Văn hóa / ELLE Interview

Trò chuyện cùng giáo sư thời trang Marie Genevieve Cyr từ trường Parsons – New York

Marie Genevieve Cyr, người mà tôi may mắn có cơ hội được phỏng vấn trong chuyến thăm ngắn hạn của chị tại Việt Nam, là giáo sư trẻ tuổi nhất tại trường thiết kế Parsons New York danh tiếng.

Marie Genevieve Cyr theo nghiệp giảng dạy kể từ năm 2010, tại Parsons School of Design. Trường thiết kế Parsons tại New York là nơi ươm mầm cho những tài năng thiết kế thời trang đương đại như Marc Jacobs, Alexander Wang, Anna Sui, Jason Wu, Donna Karan…  Nhà thiết kế trẻ Tom Trandt, người được chọn tham dự triển lãm thời trang International Fashion Showcase 2019 tại London vào tháng tháng 2 năm sau (nhờ sự hỗ trợ của tạp chí ELLE và British Council), cũng từng tốt nghiệp tại ngôi trường Parsons. Hiện tại Marie vẫn giữ vai trò là một trong những giảng viên chính tại trường. Bên cạnh đó, trong khoảng những năm gần đây, chị vẫn thường dành dịp nghỉ hè để du lịch, kết hợp công việc giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới.

Marie Genevieve Cyr đồng thời từng là tác giả của nhiều bài viết thuộc trang tin Bussiness of Fashion, nơi chị giới thiệu đến độc giả những bài nghiên cứu chuyên sâu về những biến chuyển của nền kinh tế ngành công nghiệp thời trang. Bên cạnh đó, những người hâm mộ cuộc thi thiết kế Project Runway cũng có thể dễ dàng nhận ra chị khi từng đoạt ngôi vị á quân của mùa thi đầu tiên tại Canada vào năm 2007.

Marie Genevieve Cyr

Giáo sư Marie Genevieve Cyr thuộc thế hệ 8X đời đầu. (Ảnh: Joseph Jagos/ @mr_kiwis)

Chào Marie, chị có thể chia sẻ đôi chút tới độc giả của ELLE về mối lương duyên của chị với thời trang và Parsons từ khởi điểm ban đầu?

Tôi đến từ Carleton-sur-Mer, một thị trấn nhỏ tại Canada, nơi tập trung nhiều dân cư có gốc Pháp tại tỉnh Quebec. Từ khi còn bé, tôi đã luôn yêu thời trang. Có lẽ điều này bắt nguồn từ việc nơi tôi lớn lên không có nhiều cửa hàng quần áo thời trang để mua sắm. Phải mất tận 6 tiếng đồng hồ để ba mẹ có thể đưa chúng tôi đến trung tâm mua sắm gần nhất. Lớn lên, tôi theo học chuyên ngành thiết kế tại trường cao đẳng Marie-Victorin ở thành phố Montreal. Tôi cũng từng có thời gian học ngắn hạn tại Anh, nơi tôi có cơ hội được làm nhiều công việc khác nhau liên quan đến lĩnh vực điện ảnh và thời trang. Sau đó tôi quay trở về New York để theo học thạc sĩ về chuyên ngành Lý luận thời trang. Tại thời điểm đó tôi còn làm việc với tư cách là trợ lý của hai nhà thiết kế Anna Sui và sau đó là Zac Posen.

Tôi vẫn yêu thích công việc của mình, cho đến một ngày trường Parsons chủ động liên hệ với tôi với mong muốn rằng tôi sẽ về để giảng dạy tại trường. Đây có thể nói là một bước ngoặt trong cuộc đời của tôi. Tôi luôn cảm thấy rất tự hào vì được giảng dạy tại trường Parsons.

Động lực nào để chị đi truyền dạy thời trang tới sinh viên ở nhiều nơi trên thế giới?

Tôi sinh sống tại New York và cố định tại đây khi có lịch dạy. Khoảng sáu năm về trước, trong kỳ nghỉ hè ở trường, tôi được mời đến những nước khác để dạy thông qua nhiều lời giới thiệu. Tôi vẫn duy trì điều này trong nhiều năm liền, vừa kết hợp du lịch để trải nghiệm văn hóa địa phương và giảng dạy thời trang. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được truyền dạy những kiến thức thời trang mới tới những sinh viên có niềm đam mê cho lĩnh vực nghề nghiệp này ở khắp mọi nơi.

