Có phải đại dương đang cạn kiệt cá biển?

Đăng ngày:

Nhân Ngày Đại dương Thế giới 8/6, hãy cùng ELLE tìm hiểu thực trạng suy giảm cá biển và ảnh hưởng của chúng đối với môi trường cũng như đời sống con người nhé.

Cá biển là một phần quan trọng trong cuộc sống của mọi người. Chúng là nguồn thực phẩm chính ở nhiều quốc gia, đồng thời là bộ phận không thể thiếu trong chuỗi mắt xích của hệ sinh thái, góp phần hỗ trợ sự sống của các loài động – thực vật dưới nước và trên cạn khác. Thế nhưng, hiện tại, điều gì đang xảy ra với những đàn cá xinh đẹp trong lòng đại dương xanh thẳm?

Quần thể cá biển đang giảm dần

cá biển trong đại dương

Nguồn cá biển trên toàn cầu đang suy giảm nhanh chóng. Ảnh: Wallpaper Flare

Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia đại dương và các nhà sinh học biển đã báo động về sự suy giảm nhanh chóng của nguồn cá biển trên toàn cầu. Giáo sư Sean Anderson (chủ tịch chương trình ESRM thuộc Đại học bang California tại quần đảo Channel) nhận định: “Chúng ta đang chứng kiến sự cạn kiệt của hàng loạt loài cá ở khắp các đại dương trên thế giới. Bởi vì phần lớn nguồn cá toàn cầu đã và đang bị đánh bắt quá mức, thậm chí tối đa”.

Một số khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất

sứa ở Biển Đen

Biển Đen đang bị loài sứa thống trị. Ảnh: The Moscow Times

Các chuyên gia cho biết, một số vùng nước đã không còn khả năng hồi phục như Địa Trung Hải hay vùng biển Caribbean. Sự khai thác san hô quá đà của con người đã hủy diệt hệ sinh thái tự nhiên ở nơi đây mãi mãi. Ngày nay, Biển Đen bị loài sứa thống trị do hậu quả của việc đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường từ một số ngành công nghiệp thời Liên Xô.

Bên cạnh đó, vùng biển Tây Phi cũng đang là điểm nóng mới. Cristina Mittermeier, nhà sáng lập của tổ chức SeaLegacy, giải thích: “Một phần tư nguồn cá cung cấp cho các nước trong khối Liên minh châu Âu được đánh bắt ngoài vùng biển châu Âu, trong đó, phần lớn đến từ vùng Tây Phi trù phú”. Cô cũng lưu ý rằng, một vấn đề khác mà các loài cá phải đổi mặt là thành phần hóa học của đại dương đang thay đổi nhanh chóng do sự bão hòa carbon (một phần từ khí CO2 trong không khí) và sự gia tăng của nước ngọt từ hiện tượng băng tan. Do đó, một số quần thể cá đã biến mất và không thể hồi phục được nữa.

Nguyên nhân của tình trạng là gì?

“Thật đáng ngạc nhiên khi mối đe dọa lớn nhất đối với tất cả loài cá trong các đại dương không phải do ô nhiễm môi trường, mặc dù yếu tố này đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong thời đại vi nhựa hiện nay”, Cristina Mittermeier chia sẻ. Vậy đâu mới là gốc rễ của vấn đề này? Câu trả lời có lẽ sẽ khiến bạn khó lòng ngờ tới. Đó chính là chính sách trợ cấp của chính phủ các nước cho những đội tàu lớn đi đánh bắt xa bờ. Ví dụ, ở Tây Ban Nha, cứ mỗi 3 con cá được đánh bắt, chính phủ sẽ trợ cấp cho 1 con. Hoa Kỳ cũng là quốc gia mạnh tay trợ cấp cho ngành ngư nghiệp và góp phần dẫn đến tình trạng đánh bắt quá mức. Cô bức xúc: “Dường như một số chính quyền chú trọng phát triển ngành công nghiệp đánh bắt trong một thời gian ngắn nhiều hơn quan tâm đến sức khỏe lâu dài của các đại dương bao quanh chúng ta”.

