Kai Đinh: Hãy để âm nhạc ôm lấy nỗi cô đơn của bạn
Là ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc được biết đến với nhiều dự án “âm nhạc chữa lành” tại Việt Nam, Kai Đinh đã đồng hành cùng chương trình Hopeful Horizon trong vai trò đại sứ. Ca khúc “Để tôi ôm em bằn giai điệu này” cũng được lựa chọn làm ca khúc chủ đề cho toàn bộ dự án. Trò chuyện với ELLE Việt Nam, Kai Đinh có nhiều chia sẻ sâu sắc về dự án cũng như hành trình “ôm lấy nỗi cô đơn của người khác” bằng âm nhạc của mình.
Tại sao Kai đồng ý tham gia dự án Hopeful Horizon? Theo Kai, vì sao đây là thời điểm mà những chương trình như Hopeful Horizon lại trở nên cần thiết?
Kai nghĩ là hầu hết những người làm việc trong ngành âm nhạc đều sẽ quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe tinh thần cho cả bản thân lẫn những người theo dõi và lắng nghe âm nhạc của mình. Vài năm trở lại đây, Kai cũng có xu hướng sáng tác và sản xuất những bài hát có thể an ủi và xoa dịu người nghe. Thế nên, khi được BTC của Hopeful Horizon chia sẻ về chương trình, Kai thấy đây là một cơ hội rất tốt để mình có thể đồng hành với nhiều người thông qua âm nhạc.
Thật lòng mà nói, Kai không chắc rằng có biết cách giúp một người bớt tổn thương về mặt tinh thần hay không, nhưng với bản thân Kai, âm nhạc đã giúp cho mình rất nhiều trong việc tự chữa lành, tự xoa dịu bản thân vào những thời điểm khó khăn. Tất nhiên, không phải ai cũng cảm thấy được an ủi bằng âm nhạc. Đối với những bạn đang cảm thấy tuyệt vọng ở một mức độ sâu sắc và rất khó để chạm tới, để giúp đỡ họ, những chương trình như Hopeful Horizon lại rất cần thiết. Thông qua chương trình, mọi người có thể tiếp cận kiến thức từ những chuyên gia, có sự giúp đỡ thiết thực hơn với nguồn lực hỗ trợ đa dạng như nền tảng SoftenMind, các ban ngành hay Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Khi mình có một cộng đồng lớn gồm tất cả những người quan tâm cải thiện sức khỏe tinh thần, không chỉ nghệ sĩ mà còn có chính phủ, trường học, các chuyên gia, các đơn vị truyền thông… thì sẽ ngày càng có nhiều người có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tinh thần hơn.
Có trải nghiệm nào khiến Kai đặc biệt quan tâm đến vấn đề này không?
Kai làm việc trong ngành nghệ thuật. Hầu hết bạn bè thân thiết hoặc thậm chí là đồng nghiệp đều từng trải qua những cơn sóng trầm cảm, tùy mức độ ngắn hay dài. Kể cả trước khi bắt đầu làm việc trong ngành này, ở tuổi niên thiếu, Kai cũng đã trải qua những trải nghiệm về trầm cảm rồi, chỉ là lúc đó mình cũng không biết gọi tên nó là trầm cảm.
Tuy nhiên, Kai nghĩ mình may mắn hơn những người khác vì mình có một nơi để bày tỏ, đó là âm nhạc. Mỗi nghệ sĩ sẽ có một phương tiện sáng tác, một nơi để giãi bày khác nhau, đó là phương thức để họ giải phóng năng lượng, giải tỏa cảm xúc. Thế nhưng, không phải ai cũng có may mắn như vậy. Điều này khiến Kai liên tưởng đến cuộc thi Breaking the Silence mà Hopeful Horizon tổ chức. Kai thấy việc phá bỏ sự im lặng để nói ra những cảm xúc và suy nghĩ của mình rất quan trọng, bởi vết thương trên người thì người khác thấy được, nhưng vết thương trong lòng nếu không nói ra thì người khác không thể biết để chia sẻ hoặc giúp đỡ được.
