Anh có nghĩ rằng tình yêu ở các đô thị lớn, đặc biệt là Sài Gòn, luôn có nét đặc trưng riêng?
Khi quan sát cuộc sống ở Sài Gòn, tôi thấy một nét đặc trưng rất thú vị, đó là sự “thoải mái”. Sự thoải mái không chỉ hiện diện ngay trong nhịp sống mà còn len lỏi vào trong các mối quan hệ, trong cách người ta yêu nhau giữa đô thị này.
Ở Sài Gòn, người ta có rất nhiều cơ hội để gặp gỡ nhau, nhưng cũng dễ rời xa nhau. Liệu sự thoải mái có phải vừa tạo điều kiện thuận lợi, nhưng đồng thời cũng là rào cản đối với sự phát triển của các mối quan hệ tình cảm ở đây?
Tôi nghĩ rằng, ẩn sâu bên dưới sự thoải mái là một động lực chung của con người Sài Gòn: khao khát xây dựng sự nghiệp, vị thế hoặc một khối “tài sản” mang dấu ấn cá nhân – có thể là nhà cửa, phong cách sống, một gu thẩm mỹ thể hiện rõ bản sắc riêng. Chính động lực muốn “làm giàu” thêm cho bản thân, cả về vật chất lẫn tinh thần, khiến họ sẵn sàng mở lòng với những mối quan hệ mới. Nói cách khác, ở Sài Gòn, sự thoải mái không chỉ là tính cách mà còn là một cơ chế vận hành, cho phép con người liên tục tương tác, cập nhật, mở rộng vốn sống và kết nối với những nguồn lực hữu ích.
Khi nói về sự thoải mái như một cách tiếp cận cơ hội, ta cũng nên nhìn nhận thêm một khía cạnh khác. Chính sự thoải mái, cởi mở đó cũng khiến người ta dễ dàng rời bỏ những gì đang có để đi tìm cơ hội tiếp theo. Vì thế, giai đoạn “probation time” – thời gian thử thách và quan sát lẫn nhau – đóng vai trò rất quan trọng. Sự thể hiện của bạn trong giai đoạn này là cơ sở để đối phương quyết định có nên “đầu tư“ lâu dài vào mối quan hệ hay không. Ở một thành phố mà cơ hội đến và đi rất nhanh như Sài Gòn, việc kéo dài “probation time” sẽ giúp bạn nắm bắt thời gian tốt hơn, để dù có bước qua nhau, bạn cũng biết đó là quyết định thấu đáo.
Anh có nghĩ rằng việc dễ cảm thấy hài lòng với cảm giác thoải mái, ít ràng buộc, cùng với sự tự do, cởi mở của đời sống đô thị, khiến cho con người ta không thực sự có nhu cầu tiến xa hơn trong mối quan hệ?
Trạng thái này có thể gọi là “delayed gratification” (trì hoãn cảm giác thỏa mãn). Cụ thể, khi mối quan hệ bước sang một tầng mới, sâu sắc hơn, lẽ ra con người sẽ cảm nhận trọn vẹn hơn về mặt kết nối tinh thần. Nhưng để đạt được trạng thái thỏa mãn đó, họ phải chấp nhận trở nên dễ tổn thương, phải bộc lộ những khía cạnh “mong manh” nhất của bản thân. Và chính nỗi e ngại đó khiến họ có xu hướng trì hoãn việc cho phép đối phương tiếp cận những tầng sâu bên trong mình, từ đó trì hoãn tận hưởng kết nối sâu sắc mà họ có thể đạt được.
