Rừng Amazon đã cháy: Chuyện tuy xa mà gần

Đăng ngày:

Chuyện Amazon tuy xa, nhưng thực ra rất gần, vì bạn chẳng thể nào tránh được việc sống trong một bầu khí quyển, dù bạn ở Nam Mỹ hay Đông Nam Á.

Người dân khắp thế giới đang chứng kiến một thảm họa môi trường chưa từng có: Rừng Amazon cháy trên diện rộng. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy cả Nam Mỹ giờ đang chìm trong biển lửa, hàng triệu cây xanh cháy rụi, thú hoang dã bị chết cháy hoặc chết ngạt, cuộc sống hàng triệu con người bị ảnh hưởng. Hệ quả của vụ cháy này lên vấn đề khí hậu toàn cầu là rất nghiêm trọng, dù lúc này chưa có một nhà khoa học nào có thể ước tính chính xác.

Trên thực tế, rừng Amazon vẫn cháy hàng năm, và được coi là một phần của chu trình tự nhiên. Tuy nhiên, trận cháy diễn ra ngay lúc này có mức độ hoàn toàn khác. Ở một số khu vực, mức độ thiệt hại đã lên đến 700% mức độ thường gặp hàng năm, và vẫn còn có nguy cơ tăng hơn nữa. Dữ liệu của NASA cho thấy, tổng diện tích bị cháy là 183% so với cùng kì năm ngoái. Vậy tại sao chuyện này lại xảy ra?

cháy rừng Amazon

Ảnh: USATODAY

Đó là vì con người. Hàng năm, chuyện đốt rừng để lấy diện tích sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi vẫn diễn ra và việc cháy rừng ngoài dự kiến chính là hệ quả. Và năm nay, tác động của việc này lên rừng Amazon đã vượt quá mức kiểm soát. Một điểm cháy vượt ngoài tầm kiểm soát sẽ kéo theo những trận cháy khác ở các vùng lân cận, đặc biệt là khi cũng do con người, các nguồn nước tại Amazon đang dần khô cạn và rừng không còn đủ độ ẩm cần thiết để tự chống lại lửa.

Vụ cháy rừng Amazon hiện nay chính là một hồi chuông gay gắt cho một vấn đề thực ra đã xảy ra qua nhiều thập kỉ ở khu vực này: Mất rừng. Các nhà khoa học từ lâu đã lên tiếng cảnh báo về việc hàng năm, rừng Amazon lại mất đi một diện tích khổng lồ, khiến khu vực này đang dần biến từ rừng rậm nhiệt đới thành các trảng cỏ khô, gây mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng và tác động trực tiếp lên ngưỡng cân bằng ôxy của Trái đất. Rừng rậm nhiệt đới này đang tạo ra 20% lượng ôxy và là vùng hấp thụ lượng carbon do loài người thải ra từ các hoạt động công nghiệp và giao thông của mình. Tuy nhiên, hoạt động phá rừng, đốt rừng có thể biến Amazon thành nguồn xả carbon hơn là nguồn tạo ôxy cho hành tinh này.

rừng Amazon cháy

Ảnh: EPA

Đọc tới đây, hẳn bạn sẽ tự hỏi: Vậy thì sao? Tôi không sống ở Nam Mỹ, cũng chẳng bao giờ đốt phá rừng, vậy thì chuyện này liên quan gì đến tôi? Câu trả lời là Có. Chúng ta có thể sống trong những ngôi nhà khác nhau, đi những chiếc xe khác nhau, nhưng vẫn cùng thở một bầu không khí. Không ai trong chúng ta sống sót mà không tiêu thụ khí ôxy và thải ra khí carbon từng giây. Chuyện xảy ra với rừng Amazon hay với bất cứ thảm xanh hay rừng nguyên sinh nào trên thế giới hiện nay, rõ ràng có liên quan tới bạn.

