[ELLE Voice] Thảo Nguyên – “Ngày nào cũng thấy may mắn vì đã chọn cưới người này”

Đăng ngày:

Thảo Nguyên là giảng viên trường đại học Kiến trúc TP.HCM, còn Trí Lê làm việc trong ngành công nghệ thông tin. Cả hai có một cậu con trai lém lỉnh và thường đăng ảnh cả gia đình đi du lịch cùng nhau. Đến bây giờ, hai vợ chồng vẫn gọi nhau bằng tên như thời còn đi học. Khi xuất hiện cùng nhau, giữa họ hiện lên một mối liên kết lạ kỳ: tương thông, tôn trọng và bình dị, có lẽ là kết quả của một tình bạn kéo dài 32 năm.

Anh chị trở thành bạn đời của nhau như thế nào?

Tôi và anh học chung từ lớp 2. Sau này, khi đã là vợ chồng, anh kể lại rằng vào khoảng lớp 5, trong lúc đang chụp hình giúp bạn thì tình cờ đụng phải tôi và cảm thấy tôi rất dễ thương (cười). Chúng tôi chơi chung trong một nhóm bạn thân từ cấp 1 đến cấp 3 nên rất hay gặp nhau.

Tốt nghiệp phổ thông, anh sang Mỹ du học và ở lại làm việc, giai đoạn này cũng gần 10 năm. Tôi thì học hết đại học ở Việt Nam rồi cũng sang Úc học cao học. Thời điểm tôi học xong cao học và về lại Việt Nam thì ở Mỹ đang khủng hoảng kinh tế nên anh cũng về Việt Nam. Lúc này, chúng tôi vẫn quý mến nhau nên đã chính thức hẹn hò. Đến nay thì hai vợ chồng đã làm bạn 32 năm, cưới nhau gần 12 năm và có một cậu con trai hơn 10 tuổi rồi.

Nhiều người thường do dự không dám thổ lộ lời yêu với bạn thân vì sợ nếu không thành sẽ mất luôn tình bạn hiện có. Chị có trải qua cảm giác đó không? Điều gì khiến cả hai quyết định đưa mối quan hệ tiến thêm bước nữa?

Cảm giác do dự này chắc không ai là không trải qua. Thông thường, chúng ta phải có chút quý mến mới làm bạn với một người nào đó. Tôi nghĩ, mối quan hệ của chúng tôi may mắn vì đúng thời điểm – 25 tuổi, gặp lại và cả hai vẫn rất quý mến nhau. Đã trải qua giai đoạn thanh xuân mỗi người một nơi khoảng 8 năm mà cảm giác quý mến vẫn ở đó thì cũng nên tiến tới. Hơn nữa, ngoại hình của anh cũng rất khớp với “gu” của tôi, anh lại hay nhìn tôi cười ấm áp nên tôi không thể từ chối được (cười).

Làm bạn một thời gian dài trước khi yêu, hai người hẳn sẽ có sự thấu hiểu nhất định và có thể nhìn nhận đối phương một cách khách quan mà không bị cảm xúc nhất thời chi phối. Nhiều người cho rằng đó là lợi thế của những cặp đôi may mắn có nền tảng từ tình bạn lâu năm. Chị nghĩ sao về điều này? Sự kỳ vọng dành cho đối phương có thay đổi sau khi chuyển từ tình bạn sang tình yêu?

Khi còn nhỏ, chúng ta sẽ quý mến một người thuần túy vì bản thân người đó, không bị những yếu tố khác như gia thế, tài năng… chi phối, nên tình cảm cũng dễ bền chặt hơn. Hiểu như vậy thì có vẻ tôi cũng đồng tình với ý kiến trên. Hai vợ chồng tôi đều có nhiều sở thích và chuyên môn khác nhau, chuyện gia đình thì cùng giải quyết nhưng thời gian riêng của mỗi người vẫn được tôn trọng tối đa như hai người bạn thân sống cùng nhà, có lẽ vì vậy nên kỳ vọng về đối phương không có gì thay đổi sau khi kết hôn.

vợ chồng bình dị

Nhưng nếu đã hiểu quá rõ về nhau thì liệu chuyện tình cảm có thiếu đi phần nào cảm giác mới mẻ?

Đối với chúng tôi thì ngược lại, càng sống chung càng thấy hợp nhau hơn, ngày nào cũng thấy mình thật may mắn vì đã chọn cưới người này.

Điều gì khiến chị cảm thấy cuốn hút nhất từ đối phương mà khi làm bạn đã không nhận ra?

Không phải là nhìn thấy sự cuốn hút từ đối phương mà là cảm thấy thích con người của mình khi ở cạnh người này nhất. Trước khi quen anh, tôi cũng có vài người bạn trai, tuy nhiên, chỉ có ở cạnh anh là tôi cảm thấy thoải mái và được là chính mình nhất.

Từ bạn thành người yêu, từ người yêu thành vợ chồng, trong từng giai đoạn, đâu là thứ duy trì sự gắn kết của cả hai?

