Năm 1942, sau một tiếng súng dội lên giữa khu rừng băng giá, nai Bambi đã vĩnh viễn mất mẹ. Đó không chỉ là khoảnh khắc bi thương đầu đời của một chú nai con, mà còn là ẩn dụ đầu tiên được đưa vào hoạt hình về sự tàn nhẫn của con người với thiên nhiên. Tuy không trực diện, khung cảnh ấy vẫn đủ sức ám ảnh người xem qua nhiều thế hệ. Từ đây, thiên nhiên không còn đơn thuần là phông nền cho những câu chuyện của con người, mà đã chuyển hóa thành một thực thể biết đau, biết yêu thương và mất mát. Hơn tám thập kỷ sau, hành trình ấy vẫn được tiếp nối với những biểu tượng kinh điển khác.
Với khả năng đưa ẩn dụ đến giới hạn xa nhất, không bị bó buộc trong khuôn khổ vật lý và hiện thực, hoạt hình cho phép người kể chuyện tạo ra một thế giới nơi thiên nhiên có thể mang hình hài, cảm xúc, ý chí. Đây là một không gian biểu đạt vô tận – vạn vật có thể được dựng lên từ trí tưởng tượng. Quan trọng nhất, hoạt hình còn có lợi thế dễ tiếp cận nhóm khán giả nhỏ tuổi. Và cũng chính vì được định vị là “thể loại dành cho trẻ em”, hoạt hình có một lợi thế đặc biệt: tránh được cái nhìn phòng bị thường gặp khi người lớn đối diện với những chủ đề gai góc.
Trong thời đại mà biến đổi khí hậu, khủng hoảng sinh học và mất cân bằng hệ sinh thái đã trở thành chủ đề toàn cầu, phim hoạt hình ngày càng đóng vai trò như một không gian phản tư quan trọng. Bằng vô số ẩn dụ, phim hoạt hình truyền đi những thông điệp trừu tượng mà lời nói đành chịu bất lực.
HÀNH TRÌNH SINH THÁI TRONG PHIM HOẠT HÌNH
Từ thụ động đến phản kháng
Ở giai đoạn đầu với đại diện tiêu biểu là “Bambi”, thiên nhiên trong phim hoạt hình thường được nhân hóa để khơi gợi thương cảm. Không mang dáng vẻ thần linh hay sức mạnh nguyên thủy, thiên nhiên hiện lên như những sinh thể yếu ớt, vô tội, đang bị đe dọa bởi hành động của con người.
Hơn nửa thế kỷ sau, tại Nhật Bản, Studio Ghibli tiếp tục đào sâu ẩn dụ này qua “Pom Poko” (1994). Khác với “Bambi”, nơi thiên nhiên thụ động, “Pom Poko” cho thấy thiên nhiên bắt đầu tự nhận thức và tổ chức kháng cự. Bầy tanuki gắng dùng khả năng biến hình để chống trả làn sóng đô thị hóa đang nuốt trọn rừng. Cuối cùng chúng vẫn bại trận trước con người. Dù vậy, thất bại ấy mang dáng dấp bi tráng chứ không bi lụy.
Cao trào của nhóm ẩn dụ này diễn ra trong “Princess Mononoke” (1997), nơi thiên nhiên không chỉ phản kháng mà đã nổi cơn thịnh nộ. Thần rừng biến thành quái thú, sói mẹ và San tấn công con người, còn Ashitaka bị nguyền rủa bởi chính hành động giết thần. Trong “Princess Mononoke”, thiên nhiên không còn yếu ớt mà trở nên phức tạp, khó hiểu và có đạo lý riêng.
Điểm chung của “Pom Poko” và “Princess Mononoke” là thay vì chia phe thiện – ác, phim để các thế lực tự lý giải về mình. Người khai phá có lý, rừng thiêng cũng có lý. Chính cái nhìn không phán xét đó đã đưa hoạt hình sinh thái thoát khỏi mô hình đạo đức học đơn tuyến, tiến gần hơn đến một tư tưởng cân bằng: con người không đứng trên, mà sống cùng thiên nhiên và đang làm tổn thương cả hai.