Theo Kai, làm sao để những người đang gặp vấn đề tinh thần có thể phá vỡ sự im lặng của chính mình để đi tìm sự giúp đỡ khi cần thiết?
Trong cuộc thi Breaking the Silence, có một dự án rất hay đã đạt giải 3 là Website Kể – trị liệu bằng phương pháp viết và thiền. Tác giả của dự án đã từng trải qua trầm cảm và bạn ấy đã cất giữ trong lòng rất lâu. Cuối cùng, chính việc viết ra những cảm xúc, suy nghĩ đã giúp bạn ấy rất nhiều trong việc chữa lành những tổn thương tinh thần. Thế nên, mọi người cũng có thể thử làm cách này xem sao. Viết ra những suy nghĩ của mình ít nhất sẽ giúp bạn hiểu được bản thân đang cảm thấy như thế nào, có thể gọi tên được những cảm xúc mà mình đang trải qua. Có những thời điểm mà quá nhiều thứ xảy ra cùng lúc, mình có thể vừa thấy giận, vừa thấy đau buồn, vừa thấy xót xa cho bản thân mà cũng vừa thấy bất lực, hãy cứ viết ra. Kể cả khi không có ai đọc được, chỉ cần viết cho bản thân đọc thôi cũng sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn là cứ chịu đựng trong im lặng.
Để tôi ôm em bằng giai điệu này đã ra mắt từ cuối năm 2022. Tại sao Kai chọn ca khúc này làm ca khúc chủ đề cho sự kiện mà không phải một sáng tác hoàn toàn mới?
Lúc chọn một ca khúc để làm bài hát chủ đề, Kai và team Hopeful Horizon cũng bàn với nhau xem có nên sáng tác một bài hát mới hay không. Tuy nhiên, Kai cho rằng bản chất bài hát mới hay cũ không quan trọng bằng thông điệp mà bài hát gửi gắm. Để tôi ôm em bằng giai điệu này có lợi thế là đã được rất nhiều khán giả biết đến. Bản thân bài hát gốc cũng đã có thông điệp chữa lành và an ủi. Để phù hợp hơn với chương trình Hopeful Horizon, Kai muốn thông điệp không còn ẩn dụ nữa mà sẽ có tác động trực tiếp hơn nên đã chỉnh sửa lời bài hát một chút.
Kai nghĩ rằng, khi một người có những trải nghiệm hoặc cảm xúc đau buồn, đôi khi họ chỉ cần một người lắng nghe sự im lặng của mình thôi, và bài hát có thể làm được điều đó. Tất nhiên, có thể nỗi buồn chỉ vơi đi đôi phần rất nhỏ, nhưng ít nhất họ cũng có cảm giác là mình không cô đơn, vẫn có một điểm tựa để neo vào. Suy nghĩ này vô tình lại rất phù hợp với thông điệp xuyên suốt của dự án là “Bạn không cô đơn”.
Kai mong sự kiện nói chung và ca khúc nói riêng sẽ có tác động như thế nào đến mọi người?
Kai nghĩ rất khó để một người thay đổi hành vi hay thay đổi cách suy nghĩ chỉ qua một bài hát. Mục tiêu của những dự án như Hopeful Horizon trước tiên là nâng cao nhận thức cộng đồng. Hiện nay, đa số người Việt Nam vẫn chưa cảm thấy việc đi tìm sự hỗ trợ về mặt tinh thần là điều bình thường. Nếu mình bị đau bệnh trên cơ thể, mình sẽ đi khám sức khỏe, được điều trị hoặc uống thuốc, đó là những việc hết sức bình thường. Thế nhưng, khi tâm hồn và tinh thần của mình gặp vấn đề, ví dụ như không thể kiểm soát kiểm xúc, gặp khó khăn trong việc thể hiện tình cảm, bị bắt nạt hoặc sợ hãi… mình lại không nghĩ rằng mình cũng có thể đi tìm sự giúp đỡ.
