Bắt đầu từ màn tráo đổi thân phận giữa Mi Rae – niềm tự hào của gia đình thực chất lại bị cô lập ở nơi công sở khi đi làm xa ở Seoul, và cô em gái Mi Ji – từng là vận động viên triển vọng nhưng nay đang lạc lối với chính mình sau tai nạn thời trung học, Our Unwritten Seoul đưa người xem qua những thăng trầm của hai chị em, cùng họ dưỡng lành nhưng vết thương lòng của người lớn. Đan xen là chuyện tình cảm nhẹ nhàng nhưng đầy rung động giữa Mi Ji (trong thân phận Mi Rae) với đồng nghiệp Ho Su (Park Jin Young); Mi Rae (trong thân phận Mi Ji) với chủ vườn dâu Se Jin (Ryu Kyung Soo) ở quê nhà Duson-ri.
Our Unwritten Seoul là tác phẩm được chấp bút bởi biên kịch Youth Of May (2021) – Lee Kang, một ngòi bút với biệt tài làm nên những câu thoại chạm đến đáy lòng. Cô đã vẽ nên một câu chuyện dịu dàng, như bàn tay nhẹ nhàng gỡ rối trái tim rối bời của những người luôn tự giày vò bản thân. Những tiếng nói nghi ngờ, phủ nhận giá trị bản thân – chúng ta đều tìm thấy lời giải đáp qua hành trình của các nhân vật chính.
Hãy cùng ELLE điểm lại những câu thoại để lại ấn tượng lâu dài nhất trong Our Unwritten Seoul.
1. “(Quả bóng này) bị bỏ đi vì nó hết hơi ư? Hay vì bị vứt bỏ mà mới thành như thế này? Mình sống thế này vì mình vốn dĩ đã như vậy? Hay mình thành ra thế này vì cách sống của mình?” – YOO Mi Ji
Trong bộ phim, Yoo Mi Ji – người từng ôm ấp giấc mơ trở thành vận động viên điền kinh – đã rơi vào tuyệt vọng sau một tai nạn bất ngờ buộc cô phải dừng luyện tập. Sự cố đó khiến cô mất phương hướng, trở nên quá sợ hãi để bắt đầu lại vì không muốn tiếp tục khiến mọi người và bản thân thất vọng.
Trong 3 năm sống thu mình tại quê nhà, chiếc bóng cả của chị cô, Mi Rae, một đứa trẻ học hành xuất chúng, hiện là nhân viên công ty lớn ở phố thị Seoul, bao trùm lên Mi Ji khiến cô càng thêm ngờ vực bản thân. Mi Ji nhìn thấy hình ảnh của mình trong quả bóng đá xẹp bên vệ đường trong một đêm đi bộ về nhà. Câu nói của Mi Ji là lời tự chất vấn và những bối rối về cuộc sống chán chường hiện tại: Là Mi Ji vốn là một quả bóng xẹp đáng vứt bỏ, hay do Mi Ji không tiếp tục bơm hơi cho quả bóng, để bản thân xuống dốc đến tình trạng hiện tại?
Cô rất nhanh chóng nhận ra: “Đó hoàn toàn là những lý do thảm hại. Mi Rae sinh ra đã là một quả bóng xì hơi – nhưng chị ấy vẫn sống sót”. Mi Ji nhớ về chị mình, một đứa trẻ sinh ra với những yếu điểm về thể chất, vẫn vươn mình lên để trở thành niềm tự hào của gia đình. Và Mi Ji biết, cô là người chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.
BÀI LIÊN QUAN
2. “Nếu hươu chạy trốn sư tử, nó có phải rác rưởi không? Nếu ốc mượn hồn trốn đi vì sợ bị ăn thịt, liệu nó có hèn không? Chúng chỉ cố gắng sinh tồn. Việc cháu trốn tránh cũng chỉ vì muốn tiếp tục sống. Dù nhìn có vẻ thảm hại, yếu đuối, thì mọi nỗ lực để SINH TỒN đều là một dạng dũng cảm” – Kang Wol Soon.
