Người thông minh thường có năng lực xử lý thông tin cao hơn mức trung bình, đồng thời sở hữu tư duy phản biện tốt, có khả năng kết nối khái niệm phức tạp và dung nạp sự mâu thuẫn trong dữ liệu họ tiếp nhận. Do đó, những người này không dễ cảm thấy thỏa mãn với các hoạt động mang tính “thụ động” như lướt mạng xã hội, xem TV hoặc các hình thức giải trí đơn giản. Họ sẽ có xu hướng thay thế chúng bằng những hoạt động mang tính chủ động và thách thức hơn, như xâu chuỗi các kiến thức riêng lẻ để đưa ra kết luận tổng quát đầy logic, học chơi một nhạc cụ khó, nghiên cứu hay sáng tạo các sản phẩm mang tính cơ học hoặc nghệ thuật.
Dưới đây là 12 sở thích nổi bật của người thông minh có thể bạn đang sở hữu!
Yêu thích lịch sử
Với những người thông minh, việc khám phá quá khứ, chẳng hạn như các nền văn minh cổ đại, những biến động chính trị cho đến chân dung những con người đã định hình thế giới… sẽ là một cách để mở rộng tư duy, rèn luyện khả năng phân tích và nhận thức rõ hơn về vị trí của bản thân trong bức tranh lớn của nhân loại.
Bên cạnh đó, tìm hiểu lịch sử giúp mang đến cho họ một cái nhìn tổng quan hơn về đời sống. Khi quan sát các thời kỳ khác nhau, họ thấy được rằng giá trị có thể bị lãng quên rồi được phục hồi, những mâu thuẫn tưởng như cũ kỹ lại xuất hiện trong bối cảnh mới. Cảm quan ấy nuôi dưỡng một thái độ sống sâu sắc, tránh bị cuốn vào những xu hướng phù phiếm và giúp họ đưa ra các quyết định có tầm nhìn dài hạn.
Tìm hiểu lịch sử còn là cách để những người thông minh tìm hiểu về chính mình. Khi lắng nghe các câu chuyện đã qua, họ không chỉ tìm thấy hình ảnh của cộng đồng hay quốc gia, mà còn nhận ra một phần căn tính cá nhân. Đó là một quá trình nhận diện, kết nối và củng cố bản sắc nội tâm, giúp họ cảm thấy mình thuộc về một dòng chảy rộng lớn của thời gian và ký ức.
Du lịch
Khác với phần lớn du khách chọn điểm đến theo trào lưu, người thông minh có xu hướng chọn hành trình theo những tiêu chí mang tính cá nhân và chiều sâu. Họ dễ bị hấp dẫn bởi những nơi còn giữ được bản sắc, có bề dày lịch sử, xung đột văn hóa, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, hoặc thậm chí là những vùng đất gợi mở triết lý sống. Với họ, một ngôi làng nghèo ở cao nguyên có thể đáng nhớ hơn cả một thành phố du lịch nổi tiếng, nếu nơi đó có những giá trị nguyên bản khiến họ hứng thú và nghiên cứu được các câu chuyện về cuộc sống, con người… ở vùng đất này.
Họ thường chuẩn bị chuyến đi một cách nghiêm túc, chẳng hạn thay vì tham quan bảo tàng chỉ để chụp ảnh, họ có thể dành hàng giờ để quan sát một hiện vật, truy nguyên mối liên hệ của nó với một thời kỳ hay một biến cố xã hội nào đó.
Trong hành trình đó, mỗi vùng đất trở thành một tấm gương phản chiếu, khiến họ soi thấy những tầng sâu chưa từng được gọi tên. Khi trở về, họ không chỉ mang theo kỷ niệm, mà còn mang theo những cách nhìn mới, những câu hỏi mới và đôi khi là một phiên bản khác của chính mình.
