Phan Ý Ly – “I am nobody”

Đăng ngày:

Phan Ý Ly luôn khiến người đối diện nhìn thấy sự khát khao của chị trong những dự án nghệ thuật của riêng mình. Cái khát khao đó, tôi – người ngồi đối diện có thể nhìn thấy rõ, như thể chị đang cầm nó và “treo lên một bức tường” – và chỉ cho tôi, chị đang đứng ở đâu và cảm xúc của chị đặt ở đâu. Sau đó, tôi sẽ đứng trước bức tường đó và trầm trồ, Phan Ý Ly lại giật lùi tôi về mọi căn nguyên của sự khát khao đó.

ellevn-phan-y-ly “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim mình và người khác”, chị đã bắt đầu tạo ra thứ ánh sáng đó như thế nào?

Hồi 7 tuổi, tôi đã bắt đầu vẽ tranh, sáng tác thơ, phổ nhạc. Mọi thứ khá là tự nhiên, tôi làm vì tôi thích, nó giống như trẻ con chơi đồ hàng vậy. Bố mẹ tôi thấy vậy cũng trầm trồ đúng kiểu “con hát mẹ khen hay”. Tôi sướng lắm. Giờ lớn rồi, nghe bố mẹ kể lại tôi của ngày đó như thế nào, thấy bố mẹ cũng tự hào lắm. Ai cũng thấy tôi có năng khiếu, gia đình bố tôi toàn là những người làm ở lĩnh vực ngoại giao nên họ xem năng khiếu về nghệ thuật là những thứ bổ trợ tốt cho bản thân chứ không phải là nghề nghiệp. Đến lúc đi học, sở thích đó bộc phát mạnh hơn, tôi đầu têu nhiều trò về văn thể mỹ lắm, hết đóng kịch, rồi hát hò. Tôi cũng tự nhận thức được là tôi có năng khiếu, có thể ánh sáng nghệ thuật trong tôi bắt đầu từ đó. Không nghĩ gì xa hơn.

Chị tham gia nhiều loại hình nghệ thuật, vậy lĩnh vực nào khiến chị tâm huyết nhất?

Tôi dành sự quan tâm nhiều nhất cho sân khấu. Cũng có thể vì tôi được đào tạo bài bản hơn từ khóa thạc sĩ “Sân khấu và Cộng đồng” ở Anh. Ở đó, tôi được học sân khấu theo định hướng cộng đồng cùng tham gia sáng tạo, chứ không đơn thuần là cách làm sân khấu truyền thống như chúng ta thường thấy. Tôi thích sáng tạo bắt đầu từ con số không, mọi người cùng ngồi lại với nhau và sáng tạo theo phương thức riêng, trình tự chặt chẽ. Cuối cùng, tất cả những bộ phận từ diễn viên, biên kịch hay những vị trí nhỏ nhất đều tham gia vào công việc sáng tạo và đưa ra tác phẩm cuối cùng. Mục tiêu mà tôi nhắm đến là ai ai cũng có tiếng nói riêng của mình trong tác phẩm đó, tôi giúp họ nói lên những ức chế bên trong, còn tôi chỉ là người đứng bên ngoài khơi gợi cho họ. Tôi đóng vai trò “người vô hình”, nếu có công thì tôi cũng chỉ được ghi nhận là giúp họ nói lên những điều họ muốn nói.

ellevn-phan-y-ly-1

ellevn-phan-y-ly-2

Vậy, quan điểm của riêng chị về nghệ thuật là gì?

Tôi gắn với nghệ thuật cộng đồng, nên tôi nhìn nghệ thuật khác với nghệ thuật thuần túy để thưởng thức. Bất kể điều gì, dùng để phản ánh, tư duy, mong muốn, trạng thái cảm xúc, khát khao của con người thì đều được gọi là nghệ thuật. Ví dụ, vẽ truyền tải trạng thái cảm xúc nhưng dưới màu sắc, viết là dưới ngôn từ, múa là dưới dạng chuyển động cơ thể. Tôi thấy, nó cũng là những dạng truyền tải hay nói cách khác, là những “ngôn ngữ” khác để trò chuyện với thế giới xung quanh.

