Kiệt sức chính thức được WHO công nhận là một chứng bệnh

Đăng ngày:

Nếu bạn thấy đau phía sau đầu khi kết thúc một ngày làm việc dài, hay thỉnh thoảng mất khả năng tập trung sau quá nhiều giờ ngồi dán vào bàn làm việc, có khả năng đó là triệu chứng của sự kiệt sức (burnout). Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức đưa tình trạng kiệt sức vào danh sách các chứng bệnh trên thế giới.

Kiệt sức được WHO phân loại là một dạng “hội chứng”, lần đầu tiên hợp thức hóa tình trạng sức khỏe này dưới góc độ y tế. Chứng kiệt sức xuất hiện trong bản cập nhật tháng 4/2019 của danh sách phân loại quốc tế về các chứng bệnh (International Classification of Diseases, ICD-11), thường được xem là cơ sở chẩn đoán, hỗ trợ bảo hiểm y tế.

Theo ICD-11, nguyên nhân gây ra tình trạng kiệt sức là “sự căng thẳng kéo dài trong công việc không được xử lý hiệu quả”. WHO nhấn mạnh vào yếu tố “công việc”, bởi hội chứng kiệt sức nói đến ở đây chỉ mới nằm trong phạm vi công việc, liên quan trực tiếp đến tình trạng có việc làm hoặc thất nghiệp của một người, chứ chưa mở rộng ra các lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Danh sách của WHO liệt kê 3 triệu chứng cơ bản của hội chứng kiệt sức:

  1. Cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mệt lả.
  2. Tinh thần mất tập trung vào công việc, hoặc xuất hiện cảm giác tiêu cực, hoài nghi về công việc của mình.
  3. Giảm năng suất, hiệu quả chuyên môn.

Tuy nhiên, các bác sĩ cần loại trừ trường hợp người bệnh bị rối loạn điều chỉnh (adjustment disorder), rối loạn lo âu (anxiety disorder) hay rối loạn cảm xúc (mood disorder) trước khi chẩn đoán chứng kiệt sức.

phụ nữ bị công việc bao vây

Áp lực công việc kéo dài là nguyên nhân dẫn đến kiệt sức. Ảnh: Surgimate.

Dù kiệt sức chỉ mới vừa được công nhận là chứng bệnh y tế trong năm 2019, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu tình trạng sức khỏe này suốt 4 thập kỷ qua. Theo CNN, nhà tâm lý học người Mỹ Herbert Freudenberger là người đặt ra thuật ngữ “burnout” để chỉ sự kiệt sức trong công việc vào năm 1974. Từ đó, hàng trăm nghiên cứu đã được tiến hành nhằm nỗ lực lý giải tình trạng này. Một nghiên cứu trong số đó phát hiện nhiều trường hợp kiệt sức trầm trọng có xuất phát từ bệnh trầm cảm.

Tại Mỹ, nghiên cứu mới công bố vào tháng Năm phát hiện những người làm việc trong ngành nghề có mức độ căng thẳng cao, đặc biệt là các bác sĩ, rơi vào tình trạng kiệt sức nhanh gấp đôi so với một người lao động trung bình. Nhiều bác sĩ, trong đó có hơn một nửa bị kiệt sức, quyết định rời khỏi các cơ sở y tế vì phải chữa trị cho quá nhiều bệnh nhân. Thực trạng này gây ra nhiều căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, buộc chính phủ Mỹ phải chi trả hàng tỷ đô la để giải quyết.

Người lao động tại Anh Quốc cũng không ngoại lệ. Nghiên cứu của Cơ quan Quản lý sức khỏe và an toàn cho thấy trong giai đoạn 2016 – 2017, có đến 526.000 người lao động bị kiệt sức, khiến nước Anh mất tổng cộng 12,5 triệu ngày làm việc.

Bên cạnh kiệt sức, trong danh sách ICD-11, WHO công nhận hành vi cưỡng ép tình dục là một rối loạn tâm thần, và các trò chơi điện tử cũng có khả năng gây nghiện như ma túy. Bản cập nhật này của WHO sẽ chính thức có hiệu lực từ năm 2022.

Như vậy, trong tương lai, các nhà quản lý sẽ cần quan tâm hơn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nhân viên để tránh các thiệt hại về cả nhân lực lẫn vật lực. Mỗi chúng ta cũng nên quan tâm hơn đến sức khỏe của chính mình. Đừng xem thường và kéo dài tình trạng kiệt sức. Nếu nhận thấy các dấu hiệu trên, hãy cân nhắc việc gặp bác sĩ để được nhận những lời khuyên hợp lý.

Nhóm thực hiện

Lược dịch: Thùy Anh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Business Insider

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more