Khi chiếc áo thun kể câu chuyện thời trang bền vững

Đăng ngày:

Không khó để bạn tìm được một chiếc áo thun xanh màu chàm. Tuy nhiên, màu nhuộm được lấy từ chính cây chàm lại cho ra sắc xanh thẫm pha tím rất đặc biệt.

Có bao giờ bạn nghĩ nếu phủ lên chiếc áo thun bạn mặc hằng ngày một loại màu nhuộm đặc biệt thì sẽ trông như thế nào? Chiếc áo thun cổ tròn kinh điển được làm mới ra sao với phương pháp thủ công truyền thống? Có một thương hiệu đang tìm kiếm sự đổi mới đó từ chính những làng nghề nhuộm vải đang dần trở nên xa lạ với cuộc sống hiện đại. Làng nhuộm chàm của người H’Mông ở Sapa vẫn đang gìn giữ cách nhuộm vải lâu đời, mang đến những sản phẩm đậm đà bản sắc văn hóa nhưng không mất đi tính ứng dụng cần có.

hình ảnh cây chàm

Chàm là loại cây rừng được trồng nhiều ở vùng miền núi phía Bắc, vì thế nhuộm chàm cũng trở thành sinh kế chính của dân tộc Dao Đỏ, Mùng, H’Mông… bên cạnh các công việc làm đồng, làm mương khác.

mỗi chiếc áo là tâm huyết của những người thợ nhuộm

Sở dĩ thợ nhuộm chàm thường nói “không” với phương pháp sản xuất hàng loạt là vì để có được một chiếc áo thành phẩm, họ phải mất đến khoảng 1 năm 3 tháng. Trong đó, trồng chàm mất 1 năm để thu hoạch được cành và lá, làm cao chàm và cần thêm 3 tháng để nhuộm nên những chiếc áo mang màu của tự nhiên. Và để có được màu xanh đậm đặc trưng của chàm, công đoạn nhuộm vải phải được lặp đi lặp lại liên tục.

Mỗi dân tộc ở mỗi địa phương sẽ có phương pháp nhuộm riêng. Trong khi phương pháp nhuộm nguội nuôi vi sinh vật để tạo màu thì phương pháp nhuộm nóng sử dụng nước sôi, vôi để tạo thành cao tràm. Phương pháp nguội tuy mất nhiều thời gian hơn nhưng cho kết quả màu bền đẹp hơn. Đây cũng là kỹ thuật được người dân H’Mông ứng dụng cho đến ngày nay.

làng nghề nhuộm chàm truyền thống của người H'Mông ở sapa

Với mỗi sản phẩm làm ra, người thợ nhuộm luôn muốn gửi vào đó tất cả tâm huyết dành cho làng nghề truyền thống vốn được gìn giữ và phát triển qua hàng thế hệ.

Quy trình nhuộm vải chàm gồm 3 bước chính: làm cao chàm, nhuộm chàm và kiềm màu. Cây chàm được trồng vào tháng 6, tháng 7 trong năm và thu hoạch sau một năm. Toàn bộ cành và lá ngâm trong thùng gỗ với nước trong 3 ngày, phần bã được hoà với vôi theo tỉ lệ, tách phần nước để thu cao chàm. Cao chàm sẽ được trộn chung với hỗn hợp nước tro bếp, vôi và rượu tự nấu, ủ lên men trong khoảng 4-5 ngày. Đây gọi là quá trình nuôi vi sinh vật. Nước chàm sẽ dần chuyển màu sang xanh lá cây, rồi dần đậm, bọt chuyển thành màu tím. Khi màu đạt yêu cầu, quá trình nhuộm sẽ bắt đầu. Việc nhuộm sẽ được lặp đi lặp lại khoảng 20 phút/lần. Sau khi nhuộm, áo sẽ được kiềm màu bằng cách ngâm nước giấm qua đêm hoặc luộc với tro bếp.

phương pháp nhuộm chàm truyền thống của người H'Mông

Tất cả các công đoạn từ trồng chàm, thu hoạch, làm cao chàm và nhuộm vải đều được thực hiện bằng tay.

Điểm đặc biệt của phương pháp nhuộm chàm chính là sử dụng các nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên hoặc tự sản xuất. Trong đó, rượu phải là rượu ngon tự nấu, không chứa cồn để tránh làm ảnh hưởng đến màu sắc của sản phẩm. Để hoàn tất 1 chiếc áo nhuộm thành phẩm, người thợ cần khoảng 500 gram cao được chiết xuất từ 20 ký chàm, tương đương với 10 cây chàm.

cao tràm dùng để nhuộm quần áo

Cao chàm sau khi được trộn chung với hỗn hợp nước tro bếp, vôi và rượu tự nấu sẽ được ủ lên men trong khoảng 4-5 ngày.

Không chỉ được dùng để làm màu nhuộm, chàm còn có công dụng chữa bệnh và dùng để bôi vết thương ngoài da. Cũng chính vì thế, quần áo được nhuộm từ cây chàm có khả năng kháng khuẩn và không gây kích ứng cho da.

blue indigo – câu chuyện bản làng qua những chiếc áo “xanh”

Một số thương hiệu thời trang trong nước đã ứng dụng phương pháp nhuộm chàm thủ công để mang đến những lựa chọn bền vững, an toàn cho môi trường như Kilomet 109 của NTK Vũ Thảo. Và mới đây, The Blue T-shirt là thương hiệu tiếp theo ra mắt dự án thời trang xanh mang tên Blue Indigo. Với mong muốn mang kỹ thuật nhuộm thực vật bền vững trở lại với cuộc sống hiện đại, đồng thời lan toả thông điệp gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc, The Blue T-shirt giới thiệu BST áo thun nhuộm chàm cùng những hình vẽ graphic mang tính biểu tượng.

Chia sẻ với độc giả ELLE về dự án đặc biệt này, chị Tuyến – nhà sáng lập và CEO của The Blue T-shirt cho biết, Blue Indigo là bước đi đầu tiên trong kế hoạch mang đến những sản phẩm hiện đại, tiện dụng, có chất lượng tốt và mang tinh thần văn hoá Việt Nam của thương hiệu.

bàn tay người thợ nhuộm chàm

Đôi bàn tay xanh màu chàm của một người thợ nhuộm.

“Hơn nữa, với Blue Indigo, chúng tôi còn có thể tạo thêm thu nhập cho bà con H’mông ở vùng cao. Khi bạn mua 1 chiếc áo, bạn đã giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Đây là những người đã gìn giữ văn hóa dân tộc và tôi muốn TheBlueTshirt sẽ là một thương hiệu đồng hành cùng họ trong hành trình nuôi dưỡng và phát huy những truyền thống này”, chị Tuyến chia sẻ thêm.

phương pháp nhuộm chàm truyền thống của người H'Mông

Được truyền cảm hứng từ chính những người thợ nhuộm tâm huyết với nghề, chị Tuyến ấp ủ nhiều dự án phát triển bền vững trong tương lai: “Tôi muốn áp dụng nghề truyền thống hoặc phương pháp làm vải của người Việt Nam vào những sản phẩm hiện đại, chất lượng cao để những phương pháp, làng nghề này được sống mãi theo thời gian”.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: The Blue T-shirt

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more