Tiến sĩ Jane Goodall – Một tâm hồn đẹp

Đăng ngày:

Livia Firth, người đồng sáng lập và là Giám đốc sáng tạo của Eco-Age, đã có cuộc trao đổi thú vị qua Zoom với tiến sĩ Jane Goodall về khả năng tự phục hồi của thiên nhiên và hy vọng với ý chí mạnh mẽ của con người, đây chính là cơ hội để thiết lập lại mọi thứ sau đại dịch.

Tên tuổi của tiến sĩ Jane Goodall đã vang danh khắp nơi với vai trò sứ giả hòa bình của Liên Hiệp Quốc và là người thành lập Viện Jane Goodall. Vì vậy tôi nghĩ mình không cần bất kỳ lời giới thiệu nào về bà. Chúng tôi từng gặp nhau trong lễ trao giải Roots & Shoots Awards ở London, khi ấy bà đang ôm chú tinh tinh nhồi bông nổi tiếng của mình và rất nhiều trẻ em đang vây quanh bà.

Trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, tôi mạn phép nói với Jane Goodall – một người đã dành cả đời để đấu tranh bảo vệ môi trường xanh và sạch – rằng chắc hẳn bà rất hài lòng vì COVID-19 đã trói chân con người lại một chỗ và không thể du ngoạn khắp nơi trong thời gian dài. Nhưng tôi đã nghĩ sai, trên màn hình Zoom bà nhìn tôi như thể tôi đang sống ở sao Hỏa và nói: “Tôi không thể chờ đợi ngày được ào ra đường. Tôi nhớ những chuyến du lịch và nhớ mọi người rất nhiều!”. Tiến sĩ Jane Goodall, lúc này hơn bao giờ hết, luôn mong muốn gặp gỡ mọi người và thông qua các cuộc trò chuyện để nói lên thông điệp của chính mình thay cho thiên nhiên và động vật.

Jane Goodall bảo vệ môi trường

Dưới đây là đoạn trích từ cuộc trò chuyện của chúng tôi.

Chào tiến sĩ Jane! Tôi rất vui khi nhìn thấy bà!

Cảm ơn bạn!

Tôi muốn hỏi bà về những ảnh hưởng từ dịch COVID-19 đến các dự án đầu tư và tái tạo ở châu Phi.

Các khu Chimp Eden (ở Nam Phi) và Tchimpounga (ở Cộng hòa Congo) đều ổn vì những nơi đó có thể cô lập người dân với những con tinh tinh. Bất cứ ai đến đều phải được kiểm tra, vì vậy không quá đe dọa đến chúng. Nhưng công viên quốc gia Gombe (ở Tanzania) thì hoàn toàn khác. Nhiều ngôi làng xung quanh đó có hàng ngàn người dân sinh sống và không có hàng rào. Và vì quá gần thị trấn Kigoma nên chúng tôi đã mở ra một chiến dịch lớn nhằm giáo dục dân làng, phân phát khẩu trang và tiến hành kiểm tra. Chúng tôi rất sợ những con tinh tinh bắt được những cái khẩu trang đã sử dụng. Thật sự rất khó khăn.

Jane Goodall sứ giả hòa bình

Tôi vừa thấy bộ phim tài liệu mới ra mắt có tên Jane Goodall: The Hope. Tôi hiểu ngay vì sao nó có tiêu đề như vậy. Thật xúc động khi được nói chuyện với một nhân chứng sống, người từng trải qua thời kỳ Thế chiến thứ hai, sau đó là 9/11 và những biến đổi xảy ra sau đó. Bà vẫn đang cảm thấy hy vọng?

Tôi vẫn luôn hy vọng vào khả năng phục hồi của thiên nhiên, hy vọng vào tuổi trẻ và hy vọng vào ý chí mạnh mẽ của con người. Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Tôi không hy vọng một số chính trị gia hoặc nhà lãnh đạo thế giới sẽ thay đổi trước. Thay vào đó, việc cấp bách cần làm là thay đổi từ phía cộng đồng, và tôi nghĩ rằng thời thế bây giờ đã thực sự chín muồi cho điều đó. Lệnh phong tỏa lần này đã khiến chúng ta tái khám phá một loại kết nối mà con người đã từng có về ý thức cộng đồng, nhắc nhở trách nhiệm của mỗi người công dân trên Trái đất.

Trong cuốn sách On Fire, Naomi Klein đã nói về sự tái sinh trong kế hoạch Marshall, một cơ hội mới cho nền kinh tế xanh. Điều này sẽ xảy ra bởi nếu chính phủ và doanh nghiệp muốn sống sót sau đại dịch, họ phải thay đổi mạnh mẽ. Bà có mong muốn gì để bảo vệ thiên nhiên trong kế hoạch Marshall?

Tôi đang viết bài tiểu luận cho một cuốn sách về việc phủ xanh các khu đô thị. Chúng ta thậm chí có thể trồng rau hữu cơ trong tất cả các khu vườn của trường học, để côn trùng thụ phấn và hoa có thể quay trở lại. Chúng ta có thể làm những công việc đó ngay bây giờ, đó là điều cần thiết.