BÀI LIÊN QUAN
Đọc sách
Đọc sách có thể không phải là một sở thích nổi bật, nhưng chắc chắn là cánh cửa mở ra vô vàn kiến thức mới và là một trong những kỹ năng nền tảng không thể thiếu đối với những người thông minh. Sự khác biệt dễ nhận thấy nhất đó là người thông minh thường tìm đến sách như một cách để đối thoại với những tư tưởng vượt khỏi thời gian. Họ không ngại những cuốn sách dày, khó, ít được biết đến vì điều họ tìm kiếm không phải sự tiêu khiển hay giải trí, mà là tính hệ thống, tính đa tầng và khả năng gợi mở suy nghĩ qua từng trang sách.
Đặc biệt, người thông minh không bó hẹp mình trong một thể loại sách cố định. Họ có thể đọc thể loại văn học để hiểu sâu về con người và những biến động lịch sử, văn hóa đã ảnh hưởng đến tư tưởng, suy nghĩ của tác giả và tác phẩm, đọc khoa học để hiểu cấu trúc thế giới, đọc lịch sử để soi chiếu với hiện tại và đọc tiểu thuyết để phát huy trí tưởng tượng. Do đó, họ luôn có cái nhìn rộng mở, sẵn sàng đón nhận những ý tưởng trái chiều, những quan điểm đối lập, vì chính điều ấy sẽ giúp họ phát triển tư duy độc lập một cách liên tục và bền vững.
Học ngoại ngữ
Học ngoại ngữ không chỉ là một kỹ năng hữu ích mà còn là dấu hiệu đặc trưng của trí tuệ. Những người thông minh thường thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và không ngừng mở rộng khả năng ngôn ngữ của mình. Đằng sau sở thích này là khát khao khám phá thế giới rộng lớn hơn: tiếp cận những nền văn hóa mới, phong cách sống khác biệt và những cách tư duy độc đáo.
Tình nguyện
Tham gia các hoạt động tình nguyện có thể bắt đầu từ một điều rất nhỏ, chẳng hạn như một buổi dạy học miễn phí, một lần tham gia gây quỹ hay chỉ đơn giản là dành thời gian lắng nghe ai đó cần được sẻ chia. Đôi khi, chính những hành động giản dị ấy lại là cách bạn nuôi dưỡng trí tuệ và làm giàu cho đời sống tinh thần của mình.
Tham gia tình nguyện không chỉ là giúp đỡ người khác mà còn là cơ hội để bạn bước ra khỏi vùng an toàn, trải nghiệm những môi trường mới và mở rộng thế giới quan. Trong hành trình ấy, bạn không chỉ kết nối với cộng đồng mà còn kết nối sâu hơn với bản thân.
Với nhiều người có tư duy phản biện và khả năng quan sát sắc sảo, hoạt động tình nguyện không đơn thuần là một cách đóng góp cho cộng đồng. Đó còn là cơ hội để họ quan sát thế giới từ bên trong, tiếp cận các vấn đề trực diện và có hệ thống, đồng thời cân bằng giữa EQ và IQ để sống tử tế hơn, một cách có hiểu biết và đầy trách nhiệm.
Xem thêm
•6 thói quen nhỏ giúp nuôi dưỡng tâm hồn và mang lại sự bình yên
•7 phong cách sống đơn giản nhất giúp Song Hye Kyo tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc
•3 thói quen hiệu quả giúp bạn xây dựng “soft life” – phong cách sống cân bằng và hạnh phúc
Tìm hiểu văn hóa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc chủ động tìm hiểu văn hóa không chỉ giúp người thông minh mở rộng góc nhìn, nâng cao khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh mà còn rèn luyện cách giao tiếp linh hoạt với nhiều nhóm người.