Hãy cùng nhìn vào một ví dụ cụ thể. Brazil, nơi thường xuyên gây ra các vụ cháy rừng Amazon nhất, cũng là nơi xuất khẩu nhiều thịt bò nhất thế giới. Người Việt Nam có thể không ăn thịt bò nhập từ Brazil, nhưng đừng quên là chúng ta cũng ăn thịt bò được sản xuất với hình thức chăn nuôi tương tự từ nhiều nước khác. Cách chăn nuôi bò lấy sữa và thịt theo hình thức công nghiệp hóa tập trung hiện nay yêu cầu một diện tích chăn thả lớn, buộc các chủ trang trại và nhà đầu tư chăn nuôi phải phá rừng để lấy đất chăn nuôi bò. Chưa kể, rừng cũng bị phá để lấy đất trồng cỏ, trồng đậu nành để lấy nguyên liệu làm thức ăn cho bò. Mỗi lần bạn ăn một phần thịt bò được sản xuất theo hướng công nghiệp, là bạn đã góp phần vào nạn mất rừng hàng năm trên thế giới.

chăn nuôi bò ở Brazil

Ảnh: The Guardian

Vậy chúng ta có thể làm gì? Hẳn đó là câu hỏi tiếp theo của bạn. Trước hết, hãy là một người tiêu dùng có trách nhiệm. Hãy mua những sản phẩm được sản xuất bằng ý thức trách nhiệm với môi trường và con người, bớt sử dụng các sản phẩm nhập khẩu, hãy ăn thực phẩm sản xuất tại địa phương, hãy ủng hộ những người nông dân đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ, bền vững ở gần bạn. Và hãy nhìn vào bức tranh toàn cảnh của vấn đề phá rừng, mất rừng, vì nó đang xảy ra khắp nơi, không chỉ ở Amazon.

Rừng Amazon đã cháy, và phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi (đó là nếu các chính phủ tại khu vực có trách nhiệm và nỗ lực). Tuy nhiên, bạn có thể góp phần phục hồi nguồn cung cấp ôxy tại chính nơi mình đang sống bằng cách trồng cây trong vườn nhà, trên ban công, tham gia vào các ngày hội trồng cây và khôi phục rừng. Nếu bạn đi du lịch nghỉ dưỡng, hãy chọn những resort được xây dựng với tinh thần trách nhiệm, không phá hoại rừng tự nhiên. Nếu có chút tiền có thể cho đi, hãy ủng hộ những tổ chức phòng chống cháy rừng, trồng rừng.

chung tay trồng rừng

Ảnh: Unsplash

Và, trong khi chúng ta chờ những cái cây lớn lên, hãy giảm bớt áp lực carbon lên chúng bằng cách sống thân thiện với môi trường hơn trong từng hoạt động nhỏ mỗi ngày. Giảm bớt rác thải, giảm bớt việc sử dụng các món đồ dùng một lần, giảm bớt việc tiêu thụ điện năng và tiết kiệm nước.

Chuyện Amazon tuy xa, nhưng thực ra rất gần, vì bạn chẳng thể nào tránh được việc sống trong một bầu khí quyển, dù bạn ở Nam Mỹ hay Đông Nam Á. Mỗi khi bạn giảm bớt đi một nhu cầu trong đời sống hàng ngày, mỗi khi bạn có trách nhiệm hơn với những gì bạn làm, là bạn đang góp phần giúp một khu rừng được tiếp tục xanh tươi, giữ gìn hệ sinh thái cho hàng triệu sinh vật. Nếu bạn không thay đổi và nỗ lực, thì không chỉ Amazon, mà còn nhiều khu rừng ở Việt Nam, châu Á và các châu lục khác sẽ rơi vào thảm họa.

Chuyện bảo vệ rừng ở bất cứ nơi nào, chính là của bạn, chứ chẳng phải của ai khác. Và mỗi việc bạn làm, dù nhỏ tới đâu, có tác động tích cực hay tiêu cực lên môi trường, là do bạn chọn, chứ chẳng phải ai khác.

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more