3 cách giúp bạn giải quyết mâu thuẫn và hàn gắn mối quan hệ sau cuộc tranh luận

Đăng ngày:

Bạn không cần tìm ra ai đúng ai sai, điều quan trọng là sau mỗi lần mâu thuẫn, chúng ta nhận ra được điều gì và hiểu nhau hơn bao nhiêu.

Bạn đã bao giờ nhìn vào một cặp tình nhân hay đôi bạn thân nào đó và thầm nghĩ: “Họ trông thật hòa thuận với nhau. Chắc họ sẽ không xảy ra mâu thuẫn như câu chuyện của mình”.  Tuy nhiên, bạn biết không, trong bất kỳ mối quan hệ nào, xung đột luôn có thể phát sinh. Sự mâu thuẫn, bất đồng ý kiến được xem là “gia vị” cần thiết giúp bạn và đối phương nhận ra nhiều điều về nhau, từ đó, học cách hiểu và tôn trọng nhau hơn. Bởi lẽ, chúng ta là những cá thể khác biệt, lối sống và hướng suy nghĩ cũng vì thế mà không giống nhau. Dưới đây là 3 gợi ý giúp bạn có thể giải quyết mâu thuẫn một cách êm đẹp, đồng thời “làm mới” mối quan hệ sau mỗi cuộc tranh luận.

Tập trung nói vào vấn đề

Khi xảy ra mâu thuẫn, chúng ta thường có xu hướng để cảm xúc lấn át lý trí. Từ đó, chúng ta sẽ dễ nói ra những lời bình luận tiêu cực, gây tổn thương cho đối phương thay vì tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Vì thế, bạn cần thường xuyên rèn luyện cách suy nghĩ khách quan, ngay cả khi có hay không có mâu thuẫn. Khi tiếp cận ở nhiều góc nhìn, chúng ta có thể gạt bỏ cảm xúc chủ quan và đối mặt với căn nguyên vấn đề. Song, điều này đòi hỏi thời gian luyện tập lâu dài và tư duy muốn thay đổi. Khi suy nghĩ cẩn trọng trở thành thói quen hằn sâu vào tiềm thức, bạn sẽ hạn chế mắc sai lầm trong lúc nóng giận.

giải quyết mâu thuẫn 1

(Ảnh: Freepik)

Cho đối phương cơ hội nói lên suy nghĩ

Xung đột xảy ra khi hai người cố gắng truyền đạt quan điểm của họ một cách rõ ràng. Nếu nhìn nhận lại một cách bình tĩnh, chúng ta sẽ hiểu rằng mâu thuẫn chỉ là cuộc trao đổi hết sức bình thường giữa hai người có ý kiến khác nhau. Khi suy nghĩ như vậy, bạn sẽ không cố gắng giành phần thắng trong cuộc tranh luận. Thay vào đó, sau khi nói lên ý kiến của mình, bạn sẽ cho đối phương cơ hội trình bày cách nhìn riêng. Đôi khi, giải quyết mâu thuẫn không có nghĩa là bạn phải tìm ra một người nói câu xin lỗi. Đổi lại, hai bạn cần chấp nhận sự khác biệt và dành cho nhau sự cảm thông. Có như thế, mối quan hệ của cả hai mới có thể bền chặt, lâu dài.

giải quyết mâu thuẫn 2

(Ảnh: Freepik)

Hàn gắn sau mỗi lần mâu thuẫn

Trong bất cứ cuộc xung đột nào, cả hai bên đều bị tổn thương. Điều chúng ta tìm kiếm không phải là sự tự mãn mà là thái độ biết lắng nghe, thấu hiểu và bao dung. Do đó, hãy đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu rằng chúng ta đều xuất phát từ sự quan tâm lẫn nhau mà thôi. Sau mỗi lần mâu thuẫn, hãy vỗ về nhau và nói: “Mình hiểu bạn muốn tốt cho mình, mình cũng vậy. Chúng ta làm hòa nhé”. Cuối cùng, hãy nhìn mọi việc một cách lạc quan hơn nào. Khi cuộc tranh luận được giải quyết êm đẹp, mối quan hệ giữa bạn và đối phương sẽ càng thêm khắng khít hơn.

giải quyết mâu thuẫn 3

(Ảnh: Freepik)

Tạm kết, dù mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi nhưng đó không phải là lý do để bạn nói ra những lời có thể gây tổn thương người khác. Hãy đợi đến lúc căng thẳng dịu đi, sau đó cùng ngồi lại, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan và bình tâm hơn. Biết đâu, chúng ta sẽ nhận ra rằng vấn đề vốn không nghiêm trọng như chúng ta tưởng tượng.

Xem thêm:

Cách giải quyết mâu thuẫn thông minh nơi công sở

ELLE lắng nghe bạn: Sự nghiệp và những nỗi sợ vô hình

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ The Every Girl)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more