Hòa giải, đồng hành và tái kết nối
Với nền móng của Ghibli, từ đầu những năm 2010 trở lại đây, hoạt hình sinh thái chuyển giọng từ chia cắt sang hòa giải. Lúc này, thiên nhiên không còn là nạn nhân hay đối trọng, mà là một phần bị đứt lìa trong chính con người.
Moana (2016) là một dấu mốc quan trọng – đại dương ở đây không còn là thử thách cần vượt qua, mà là nơi khởi nguyên và tiếng gọi trở về. Không có phản diện thực sự trong “Moana”, chỉ có sự đứt gãy giữa con người và tự nhiên. Nhiệm vụ của Moana không phải là chiến đấu, mà là trả lại trái tim bị đánh cắp cho Nữ thần Te Fiti. Hành trình ấy không mang màu sắc cứu rỗi, mà là một quá trình tái kết nối – giữa các thế hệ, giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và linh hồn của biển cả.
Cũng theo tinh thần đó, Raya and the Last Dragon (2021) kể về loài rồng thiêng, hiện thân của sự sống, đã biến mất vì lòng nghi kỵ giữa con người với nhau. Druun, bóng đêm đang nuốt chửng thế giới, không sinh ra từ núi cao rừng sâu mà từ chia rẽ nội tại của chính chúng ta.
Ở thời hậu công nghiệp, robot Roz trong “The Wild Robot” (2024) trượt vào thế giới hoang dã như một đứa trẻ lạc đường. Cô phải quan sát, học cách tồn tại, chậm rãi thấu hiểu những mối liên kết vô hình giữa các sinh thể. “The Wild Robot” gợi ra một khả thể mới: trong thời đại máy móc, sẽ có ngày ta không quay về với thiên nhiên được nữa, mà phải làm quen lại từ đầu.
Trong khi đó, ở châu Á và châu Âu, xu hướng kể chuyện sinh thái gắn liền với tâm linh, ký ức và văn hóa – lịch sử bản địa ngày càng rõ nét. “Big Fish & Begonia” (2016) là một ví dụ tiêu biểu. Phim không kể về thiên nhiên theo nghĩa khoa học, mà dùng hệ thống hình ảnh giàu biểu tượng của văn hóa Trung Hoa để xây dựng một thế giới luân hồi – nơi sự sống vận hành giữa trời, đất, người và linh hồn cá; mọi hành động đều để lại hệ quả sinh thái theo nghĩa vũ trụ học. Thiên nhiên trong phim không cần được cứu mà cần được trả lại trật tự nhân quả.
Từ châu Âu, “The Secret of Kells” (2009) và “Song of the Sea” (2014) là những đại diện nổi bật khác. Trong “The Secret of Kells”, thiên nhiên là lực lượng kỳ bí và thiêng liêng cần được ghi nhớ, minh họa, lưu giữ bằng hình ảnh và chữ viết. Cậu bé Brendan, khi bước vào rừng, cũng đồng thời bước vào một cõi huyền nhiệm nơi các thần thoại Celtic sống lại. Còn “Song of the Sea” lại là một bản tình ca về ký ức của một gia đình tan vỡ, trong đó đại dương là nơi lưu giữ cả nỗi đau và khả năng chữa lành. Hai đại diện này đều mô tả thiên nhiên như một trường lưu ký ức bản địa, nơi ta có thể tìm lại điều đã đánh rơi: chính mình, gia đình và gốc rễ thuộc về.
Dù có thủ pháp kể chuyện khác nhau, các phim trong nhóm này đều cho thấy một bước chuyển lớn về tư tưởng sinh thái: không còn nhìn thiên nhiên từ bên ngoài, mà từ bên trong. Con người và thiên nhiên là một. Thiên nhiên không cần con người bảo vệ, mà cần được tôn trọng và thấu hiểu bằng trực giác.
