Những ngôi sao phương đông

Đăng ngày:

(Phái đẹp – ELLE) Các NTK Châu Á Mang đến sắc màu đa dạng và thiết kế độc đáo vượt thời gian mà cho đến tận ngày hôm nay, những người yêu thời trang vẫn phải ngả mũ bái phục

Khi bàn đến thời trang quốc tế, giới mộ đạo không thể không nhắc đến tên tuổi các nhà thiết kế Châu Á như Kenzo, Issey Miyake, Anna Sui, Vera Wang, và gần đây nhất là Alexander Wang, Jason Wu, Richard Chai… những người đã đóng góp không ngừng cho vẻ đẹp, sự sáng tạo của các mẫu thiết kế cũng như xu hướng luôn thịnh hành trên sàn diễn thời trang thế giới. Chính những bộ óc đến từ phương Đông đã phá vỡ định kiến, rào cản, cũng như quy luật khắt khe, cổ hủ của thời trang châu Âu và thay vào đó là vẻ tinh tế của chi tiết, lãng mạn của đường cắt và sự lạ lùng của những họa tiết, kiểu dáng đậm chất Á Đông.

1

Cuộc xâm chiếm của các NTK châu Á

Từ khoảng thế kỷ thứ hai trước công nguyên, con đường tơ lụa nối liền Châu Á với châu Âu qua Trung Đông, mở ra sự giao thoa rộng rãi trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là thời trang. Tuy nhiên, cho đến giữa thế kỷ 20, các tên tuổi thiết kế châu Á mới thực sự để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ. Họ mang đến sắc màu đa dạng và thiết kế độc đáo vượt thời gian mà cho đến tận ngày hôm nay những người yêu thời trang vẫn phải ngả mũ bái phục.

Có thể nói rằng thế hệ đầu của các nhà thiết kế Châu Á chính thức ra mắt làng thời trang Châu Âu vào những năm 80. Tokio Kumagai, Rei Kawakubo, Kenzo, Yohji Yamamoto, Issey Miyake… đã đưa bộ kimono truyền thống ra khỏi biên giới Nhật Bản. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn khai sinh ra nhiều “ngôn ngữ”, định nghĩa mới cho thời trang. Trong show diễn tháng 10/1982, Kawakubo và Yamamoto đã trình diễn BST “ăn mày” với những lỗ thủng lỗ chỗ, đường may chắp vá và rộng thùng thình thay vì xu hướng bó sát kiểu phương Tây. Nhiều nhà phê bình đã đón chào một cách đầy hồ hởi sự mới lạ này. Họ nhận ra rằng tính quốc tế của thời trang không đơn giản bắt nguồn từ văn hóa Châu Âu. Miyake thì lại khiến cả thành phố New York phải tròn mắt với BST mang tên “Tattoo Body”. Những mẫu thiết kế bó sát trên nền vải thun in họa tiết nghệ thuật được Miyake xem như làn da thứ hai của con người. Những năm sau đó, trang phục xếp nếp in họa tiết to đầy màu sắc với ý tưởng từ chiếc quạt Nhật Bản bùng phát thành một xu hướng mới của thời trang. Cho tới ngày hôm nay, khăn lụa xếp nếp in hoa vẫn được ưa chuộng tại nhà Hermès. Điển hình phải nói đến BST giày của nhà thiết kế Tokio Kumagai, một trong những sáng tạo độc đáo nhất của thế giới thời trang. Từ những đôi giày được bao phủ bằng gạo nếp và đậu đen, giày cao gót bọc kem và đường gây “xúc động” vị giác cho đến giày “mạ” giăm bông. Khi chiêm ngưỡng các mẫu giày này, người xem ngay lập lức liên tưởng đến trang phục giăm bông thịt của cô nàng Lady Gaga tại giải MTV Video Music Awards 2010. Ý tưởng thời trang của Tokio đã được Lady Gaga đưa trở lại sau 26 năm kể từ khi ông ra mắt BST giày của mình tại Paris.

2

Khẳng định tài năng

Bên kia bờ đại dương vào những năm 1990 là Anna Sui và Vera Wang, hai nhà thiết kế Mỹ gốc châu Á. Nếu các nhà thiết kế châu Á trong những năm 1980 chịu ảnh hưởng lớn từ phong cách lãng mạn của Paris hoa lệ, sức sáng tạo của họ được thoải mái “tung hoành” trong thiết kế và những show diễn ấn tượng. Thì một thập kỷ sau họ đã hòa nhập vào sự phát triển mạnh mẽ của dòng thời trang may sẵn, ứng dụng mà nước Mỹ là nơi khơi mào. Anna Sui và Vera Wang đều thành công trong việc xây dựng, quảng bá và đẩy mạnh tên tuổi thành thương hiệu mang tính toàn cầu. Dòng máu Á Đông đã giúp Anna Sui trở nên nổi tiếng tại Nhật Bản với nước hoa, mỹ phẩm, giày dép, thời trang và búp bê. Còn Vera Wang, kinh nghiệm lâu năm và mối quan hệ sâu rộng sau thời gian dài làm việc tại các tạp chí thời trang lớn, đã giúp thương hiệu của bà gắn với các ngôi sao Hollywood. Vera đã biến giấc mơ của người phụ nữ trở thành hiện thực nhờ những mẫu váy cưới đẹp lộng lẫy và thanh lịch. Sau Sex and the City, tên tuổi Vera Wang hiện diện khắp mọi nơi và được xếp ngang hàng với Christian Dior, Dolce & Gabbana, Carolina Herrera…