Thông qua dự án này, chúng tôi muốn nâng cao nhận thức cộng đồng với thông điệp “Bạn không cô đơn”, rằng đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ cho chính mình hoặc cho người thân của mình môi khi gặp vấn đề về tâm lý, ví du như gọi đến đường dây hỗ trợ 111 hoặc tìm sự tư vấn trên các nền tảng như SoftenMind. Nếu âm nhạc có thể là nơi an ủi của bạn, hãy tìm đến âm nhạc; nếu phim ảnh có thể giúp bạn cải thiện cảm xúc, hãy tìm đến phim ảnh; nếu nói chuyện với bạn bè có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn, hãy tìm đến bạn bè. Hãy nhớ, bạn không hề cô đơn.
Có điểm tựa tinh thần nào giúp Kai vượt qua nỗi cô đơn hay những thời điểm khó khăn về mặt tinh thần không?
Kai rất may mắn vì có âm nhạc, đúng nghĩa là “music save my life”. Vì trong những thời điểm khó khăn nhất của cuộc đời, chỗ dựa tinh thần của Kai luôn là những bài hát. Khi mình còn bé, chưa bắt đầu viết nhạc, điểm tựa tinh thần là những bài hát mà mình yêu thích. Hồi đó, Kai không hiểu vì sao khi nghe nhạc, mình lại cảm thấy được an ủi và được chấp nhận. Không biết mọi người nghe nhạc có cảm thấy như vậy không? Sau này, khi đã làm công việc sản xuất âm nhạc, thỉnh thoảng, Kai cũng trải qua những thời điểm mà mình mất động lực, không muốn làm gì nữa, thậm chí định từ bỏ, thế nhưng, khi nghe lại những bài hát mà mình từng thích, những ca khúc mình từng sáng tác, Kai lại được nhắc nhở vì sao mình bắt đầu con đường này, nó cho mình thêm hy vọng, thêm niềm tin là mình sẽ tiếp tục làm được. Kai mong mọi người cũng tìm thấy sức mạnh này trong âm nhạc.
Trong bài Để tôi ôm em bằng giai điệu này có câu “Tự mình sống cuộc đời của một người lớn”. Ý của Kai có phải là trưởng thành luôn đi cùng với nỗi cô đơn?
Không hẳn chỉ là nỗi cô đơn, Kai nghĩ trưởng thành luôn đi cùng với hai khía cạnh khác nhau. Vì một mình nên đôi khi mình sẽ cảm thấy rất cô đơn và muốn tìm kiếm sự đồng hành từ ai đó hay điều gì đó. Có người tìm đến công việc, có người tìm kiếm tình yêu, có người sẽ tìm về gia đình. Thế nhưng, khi trưởng thành, mình cũng sẽ hiểu được là, bản thân mình có những cảm xúc như thế nào thì người khác cũng có thể có cảm xúc tương tự. Vì vậy mà trong khi đi tìm sự hỗ trợ cảm xúc từ người khác, mình cũng sẽ để ý xem đối phương có đang gặp vấn đề cảm xúc của riêng họ hay không, liệu họ có đủ an ổn để hỗ trợ cho mình hay không.
Khi trưởng thành, mình sẽ biết khi nào cần đi tìm sự hỗ trợ tinh thần, và biết cách lựa chọn nhiều sự hỗ trợ tinh thần khác nhau để không phụ thuộc vào bất cứ ai. Cũng giống như khi mình thiếu tiền, mình đi mượn tiền của bạn bè, có những người rất muốn giúp nhưng họ lại không đủ tiền để cho mình mượn vậy. Đó là điều hoàn toàn bình thường. Trong cuộc sống, mỗi người đều có những lo toan riêng, không phải ai cũng có thể ở bên ta mọi lúc. Nếu hiểu được điều đó, mình sẽ dễ chấp nhận và không cảm thấy bị tổn thương hay bị bỏ rơi. Ở chiều ngược lại, mình cũng có thể hỗ trợ người khác trong giới hạn có thể mà không bắt ép bản thân phải hy sinh sự ưu tiên của mình.
