Chiến dịch Detox thúc đẩy ngành thời trang trong sạch có thực sự hiệu quả?

Đăng ngày:

Ngành thời trang đang phải đối mặt với sức ép lớn từ phía các nhà hoạt động nhằm tìm ra biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng từ quy trình xả thải gây ô nhiễm.

Ngành công nghiệp thời trang là nơi chứa đựng những giá trị hoa lệ và hào nhoáng, đó là điều không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, ngay cả trong ánh hào quang ấy vẫn luôn tồn tại những góc khuất đáng lên án và sự thực trần trụi mà ngay cả người trong cuộc cũng không thể lên tiếng bóc trần.

Đó là hiện trạng phí phạm tài nguyên thiên nhiên, tàn phá môi trường sống của các loài động vật và ngay cả con người. Để phục vụ cho lợi nhuận trước mắt và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ phía người tiêu dùng thì các doanh nghiệp sẵn sàng làm đủ mọi cách chỉ để hưởng lợi trước mắt mà không màng đến thực tế rằng hành tinh đang phải trả một cái giá quá đắt.

Vivienne Westwood là một trong số ít những thương hiệu cam kết và hành động để bảo vệ môi trường. (Ảnh: ELLE US)

Đây cũng là nỗi băn khoăn của những nhà hoạt động đấu tranh nhằm thay đổi bộ mặt tích cực cho ngành thời trang hiện hành. Họ lo ngại rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì có khả năng chính con người sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, điển hình là hiện tượng trái đất nóng lên, mưa axit, biến đổi khí hậu toàn cầu hay sự gia tăng các bãi rác công nghiệp khổng lồ.

Ngành thời trang

(Ảnh: @greenpeace)

Chính vì thế, chiến dịch Detox được điều hành bởi Greenpeace – tổ chức phi chính phủ hoạt động về môi trường đã chính thức ra đời nhằm khuyến khích doanh nghiệp và nhà bán lẻ loại bỏ các chất hoá học độc hại trong chuỗi cung ứng. Trong suốt quá trình 7 năm vận hành, Detox đã bước đầu tạo nên những bước tiến đáng kể và góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi trong ngành thời trang. “Chiến dịch Detox ra đời năm 2011 chính là một hồi chuông thức tỉnh cho toàn bộ ngành công nghiệp“, Stefan Seidel – chủ tịch của công ty phát triển chiến lược bền vững cho tập đoàn Puma nhận định.

Ngành thời trang 1

(Ảnh: Inhabitat)

Kể từ khi Detox được lan truyền rộng rãi, Greenpeace đã bắt đầu nghiên cứu một phương pháp để đo lường mức độ ô nhiễm từ phía hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Các thực nghiệm ban đầu được diễn ra ngay trong môi trường thực tế, cụ thể là gần các địa điểm kinh doanh và nhà máy sản xuất để từ đó đề xuất các biện pháp trực tiếp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Ngoài ra, nhiều chiến dịch sáng tạo góp phần nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của các chất ô nhiễm hóa học cũng đang dần chứng tỏ hiệu quả, đặc biệt đối với các thương hiệu trên toàn cầu. Bằng chứng là 80 nhãn hàng đã chính thức cam kết loại trừ các chất độc hại ra khỏi chuỗi cung ứng, thay vào đó họ tuyên bố sẽ quản lý nghiêm ngặt quy trình sản xuất và thường xuyên có các cuộc thử nghiệm nguồn nước thải. Có thể nói, chiến dịch Detox cùng sự đồng hành của tổ chức Greenpeace đã đóng góp cho bước chuyển mình quan trọng trong ngành thời trang, giúp các doanh nghiệp hướng đến môi trường làm việc minh bạch, an toàn và tân tiến.

Ngành thời trang 3

Các chiến dịch được đề đạt theo phương thức sáng tạo nhằm truyền đi thông điệp ý nghĩa. (Ảnh: Green Peace)

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng dù Greenpeace hay các tổ chức khác đều đang nỗ lực để hoàn thiện mục đích hoạch định chiến lược và thay đổi thực trạng hiện nay thì vẫn còn chặng đường khó khăn phía trước và nhiều thách thức cần đối mặt, vì thực tế chuỗi cung ứng toàn cầu là một phạm vi phức tạp và khó kiểm soát, cần cả sự chung tay từ phía cơ quan nhà nước và người tiêu dùng để cùng đi đến cái kết cuối cùng là một nền thời trang phát triển văn minh, bền vững.

Xem thêm:

Có hay không sự minh bạch và tính công khai trong ngành công nghiệp thời trang?

Vải sợi lá dứa – chất liệu tiềm năng cho ngành công nghiệp thời trang xanh.

Nhóm thực hiện

Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Ảnh: Sưu tầm)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more