Thanh Lam: “Mọi cái đều cần được nuôi dưỡng…”

Đăng ngày:

Một thị trường âm nhạc nghèo thúc đẩy cái mới, những nghệ sĩ lớn có thể làm được gì? Thanh Lam trải lòng cùng bạn đọc.

1

Chỉ dự định tổ chức ở Hà Nội, nhưng rồi lại có thêm một đêm nữa tại TP.HCM – Điều đó cho thấy lựa chọn của chị và Tùng Dương với nhạc xưa trong live concert “Yêu” đã gặp được khán giả hai miền.Tôi cũng đã được nghe chị hát ở “Yêu”, nhiều bài quả thực là đã tai, chẳng hạn: “Kiếp nào có yêu nhau”, nhưng cảm giác sau cùng lại là… buồn. Buồn vì một cá tính âm nhạc vốn quen “phá phách”, “vùng vẫy” như Thanh Lam sao lại có lúc chịu hòa mình vào trào lưu hát nhạc xưa, dễ nghe, dễ xác định được đối tượng khán giả, thay vì những tìm tòi, định hướng mới quyết liệt, bạo dạn hơn như đã từng, như luôn cần có – ở tầm một diva?

Quyết định chỉ đến, sau khi có được những phép thử gây được hiệu ứng tốt và chính sự đón nhận của khán giả đã cho tôi động lực phải làm gì đó nhiều hơn, đậm hơn với nhạc xưa. Bởi vậy mà lựa chọn ở đây, không hẳn chỉ là một chữ “chiều” khán giả đơn thuần, mà còn trước hết là vì chính mình.

Rằng chính mình đôi khi cũng cảm thấy thèm được cùng khán giả trở lại với những gì xưa cũ, mình cũng thích được cất lên không phải từ cổ họng mà từ trái tim mình những giai điệu, ca từ đẹp khiến mình thực sự rung cảm, vốn chẳng dễ gì tìm trong nhiều ca khúc mới bây giờ.

Còn cái mới, đương nhiên là phải có chứ, với những cá tính âm nhạc như Thanh Lam, Tùng Dương…, ngay cả khi họ hát bài cũ. Bạn thấy đấy, trong âm nhạc, có thể có những con đường giống nhau, nhưng đã là cá tính âm nhạc, thì chẳng ai giống ai cả, nên sẽ là thiếu tự tin khi luôn luôn phải đè nặng áp lực: Nhất thiết phải đi một đường riêng, phải không được hát những thứ nhiều người hát…

Mà ngược lại, sao không là một giả thiết khác: Tại sao lại không cơ chứ, khi mình biết rõ đó là thứ khán giả muốn nghe, mà mình thì thừa sức làm mới, làm khác, dù nhiều người cùng muốn làm điều đó?

Không chỉ “thừa sức làm mới”, mà dường như chị còn thừa sức làm… “luật sư bào chữa” cho chính mình! Nhưng nếu nhìn sâu hơn nữa vào mình, liệu có đúng đó là khao khát sáng tạo cháy bỏng nhất ở chị – một cá tính âm nhạc?

Cháy bỏng nhất ư? Đương nhiên thì là không phải rồi! Vì phàm đã là những nghệ sĩ lớn, và yêu nghề đau đáu, thì lẽ dĩ nhiên là không ai lại muốn làm những điều trùng lặp, và nhai đi nhai lại những gì đã cũ. Chinh phục cái mới hẳn nhiên là đỉnh cao giàu sức hút nhất luôn vẫy gọi người nghệ sĩ và câu chuyện hoài bão ở người làm nghệ thuật thì không bao giờ là đủ cả, không bao giờ có dấu chấm câu nào giúp thỏa mãn.

Làm nghề sáng tạo, còn gì sung sướng hơn khi được đi đến cùng với khát vọng của mình, mà không phải suốt ngày căng thẳng vì mấy chữ “bán vé”, “xin tài trợ”…, phải nghĩ cách dung hòa, cân bằng giữa nhu cầu nội tại của bản thân và nhu cầu thực của thị trường, khán giả… – những áp lực ngoài chuyên môn luôn chỉ chực trì níu bao khát vọng bay bổng của mình.

Nhưng quả tình, trước một thị trường âm nhạc nghèo giá trị thúc đẩy cái mới như ở ta, những nghệ sĩ lớn liệu có thể làm được gì nhiều? Đặt được cái mới vào những tai nghe mà phần nhiều đều thích nghe những gì quen tai (trong khi lại luôn đòi hỏi nghệ sĩ phải chăm làm mới) đâu dễ!

Hát quá nhiều bài mới, thể nghiệm quá nhiều cái mới… do đó mà dần được coi là một lựa chọn thiếu khôn ngoan và an toàn ở ta, trên hành trình chinh phục khán giả và duy trì chỗ đứng.

Nhóm thực hiện

Thực hiện: Tường Minh – Ảnh: Na Sơn 

 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more