Cũng như việc trồng cây và bảo vệ rừng, tôi nghĩ chúng ta phải làm việc với những người trẻ tuổi, với các chính trị gia, với các tập đoàn, với các giáo viên và phụ huynh. Chúng ta phải cố gắng tác động từ mọi phía. Một người nổi tiếng đã từng nói: “Think globally, act locally” (Nghĩ việc lớn, bắt đầu từ việc nhỏ). Nhưng câu nói ấy chưa chính xác. Chúng ta phải hành động từ việc nhỏ trước khi dám nghĩ đến chuyện lớn lao, bởi vì nếu cứ ngồi nghĩ về tất cả các vấn đề to tát, bạn sẽ chán nản và không thể làm. Nhưng nếu bạn nói: “Tốt quá, tôi có thể làm được gì đó về việc này. Tôi có thể tái chế những thứ từ trong trường học hoặc khu phố của tôi”, và bạn thực hiện điều đó. Sẽ thật tuyệt! Đó là cách vận hành của tổ chức Roots & Shoots hiện đang hoạt động tại 65 quốc gia.

Jane Goodall tiến sĩ môi trường

Điều đó quá vĩ đại! Và kế hoạch này cũng có mặt ở Ấn Độ chứ?

Nó đang phát triển rất nhanh ở Ấn Độ. Shweta Khare Naik (Điều phối viên quốc gia ở Ấn Độ), cô ấy rất tuyệt và chúng tôi đã bắt đầu liên kết cô ấy với các nhóm nhỏ khác. Tôi dự định đến Ấn Độ trong năm nay, để thăm một số trường học và gặp gỡ các tình nguyện viên đang làm việc để truyền cảm hứng và chúc mừng họ về những gì họ đang làm. Tôi rất vui vì đã đến Trung Quốc ngay trước khi bị phong tỏa, Roots & Shoots ở nơi đó cũng lớn mạnh. Chúng tôi hiện đang tổ chức một chiến dịch, các sinh viên đại học đi khắp các công ty lớn và tác động ý thức về môi trường đến giới văn phòng, sau đó lập bảng đánh giá. Ba tháng sau họ quay trở lại, và kết quả là các công ty đã có sự thay đổi.

Jane Goodall đấu tranh cho môi trường

Thật tuyệt vời! Tôi chắc chắn rằng các doanh nghiệp rất mong mỏi những đứa trẻ đến nơi làm việc của họ để nói về các trách nhiệm. Ý tôi là, ý thức đó nên bắt đầu từ những người trẻ. Đây cũng là lý do tôi thích phong trào của Greta Thunberg. Nhưng tôi nghĩ không nên đơn thuần tổ chức những cuộc biểu tình, mà nên tìm ra những giải pháp để thực hiện. Nếu muốn hướng đến sự thay đổi, bạn phải tích cực xây dựng và có tinh thần lạc quan. Nhưng đôi khi điều đó thật khó khăn. Trong vai trò là một nhà hoạt động, đôi khi tôi thực sự thất vọng, tức giận và mất kiên nhẫn với các doanh nghiệp khi họ giả vờ muốn thay đổi nhưng thực chất lại không.

Vâng, bạn phải nhìn mọi thứ đơn giản hóa đi. Bạn cũng không thử và làm nhiều việc với cùng một phương pháp, vì điều đó không hiệu quả. Tôi nhớ lúc tôi bắt đầu nỗ lực dài hơi cho việc chấm dứt sử dụng tinh tinh trong nghiên cứu y học, tôi đã đến một phòng thí nghiệm và tổ chức cuộc nói chuyện với nhiều người. Rất nhiều nhà hoạt động vì quyền động vật bảo tôi rằng: “Tại sao bà lại ngồi nói chuyện với những kẻ xấu xa như thế?”. Và tôi đã nói nếu bạn không ngồi xuống nói chuyện với họ, làm sao bạn có thể mong đợi bất kỳ sự thay đổi nào từ họ?

Chính vì vậy, tôi đã không đối đầu với những người làm trong phòng thí nghiệm, tôi chỉ nói về con tinh tinh Gombe, tôi cho họ xem những thước phim, nói về việc chúng nằm thưởng thức ánh chiều tà trong một chiếc tổ lá xinh xắn. Điều đó ảnh hưởng đến cảm xúc của họ. Họ đã không thừa nhận vào thời điểm đó. Nhưng, như bạn đã biết, hiện nay ở Mỹ đã không còn sử dụng tinh tinh để nghiên cứu y học nữa.

Jane Goodall bảo vệ động vật

Bà đã đúng. Bà có tin rằng bây giờ với đại dịch này, chúng ta có cơ hội để thiết lập lại mọi thứ?

Chúng ta có cơ hội đó và tôi hy vọng nhiều cá nhân sẽ tự chấn chỉnh lại. Và bằng cách nào đó họ đưa ra được những giải pháp đến với những người đứng đầu.

Những hy vọng ấy sẽ thành hiện thực khi mọi người cùng nắm chặt tay nhau và đoàn kết. Mong rằng chúng ta sẽ sớm được trao nhau những cái ôm như trước đây!

Eco-Age: Doanh nghiệp tư vấn thương hiệu nhằm giúp các doanh nghiệp tạo lập, thực hiện các giải pháp thời trang bền vững, thân thiện môi trường.

Jane Goodall sứ giả hòa bình LHQ

Viện Jane Goodall: Tổ chức bảo tồn môi trường và động vật hoang dã toàn cầu có trụ sở tại Vienna, Virginia.

Roots & Shoots: Tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Jane Goodall, DBE vào năm 1991, với mục tiêu tập hợp thanh niên từ tuổi mẫu giáo đến đại học cùng làm việc về các vấn đề môi trường, bảo tồn và nhân đạo.

Kế hoạch Marshall: Chương trình phục hồi châu Âu.

Greta Thunberg: Nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển về biến đổi khí hậu, chiến dịch của cô đã được quốc tế công nhận.

Nhóm thực hiện

Bài: Livia Firth

Lược dịch: T. Hang

Ảnh: Tư liệu

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more