Tương tự như khi tiếp cận lịch sử, người thông minh thường không chỉ nhìn vào bề mặt mà còn tìm cách giải mã những yếu tố sâu xa đã hình thành nên bản sắc tập thể, văn hóa của địa phương và thế giới. Chẳng hạn, bạn sẽ đặt câu hỏi, tìm tài liệu tham khảo và so sánh các bối cảnh khác nhau để hiểu lý do vì sao một cộng đồng vẫn duy trì những tập quán nhất định dù xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Cách tiếp cận này giúp bạn xây dựng mối quan hệ xuyên văn hóa một cách tự nhiên, với thái độ cởi mở nhưng đầy thận trọng. Thay vì nhanh chóng đồng tình hay phản bác, bạn giữ thái độ trung lập, linh hoạt trong suy nghĩ và có tâm thế sẵn sàng học hỏi. Khi gặp những khác biệt trong niềm tin hoặc cách sống, bạn sẽ thường ưu tiên tìm hiểu nguyên nhân trước khi đưa ra đánh giá. Từ đó, bạn sẽ nhận thức sâu sắc được về bối cảnh, hệ giá trị của các cá nhân và tập thể trong dòng chảy lịch sử – văn hóa của nhân loại.
Qua đó, bạn hiểu rõ bản thân hơn qua những trải nghiệm và thấu cảm với người khác bằng sự chân thành. Bạn sẽ không bị cuốn vào định kiến hay cái tôi tự mãn, mà trở thành người có tinh thần cầu thị, dễ gần và lắng nghe.
Tranh luận và trò chuyện
Dựa vào tiêu chí này, bạn sẽ có xu hướng chú đến cách người đối diện lập luận, cân nhắc bối cảnh và cảm xúc đi kèm với quan điểm đó trước khi đưa ra phản hồi. Điều này giúp bạn tránh bị cuốn vào tranh cãi cảm tính, đồng thời giữ được sự bình tĩnh khi đối mặt với những ý kiến trái chiều.
Trong trò chuyện thường ngày, bạn không tìm cách áp đặt suy nghĩ lên người khác. Ngược lại, bạn tạo không gian để họ được bộc lộ quan điểm, thậm chí bạn chủ động gợi mở để cuộc đối thoại trở nên sâu sắc và chân thật hơn.
Tranh luận, với bạn là quá trình bạn học hỏi, rèn luyện sự thấu cảm và làm giàu cho đời sống tinh thần của mình bằng cách tiếp xúc với những góc nhìn khác biệt.
Yêu thích nghệ thuật
Khi bạn yêu thích nghệ thuật, điều đó không chỉ thể hiện ở gu thẩm mỹ cá nhân mà còn phản ánh cách bạn tiếp cận thế giới một cách đầy chiều sâu và nhạy cảm. Chẳng hạn, bên cạnh chiêm ngưỡng các tác phẩm, bạn còn muốn hiểu ý nghĩa nằm sau nó, người nghệ sĩ muốn truyền tải điều gì, vì sao họ chọn chất liệu và hình thức biểu đạt như vậy, và những lựa chọn ấy có phản ánh điều gì từ xã hội, từ tâm lý cá nhân hay không.
Thông qua nghệ thuật, bạn phát triển khả năng quan sát tinh tế và rèn luyện tư duy biểu tượng. Bạn dần quen với việc đọc những thông điệp gián tiếp, học cách lắng nghe các sắc thái cảm xúc và chấp nhận rằng không phải trải nghiệm nào đều sẽ có câu trả lời rõ ràng. Việc tiếp xúc với nghệ thuật giúp bạn mở rộng vùng cảm nhận, từ đó hình thành cách nhìn đa chiều hơn về con người và cuộc sống.
Sưu tập
Dù đó là sách cũ, đồ cổ hay những món đồ gợi nhớ về một thời điểm đặc biệt, việc sưu tập sẽ cho thấy cách bạn quan sát thế giới, cách bạn lựa chọn điều gì đáng được lưu giữ và nâng niu chúng.
Chính vì thế, sưu tập thứ gì đó không phải là hành vi lặp đi lặp lại không có mục đích. Nó là một cách bạn tư duy, cảm nhận và tổ chức thế giới theo cách riêng. Niềm vui khi bất chợt tìm thấy một món đồ hiếm, sự tự hào khi chăm chút cho bộ sưu tập, hay khoảnh khắc bạn chia sẻ nó với ai đó hiểu được giá trị bên trong… tất cả đều góp phần nuôi dưỡng bản sắc cá nhân bạn.
