“Mối tình” với vải vóc của 5 nữ NTK tay ngang: Lối đi nào dẫn đến đam mê thời trang?

Đăng ngày:

Chuyến hành trình chạm đến tình yêu vải vóc của những NTK nữ vốn ngoại đạo với thời trang và con đường gây dựng đế chế của họ có thể là nguồn động lực mới cho bạn.

Liệu tất cả các nhà làm phim đều có xuất phát điểm từ viện đào tạo điện ảnh danh tiếng? Liệu tất cả những nhạc sĩ đều học các nguyên lý sáng tác trên ghế nhà trường? Liệu các nhà kiến tạo trang phục giỏi là nhờ bằng cấp thiết kế thời trang của họ? Con đường đến với đam mê hay nghề nghiệp thực thụ có lẽ không phải là một đường thẳng – một quan sát mà ta đúc kết được từ tiến trình sự nghiệp đầy bất ngờ của những nữ NTK đứng sau các đế chế thời trang đình đám: Prada, Versace, Vivienne Westwood…

Miuccia Prada

Có mấy ai biết rằng NTK chính đằng sau Prada kiêm người sáng lập Miu Miu – nhà mốt được nhiều đầu báo vinh danh “Thương hiệu của năm 2023” lại sở hữu học vị Tiến sĩ Chính trị học và được đào tạo để trở thành nghệ sĩ kịch câm? Ngoài cây gia phả, không có dấu hiệu nào khác cho thấy Miuccia sẽ theo đuổi thời trang. Hành trang thừa kế đế chế đồ da làm giới hoàng gia Ý mê mẩn của quý cô Miuccia Prada những năm 20 tuổi chẳng hề có một tấm bằng về thiết kế.

miuccia-prada

NTK Miuccia Prada. (Ảnh: Getty Images)

ntk-miuccia-prada-1

NTK bên cạnh người mẫu Carla Bruni, 1994. (Ảnh: Tumblr)

Giữa thập niên 1970, khi vừa tiếp quản khâu ý tưởng cho dòng trang sức của thương hiệu, thời trang vẫn còn là một ngã rẽ phù phiếm trong tâm trí của Miuccia. “Tôi không có hứng thú về các kiểu dáng, không biết vẽ chúng ra vì quá phức tạp,” bà trăn trở về việc mình không có những đóng góp mang tính chính trị hơn cho phong trào nữ quyền lúc bấy giờ. Cho đến gặp gỡ với Patrizio Bertelli – người bạn đời đã với những lời khuyên đắt giá, tiếp thêm lửa để bà ra mắt dòng sản phẩm mang mỹ cảm cao cấp nhưng đầy tính ứng dụng.

miuccia-prada-va-cong-su

Miuccia Prada và Patrizio Bertelli. Ông là chồng và cùng giữ chức vụ CEO của tập đoàn Prada cùng Miuccia. (Ảnh: WWD)

Như vai trò của vải tweed với Chanel, len cashmere với Hermes, nylon là “cú twist” để đời đối với nhà mốt tam giác ngược. Từ 1977, Miuccia Prada giới thiệu nhiều dòng ba lô, túi xách từ chất liệu trên, không phải sản phẩm nào cũng tạo được tiếng vang. Thành công ra đời vào tận 7 năm sau, dưới hình dáng chiếc ba lô Vela làm từ nylon chống nước “Pocono” dùng trong quân đội, nối tiếp bởi hiện tượng “Classic Prada Handbag” vào năm 1985. Bước bật nhảy làm từ nylon giúp thương hiệu Ý được biết đến trên toàn cầu, bắt đầu chuỗi ngày Prada chiếm lấy cảm tình của giới mộ điệu từ Á sang Âu.

prada-nylon (1)

Dòng sản phẩm từ chất liệu nylon chống thấm tạo nên những thành công rực rỡ cho Prada trong thập niên 80. (Ảnh: Hans Feurer)

Câu chuyện của quý bà Prada là lời gợi nhắc kiểu mẫu về những “kẻ ngoại đạo” trong thời trang. Bằng cấp không phải là điều kiện tiên quyết mà chính là nằm ở khả năng học tập và phát triển bản thân.