Thật sự mà nói, việc học thời trang tại trường Parsons vô cùng đắt đỏ, vậy nên tôi nghĩ rằng tại sao lại không mang những kiến thức giá trị đó tới với những người thật sự muốn nó?

Marie Genevieve Cyr

Hình ảnh của giáo sư Marie Genevieve Cyr tại Trung Quốc (Ảnh: Joseph Jagos/ @mr_kiwis)

Chị đã tới Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để giảng dạy về tư duy sáng tạo thời trang. Với sự suy xét và trải nghiệm của mình, chị nghĩ gì về khả năng và tư duy sáng tạo của sinh viên thời trang Việt Nam?

Tôi đã nhiều lần đến giảng dạy tại Pháp và Trung Quốc trước khi nhận lời mời đến Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến thăm đất nước bạn. Thông qua những buổi học với sinh viên Việt Nam, tôi rất thích những gì mà các bạn sinh viên thể hiện. Theo quan điểm của tôi, các bạn sinh viên thời trang Việt Nam biết chú trọng nghiên cứu về phương cách và kỹ thuật trong việc tạo rập mẫu, xử lý chất liệu hay thiết kế phom dáng… điều mà tôi cảm thấy rất đáng hoan nghênh. Khi bạn luôn cố gắng trau dồi kỹ thuật tốt để hỗ trợ cho phần tư duy sáng tạo và cảm quan thẩm mỹ, thì đó là lúc bạn đang thật sự hoàn thiện để trở thành một NTK thực thụ.

Marie Genevieve Cyr

Marie đã đến giảng dạy tại Hà Nội và Hồ Chí Minh vào đầu tháng 7 vừa qua. (Ảnh: F.A.C.E Workshop)

Thật mừng khi chị đánh giá cao khả năng của sinh viên Việt Nam như thế, liệu rằng chị sẽ quay trở lại Việt Nam trong những lần sau để xem rằng các bạn đã phát triển như thế nào sau khi có cơ hội được tiếp nhận kiến thức từ chị?

Tôi sẽ rất mong chờ vào điều đó! Và thêm một lí do nữa là vì tôi rất thích ẩm thực Việt. Những món ăn bản địa có vị rất đặc biệt so với rất nhiều nơi tôi từng đến thăm trên thế giới. Tôi rất thích sự thanh mát và ngọt dịu trong vị nước dùng của một vài món ngon bản địa.

Chị có lời khuyên nào dành cho sinh viên thời trang Việt Nam trong việc cần phải làm gì nếu họ muốn vươn mình ra ngành công nghiệp thời trang thế giới, hay chỉ đơn giản là xin học bổng ở những trường thiết kế danh tiếng?

Điều tối quan trọng nhất là bạn cần phải nói được ngôn ngữ của đất nước muốn đến học tập hay làm việc. Tất cả những kỹ thuật cần phải thông thạo khi là sinh viên thời trang như may, thiết kế rập, xử lý chất liệu, vẽ phác thảo đều cần phải được trau dồi và hoàn thiện theo thời gian. Xây dựng một portfolio tốt (một dạng hồ sơ năng lực) cũng rất quan trọng. Một portfolio tốt không chỉ liên đới tới chuyên ngành thời trang, nó còn phải được mở rộng ra ở nhiều khía cạnh khác để giúp nhà tuyển dụng hay hội đồng thẩm định hiểu được năng lực và bạn là ai với tư cách là một cá thể sáng tạo độc lập trong thế giới nghệ thuật đầy sự cạnh tranh gay gắt. Hãy cố gắng để cô đọng portfolio của mình – liên quan đến quan điểm nghệ thuật và tư duy sáng tạo, thiết kế.

Bên cạnh đó, sinh viên thời trang cũng nên hiểu được tầm quan trọng của việc thực tập. Có rất nhiều những điểm bắt đầu trong ngành công nghiệp này. Chẳng hạn như việc trở thành trợ lý thiết kế cho những nhà thiết kế bản địa, đặc biệt là một ai đó có bề dày kinh nghiệm và chỗ đứng nhất định trong làng thời trang. Sinh viên thời trang cũng nên thử sức tại những cuộc thi thiết kế, dù là quy mô lớn hay nhỏ, bản địa hay quốc tế. Tôi vẫn hay nói điều này tới sinh viên của mình, rằng hãy chăm chỉ và tích cực theo đuổi giấc mơ của mình. Cố gắng vươn mình để trở thành một nhân tố sáng giá. Khi những người xung quanh nhận thấy tiềm năng của bạn, tất cả những cánh cửa và cơ hội sẽ tự động tìm đến.