Có một thuật ngữ gọi là “loss aversion” – nỗi sợ mất mát. Nhiều khi, con người rất muốn mở lòng, rất muốn thoải mái đón nhận người khác bước vào đời sống của mình. Nhưng đồng thời, họ cũng sợ nếu mở hết cánh cửa nội tâm, sẽ có một ngày đối phương gom hết những gì quý giá nhất – những cảm xúc, niềm tin, sự yếu mềm – rồi rời đi. Đó là tâm lý giằng co mà tôi nghĩ đặc biệt phổ biến ở Sài Gòn. Tôi đoán rằng, chính nhịp sống và môi trường ở Sài Gòn đã tạo nên tâm lý này. Khi mình sống trong một môi trường luôn đầy ắp cơ hội nhưng cũng đầy rẫy rủi ro, tâm lý bảo toàn những gì đang có trở thành một bản năng sinh tồn. Điều này có thể khiến chúng ta đắn đo khi phải đứng trước quyết định có nên tiến xa hơn trong mối quan hệ.
Người trẻ Sài Gòn thường đối mặt với bài toán cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân. Liệu họ có nên ưu tiên phát triển sự nghiệp, chấp nhận hy sinh thời gian dành cho chuyện tình cảm? Và trong áp lực mưu sinh của thành phố này, tiêu chí tài chính có lấn át cảm xúc khi lựa chọn bạn đời?
Tôi nghĩ mọi lựa chọn đều có lý do chủ quan riêng. Tuy nhiên, nếu phải tìm một từ khóa chung, đó vẫn là sự “thoải mái”. Thực ra, thước đo thoải mái của mỗi người là hoàn toàn khác nhau. Chữ thoải mái không đơn thuần chỉ là một tiêu chí để chọn bạn đời hay đánh giá một mối quan hệ. Nó rộng hơn thế rất nhiều. Đó là hệ quy chiếu để mỗi người tự soi lại bản thân và các lựa chọn của mình. Điều đặc biệt là, tôi nhận thấy những người sống ở Sài Gòn đang dần dịch chuyển hệ quy chiếu từ những thứ bên ngoài vào bên trong.
Trước kia, khi chọn một mối quan hệ hay đưa ra quyết định gắn bó, người ta thường tham chiếu từ bên ngoài, ví dụ như: Đối phương có nền tảng tài chính tốt không? Hai người có “xứng đôi” về học vấn, địa vị xã hội hay không? Mối quan hệ này có được mọi người xung quanh công nhận không? Nhưng giờ đây, các tham chiếu hướng về bên trong nhiều hơn: Mối quan hệ này có bảo toàn được sự thoải mái của cả hai hay không? Bản thân mình có cảm thấy thực sự thoải mái khi ở bên người đó không? Thang đo nội tại này có khi còn quan trọng hơn rất nhiều so với những tiêu chí bên ngoài khác. Vậy nên, ưu tiên sự nghiệp hay tình cảm, vật chất hay cảm xúc, vẫn phải xem bạn đặt sự “thoải mái” ở đâu.
BÀI LIÊN QUAN
3 dấu hiệu đặc biệt của tình yêu đích thực
Vậy nếu một người vừa muốn phát triển sự nghiệp, vừa muốn đầu tư cho tình cảm, làm thế nào để họ xây dựng được một mối quan hệ sâu sắc với quỹ thời gian hạn hẹp?
Tôi nghĩ, trong trường hợp này, họ phải chọn đúng “dưỡng chất” để nuôi dưỡng mối quan hệ đó. Nếu chúng ta hình dung mối quan hệ như một cơ thể sống, mỗi cơ thể chỉ khỏe mạnh khi ta chọn đúng loại dinh dưỡng phù hợp. Có người cần được chăm sóc bằng sự hiện diện, có người cần được yêu thương bởi sự quan sát tinh tế, có người lại cần một biểu tượng vật chất để khẳng định mối quan hệ. Chọn đúng ngôn ngữ tình yêu thì việc đầu tư sẽ hiệu quả hơn. Và cuối cùng, chất dinh dưỡng quan trọng nhất chính là thời gian. Bởi vì nếu một người không dành thời gian để nghĩ xem đối phương thực sự cần gì, không dành thời gian để hiểu ngôn ngữ tình yêu của họ, thì dù có làm đủ mọi cách đi nữa, mối quan hệ cũng rất khó để khỏe mạnh và bền vững.