“Mỗi khi được hỏi làm thế nào để có thể mặc đẹp và tinh tế – Tôi trả lời là phải học hỏi! Học hỏi về thời trang, về phim ảnh, về mỹ thuật và cả chính bản thân mình.” – MIUCCIA PRADA.

Những thất bại trong giai đoạn đầu, hành trình nghiên cứu của Miuccia là lời chứng cho thấy những loại vải công năng cũng làm nên chuyện ở giới mốt, lời chứng cho thấy một Tiến sĩ Chính trị học cũng có thể khiến đế chế thời trang trở nên hùng mạnh hơn nữa. Trên con đường bà đang bước đi cùng với thời trang, phủ đầy “kỷ niệm chương” về những đóng góp nổi bật cho làng mốt thế giới – phong cách “ugly chic”, “màu xanh Prada”…

ugly-chic-prada-ntk

“Ugly Chic” – concept tiên phong bởi Prada thách thức những tiêu chuẩn sắc đẹp rập khuôn về tính nữ. (Ảnh: Getty Images)

prada-green

“Prada Green” – màu xanh đặc trưng của Prada được lăng xê dưới thời Miuccia. (Ảnh: Getty Images)

Vivienne Westwood

Với biệt danh “bà hoàng tóc đỏ” được yêu mến đặt riêng cho cố NTK Anh quốc, những thành tựu thời trang của Vivienne Westwood khiến giới mộ điệu phải ngả mũ trước tính khai phá của chúng. Phong cách đầy khiêu khích và cấp tiến đó lại đến từ một trí óc sáng tạo chưa từng qua đào tạo bài bản trên giảng đường. Với xuất thân khiêm tốn, Westwood đã có mối “duyên lỡ” với làng mốt khi không hoàn tất khóa học về hoàn kim và trang sức tại Đại học Westminster. Bà trở về làm giáo viên và mở một sạp nhỏ tại đường Portobello để bán những trang sức tự thiết kế. Khi đó, Westwood không nhìn thấy tương lai của mình với thời trang. Nghiệp mốt quá tốn kém và xa vời với một người có xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo khó bên vùng ngoại ô Manchester.

vivienne-westwood-chan-dung (2)

Chân dung cố NTK Vivienne Westwood. (Ảnh: Philip Hollis/REX)

Nhưng tình yêu dành cho thời trang của bà vẫn âm ỉ cháy: Bà bán trang sức tự thiết kế, tự tay may trang phục cưới trong lễ kết hôn với Derek Westwood. Tình yêu đó đã thổi bùng lên khi bà gặp gỡ Malcolm McLaren – một sinh viên nghệ thuật. Cùng với cửa hàng mà McLaren dựng lên tại số 430 Kings Roads, cố NTK bắt đầu con đường trở thành “mẹ đỡ đầu” của phong cách punk ở độ tuổi 30. Những sản phẩm của bà được lăng xê bởi ban nhạc Sex Pistols, biến cửa hàng thành thánh địa thời trang trẻ với những chiếc áo thun phản chính quyền.

westwood-and-mclaren

Vivienne Westwood và Malcolm McLaren vào năm 1977. (Ảnh: Trinity Mirror/Mirrorpix/Alamy)

Sự nghiệp của Westwood được định hình bởi nhiều phong trào tiếp nối suốt 4 thập niên: sau Punk (1970) là thời kỳ “Pagan” (1980) với phục sức lấy cảm hứng từ tầng lớp thượng lưu. Đây cũng là giai đoạn mà “kiến trúc sư punk” trở thành NTK độc lập, đạt nhiều giải thưởng lớn. Tiếp nối là kỷ “Anglomania” của những năm 90, nơi Westwood tìm ra công thức cho sự kết hợp giữa Anh quốc thanh lịch và Phú Lãng Sa phù phiếm trong dáng hình những chiếc giày “cà kheo” làm nên tên tuổi. Và suốt từ những năm 2000 đến 2022, Westwood đã tạo nên nhiều di sản thời trang với ý nghĩa chính trị – xã hội. Vị trí của bà trong danh sách những nhà thiết kế tiên phong hàng đầu làng mốt gần như chưa bao giờ xê dịch.

