Nhạc sĩ Việt Anh: “Đơn giản để vui mãi thôi!”

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 7/2016] Nhạc sĩ Việt Anh thì vẫn bẽn lẽn, vẫn khép kín trốn đâu đó trong thế giới riêng và sâu lắng như những bài hát anh viết cách đây gần 20 năm.

Hai mươi năm trước, những sáng tác của nhạc sĩ Việt Anh làm mưa làm gió Làn sóng Xanh (LSX), bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất thời bấy giờ. Những Dòng sông lơ đãng, Đánh rơi bên hồ, Những mùa hoa bỏ lại,… ăn sâu vào ký ức người yêu nhạc, bởi giai điệu tha thiết, bởi ca từ chất chứa thắt tim. Hai mươi năm sau, Việt Anh trở lại và tiếp tục gây sốt với Đồi thông, Ngày em xa quê. Trong khoảng giữa ấy, nhiều ca khúc của anh liên tục được các giọng ca tên tuổi thể hiện. Và người yêu nhạc thường xuyên nhắc nhớ nhạc sĩ Việt Anh với tiếng hát Thu Phương như một mối đồng cảm, thăng hoa đặc biệt trong âm nhạc.

Việt Anh, sau chừng ấy năm mới quyết định làm một liveshow cho riêng anh, dưới sự đốc thúc của bè bạn. Một người bạn của nhạc sĩ Việt Anh tiết lộ, chỉ cần mở lời thôi, bạn bè sẽ lao vào giúp chẳng nề hà. Nhưng Việt Anh không như vậy. Cho nên, bạn bè hay được, càng thương quý, càng muốn giúp.

Nhạc sĩ Việt Anh

Chuyến bay bất ngờ

Nếu tôi nhớ không nhầm, 2016 là cột mốc hai mươi năm bài hát đầu tiên của anh – “Người đi xa mãi” – vào Top Ten LSX, và anh thì vừa quyết định thực hiện liveshow đầu tiên trong sự nghiệp. Anh có thể nói gì cho một năm quá nhiều sự đặc biệt này?

Cuộc sống luôn có những chu kỳ lặp lại. Hẳn là, bạn cũng như tôi, rất nhiều lần trong đời cảm thấy như đang bắt đầu lại lần nữa. Biết đâu, đây có thể là chu kỳ mới của tôi? (cười).

Hai mươi năm trước, LSX là một dấu ấn lớn, có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đến người nghe mà còn cả với người hoạt động âm nhạc. Đó là thời đoạn đẹp nhất mà tôi từng chứng kiến bởi nó cộng hưởng nhiều yếu tố đưa nhạc trẻ lên thời hoàng kim. Nếu nói về con đường này, tôi cảm giác mọi thứ vẫn như mới hôm qua. Ngày ấy, tôi không có nhiều việc để làm. Ngoại trừ công việc trong ban nhạc Saigon Boys, tôi và nhóm bạn lang thang suốt, chán thì kéo nhau ra quán Carmen. Cứ nhẩn nha đi chơi, nhẩn nha làm những điều mình thích. Lúc ấy, thấy sao thời gian dài và rộng quá, cứ nghĩ tuổi trẻ là vô tận. Vậy mà, quay đi quay lại, đã hai mươi năm! Tôi đang cố gắng thích ứng với số tuổi thật của mình đấy! (cười lớn) Có những việc đòi hỏi sự chín chắn, trưởng thành nhất định, nhưng ngoài lúc ấy ra, tôi vẫn không khác gì so với ngày xưa cả.

Kể cả khi nhạc của anh được biết đến khắp nơi?

Bố mẹ tôi cũng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nên thuở nhỏ tôi được gặp nhiều nhạc sĩ mình yêu mến, hâm mộ. Thành công đến với họ hết sức gian nan, với những người theo dòng cổ điển càng vất vả hơn, có khi chết đi trăm năm sau mới được biết đến. Cho nên, tôi nghĩ, viết nhạc là việc hết sức nghiêm túc và sự thành công chưa bao giờ là dễ dàng. Nó là sự cộng dồn của nỗ lực từng ngày. Nổi tiếng không hẳn là thành công, quan trọng là mỗi ngày mình biết khả năng đến đâu để cố gắng. Tôi viết như một lẽ tự nhiên vì cần giãi bày. Nổi tiếng ai mà không mong nhưng lúc ấy thú thật tôi hoàn toàn không có ý thức. Tôi nghĩ có khi đến cuối đời các sáng tác của mình mới được biết đến cũng là chuyện bình thường. Rồi sáng tác của tôi được chú Bảo Chấn, anh Nguyễn Hà phối. Tôi vui vì bài của mình cũng được thâu âm, phát hành trên thị trường.