3

Thời của châu Á

Bước sang thế kỷ 21, thế giới thời trang đã có nhiều dịch chuyển đáng kể. Bên cạnh những “sàn diễn” kinh điển tại New York, Milan, London, Tokyo và Paris, thế giới thờitrang còn có những show nóng bỏng không kém tại Rio de Janeiro, Bắc Kinh, Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore, Delhi… nơi những tài năng mới tỏa sáng và được phát hiện.

Có lẽ hơn bao giờ hết, sức ảnh hưởng của Châu Á trong lĩnh vực thời trang đang ngày càng lớn mạnh hơn bao giờ hết, giống như một chiếc vòi rồng lan tỏa mạnh mẽ và cuồng nhiệt. Đơn giản có thể bởi vì nền kinh tế phát triển vượt bậc tại Châu Á và Trung Đông đã khiến các đế chế thời trang phải cựa mình chuyển hướng trước một Châu Âu có sức mua giảm sút. Anna Sui từng tâm sự: “Thế hệ của chúng tôi, người ta thường bảo dở hơi hay sao mà làm thiết kế thời trang. Sao không dành thời gian học làm bác sĩ? Còn giờ đây, các bậc phụ huynh Châu Á lại khuyến khích con em mình chuyên tâm vào lĩnh vực sáng tạo này”.  Các nhà thiết kế trẻ như Jason Wu, Alexander Wang, Richard Chai, Derek Lam, Phillip Lim… thừa hưởng văn hóa Á Đông và tiếp thu nền giáo dục tân tiến của Mỹ đã sử dụng New York như một bệ phóng cho tên tuổi của mình vươn ra toàn cầu. Điển hình là trường hợp của Derek Lam. Sau khi vinh dự nhận giải thưởng danh giá của Hội đồng Thời trang Mỹ cho thiết kế phụ kiện năm 2007 và tham gia phát triển dòng thời trang, phụ kiện cho Tod’s, anh đã không khỏi ngỡ ngàng khi phát hiện tên tuổi của mình đã tỏa sáng từ lâu tại Bắc Kinh và Thượng Hải.

4

Tỏa sáng trên bầu trời thời trang

Điều đặc biệt ở những nhà thiết kế trẻ của ngày hôm nay chính là họ đã xóa nhòa ranh giới giữa văn hoá, tầng lớp, chính trị và nghệ thuật. Hay nói một cách khác, họ mang trong mình sức sáng tạo và ngôn ngữ toàn cầu. Alexander Wang liên tục trình làng BST với nhiều chi tiết thú vị bằng cách kết hợp trang phục thể thao với phong cách phố xá bụi bặm như áo khoác bóng chày trên chất liệu lụa sờn, quần short lưới thể thao, váy nhung với khóa kéo và túi hộp – những thiết kế mà thế hệ trước như Ann Demeulemeester, Helmut Lang đã đề cập đến nhưng chưa thể làm được. Trong khi đó nhà thiết kế Đài Loan Jason Wu lại có vinh dự “chỉnh trang khăn áo” cho đệ nhất phu nhân Michelle Obama trong những ngày lễ trọng đại. Những thiết kế của anh luôn được thể hiện trên các chất liệu sang trọng, đắt tiền nhưng không hề gò bó và già cỗi.

Liệu có ai biết được Karl Lagerfeld sẽ trở thành “khối óc” của một trong những thương hiệu hàng đầu, khi còn học việc tại nhà Pierre Balmain… Và nay, với những nhà thiết kế mang dòng máu Á Đông như Kenzo, Issey Miyake hay Vera Wang, ai có thể dự báo được những thành công và trở ngại của những tài năng trẻ đầy triển vọng này? Có một điều chắc chắn rằng “cơ” đang nằm trong tay các nhà thiết kế Châu Á. Điều quan trọng nhất vẫn là những bộ óc thông minh và nhanh nhạy sẽ biết cưỡi sóng vượt đại dương, khuyếch trương tên tuổi của mình tại những bến bờ xa hơn, rộng hơn.

5

Bài H.A

PHÁI ĐẸP – ELLE

ELLE.VN

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more