Marie Genevieve Cyr

Đối với sinh viên thời trang, việc bộc lộ tính cách và sự sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân, cũng như có thể truyền tải mạch lạc được một câu chuyện xuyên suốt Portfolio là điều rất quan trọng. (Ảnh: F.A.C.E Workshop)

Gần đây, chị vừa công bố một bài nghiên cứu chuyên sâu China: Hyper-Consumerism, Abstract Identity (Thị trường Trung Quốc với chủ nghĩa tiêu dùng khổng lồ, nơi tạo ra những danh tính vô thực). Chị nghĩ điều này sẽ có ích gì cho thời trang Việt Nam, quốc gia có nhiều liên đới tới Trung Quốc?

Mọi thứ trong xã hội ngày nay đều có liên quan ít nhiều đến Trung Quốc. Đất nước này tiêu thụ thời trang nhiều như vậy bởi vì những nhà máy và xí nghiệp gia công sản phẩm thời trang lớn nhất trên toàn thế giới được đặt tại Trung Quốc. Đây là một trong những điểm mũi nhọn giúp tăng trưởng nền kinh tế tại đây. Nếu bạn thật sự quan tâm đến chủ đề này thì sẽ có rất nhiều điều thú vị để nghiên cứu. Tóm gọn, có ba cấp bậc được phân tầng rõ rệt trong ngành thời trang tại Trung Quốc. Đứng trên cùng vẫn là những thương hiệu thời trang cao cấp được du nhập từ phương Tây. Những thương hiệu thời trang nhanh hay còn được biết đến với tên gọi “thời trang may sẵn” thuộc phân tầng thấp nhất.

Là một nhà giáo, tôi dành nhiều thời gian để giảng dạy tại Trung Quốc; từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thành Đô đến Thâm Quyến. Nhờ đó, tôi có kết nối với rất nhiều với những nhà thiết kế trẻ đầy tài năng tại thị trường này. Họ đều là những cử nhân thời trang từ các trường thiết kế thời trang danh tiếng như Central Saint Martins hay Parsons. Sau tốt nghiệp, họ quay trở về Trung Quốc và thành lập thương hiệu của riêng mình. Có rất nhiều nhà đầu tư với tiềm lực tài chính lớn mạnh, sẵn sàng chi rất nhiều tiền để hỗ trợ những tài năng thiết kế trẻ đó. Điều này giúp phân định ra được phân tầng thứ hai trong ngành thời trang Trung Quốc. Tại Thượng Hải, có một tổ chức lớn với tên gọi “Laborhood”, là nơi được xây dựng để trở thành cầu nối cho những nhà thiết kế trẻ có cơ hội tìm cho mình được một nhà đầu tư thích hợp.

Theo xét đoán của tôi, ngành thời trang của Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng và phát triển theo hướng này trong một vài năm tới. Dù sao thì Việt Nam cũng gần kề Trung Quốc nên rất dễ để có thể tiếp cận đến nguồn nguyên vật liệu, công nghệ tân tiến, cũng như những nhân tố cộng hưởng khác nữa để phát triển.

Thời trang luôn phản ảnh cuộc sống. Chị có nhận xét gì về quan điểm 2018 là năm mà chính trị tác động rất nhiều đến toàn ngành thời trang? Từ việc tổng thống Donald Trump nhậm chức, chiến dịch #MeToo, sức lan tỏa và tuyên truyền của các chiến dịch ủng hộ quyền của cộng đồng LGBT… đều trở thành nguồn cảm hứng đến nhiều thương hiệu thời trang?

Theo dòng chảy lịch sử, chính trị vẫn luôn là một phần của ngành công nghiệp thời trang. Khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, tôi nghĩ sự kiện này đã khiến cộng đồng những người có cùng quan điểm chính trị trở nên gần gũi và quan tâm đến nhau hơn. Đã có rất nhiều những cuộc biểu tình diễn ra và nó dẫn đến kết quả là họ muốn thể hiện quan điểm của mình một cách liên tục và có sức lan rộng hơn, bằng việc mặc hay đem theo những vật phẩm có chứa đựng những thông điệp chính trị mạnh mẽ. Nhiều sinh viên thời trang của tôi tại Parsons cũng luôn rất quan tâm và lấy cảm hứng từ những sự kiện chính trị như thế.