Ngày loài người biến mất
Trong hành trình kể chuyện sinh thái, phần lớn các phim hoạt hình vẫn xuất phát từ điểm nhìn con người. Dù đóng vai kẻ ác hay người hùng, dù lùi lại quan sát hay hòa mình vào thiên nhiên, con người vẫn hiện diện: vẫn là mắt nhìn, tai nghe và giọng kể.
Flow (2024) đã đặt dấu chấm hết cho cấu trúc quen thuộc đó. Phim không lời thoại; không nhân vật người; không thông điệp được nói rõ; không hệ quy chiếu đạo đức quen thuộc. Chỉ còn lại thiên nhiên như một dòng chảy – tồn tại, vận hành, dịch chuyển.
BÀI LIÊN QUAN
Wall-E (2008) từng để con người biến mất khỏi Trái đất, nhưng chỉ là lùi bước tạm thời. Trong phim, ký ức về loài người vẫn còn vương lại trong từng mảnh rác. Và robot bé nhỏ “Wall-E” – một sản phẩm nhân tạo – vẫn thay con người tìm kiếm và lưu giữ những mầm mống cuối cùng của sự sống. Trái đất trong phim vẫn đợi loài người trở lại từ phi thuyền ngoài vũ trụ.
Flow thì không. Phim không có nhân vật thay thế con người: không robot, không ký ức, không lời nhắn gửi. Trong “Flow”, con người bị triệt tiêu – không ai nhắc đến họ, không ai tìm họ, và cũng không ai cần họ trở lại. Sự vắng mặt tuyệt đối ấy khiến “Flow” trở thành một bước chuyển mang tính triết học trong hoạt hình sinh thái: thiên nhiên không còn là đối tượng được kể, mà là chủ thể kể chuyện.
Giải Oscar dành cho Flow không đơn thuần vinh danh một tác phẩm xuất sắc. Đó là sự ghi nhận cho một cuộc cách mạng thầm lặng: khi điện ảnh, tưởng như luôn nói thay thiên nhiên, nay đã đủ trưởng thành để thiên nhiên tự cất lời. Flow không đi ngược những bộ phim trước đó mà đi sau tất cả, như một dòng chảy tất yếu: thiên nhiên sẽ tiếp tục vận hành, kể cả khi chúng ta không còn ở đây để chứng kiến và lắng nghe.
LẮNG NGHE THIÊN NHIÊN – MỘT LẦN NỮA
Dù có thủ pháp kể chuyện khác nhau, các ẩn dụ sinh thái trong hoạt hình có chung mục tiêu là giúp con người “cảm” được thiên nhiên, như một phần sâu xa từng sống trong ký ức cảm xúc của chúng ta. Trẻ em, một cách bản năng, hiểu ngôn ngữ của thiên nhiên. Nhưng khi lớn lên, ngôn ngữ ấy bị thay thế bởi những bảng biểu vô hồn. Con người không còn lắng nghe thiên nhiên bằng cảm giác, mà bằng dữ liệu. Và đó là khi thiên nhiên trở nên xa lạ, tách biệt.
Hoạt hình có vai trò như một lăng kính văn hóa, không phải một giải pháp kỹ trị. Bởi điều mà các bộ phim mang lại không phải là kết quả tức thời, cũng không thể thay thế các chính sách môi trường cụ thể. Nhưng chúng lại đánh thức một điều cốt lõi: khả năng cảm, ghi nhớ và chuyển hóa hành vi bền vững. Một tương lai sinh thái tốt đẹp hơn có thể bắt đầu từ màn ảnh, nơi trẻ nhỏ biết khóc cười cùng chuyện rừng cây – muông thú, và người lớn bất giác dừng lại trước khung cảnh một chú mèo soi mình trong dòng nước.
Câu hỏi cuối cùng còn đọng lại chính là: Liệu chúng ta, những khán giả trưởng thành, có còn đủ khả năng để nghe và hiểu lời thì thầm của thiên nhiên như một đứa trẻ nữa hay không?
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Âu
Ảnh: Tư liệu