Cho đến một ngày, tôi nhận được lá thư ai đó gửi cho mình, bảo rằng thích bài Dòng sông lơ đãng. Rồi nhiều thư hơn trong ngày, tôi bắt đầu không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tại sao một người bình thường như tôi lại nhận được thư từ người yêu nhạc?

Tôi quyết định không được để điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Đương nhiên, tôi vẫn chịu sức ép. Làm sao để giữ nhịp sáng tác chứ không thể ba năm mới viết một bài như trước đó. Tôi luôn nghĩ đến sự tôn trọng người nghe nhạc của mình và cố gắng hết sức có thể nhưng tôi không phù hợp với sự gò ép.

Con đường đang rộng mở, Saigon Boys được biết đến như một ban nhạc độc lập, đâu là lý do khiến anh rời bỏ mọi thứ để ra nước ngoài?

Thứ nhất là tình cảm của tôi có sự thay đổi. Năm đó tôi 25 tuổi. Tôi muốn đi. Đi đâu cũng được, càng sớm càng tốt. Đúng lúc ấy, anh Việt Thành chơi bass trong nhóm tiết lộ hai tuần nữa đi định cư ở New Zealand. “Ồ, tại sao mình không đi nhỉ?”. Thế là tôi lao về làm giấy tờ, xong xuôi hết mới báo cho bố mẹ. Nguyên nhân thứ hai là tôi muốn học sáng tác bài bản hơn. Dù trước đó tôi cũng viết ca khúc nhưng tôi cho rằng viết tác phẩm mới thì cần đầu tư nghiêm túc và lâu dài. Tôi đã học trong nước một năm nhưng rất khó để theo lớp do hoạt động nhiều, hở phát ra là nghỉ học. Bên đấy ít việc nên sẽ dồn hết sự tập trung để học. Một tháng sau quyết định, tôi bay.

Chưa bao giờ dám bước ra khỏi ngạch cửa khi bố mẹ đi vắng, vậy mà anh sẵn sàng rời bỏ lớp bọc an toàn, nơi đất lạ, anh nghĩ gì? Có lúc nào anh muốn trở về để được vẫy vùng?

Nhiều người nói New Zealand rất buồn. Đúng là buồn thật nhưng tôi thích sự tĩnh lặng đó. Căn nhà đầu tiên tôi sống phải đi xe 45 phút mới đến trung tâm thành phố, mất thêm 10 – 15 phút đi bộ nữa đến trường. Hồi đó cước điện thoại rất mắc, internet thì không phổ biến. Ba nơi tôi thường lui đến là tiệm cà phê, cửa hàng băng đĩa và thư viện. Buổi chiều ở đấy, hiếm hoi lắm mới thấy một chuyến xe chạy qua. Có những ngày mây xám xịt, có những buổi chiều hoàng hôn rực rỡ, tôi ngồi ngắm mọi thứ và nghĩ thôi. Ừ thì, nếu không nghĩ thì biết làm gì? Tôi nghĩ, những năm hai mươi của mình trôi nhanh quá. Nhanh đến nỗi người sáng nay gặp mai đã không còn nhớ nữa. Nhiều thứ vội quá, mình không thể cảm nhận được. Trong khi ở đây, hút một điếu thuốc, uống một ly cà phê, tưởng mình có thể chạm vào được từng vòng khói, từng giọt cà phê. Tôi nghĩ về những điều mình sẽ làm. À, thật ra tôi không phải là người hay tính toán trước. Tôi sống thuận theo tự nhiên nhưng mục tiêu là phải học cho xong. Tôi chưa bao giờ hối hận về lựa chọn của mình. Chỉ tiếc là nếu có ai đó tư vấn, tôi đã có thể tập trung vào những môn cần học và hưởng thụ tuổi sinh viên.

Nhạc sĩ Việt Anh

“Quên được không những điều ta chưa bao giờ?”

Vậy tình yêu anh dành cho Đà Lạt trong rất nhiều bài hát nhen nhóm tự lúc nào?