Có một câu mà mọi người rất hay nói là “nếu bạn không yêu bản thân mình thì làm sao có thể yêu thương người khác”. Thế nhưng, Kai nghĩ rằng, văn minh loài người được hình thành qua việc giao tiếp. Đôi khi, người ta không thể biết cách yêu bản thân nếu như không yêu người khác. Đó là một hành trình hai chiều và mỗi người sẽ tự tìm cho mình một lộ trình phù hợp.
Từ một người cô đơn đến một người ôm lấy nỗi cô đơn của người khác, hành trình đó diễn ra như thế nào với Kai?
Khi bắt đầu sản xuất âm nhạc, Kai sáng tác cho bản thân mình là chủ yếu. Tất cả những ca từ, giai điệu do Kai thể hiện thường được viết cho chính Kai, hát về những tâm tư của mình, cách mình nhìn cuộc sống, nhìn thế giới. Kai đã từng đi qua những biến cố trong cả gia đình lẫn sự nghiệp nên có khoảng 2-3 năm, Kai không ra mắt bất kì sản phẩm nào. Rồi đến lúc Kai bắt đầu hoạt động âm nhạc trở lại, vẫn có rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp và khán giả dõi theo mình, ủng hộ mình. Thế nên, từ series Lofi và giai đoạn sáng tác Thế hệ tan vỡ, Để tôi ôm em bằng giai điệu này trờ về sau, Kai muốn hướng đến khán giả của mình nhiều hơn. Kai muốn chia sẻ với những người nghe nhạc và đã theo dõi hành trình của mình nhiều hơn là chỉ ôm ấp tâm tư của riêng mình.
Theo Kai thì có cần phải vượt qua được nỗi cô đơn của mình thì mới ôm ấp được nỗi cô đơn của người khác?
Lúc trước, Kai nghĩ là có. Ví dụ như thời điểm Kai viết ca khúc Tinh cầu cô đơn, Kai tin là tất cả mọi người đều nên tự học cách yêu bản thân mình trước. Thế nhưng, bây giờ, Kai hiểu rằng không nhất thiết phải chữa lành mọi thứ bên trong mình rồi mới có thể yêu thương người khác. Trong quá trình trưởng thành, chắc chắn ai cũng phải đôi lần sứt mẻ, không thể nào lành lặn 100% được, càng không thể đợi bản thân lành lặn hẳn rồi mới lại có thể đi yêu người khác. Nếu có thể chấp nhận rằng mình không lành lặn và người khác cũng như vậy thì chẳng có vấn đề gì cả, cả hai đều có thể san sẻ cho nhau. Đó có lẽ là một trong những thay đổi lớn nhất về mặt suy nghĩ và triết lý sống của Kai.
Kai thường có những suy nghĩ và chia sẻ rất sâu sắc, những điều này có được từ đâu?
Kai nghĩ đó đơn giản chỉ là kết quả của quá trình thực hành liên tục thôi. Bản thân Kai là người rất thích suy nghĩ. Từ khi bắt đầu có ý thức, khoảng 5-6 tuổi là Kai đã tự đặt ra những câu hỏi như “Tại sao mình phải được sinh ra?”, “Mình sinh ra để làm gì?”… Việc thích suy nghĩ sẽ cho mình nhiều thời gian để rèn luyện phản ứng trước những đổi thay trong cuộc sống, biết cách phản biện hoặc tìm thấy một góc nhìn, một cách nghĩ mới khi tiếp cận với những vấn đề khác nhau.
Kai từng nói rằng kiểm soát nỗi buồn cũng cần có kỹ năng. Kỹ năng đó là gì và được Kai rèn luyện như thế nào?
