Hành trình của hương

Đăng ngày:

Niềm hứng khởi khi tạo ra một mùi hương mới cũng giống như ngày chị háo hức theo dõi quá trình nhân đôi tế bào mô phôi qua kính hiển vi…

-000

Em ngửi thử cái này xem, thơm không? – đó là lời nói bắt đầu câu chuyện giữa tôi và chị Nguyễn Thị Lan Hương – Giám đốc Công ty Việt Phúc, nhà cung cấp sản phẩm chuyên dụng trong khách sạn. Tôi đến gần chiếc bàn làm việc của chị, lóa mắt bởi bao nhiêu chai lọ xinh xinh. Khi chị mở nắp lọ thủy tinh nhỏ xíu, một mùi hương thơm ngọt dịu dàng lan tỏa.

Rồi chị với tay lấy chiếc lọ khác, lần này hương thơm có vẻ hơi gắt và “mạnh mẽ” hơn. “Em có thấy mùi này có vị chua hơn không?” Tôi cười: “Ngọt thì em nhận ra, nhưng chua, thì… chưa. Thế đúng là trong mùi có vị hả chị?” “Có chứ!” – chị khẳng định. “Trong mùi có vị, cũng như trong vị đương nhiên là có mùi. Mỗi người đều có một tính cách, mùi vị đặc trưng, tùy theo cảm nhận của người khác về họ.

Nếu mix mùi cho em, chị sẽ chọn vani, lys, một ít tảo biển và dưa leo.”.

BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG MÙI HƯƠNG

Sản phẩm của công ty Việt Phúc là xà phòng, sữa tắm, dầu gội. những sản phẩm có hương thơm chuyên dùng cho hệ thống khách sạn. Ngay từ đầu, chị đã xác định đây là một thị trường ngách, có rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Thị trường thì hoàn toàn mới mẻ. Ngành sản xuất này đòi hỏi đầu tư lâu dài cho máy móc, công nghệ, bởi nó hội tụ nhiều ngành công nghiệp như nhựa, in, bao bì, hóa mỹ phẩm; ngay trong bao bì lại gồm những chất liệu khác nhau: bao bì giấy, bao bì nhựa. Vốn là dân Hóa – Sinh của ĐH Tổng hợp, mang trong mình niềm say mê khoa học và. “một cái mũi rất thính”, chị Hương đã bước vào nghề như thế. “Hội bạn chị vẫn bảo: Đi đâu thì nhớ đừng cho bà này đi theo, bà ấy mà hứng lên, không kiềm chế được, lại phân tích từ người sang mùi vị, rồi thành nói xấu mình thì nguy!” Chị hóm hỉnh kể. “Quan trọng là sự cảm nhận em ạ, những cái này rất khó để dạy được cho người khác. Nếu mình không say mê, không hứng thú với nó thì không thể làm được”. Chị Hương cùng đội ngũ của mình đã học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ thực tế sản xuất, từ thị trường, các đối tác trong và ngoài nước. Sau hơn mười năm, Việt Phúc dần lớn mạnh, hệ thống hiện có khoảng 100 nhân sự và một nhà máy với diện tích rộng 2 hecta tại Hưng Yên. Khách hàng của công ty gồm có các khách sạn và du thuyền lớn hoạt động trên địa bàn trải dài từ Hạ Long, Hải Phòng, Cửa Lò,

Hà Nội đến tận Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Huế.

Sắp tới, chị sẽ xuất khẩu mặt hàng cao cấp sang Nhật và làm outsource cho một số công ty nổi tiếng. Chị cũng đang phối hợp với Hội doanh nhân nữ Hà Nội (HNEW) gấp rút chuẩn bị dự án hỗ trợ các hộ gia đình, nhằm tận dụng các lao động thủ công đơn giản sau khi ruộng đất của họ được

quy hoạch vào mục đích sử dụng khác. Sản phẩm họ làm ra từ nhiên liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng nên rất thân thiện với môi trường. Chị tâm sự: “Lực lượng lao động này ngày càng đông cùng với tốc độ đô thị hóa nông thôn, nhưng cái mà doanh nghiệp cần thì họ lại thiếu, như kỹ năng về nghề nghiệp, tính kỷ luật, kỹ năng sống, ý thức vì cộng đồng. Vì thế, dự án sẽ phải được thực hiện lâu dài, có quy trình chặt chẽ để có thể nhân rộng dễ dàng”. Chị hy vọng dự án không chỉ tăng thu nhập cho người dân mà còn chuyển tải thông điệp sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Đó cũng là mong ước của một nhà khoa học khi bắt tay vào nghiệp kinh doanh.

NGƯỜI “PHỤC vụ CÁI ĐẸP”

“Trước kia, khi còn nghiên cứu Hóa – Sinh và làm luận án Cao học về Sinh lý người và động vật, chị có bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành một doanh nhân không?” – Tôi hỏi.

“Trong cuộc sống có rất nhiều điều “có thể”. Chị thấy vui và tự tin vì được sử dụng kiến thức nền cho công việc hiện tại.

Cái háo hức khi chở chuột bạch đi làm thí nghiệm rồi dán mắt vào kính vi hiển theo dõi quá trình tự nhân đôi của tế bào mô phôi ngày nào cũng giống với niềm hứng khởi mỗi khi bọn chị sáng tạo ra một mùi hương mới để giới thiệu với khách hàng” – Chị cười thật thoải mái khi nhớ lại kỉ niệm cũ. Chị còn có một lý do nữa để tự tin vào con đường mình đã chọn, đó là chồng chị cũng chia sẻ rất nhiều với công việc của chị, bởi theo như chị nói, “cả hai vợ chồng chị đều phục vụ cái đẹp”. Anh làm ngành kiến trúc – nên cảm quan về cái đẹp cực chuẩn xác. Những lúc cao hứng, hai anh chị chở nhau đi chụp ảnh, chụp thiên nhiên, cây cỏ, những cánh đồng lúa xanh mướt ở Láng Hòa Lạc ngày trước. Hai cô con gái của chị cũng giống mẹ nên rất gần gũi với thiên nhiên, một cô thích vẽ, còn cô kia ao ước trở thành nhà khoa học theo nghề của mẹ. Không có nhiều thời gian rảnh bằng những người phụ nữ khác, nên chị luôn dành những phút hiếm hoi của mình cho gia đình, gặp gỡ bạn bè, shopping và đọc sách. Đã từng có kinh nghiệm học tập và làm việc với đối tác Nhật, chị khâm phục tinh thần và ý chí vươn lên của họ. Chị đang cùng bạn bè và các chị ở HNEW quyên góp ủng hộ các nạn nhân sau trận động đất kinh hoàng 11/03 ở Nhật vừa qua.

Tạm biệt chị, tôi vẫn không hết tò mò về người phụ nữ làm hóa mỹ phẩm nhưng luôn hướng về thiên nhiên, người có tố chất của một nhà khoa học nhưng lại say sưa nói về nghệ thuật, và trên hết là doanh nhân thành công trong một ngành hàng đang rất cạnh tranh. Tôi lại náo nức nghĩ tới cái mùi mà chị đã hứa sẽ mix riêng cho mình và tự hỏi, không biết có phải là cơ duyên không nhỉ, khi tên của chị cũng là một mùi hương?!!

 

Nhóm thực hiện

Bài Hằng Nguyễn – Ảnh Xuân Bình

Phái đẹp ELLE
ELLE.VN

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more