Đồng ý với quan điểm của Cristina Mittermeier, giáo sư Sean Anderson phát biểu: “Những khoản trợ cấp này có thể dẫn đến sự đánh bắt quá mức. Cá biển bị khai thác liên tục trước khi chúng kịp sinh sản. Vì thế, quần thể cá đang trên đà suy giảm. Chắc chắn rằng ô nhiễm có tác động lớn đến vấn đề này. Nhưng việc lạm dụng, khai thác quá mức mới là nguyên nhân trực tiếp”.

ngư dân đánh bắt cá đại dương

Ảnh: The Future Economy

Thực ra, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều thập kỷ. Một báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc được công bố vào năm 2018 ghi nhận rằng, từ năm 1961 đến nay, mức tăng trưởng toàn cầu trong tiêu thụ cá biển tăng gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dân số. Báo cáo cũng xác định một trong những thách thức lớn nhất của ngành ngư nghiệp trong thời điểm hiện tại là trữ lượng cá biển đang thấp hơn ngưỡng bền vững sinh học.

Giáo sư Sean Anderson nhấn mạnh: “Chúng ta có thể nhìn thấy tác động ghê gớm của tình trạng này một cách rõ ràng trên toàn cầu. Đối với một đất nước giàu có như Hoa Kỳ, điều này nghĩa là họ sẽ có ít sự lựa chọn hơn và bữa ăn không còn phong phú như trước. Thế nhưng, ở các vùng nông thôn rộng lớn khác trên thế giới (nơi cá biển là nguồn protein chính), người dân có rất ít thức ăn thay thế. Mối quan ngại lớn nhất chính là suy dinh dưỡng, thậm chí là chết đói. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở Đông Nam Á, châu Đại Dương và phần lớn khu vực châu Phi ở Xích đạo”.

Sự suy giảm cá biển trong các đại dương sẽ ảnh hưởng như thế nào đến môi trường?

cá voi sát thủ

Loài cá voi sát thủ đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ảnh: Visits Anjuans

Các chuyên gia cảnh báo rằng, một số tình huống xấu nhất mà chúng ta từng dự đoán đang dần trở thành hiện thực. Sự cạn kiệt cá biển ở Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi cá trích (nguồn thức ăn chính của cá hồi) bị đánh bắt quá mức, trở thành nguyên nhân dẫn đến mối đe dọa tuyệt chủng nghiêm trọng đối với loài cá voi sát thủ (cá voi sát thủ phụ thuộc vào nguồn thức ăn chính là cá hồi). Bên cạnh đó, việc khai thác cá quá mức sẽ tác động tiêu cực lên hệ sinh thái đại dương và ven biển trên toàn cầu.

Chúng ta có thể làm gì để cải thiện vấn đề này?

chợ cá

Để chống lại sự suy giảm cá biển trầm trọng, bạn hãy trở thành người tiêu dùng thông minh. Ảnh: Unsplash

Muốn góp phần tạo ra những thay đổi tích cực cho đại dương và môi trường biển, chúng ta nên hạn chế tiêu thụ cá biển đánh bắt tự nhiên và chủ động tiêu dùng hải sản bền vững có chứng nhận chất lượng rõ ràng. Bên cạnh đó, bạn có thể hỏi người bán cá hoặc nhân viên phục vụ nhà hàng về nguồn gốc của hải sản. Trong thực tế, hầu như không ai làm điều này. Và đó chính là lý do chúng ta đang vô tình gây ra áp lực quá lớn cho ngành ngư nghiệp. Theo giáo sư Sean Anderson, bạn nên tải xuống ứng dụng Monterey Bay Aquarium’s Seafood Watch để đưa ra quyết định mua hàng sáng suốt hơn.

Ngoài ra, Cristina Mittermeier đề nghị chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng vai trò của các khoản trợ cấp dành cho ngành đánh bắt thủy hải sản của chính phủ với tư cách là một công dân chân chính, đồng thời ủng hộ việc xây dựng các khu vực bảo tồn nhằm phục hồi nguồn cá biển tự nhiên.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Xuân Mai

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Reader\’s Digest

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more