Những năm tháng ủ rũ của Mi Ji, có những khi cô tự giam mình trong phòng. Bà ngoại Wol Soon chưa từng trách móc. Đối với bà, Mi Ji chẳng qua chỉ là một con bướm đang ẩn mình trong chiếc kén – và sẽ có ngày vươn cánh bay lên bầu trời rộng lớn. Khi trò chuyện với Mi Ji, và nghe cô cháu gái trách cứ bản thân mình hèn nhát vì trốn chạy khỏi tương lai, bà Wol Soon khẳng định: Buông bỏ không đồng nghĩa với yếu đuối. Biết lúc nào nên dừng lại, nên nghỉ ngơi cũng là một việc đòi hỏi rất nhiều dũng khí.
Lời nói của bà cũng là thứ đem đến cảm giác an yên cho người xem, cho những người đang gồng mình chống chọi với guồng quay cuộc sống. So với việc chạy theo sự hoàn hảo, chinh phục mọi loại thử thách đặt ra để tiến lên, thì học cách chấp nhận bản thân và cùng sống với những phần yếu mềm cũng thật sự quan trọng.
BÀI LIÊN QUAN
3. “Ngày hôm qua đã qua đi, ngày mai thì chưa đến; hôm nay, vẫn là một điều chưa biết. Hãy sống cho hôm nay” – Kang Wol Soon.
Cũng chính trong cuộc trò chuyện đó, bà Wol Soon nhẹ nhàng xoa dịu trái tim đầy thương tổn của cô cháu gái quá lo lắng trước một tương lai vô định: “Ngày hôm qua đã qua rồi. Ngày mai thì chưa tới. Còn hôm nay, ta vẫn chưa biết điều gì sẽ đến. Hãy sống cho hôm nay”.
Nhờ lời nhắn nhủ của bà, Yoo Mi Ji cuối cùng đã có đủ can đảm để vực dậy bản thân. Mỗi sáng, cô bước ra khỏi cánh cửa từng khóa chặt chính mình, và lặp lại lời bà khuyên như một câu thần chú, cho cô thêm dũng khí để bước tiếp qua một ngày.
Chính câu nói này trở thành tinh thần chung cho cả bộ phim: Nếu cứ mãi lo lắng, bạn sẽ không bao giờ nắm bắt được cơ hội thay đổi tương lai. Nếu nhìn về phía trước quá mịt mờ, hãy tập trung cho hiện tại là đủ.
4. “Tôi nghĩ rằng những điều anh cho là điểm yếu của mình lại là thứ khiến anh mạnh mẽ và đặc biệt” – Lee Ho Su
Ở tuyến truyện khác, Lee Ho Su, người bạn thanh mai trúc mã của Mi Ji, gặp rắc rối ở nơi làm việc. Cấp trên mà Ho Su hết mực tôn trọng, luật sư Lee Chung Goo, lại muốn điều chuyển anh đến bộ phận khác. Luật sư Lee tin rằng mối quan hệ đồng nghiệp của hai người không còn ăn ý: “Tôi muốn giữ cậu bên cạnh vì những điểm mạnh của cậu, nhưng cậu lại ở cạnh tôi vì những khiếm khuyết của tôi”.
Luật sư Lee bị khuyết tật ở chân khiến anh di chuyển bằng xe lăn. Thứ mà luật sư cảm nhận được từ Ho Su là sự thương hại. Nhưng Ho Su khẳng định lại: “Tôi bị thu hút vì tôi nhìn thấy sự dễ tổn thương của anh, và tôi càng ngưỡng mộ anh vì điều đó”.
Trong mắt Ho Su, dù gặp khó, luật sư Lee vươn lên chính mình để trở thành một người xuất sắc, và đó là một điều đáng nể, không phải lòng thương hại. Đó còn là lời gợi nhắc cho những người xem: Không cần phải triệt tiêu điểm yếu. Mạnh mẽ tiến lên dẫu những bất cập mới là điều thực sự phi thường về con người.
5. “Nghĩ về quá khứ chỉ khiến ta tiếc nuối, nghĩ đến tương lai chỉ càng thêm lo âu” – YOO Mi Ji
Sau sự việc trên, Ho Su đã rời khỏi một công ty luật danh tiếng, để rồi liên tục bị từ chối khi đi phỏng vấn. Cuộc sống bận rộn đột nhiên ngừng lại, và những hoài nghi về bản thân bắt đầu ùa về trong tâm trí anh.