Tôi đến Đà Lạt lần đầu tiên khoảng mười mấy tuổi. Khác hẳn với Hà Nội hay Sài Gòn, Đà Lạt cho tôi sự yêu mến rất sâu, không lý giải được. Cũng giống như khi bạn yêu sâu đậm một ai đó, hỏi lý do thì biết đâu mà trả lời. Yêu là yêu thôi! Rồi hình như, run rủi thế nào, bà xã của tôi cũng là người Đà Lạt. Khoảng thời gian ở nước ngoài, tình cờ đọc gì đó về Đà Lạt hoặc bất chợt nhớ đến, tôi lại nghe trái tim mình nhói lên nỗi nhớ nhung, yêu thương lạ lùng. Đến bây giờ, tình cảm ấy vẫn không hề thay đổi.

Người ta thường nhắc anh và Thu Phương như một sự đồng cảm kỳ lạ trong âm nhạc. Hẳn là những bài anh viết cho Thu Phương cũng ít nhiều mang tâm sự của chính anh…

Âm nhạc với tôi là nhật ký tâm lý qua từng giai đoạn, cho dù viết cho ai, về ai, đều có hình ảnh cá nhân mình trong đó. Nó không có sự rạch ròi rằng, câu này cho anh, câu này cho tôi nhưng nó phản ánh khá rõ cảm xúc và suy tư của người viết. Những điều tôi nghĩ trong cuộc sống đều không thể giấu được trong âm nhạc. Người bản lĩnh có thể nói những điều cần phải nói, còn tôi thì không. Tôi chọn cho mình cách sống hết sức tự nhiên. Tôi không cố để sâu sắc, không cố để khiến người nghe phải xúc động hay lãng mạn gì đâu. Tôi đơn giản chỉ là viết lại những gì tôi cảm thấy, tôi đang trải qua, trong thời điểm ấy mà thôi…

Mỗi nghệ sĩ đều có thế giới của riêng họ. Thế giới ấy có thể nhìn thấy hoặc không. Tôi cũng có thế giới của riêng mình. Nó không u tối, không có lớp mặt nạ nào hết mà chân thành. Tôi sống trong thế giới ấy trước 10 tuổi, ở nhà một mình và đánh đàn. Khi bố mẹ chuyển vào Sài Gòn, tôi lúc ấy còn nhỏ quá để hiểu sự khác biệt hay cú sốc văn hóa như sau này người ta gọi. Chỉ là, tôi mất một khoảng thời gian khá dài để thích nghi từ cuộc sống ở khu tập thể ngoại ô Hà Nội qua khu tập thể ở một đô thị nhộn nhịp. Và, tôi lại nương náu vào thế giới đó. Âm nhạc khiến mọi thứ trở nên hài hòa và ổn thỏa.

Anh đã đi một chặng đường đủ chín chắn và thành quả để nhìn lại. Nếu thời gian quay ngược, anh muốn thay đổi điều gì?

Trong cuộc sống của mình, tôi đã làm tổn thương rất nhiều người, đối xử sai nhiều thứ. Thường thường đấy là sự vô tình, nhưng cũng có khi là do tình thế bắt buộc. Như tôi từng viết: “Quên được không những điều ta chưa bao giờ?”. Những nuối tiếc, có lúc nhiều, có khi một vài điều, nếu có thể nói được lời xin lỗi thì rất tuyệt vời. Còn nếu không thì cũng là điều phải chấp nhận, vì cuộc đời xứng đáng để yêu cả những điều không trọn vẹn… Ai cũng có những nuối tiếc, ai cũng muốn khi mình ra đi sẽ được thanh thản nên hãy cố để niềm vui nhiều hơn là được. Tôi thường nhớ đến căn phòng xám xịt của mình vào mùa Đông ở New Zealand. Niềm vui đôi khi đơn giản là mong một ngày nắng lên, mang quần áo ra phơi. Tôi nghĩ, tốt nhất mình nên đơn giản để vui mãi thôi. Một ngày vui chừng 5 lần là được. (cười) Không phải lúc nào mình cũng thế được, nhưng mỗi lần nhớ ra, tôi đều cố làm cho cuộc sống của mình tĩnh lặng lại.

__

Xem thêm:

Triển lãm “Tôi là ai” của họa sĩ Nguyễn Minh Châu

Nhật kí của danh họa Nguyễn Phan Chánh

Những tác phẩm xuất sắc nhất trong 3 tuần đầu cuộc thi “Cảm Tác Hoa Hồng Takashimaya”

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more