Bạn có biết sự thay đổi lớn nào đang diễn ra trong ngành thời trang ở thời điểm hiện tại chứ? Genderfuild (giới tính linh hoạt) chính là khái niệm mà tôi nhận định là đang dần có những tác động đến tư duy sáng tạo của những người trẻ làm thời trang. Sự phát triển về nhận thức xã hội và tư duy cởi mở đã tạo tiền đề cho những nhà thiết kế dám phá bỏ những rào cản về định chuẩn giới tính bằng sự sáng tạo và mỹ cảm cá nhân. Theo tôi, đây là một sự thay đổi lớn. Ai trong chúng ta cũng có quyền tự do để thể hiện con người, tính cách, sở thích và thời trang là công cụ thiết thực để truyền tải điều đó. Trang phục lấy cảm hứng từ khái niệm Gender Fluid đã thay thế cho khái niệm unisex đã trở nên lỗi thời. Theo tôi, thời trang unisex vẫn còn quá nam tính và không còn phản ánh đúng thực trạng và sự phát triển của thời trang.

Một đồ án thời trang của sinh viên tại Parsons mà Marie trực tiếp giảng dạy. BST mang âm sắc và phom dáng lây cảm hứng từ tinh thần Gender Fluid mà Marie nhận định ở trên.

Chị nghĩ gì về thời trang bền vững và vai trò của nó trong tương lai?

Thời trang bền vững từng là một xu thế trong ngành công nghiệp này. Nhưng giờ đây, thời trang bền vững là tất cả. Bản thân thời trang bền vững chính là tương lai khi không có nhiều phương án khả thi nào thiết thực hơn nữa cả. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta đã sản xuất quá dư thừa sản phẩm thời trang; nhiều đến mức chúng ta cần phải có những biện pháp cứng rắn hơn trong việc cắt giảm. Truyền thông, báo chí và mạng xã hội nên được tận dụng triệt để để truyền phát những thông điệp tích cực, cũng như cung cấp những sự thật về vai trò quan trọng của thời trang bền vững. Tại Trung Quốc, chính phủ đã có những biện pháp rất cứng rắn để giảm thiểu ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất vải. Theo đó, nhiều công ty sản xuất denim hay cotton đã bị buộc phải nộp phạt trước khi bị đóng cửa vĩnh viễn vì không tuân thủ theo luật pháp đã được đề ra.

Nhân tiện khi nói đến chủ đề này, một môn đại cương quan trọng mà tất cả sinh viên năm nhất tại Parsons phải học là “Sustainable System” (Hệ thống bền vững). Tại Parsons, chúng tôi rất chú trọng việc hướng dẫn tư tưởng sống cho lớp người trẻ.

Câu hỏi cuối cùng, chị có hoạch định rằng sẽ tiếp tục công việc giảng dạy và truyền thụ kiến thức của mình tới nhiều nơi trên thế giới như những gì chị vẫn đang làm trong những năm sắp tới chứ?

Tôi được hỏi câu này nhiều lần trước đây. Ở thời điểm hiện tại, tôi cảm thấy hạnh phúc vì công việc giảng dạy. Trong tương lai, tôi nghĩ rằng mình sẽ muốn có một dòng quần áo thời trang riêng – một dòng thời trang thiết kế có quy mô nhỏ với những thiết kế duy mỹ, độc đáo và chỉ được sản xuất với số lượng có giới hạn. Thật lòng mà nói, tôi cảm thấy mình thiên về chất nghệ sĩ hơn là một người có khả năng làm kinh doanh.

Marie Genevieve Cyr

Quả thật, Marie Genevieve Cyr sở hữu phong cách thời trang đậm chất nghệ sĩ, mang dấu ấn cá nhân khác biệt. (Ảnh: Joseph Jagos/ @mr_kiwis)

Cảm ơn chị đã thực hiện cuộc phóng vấn thú vị và đầy cảm hứng này với ELLE Việt Nam!

Xem thêm:

Chà Mi: “Người mẫu châu Á ở thị trường quốc tế có lợi thế lớn về khuôn diện”

Dana Cohen – Người trẻ sáng tạo đeo đuổi thời trang bền vững

Nhóm thực hiện

Bài: Fellini Rose Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE Hình ảnh: Joseph Jagos/ @mr_kiwis/  www.josephjagos.com  Designer:  Subin Hahn/ Photography: Wesley Sun @wesleysunstudio
F.A.C.E Fashion Workshop
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)