Đọc tên các thương hiệu nổi tiếng thế giới sao cho đúng?

Đăng ngày:

Có thể nhiều tín đồ thời trang đang nghĩ Hermès, Louboutin hay Givenchy đã quá quen thuộc với họ. Nhưng để đọc chính xác tên của các thương hiệu nổi tiếng này thì không phải ai cũng nắm rõ.

Chanel

Chanel bắt đầu sự thành công của mình với sự ra đời của nước hoa Chanel No. 5, đến giờ vẫn là một trong những dòng nước hoa bán chạy nhất mọi thời đại. Thương hiệu Chanel sau đó mở rộng và nhanh chóng trở thành nhãn hiệu thời trang cao cấp đáng tự hào nhất của ngành công nghiệp thời trang nước Pháp. Hơn bất kì nhãn hiệu nào, Chanel mang trọn vẹn nhiều tinh hoa của ngành thời trang cổ điển thời đại trước và là mẫu mực về thời trang cổ điển và kinh điển trong làng thời trang thế giới.

Christian Dior

thế giới thời trang - Dior 1 - elle vietnam

Hơn nửa thập kỷ phát triển, đến nay Christian Dior S.A. vẫn là một trong những thương hiệu dẫn đầu thế giới thời trang. Dior hiện nay trực thuộc tập đoàn LVMH và được quản lý bởi tổng giám đốc Bernard Arnault. Không chỉ nổi tiếng với những trang phục haute couture, Dior còn nổi tiếng về các trang phục ready-to-wear, nước hoa, mỹ phẩm, trang sức, giày dép.

Chloé

 

Thương hiệu Chloé được tạo dựng bởi nhà thiết kế Gaby Aghion, với thời gian đầu tiên tập trung chủ yếu khai thác các dòng sản phẩm cao cấp và thời trang haute-couture. Năm 1950, Gaby là người tạo nên dòng thời trang ready-to-wear nhờ các sản phẩm có chất lượng và mang tính ứng dụng cao.

Celine

Céline là một thương hiệu bóng bẩy và sắc sảo, được biết đến với tình yêu khác thường dành cho phong cách thời trang “trên yên ngựa” của mình. Trong thời đại rạng ngời của Phoebe Philo, thương hiệu Céline đã phát triển phong cách “trang phục thể thao tiện dụng” cổ điển mà hiện đại, mang đến bảng màu nhẹ nhàng, nữ tính với các loại vải cao cấp và những đường cắt may tối giản.

 

Givenchy (zhee-von-she)

Điểm mạnh của Givenchy là nước hoa, bên cạnh những mẫu trang phục hiện đại, kết hợp nhiều nguyên liệu sáng tạo khác nhau, như áo phông Bambi, hay sweatshirt với cách trang trí gothic, mở ra thời kỳ mới trong giới thời trang

Lanvin (lon-vahn)

Lanvin là thương hiệu lâu đời nhất tại Pháp. Bà chủ Jeanne Lanvin có năng khiếu thiên bẩm về cắt may với độ sáng tạo cao khủng khiếp, một năm 4 bộ sưu tập với 800 bộ. Lanvin có cách làm việc ngược, tức là lấy vải dựng mẫu rồi mới vẽ lại đưa vào lookbook.

 

Issey Miyake (EE-say me-AH-kay)

Issey Miyake là nhà thiết kế đương đại, gây ấn tượng với những bộ trang phục đơn giản nhưng khá lạ mắt. Nghỉ hưu năm 1997, Miyake vẫn tiếp tục theo sát công ty và cho ra đời thêm dòng sản phẩm nước hoa.

 

Hermès (air-mez)

Để sở hữu các mẫu túi hiếm của Hermes không hề đơn giản, ngoài tiền ra thì khách cần có vị trí và danh tiếng nhất định. Nước hoa Hermes được xếp vào hàng “niche” cũng khó tìm mua.

 

Ralph Lauren (ralf LOR-uhn)

Ralph Lauren khá thành công với doanh thu hàng tỷ USD dù mới thành lập năm 1967, do chiến lược mở nhiều dòng trang phục khác nhau phù hợp với nhiều thị trường khách hàng. Khoác lên mình có mác Purple Label là mong muốn của tất cả các quý ông quan tâm tới thời trang.

 

Louis Vuitton (lwee vwee-TONN)

Có lẽ không cần phải chú thích nhiều về sản phẩm của Louis Vuitton. Điều ít người biết đó là nhà sáng lập ban đầu chỉ thiết kế túi, ví riêng cho vợ ông hoàng Napoleon. Trung bình mỗi chiếc túi làm ra mất 1 tuần, chống cháy, chống nước, không bao giờ được giảm giá. LV còn cho ra đời những chiếc bút máy ngòi kim loại Palladium hiếm với giá trên trời.

 

Louboutin (loo-boo-tan)

Tuy gia đình có truyền thống làm thợ mộc, Christian Louboutin lại đam mê với giày cao gót. Không hề học chính quy hay xin làm phụ việc cho một nhà mốt, Louboutin lại làm trong phòng phục trang của tiệm nhảy để ngắm giày thỏa thích, một mình mở lối đi riêng. Tính cách “đồng bóng” giúp ông cho ra đời các tác phẩm làm cả thế giới phát cuồng. Nhiều ngôi sao lớn cũng là con nhang đệ tử của Louboutin.