westwood-nhan-giai-thuog

Vivienne Westwood nhận giải thưởng “Nhà thiết kế Anh quốc của năm” vào năm 1990, bên cạnh nàng thơ Sarah Stockbridge. (Ảnh: Richard Young/REX)

vivienne-westwood-2

Vivienne Westwood trong hậu trường buổi diễn Thu – Đông 1991. (Ảnh: John Van Hasselt/Sygma/Corbis)

vivienne-westwood-4

Vivienne Westwood và những người mẫu trên sàn diễn BST Thu – Đông 1997. (Ảnh: Neil Munns/PA Archive/PA Images)

Donatella Versace

Khi Gianna Versace qua đời đột ngột vào năm 1997, mã gen “Italian excess” (tạm dịch: hào nhoáng kiểu Ý) của thương hiệu Versace được kế thừa và phát huy không một lỗi sai bởi cô em gái Donatella. Chỉ mới một năm nắm giữ chức vụ giám đốc sáng tạo, bà đã trình làng BST Haute Couture đầu tiên và nhận được nhiều lời tán thưởng. Thành công nối tiếp thành công, Donatella Versace như một NTK được tôi luyện từ trong trứng.

donatella-versace-3

Tên tuổi của Donatella dường như độc nhất vô nhị tại làng mốt. (Ảnh: Versace)

Thực tế không phải vậy. Dù yêu thích thời trang, nữ giám đốc của đế chế xa xỉ bậc nhất lại theo đuổi chuyên ngành Văn học và Ngôn ngữ. Thay vì tham gia vào quá trình thiết kế, Donatella chịu trách nhiệm cho các chiến dịch quảng bá và hình ảnh thương hiệu. “Vừa là nàng thơ, vừa là nhà phê bình,” bà là nguồn cảm hứng và cố vấn đắc lực cho anh trai Gianni trong quá trình kiến tạo người phụ nữ Versace tự tin, quyền lực.

donatella-versace-gianni-ntk

Gianni Versace và Donatella Versace. (Ảnh: Getty Images)

Khi tiếp quản thương hiệu, nữ NTK vạch ra hướng đi bằng chính kinh nghiệm cố vấn của mình. Sức sáng tạo của bà đến từ việc cảm nhận phục sức thông qua hình ảnh, lý giải vì sao những cô gái của nhà mốt Ý luôn tự tin, hoàn hảo như sinh ra từ hào quang sân khấu. Versace là một trong những thương hiệu đồng hành cùng nhiều tên tuổi hàng đầu. Người phụ nữ của Versace đến từ sân khấu, màn ảnh và thậm chí là từ hoàng gia Anh.

jlo-versace

Donatella thiết kế chiếc váy xanh được diện bởi Jennifer Lopez trong lễ trao giải Grammy năm 2000. Thiết kế được nhiều người tìm kiếm, khiến Google phải thêm chức năng tìm kiếm bằng hình ảnh. (Ảnh: Getty Images)

dua-lipa-versace

Donatella lăng xê hình ảnh người phụ nữ tự tin, quyền lực bằng cách hợp tác và liên kết với nhiều nghệ sĩ hàng đầu như Dua Lipa. (Ảnh: Getty Images)

Suốt hơn 20 năm tại thương hiệu, sức bền của “kẻ ngoại đạo” Donatella chưa từng giảm sút. Thường xuyên theo dõi thị trường, hợp tác với đội ngũ thiết kế trẻ tài năng và điều chỉnh những thiết kế đáp ứng với nhu cầu khách hàng trong khi vẫn giữ gìn bản sắc Versace đã trở thành bản năng của NTK.

versace-final-ntk

(Ảnh: Versace)

Vera Wang

Tuổi tứ tuần có phải là quá trễ để theo đuổi đam mê? Câu chuyện trở thành nhà thiết kế thời trang của “phù thủy váy cưới” Vera Wang vào năm 40 tuổi bác bỏ mọi nghi ngại. Từ bỏ sự nghiệp vận động viên trượt băng chuyên nghiệp, bà mang theo bài học từ bộ môn nghệ thuật làm hành trang giá trị cho hành trình thiết kế của mình:

“Trượt băng dạy ta tính kỷ luật và niềm vui khi được tự do thể hiện mình; Khi ngã xuống, ta vực dậy và thử lại một lần nữa.” – Vera Wang.