Đúng lúc đó, Mi Ji (trong nhân dạng Mi Rae), người đồng cảm với cảm xúc đó hơn bao giờ hết vì những ngày tháng trầm buồn của cô, đã đưa ra cho Ho Su lời khuyên đắt giá: “Thất nghiệp là một cuộc chiến với tâm trí bản thân và thời gian. Khi mọi người làm việc và cậu ở nhà một mình, cậu suy nghĩ quá nhiều. Và 99% suy nghĩ đó đều vô dụng. Nghĩ về quá khứ chỉ khiến ta tiếc nuối, nghĩ đến tương lai chỉ càng thêm lo âu”.
Lời nói của Mi Ji thật dễ đồng cảm. Con người cảm thấy khổ sở, chính vì không thoát được quá khứ, lại cứ mãi lo âu cho ngày mai. Chỉ khi sống trọn vẹn cho hiện tại, ta mới nhận ra phần lớn muộn phiền đều do chính ta tự gây ra. Có thể bạn cũng đang đối mặt với thử thách lớn trong đời tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng chỉ cần tiếp tục bước đi, cứ kiên trì rồi sẽ có lúc cơ hội đến. Tất cả những gì ta đã, đang và sẽ trải qua – đều là điều cần thiết để trưởng thành. Mọi thứ bạn cần rồi sẽ đến, vào đúng lúc nó nên đến.
6. “Nếu ban đầu bắt đầu với một thứ cực ngọt, rồi lại nếm được vị ngọt và chua thì ta chỉ thấy nó chua. Nhưng cuộc đời buồn cười lắm, cháu biết không? Giống như dâu tây ấy, kể cả bây giờ dâu có chua quá thì cũng làm được mứt hảo hạng” – Yeom Beon Hong
Đó là những chiêm nghiệm mà mẹ của Ho Su, bà Yeom Beon Hong, bảo với Mi Rae khi cô đang ở trong nhân dạng Mi Ji.
Khi ta đã quen với những điều ngọt ngào, êm ái (vị “cực ngọt”), thì dù sau đó có trải nghiệm gì đó vẫn còn tốt (vị “ngọt và chua”), ta lại chỉ chú ý đến cái “chua” – tức là mặt tiêu cực, khó chịu. Khi từng hạnh phúc, ta trở nên dễ thất vọng hơn với những điều vốn không hề tệ. Mà ta lại quên rằng, cuộc đời cũng giống như dâu tây, những vị chua sẽ tạo thành vị ngọt. Trải nghiệm cuộc đời có khó khăn, kém ngọt ngào, thì vẫn có thể biến thành một điều giá trị. Dẫu cuộc đời chẳng luôn ngọt ngào, thì cũng không có nghĩa là không thể tạo nên điều gì đó tốt đẹp.
7. “Tôi luôn nghiêm khắc với bản thân hơn bất kỳ ai – chỉ vì tôi là tôi. Nhưng tại sao, vào lúc cần được bảo vệ nhất, tôi lại chính là người tự tấn công mình? Phải đến khi sống như một người khác, tôi mới nhận ra: kẻ thù lớn nhất của tôi, chính là bản thân mình” – YOO Mi Rae
Trong những ngày sống tại quê dưới nhân dạng của Mi Ji, Mi Rae lần đầu tiên được lắng nghe những lời yêu thương dịu dàng mà cô chưa từng nhận về chính bản thân mình. Bà Yeom Beon Hong – mẹ của Ho Su – khi nhìn thấy bức ảnh Mi Rae trong nhà, đã dành cho cô những lời khen ngợi rằng cô là một đứa trẻ ấm áp. Chỉ một lời nói tưởng chừng đơn giản ấy lại trở thành sự an ủi nhẹ nhàng nhưng thiết tha đối với một Mi Rae đang hoài nghi chính mình sau thời gian dài bị cô lập nơi công sở. Khi cuộc sống vốn đã mỏi mệt, sự tự vấn không ngừng chỉ khiến cô càng thêm kiệt sức.
Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, không phải hoàn cảnh bên ngoài, mà chính những phán xét nội tâm mới là thứ khiến ta khốn khổ nhất? Câu thoại này trong Our Unwritten Seoul như một tấm gương phản chiếu nỗi xa cách giữa ta và chính mình – điều mà rất nhiều người trẻ đang âm thầm trải qua. Những lời tự nhủ tưởng như để cố gắng vượt qua nghịch cảnh, thực chất lại là tiếng chỉ trích khiến ta lún sâu hơn vào cảm giác thất bại. Đã đến lúc, thay vì nghiêm khắc, chúng ta học cách dịu dàng và bao dung hơn với chính mình.
BÀI LIÊN QUAN
8. “Có lẽ điều tôi cần không phải là một bản thân hoàn mỹ hay một cặp đôi hoàn hảo, mà là chúng ta – hai con người không hoàn hảo ôm lấy nhau, lấp đầy khoảng trống của nhau, trở thành một nửa đặc biệt của nhau” – LEE Ho Su
Ngay từ đầu, Our Unwritten Seoul đã có những con người không hoàn hảo. Mi Ji và Ho Su đều là những người từng vụn vỡ và cô đơn. Họ không tìm một người kiểu mẫu để bám víu lấy, mà tình cảm của họ đến từ sự không vẹn toàn, từ khả năng chấp nhận và nâng đỡ phần khuyết của nhau.
9. “Có những cuộc chiến trong đời mà ta đơn giản là không thể giành phần thắng. Nhưng tôi cũng hiểu rằng, sau mỗi cuộc chiến, dù thắng hay thua, ta luôn nhận được điều gì đó” – YOO Mi Ji
Chiêm nghiệm mở đầu tập 9 của Mi Rae là điều rút ra từ những năm tháng chiến đấu với bệnh tật. Sau này, tại nơi công sở, Mi Rae chứng kiến người đồng nghiệp Soo Yeon đứng trước những bắt nạt để bảo vệ lẽ phải, Soo Yeon đã không thắng và phải nghỉ việc. Nhưng chính hành động của cô đã thắp lên tia sáng trong lòng Mi Rae. Dù kết cục không thay đổi, Mi Rae được đưa đến tình huống hoán đổi thân phận với em Mi Ji, mà từ đó, một chương mới của cuộc đời cô mở ra. Mi Rae tìm thấy chính mình và một tình yêu được cô ví như tia sáng – Se Jin.
Mỗi ngày trong đời đều là một cuộc chiến. Có những cuộc chiến dễ dàng khiến ta mệt mỏi và quay đầu. Có những cuộc chiến chưa cần đánh cũng biết mình sẽ thua. Điều quan trọng không phải là tập trung vào phần thắng, mà ta sẽ luôn học hỏi được một điều gì đó khi vượt qua chính mình bằng những thử thách.
10. “Tôi nhận ra sau khi trải qua vài chương, cuộc đời không phải cuốn sách có kết thúc. Đó là cuốn sổ tôi phải tự điền. Dù trước mắt tôi có là trang trống, thì cũng không phải kết thúc mà là khởi ĐẦU, trang đầu của câu chuyện chưa viết về tôi” – YOO Mi Ji
Sau mọi thăng trầm, đó là điều mà Mi Ji chiêm nghiệm khi khép lại hành trình Our Unwritten Seoul. Mi Ji, một cô gái có cái tên với nghĩa “vô định” (unknown), từng cảm thấy những điều chưa biết trước trong tương lai chỉ đem đến tai họa cho mình, nay đón nhận trang trắng của cuộc đời bằng sự tự tin.
Cuộc sống khó mà tuân theo một cốt truyện có sẵn hay hồi kết cố định như trong một cuốn tiểu thuyết. Thay vào đó, mỗi người là tác giả của chính cuộc đời mình, và mỗi ngày trôi qua là một trang trắng chờ được viết nên bằng những lựa chọn, trải nghiệm và cảm xúc cá nhân. Mỗi trang đó mở ra một bước ngoặt mới, hoàn toàn do ta làm chủ. Hãy mạnh mẽ sống hết mình cho đến khi những trang sách cuộc đời bạn được lấp đầy bằng những dòng chữ hấp dẫn nhất. Cứ viết tiếp, cứ bước đến, và đừng sợ hãi tương lai.
Nhóm thực hiện
Bài: Audrey