với đồng đội của mình. Tôi dựa trên những suy nghĩ này để xây dựng con người ở Piktina.

mentor trong lĩnh vực thời trang

Có một ví dụ vui về hai kiểu leader: Có người khi rời đi thì team vẫn hoạt động vững mạnh; có người khi rời đi thì bộ máy cũng tan rã theo. Chị nghĩ đâu là sự khác biệt của hai kiểu leader này?

Ở Mỹ có câu: Hollywood có 2 minh tinh đều tên là Tom, khi Tom Hank diễn cho khán giả thì Tom Cruise chỉ diễn cho bản thân anh ấy. Với leader cũng vậy. Kiểu thứ nhất nghĩ đến sự tồn tại lâu dài của công ty còn kiểu thứ hay xây dựng cho sự tồn tại của bản thân người đó. Hai kiểu lãnh đạo này sẽ làm tất cả mọi việc theo những cách thức rất khác nhau.

Nếu là một mentor, chị muốn mentee sẽ học hỏi và áp dụng phong cách làm việc mà theo chị là tối ưu, được đúc rút từ kinh nghiệm lâu năm của chị; hay để họ tự khám phá, phát triển và sáng tạo phong cách làm việc của riêng mình, dù sẽ mất nhiều thời gian hơn?

Tôi nghĩ, con đường đến thành công của mỗi người sẽ rất khác nhau, khả năng học hỏi và thay đổi của mỗi người cũng khác nhau nên chắc chắn không thể áp dụng công thức của người này cho người kia được. Tuy nhiên, làm kinh doanh hay lãnh đạo cũng là một nghề và muốn thành công thì 80% yếu tố quyết định dựa vào những kỹ năng cơ bản mà ai cũng cần có. Mentor nên giúp bạn biết những kỹ năng ấy là gì và phải rèn luyện chúng như thế nào. Việc này giống như bạn đi học 12 năm đầu tiên của cuộc đời vậy.

20% còn lại sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của bạn ở từng thời điểm, từ đó, bạn mới biết con đường nào là phù hợp nhất để dẫn đến mục tiêu. Nếu chỉ nói “tôi muốn thành công”, chắc chắn không có mentor nào giúp được bạn cả. Bạn cần có những mục tiêu rõ ràng trong một khoảng thời gian nhất định, mentor sẽ giúp bạn hoạch định con đường tốt nhất trong hoàn cảnh cụ thể đó.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Hình ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more