Trong điều kiện quỹ thời gian eo hẹp, có lẽ chúng ta chỉ còn cách kéo dài giai đoạn tìm hiểu. Đây cũng chính là chiến lược mà tôi đã nhắc đến ở trên. Việc kéo dài “probation time” thực chất là một cách để giữ cân bằng tạm thời, vừa duy trì được nhịp làm việc, vừa không hoàn toàn đóng cửa với những khả năng tình cảm có thể xảy ra.
Theo anh, những cặp đôi vẫn giữ được hạnh phúc trong cuộc sống bận rộn ở đô thị có điểm chung là gì?
Theo tôi, sự bền vững trong tình yêu đô thị đến từ việc gầy dựng gia tài tình cảm chung, khi hai người yêu nhau đầu tư sự hiện diện bên nhau một cách kiên định và chân thành. Nếu cặp đôi có thể tìm ra được một hoặc nhiều thú vui chung, những sở thích nhỏ mà cả hai có thể chia sẻ cảm giác hạnh phúc khi làm cùng nhau, đó chính là chìa khóa để giữ gìn kết nối. Những thú vui đơn giản chỉ là cùng uống một ly cà phê ngon, cùng đi dạo trong con hẻm yên tĩnh trước nhà, hít thở không khí của Sài Gòn về đêm, cùng chăm sóc một cái cây, hay lớn lao hơn là cùng theo đuổi một kế hoạch mua nhà, chia sẻ việc nuôi dạy con cái… Những sự “cùng nhau” này trở thành sợi dây vô hình khiến ta hiểu rằng mối liên kết luôn hiện diện ngay cả khi ta không nhìn thấy nhau. Nó cho ta cảm giác an toàn và thuộc về – thứ cảm xúc “xa xỉ” trong một thế giới nhiều biến động và bất an.
Những thành phố lớn như Sài Gòn là nơi mà người ta thường tìm đến để lập nghiệp và theo đuổi ước mơ, cùng với đó là rất nhiều nỗi bất an, áp lực, lối sống căng thẳng, cạnh tranh. Vậy, đây có phải là nơi lý tưởng để tìm kiếm tình yêu hay không?
Tôi nghĩ tình yêu luôn có thể nảy nở ở bất cứ đâu. Đối với những thành phố lớn như Sài Gòn, câu hỏi quan trọng là: làm sao để có thể yêu và phát triển tình yêu lành mạnh trong chính thành phố này? Giải pháp lại gắn liền với một lợi thế đặc trưng của Sài Gòn: cộng đồng. Tức là, để tìm được những kết nối thực sự có ý nghĩa, trước tiên, người trẻ phải chủ động tham gia vào những cộng đồng nhỏ có cùng sở thích, cùng lối sống. Tôi nghĩ xu hướng sống của năm 2025 cũng đang dần chuyển dịch theo hướng đó. Đời sống tình cảm của dân đô thị như Sài Gòn dần chuyển từ “làm thân” – đầu tư mạo hiểm, sang “làm chơi ăn thiệt” – hẹn hò vì cùng đam mê, phu thê vì duyên trời định. Khi bắt đầu từ những điểm chung như vậy, họ vẫn có thể vui khi gặp nhau, mà chưa phải ngay lập tức nâng cấp mối quan hệ. Sài Gòn là nơi luôn sẵn sàng chào đón những ý tưởng mới, những nhóm cộng đồng mới mọc lên liên tục, đáp ứng đúng nhu cầu và mối quan tâm đa dạng của những người sống ở đây. Chính vì vậy, thành phố này hoàn toàn có thể là một môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng tình yêu.
Cảm ơn những góc nhìn thú vị của anh.
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc
Ảnh: Tạ Nguyên Hiệp, Tư liệu