Thông thường, khi một người có đối tượng hẹn hò hay đối tượng kết hôn, mọi người xung quanh sẽ hay hỏi thăm về ngoại hình, nghề nghiệp, thu nhập, gia đình… của người kia mà ít khi hỏi “bạn có hợp với người đó không?”. Tôi nghĩ, thứ kết nối mạnh mẽ nhất giữa hai vợ chồng chính là chữ “hợp”. Lúc còn làm bạn thì quý mến nhau vì nói chuyện hợp, sau khi đã thành vợ chồng thì làm gì chung cũng thấy hợp.

Trong chữ “bạn đời” đã bao gồm chữ “bạn”. Nhưng “bạn” trong “bạn đời” khác với “bạn” trong “bạn bè” như thế nào, theo trải nghiệm của chị? “Tình bạn” của anh chị đã thay đổi và phát triển ra sao từ trước khi yêu đến sau khi có con?

Đối với tôi, chữ “bạn” trong “bạn đời” và “bạn bè” chưa bao giờ có nghĩa khác đi. Tôi vẫn luôn xem anh là một người bạn mình quý mến từ nhỏ. Thực tế thì hai vợ chồng tôi vẫn xưng tên với nhau như lúc còn đi học. Chỉ khác là sau này, ngoài vai trò là một người bạn, anh còn là người nhà và người thân của tôi nữa.

Nếu đánh giá sự tương đồng và hòa hợp về sở thích, suy nghĩ, quan điểm sống… từ thang điểm 1 (thấp nhất) đến 10 (cao nhất), chị thấy vợ chồng mình ở thang điểm thứ mấy?

Chấm rộng rãi thì tôi cho 10 điểm, gắt chút xíu thì chắc là 9,5. Vì thật ra không ai hòa hợp với người khác được 100%, nhưng khi kết hợp thêm các yếu tố như sự thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau và biết điều nữa thì những chỗ chưa hòa hợp cũng đều có thể giải quyết được hết. Với tôi, sự hòa hợp này là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tất cả mọi thứ khác trong mối quan hệ giữa hai người.

vợ chồng của thảo nguyên

Anh chị thường dành nhiều thời gian để cùng làm việc gì với nhau nhất?

Một việc bình thường mà chúng tôi luôn làm cùng nhau là ăn chung với nhau. Tôi nghĩ bữa cơm nhà rất quan trọng, nó giúp mọi người thêm gắn bó và hiểu nhau hơn. Cuối tuần thì cả gia đình đều thích khám phá các quán ăn mới. 

Anh chị thường bất đồng quan điểm về chuyện gì? Và cách giải quyết sẽ là?

Sự thật là chúng tôi chưa từng cãi nhau suốt 12 năm kết hôn. Chắc do hai vợ chồng đều có đầu óc vận hành theo kiểu phân tích chứ không cảm tính nên nếu có bất đồng, dù rất khi ít xảy ra, cả hai sẽ ngồi xuống gạch đầu dòng xem ý kiến của ai có nhiều ưu điểm hơn và tìm cách giải quyết dựa trên những gạch đầu dòng đó.

Hai anh chị phân chia vai trò như thế nào trong việc chăm sóc và nuôi dạy con?

Tôi thường đóng vai hiền còn anh đóng vai nghiêm khắc hơn, nhưng cả hai vợ chồng đều thống nhất là phải tôn trọng và làm bạn với con. Tôi dễ thấy tội nghiệp con nên có chút cưng chiều còn anh thì muốn con tự làm mọi thứ. Dù anh hay la con nhưng lại rất chịu khó dành thời gian chơi với con.

vợ chồng cuae thảo nguyên trí lê

Chị suy nghĩ như thế nào về ranh giới giữa tình bạn và tình yêu?

Ranh giới giữa tình bạn và tình yêu sẽ thay đổi tùy vào từng trường hợp cụ thể. Có một số người vừa gặp là mình đã thấy rơi vào “friendzone” rồi, trong khi một số khác lại mang đến cho mình cảm xúc hơi mơ hồ (cười).

Chị có lời khuyên nào cho những người đang “cảm nắng” bạn thân mà không dám thổ lộ? Và có bí quyết nào để duy trì một “tình bạn” đẹp ngay cả khi cả hai đã thành đôi hay không?

Nếu có tình cảm thì nên thổ lộ, cho dù có nguy cơ bị từ chối. Nếu đó là người bạn thật sự thì tình bạn thì sẽ luôn ở đó, không mất đi đâu. Còn nếu chỉ vì thổ lộ mà bạn không chơi với mình nữa thì cũng nên tôn trọng quyết định của bạn. Để duy trì tình bạn hay một mối quan hệ thì quan trọng nhất là sự tôn trọng. Khi trong lòng mình nảy sinh dù chỉ một chút xem thường người kia thì mối quan hệ đã không còn tốt đẹp nữa rồi.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân 

Hình ảnh: NVCC

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more