Chị học tâm lý học, làm cô nhân viên văn phòng, và bây giờ theo nghệ thuật, điều này khiến tôi liên tưởng đến câu nói của Edgar Degas: “Nghệ thuật là trụy lạc. Anh không cưới nó hợp pháp, thì anh cưỡng ép nó”…

(Cười lớn) Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh, tôi cũng chỉ hình dung tôi là người liên quan đến nghệ thuật thôi, nhưng làm dưới dạng phát triển cộng đồng. Sau đó, tôi được mời đi dự một Hội trại sáng tác nghệ thuật ở Philippines dưới tư cách chuyên gia về sử dụng nghệ thuật hướng đến phát triển cộng đồng. Tôi thấy các bạn nghệ sĩ tham gia sáng tạo, tôi không chịu được nữa, tôi cũng thèm nhảy vào sáng tạo. Tôi xin một nghệ sĩ Thái Lan cho tôi tham gia vào tác phẩm của anh ấy và hai người cùng làm một vở diễn. Từ đó, tôi cứ nghĩ mãi, sao ở Việt Nam chúng ta không có những sân chơi cho những người làm sân khấu như vậy nhỉ? Chủ yếu là những đoàn kịch của nhà nước, sân khấu thì ở Sài Gòn phát triển mạnh hơn nhưng tựu trung, sân khấu thể nghiệm vẫn không có. Tôi lập sân khấu nháp, tôi muốn được sướng, tôi muốn được chơi và tôi “cưới” nghệ thuật như vậy.

Những kiến thức về tâm lý học có giúp gì cho con đường chị chọn không?

Ngay từ bé, tôi đã tò mò những cảm xúc, hành vi của con người, nên tôi đã chọn tâm lý. Học về tâm lý như một lời cảnh báo trước rằng, tôi sẽ rẽ vào con đường làm nghệ thuật cộng đồng, vì lúc đó, tôi quan tâm đến cảm xúc nhiều, quan tâm đến con người nhiều. Sau này, khi tôi làm nghệ thuật, tâm lý học chỉ là một phần nhỏ, không giải đáp được hết những điều trong con người. Nghệ thuật có cách lý giải của riêng nó, tâm lý học như một lát cắt giao thoa ở một phần nào đó thôi. Ngày tôi được tiếp xúc với bài tập về sân khấu lần đầu tiên, điều trước hết, tôi ồ lên sung sướng vì nó giống với tâm lý học nhưng ở dạng động, chứ không phải tĩnh như tâm lý học. Nó rung chuông cho tôi thấy rằng, đây là thứ rõ ràng liên quan với mình.

ellevn-phan-y-ly-3

Chị có sợ những khó khăn sẽ ngáng đường chị?

Tôi ít khi đứng bao quát những khó khăn mình sẽ gặp phải, mà tôi cứ bắt tay vào làm, nếu có vấn đề gì thì đứng lại nhặt nó ra. Tôi thấy, khó khăn lớn nhất lại đến từ bản thân mình, đó là sự trải nghiệm và cảm xúc của bản thân đang ở ngưỡng nào. Còn khó khăn thì nếu tôi làm ở Anh, ở Mỹ thì có những khó khăn riêng cả thôi, tôi cứ làm, cái gì ngáng đường thì tôi lách ra rồi đi tiếp.

Khi đã có thương hiệu riêng, chị sẽ hướng đến điều gì?

Tôi đang nghiên cứu tâm linh như một dạng tu thân. Nó giống như một con đường dài, khám phá bản thân, trải nghiệm bản thân và tìm được những ẩn ức, khát khao của riêng mình. Giờ đứng nhìn lại, tôi cũng chả biết điều gì đã thôi thúc tôi làm những dự án khủng khiếp mà những người xung quanh nhìn vào bảo là: “Không thể”. Khát khao của tôi là có thật, cảm xúc của tôi là thật. Đó có lẽ là nhu cầu khẳng định bản thân, hay tôi muốn đóng dấu thương hiệu bản thân. Tôi là như thế. Đó là thương hiệu cho tôi nhìn vào, chứ tôi không quan trọng phải có một thương hiệu để những người xung quanh nhìn vào.

Cảm ơn Phan Ý Ly về những chia sẻ của chị.

ellevn-phan-y-ly-4

Phan Ý Ly là một trong những nghệ sĩ tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng nghệ thuật trong phát triển cộng đồng. Phan Ý Ly cùng trung tâm Life Art do chị sáng lập đã tổ chức các lớp học nghệ thuật với những cái tên rất đặc biệt như “Cuồng”, “Tự sướng”, “Tôi là ai”, nơi người tham gia được khám phá bản thân, và giải phóng cơ thể, cảm xúc, tâm hồn mình. Những dự án của Phan Ý Ly về nghệ thuật hướng đến cộng đồng trong thời gian gần đây:

• 2005: Thực hiện dự án đào tạo Sân khấu tương tác cho thanh niên ở “xóm liều” Kibera (Kenya) với chủ đề giới, giới tính và sức khỏe sinh sản.

• 2007: Thực hiện dự án “Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi”, trong đó 7 em nhỏ được cung cấp camera và hướng dẫn để tự quay, tự viết lời bình cho bộ phim “Thảo nguyên xanh tươi” kể về cuộc sống của các em ở bãi Giữa sông Hồng.

Nhóm thực hiện

Bài: Vĩnh Khang – Ảnh: Jame Dương, Đặng Trần Thi

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more