BÀI LIÊN QUAN
Chơi game
Dưới góc nhìn tâm lý học và khoa học hành vi, chơi game có thể được xem là một hoạt động học tập không chính thức, thông qua đó, bạn được tiếp xúc với các tình huống mang tính thử thách, ra quyết định và phản hồi theo thời gian thực.
Ngoài ra, các cốt truyện trong game có thể giúp bạn phát triển năng lực học hỏi từ sai lầm nhưng không chịu hậu quả thực tế. Mỗi lần thất bại cung cấp một phản hồi rõ ràng, thúc đẩy bạn điều chỉnh chiến lược, từ đó hình thành khả năng thích nghi và tính kiên trì trong cuộc sống thực. Điều này đặc biệt phù hợp với những người có nhận thức cao, thích học bằng cách thực hành trong môi trường linh hoạt.
Trong môi trường game trực tuyến, bạn còn tương tác với người thật trong thời gian thực. Điều này đòi hỏi khả năng làm việc nhóm, giải quyết xung đột, xây dựng lòng tin và đôi khi là đàm phán lợi ích. Những tình huống này mô phỏng nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, cho phép bạn rèn luyện kỹ năng xã hội một cách dễ dàng và gần gũi hơn.
Trồng cây
Bạn không thể ép cây lớn nhanh, càng không thể kiểm soát hoàn toàn các yếu tố bên ngoài như thời tiết, độ ẩm hay dịch bệnh nếu bắt đầu trồng cây. Chính vì vậy, khi chăm sóc một cái cây, bạn học cách điều chỉnh kỳ vọng, chấp nhận sự không chắc chắn và quan sát từng thay đổi nhỏ theo thời gian. Điều này giúp bạn phát triển năng lực kiên nhẫn, khả năng chú ý đến chi tiết và một hình thức kiểm soát mang tính điều tiết thay vì áp đặt.
Mặt khác, bạn cần hiểu mối quan hệ giữa đất, nước, ánh sáng, không khí và chu kỳ sinh trưởng để cây phát triển khỏe mạnh. Quá trình này không khác gì việc quản lý một hệ thống nhỏ, nơi bạn quan sát phản hồi, điều chỉnh hành động và ghi nhận kết quả theo chu kỳ. Đó là một hình thức học hỏi dựa trên quan sát, một bài tập về sự kiên định và là cách bạn thực hành lối sống chậm, cẩn trọng, có trách nhiệm với không gian và thời gian mình đang sống.
Chơi board games
Khi bạn chơi board games, bạn thường phải xử lý nhiều thông tin cùng lúc như luật chơi, hành vi của đối thủ, diễn biến của ván chơi và các chiến lược sáng suốt. Hoạt động này kích thích vùng não liên quan đến khả năng tính toán rủi ro, từ đó bạn học cách đưa ra quyết định không chỉ dựa vào dữ kiện hiện tại, mà còn dự đoán bước đi tiếp theo của đối phương, đánh giá xác suất và điều chỉnh hành vi theo bối cảnh thay đổi.
Không giống với các hình thức giải trí thụ động, board games yêu cầu bạn vừa suy nghĩ độc lập, vừa phối hợp với người khác. Trong một ván chơi, bạn cần kiểm soát cảm xúc, duy trì sự tỉnh táo và giữ vững chiến lược ngay cả khi bị gây áp lực. Ngược lại, trong các trò chơi mang tính hợp tác, bạn buộc phải giao tiếp hiệu quả, phân chia vai trò hợp lý và đưa ra quyết định dựa trên mục tiêu chung. Chơi board games còn là một cách bạn thực hành sự công bằng, tính tuân thủ và ý thức về hệ thống luật lệ. Bạn hiểu rằng mọi người cùng tham gia một trò chơi sẽ có khung quy ước chung và sự sáng tạo hay linh hoạt cá nhân đều cần vận hành trong giới hạn được thống nhất. Chính điều này giúp bạn rèn luyện khả năng sống trong cộng đồng, biết khi nào nên giữ nguyên tắc và khi nào có thể thương lượng hoặc thích nghi.
Nhóm thực hiện
Bài: An Khang
Tham khảo: Your Tango