Sau khi giải nghệ, bà tìm đến thời trang trong quá trình làm việc tại tạp chí và thương hiệu cao cấp Ralph Lauren. Nhận thấy cơ hội xây dựng mảng kinh doanh độc lập, Vera Wang đầu tư bắt đầu cửa hàng váy cưới. Nhu cầu tồn tại quanh năm, lượng hàng tồn kho ít, cùng với đam mê khi bà tự thiết kế váy cho đám cưới của mình vào năm 1989, Vera đã thành công khai mở điểm đến mới cho các nàng dâu.

vera-wang-bride-1618498355

(Ảnh: Getty Images)

Cho đến nay, Vera Wang đã trở thành thương hiệu “top-of-mind” và là nơi phù phép tạo hình cho những cô dâu đình đám nhất: Ariana Grande, Victoria Beckham, Kim Kardashian. Ở tuổi 74, bà vẫn chăm chỉ ra mắt những BST váy cưới mới, được khao khát bởi phụ nữ trên toàn thế giới.

victoria-beckham-vera-wang

Váy cưới Vera Wang dành cho Victoria Beckham. (Ảnh: @victoriabeckham)

mariah-carey-mac-vay-cuoi-ntk-vera-wang

Cô dâu Mariah Carey trong váy cưới Vera Wang. (Ảnh: getty images)

ariana-vera-wang

Ariana Grande. (Ảnh: @arianagrande)

Mary-Kate và Ashley Olsen

Những người yêu thời trang theo dõi ngọn sóng “quiet luxury” của năm 2023 sẽ không lạ lẫm gì với The Row. Bảng màu lặng hoàn hảo và đường may cao cấp của thương hiệu chịu sự ảnh hưởng từ bộ đôi Mary-Kate và Ashley Olsen – những ngôi sao nhí của thập niên 1990-2000 “đá chéo sân” để trở thành NTK.

ntk-mary-kate-ashley-olsen

NTK Mary-Kate và Ashley Olsen. (Ảnh: Mark Mann)

Nghiệp diễn vốn chỉ là bước đệm đến với thành công cho cặp song sinh. Tận dụng sự hứng thú của công chúng với phong cách cá nhân, Mary-Kate và Ashley ra mắt The Row vào năm 2006. Ngôn ngữ thiết kế của thương hiệu xoay quanh sự kín đáo với sức hút kì lạ khiến giới mộ điệu muốn sở hữu, đúng như cách mà hai chị em luôn gợi mở sự tò mò cho công chúng bằng cách giữ đời tư khỏi ống kính Hollywood.

mary-kate-olsen-ntk

(Ảnh: WWD)

Blazer chiết eo, loafer da nhẵn mịn, quần jeans vintage phẳng phiu, The Row có một địa cầu riêng để thể hiện tầm nhìn sáng tạo của cặp song sinh chuyển mình từ diễn viên để trở thành nhà thiết kế. Lựa chọn phát triển thương hiệu thời trang riêng khi hứng thú của khán giả với các vai diễn dần nguội đi nhưng ngày càng được chú ý về phong cách, nước đi chiến lược của chị em nhà Olsen rất đáng học hỏi cho những người đang chờ thời cơ gia nhập làng mốt. Với hơn 150 cửa hàng ở gần 40 quốc gia, The Row là một trong những thương hiệu thành công xuất phát từ những nhà sáng lập “tay ngang” với thời trang.

the-row-designs-ntk

Những thiết kế từ The Row được yêu thích trong làn sóng “quiet luxury.” (Ảnh: The Row)

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Yến
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more