Kai không nghĩ là mình có thể kiểm soát cảm xúc. Rất khó để kiểm soát nỗi buồn, nhưng mình có thể kiểm soát cách mình thể hiện nỗi buồn với người khác. Khi còn bé, nếu mình buồn, mình chỉ mong được chú ý mà không quan tâm rằng việc thể hiện nỗi buồn của mình có ảnh hưởng đến người khác hay không, liệu họ có đang sẵn sàng để tiếp nhận hay không. Rồi khi chia sẻ với một người, mình muốn được đối xử như thế nào, liệu người ta có biết hay không. Nếu họ không biết mà mình cứ kỳ vọng họ phải làm đúng như ý mình, thì mình sẽ có cảm giác gì. Mình muốn được chú ý, mình muốn được an ủi nhưng mình lại không biết cách nói cho người khác biết rằng mình muốn được an ủi như thế nào. Thế rồi, khi không được như ý, mình lại nổi giận, lại buồn hơn. Sau này, Kai học được cách thể hiện cảm xúc của bản thân. Đó là một việc cũng cần phải rèn luyện và thực tập dựa trên việc quan sát cảm xúc mỗi ngày.
Trong tương lai, Kai có định phát triển sự nghiệp theo hướng âm nhạc chữa lành không?
Kai thấy phong cách âm nhạc và dạng năng lượng chữa lành này rất phù hợp với mình, nên Kai vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi những dự án tương tự. Đồng thời, Kai cũng sẽ cố gắng ra mắt nhiều sản phẩm hơn. Trong thời gian tới, Kai hy vọng có thể thường xuyên ra mắt album và EP để đáp lại tình cảm và sự ủng hộ của mọi người.
Kai mong người nghe nhạc sẽ tìm thấy điều gì đặc biệt trong âm nhạc của mình?
Thực ra, Kai không phải là người có quá nhiều tham vọng. Kai chỉ mong rằng, những ca khúc mình viết ra có thể trở thành “theme song” trong một quãng đời của ai đó. Khi họ đang yêu, khi họ buồn, khi họ chia tay, khi họ xa nhà, khi họ nhớ gia đình… trên mỗi đoạn đường, nếu những bài hát này có thể ở bên cạnh và an ủi họ, với Kai, vậy là đủ rồi.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành của Kai.
—–
Hopeful Horizon
Là dự án phi lợi nhuận được SoftenMind và WisdomViet khởi xướng với mục tiêu nâng cao nhận thức và ngăn ngừa hành vi tự tử, tự hại ơ thanh thiếu niên Việt Nam. Dự án gồm 3 hoạt động chính:
– Cuộc thi Breaking the Silence.
– Hội thảo tâm lý Hopeful Horizon.
– Gala trao giải Breaking the Silence.
Với sự tham gia của các chuyên gia có chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý, những người có sức ảnh hưởng và những bạn trẻ quan tâm đến vấn đề sức khỏe tinh thần, sự kiện Gala trao giải đã vinh danh những sáng kiến mang tính đột phá, góp phần giải quyết vấn nạn tự hại và tự tử ở nhóm thanh thiếu niên của các bạn trẻ tài năng trong cuộc thi Breaking the Silence. Song song đó, thông qua những chia sẻ thiết thực của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý, những chuyên gia truyền thông và ca nhạc sĩ Kai Đinh, buổi hội thảo Hopeful Horizon đã cung cấp những kiến thức hữu ích giúp phòng chống hành vi tự hại và tự tử ở độ tuổi vị thành niên, giúp xã hội và cộng đồng kịp thời hỗ trợ và bảo vệ con em của mình khỏi những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe tinh thần.
SoftenMind
Là nền tảng chăm sóc sức khỏe tinh thần, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý tại Việt Nam.
WisdomViet
Viện Đào tạo Tâm lý WisdomViet có sứ mệnh đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực tham vấn – trị liệu tâm lý chất lượng cao; nghiên cứu, sáng tạo và truyền bá ttri thức về Tâm lý học nói chung và Tham vấn Tâm lý nói riêng.
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: NVCC