 

Yves Saint Laurent (eve sahn la-rahn)

YSL là nhà mốt nổi danh của Pháp. Ông chủ Yves Henri Donat Mathieu-Saint-Laurent được coi là tên tuổi vĩ đại trong làng thời trang Pháp. Có tư chất đặc biệt, tạp chí Vogue đã xuất bản phác thảo của Yves Saint Laurent khi ông mới 17 tuổi. Sau một thời gian học chính quy và được giới thiệu và làm việc với Christian Dior với vai trò giám đốc sáng tạo. Từ thập kỷ 60-80, Saint Laurent nhận vô số giải thưởng danh giá và sau này phát triển thương hiệu riêng, nhưng đã nghỉ hưu khi mới 65 tuổi vì “ghê tởm với ngành công nghiệp thời trang bị lợi ích thương mại xâm chiếm.”

Bvlgari (BUHL-guh-ree)

thuong-hieu-noi-tieng-ellevietnam

Khởi đầu với cách viết Bulgari, thương hiệu nổi tiếng này được nhà kim hoàn gốc Hy Lạp Sotirios Bulgaris sáng lập năm 1884 sau khi chuyển tới Rome (Ý). Trong tiếng Latin, U và V được viết tương tự nên dù là Bvlgari hay Bulgari thì cách phát âm vẫn không đổi. Tuy được biết đến là hãng chế tác kim hoàn với các tác phẩm ấn tượng như trang sức và đồng hồ rắn, Bvlgari đã mở rộng thị trường sang túi xách và nước hoa.

 

Shu Uemura (Shoe eew-ay-murah)

Các sản phẩm Shu Uemura mới được người tiêu dùng Việt Nam biết tới được vài năm do chất lượng tốt và giá cả phải chăng, nhưng đây là thương hiệu khá lâu đời từ năm 1960. Người chủ xuất thân là nghệ sĩ trang điểm đã từng bước tạo dựng danh tiếng và làm việc với nhiều nhà sản xuất lớn trước khi sản xuất những sản phẩm đầu tiên.

Shiseido (she-say-doe)

Shiseido không chỉ là một hãng mà là thương hiệu nổi tiếng đại diện cho tập đoàn lớn, thâu tóm, đồng thời phát triển nhiều dòng sản phẩm cho các tầng lớp khách hàng khác nhau, thị trường khác nhau. Dưỡng da bình dân có Anessa hay Za, trung cấp có Avene, trang điểm tầm trung là Maquillage và cao cấp là laura mercier hay Clé de Peau Beauté, nội địa là IPSA.

Clé de Peau Beauté (clay duh poe BO-tay)

Mang ý nghĩa chìa khóa “mở cánh cửa sắc đẹp”, Clé de Peau mới ra đời năm 1982. Sản phẩm được ưa chuộng nhất của hãng là thanh che khuyết điểm.

Rochas (ro-SHOSS)

Nhà thiết kế Marcel Rochas bắt đầu với những mẫu áo và váy có thêm túi, nhưng sau này nổi danh nhờ sản phẩm nước hoa “Femme” với hộp hồng và ren đen. Rochas qua đời khi mới 53 tuổi khi thương hiệu còn non trẻ nên hãng đã mất khá nhiều thời gian tự vật lộn, và mãi tới đầu thế kỷ 21 mới bắt đầu chiếm được cảm tình của giới phê bình và có khách hàng trung thành là nhiều ngôi sao lớn.

L’Occitane (lox-ee-tan)

Các sản phẩm từ thiên nhiên này không còn lạ lẫm với người tiêu dùng Việt. Lấy cảm hứng từ thủ phủ hoa oải hương Provence, nguyên liệu và cách chế biến của L’Occitane đều từ địa phương này. Hãng cũng không sử dụng động vật làm thí nghiệm.

Guerlain (gair-lahn)

Nhắc tới Guerlain là nhắc tới thỏi son phi thuyền kèm gương sang chảnh, nhưng Guerlain ban đầu là hãng sản xuất nước hoa đã tồn tại được gần 200 năm. Tuy được xếp ngang hàng với Yves Saint Laurent hay Dior, Chanel… sản phẩm của Guerlain vẫn có giá cao hơn.

Frederic Fekkai (fred-er-riq fehk-eye)

Frederic Fekkai là nhà tạo mẫu tóc cho những người nổi tiếng. Chuyển tới New York lập nghiệp khi chỉ mới 21 tuổi, Fekkai dần có tiếng, mở thêm các salon mới và bắt đầu có dòng sản phẩm dưỡng tóc riêng. Năm 2015, Fekkai cùng vợ tiếp tục kinh doanh sang mảng đồ dùng gia đình cao cấp.

Xem thêm:

7 thương hiệu mắt kính thời trang đáng chú ý dành cho phái đẹp

13 cột mốc đáng nhớ trong lịch sử thương hiệu nước hoa Guerlain

20 mẫu bag charm từ các thương hiệu nổi tiếng được săn đón nhất

Nhóm thực hiện

Nhi Hexe (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more