Hy vọng gì ở Haute Couture? – Blog Nguyễn Danh Quý

Đăng ngày:

Haute couture là mảng thời trang cao cấp nhất, xa hoa nhất, trang phục có một không hai dành riêng cho từng cá nhân, tinh xảo đến mức mà nhà thiết kế Karl Lagerfeld định nghĩa là “không ai làm được”.

Khách hàng là một số ít ỏi phụ nữ thường được gọi là thành viên của “câu lạc bộ kín của haute couture”, đếm được khoảng vài ngàn người trên toàn thế giới. Từ 19.01-24.01, Tuần lễ Thời trang Haute Couture Xuân-Hè 2014 sẽ diễn ra tại Paris. Chỉ đạo thời trang Nguyễn Danh Quý giới thiệu đến bạn đọc ELLE một bài viết lý thú do cây viết thời trang kỳ cựu Thành Lukasz thực hiện.

Cao cấp nhất, Xa hoa nhất

Những người thợ lành nghề của Paris mất 3000 giờ để thêu, may, hoàn thiện chiếc áo khoác dài không tay mà người mẫu Anja Rubik trình diễn trong show haute couture Thu Đông của Chanel vừa diễn ra tại Paris vừa qua. Lý do là chất liệu trông như vải tweed truyền thống của thương hiệu Pháp thật ra là những món thêu tay. Chúng ta đã được nghe đến ngàn lần chuyện một chiếc váy phải mất hàng ngàn giờ để may và điều này thường được dung để lý giải tại sao đồ haute couture lại có thể được bán với giá đến vài chục nghìn euro.

Có thể coi haute couture là một kiểu chơi với thị giác. Những gì chúng ta nhìn thấy (nhất là trong thời đại số hiện nay, chúng ta thường “tận mắt thấy” trên màn hình laptop hoặc iPhone) thường lại không phải là những điều cốt lõi và giá trị. Trang phục của Chanel có thể thú vị ở chỗ sự công phu được giấu dưới vẻ bề ngoài tầm thường, thậm chí nó trông không khác gì các thiết kế của các thương hiệu thời trang giá rẻ. Trong bộ sưu tập haute couture của Givenchy mùa Xuân Hè năm nay, da cá sấu là da cá sấu. Tuy vậy, các thợ may của thương hiệu Pháp cũng đã cắt rời từng mảnh vẩy da, đánh số để “thêu” trở lại theo đúng thứ tự, xếp lại hình thù ban đầu trên vải tuyn và làm cho thân váy mềm mại hơn. Trong cả hai trường hợp, thêu vẫn là thêu, vẫn đẹp và tinh xảo như người ta đã thêu hàng chục năm nay.

 

GIVENCHY Couture Xuân 2012

GIVENCHY Couture Xuân 2012

Có thể thấy rằng haute couture hiện được các nhà thiết kế mốt coi như một thứ đồ thủ công, tuy là thủ công hoàn mỹ ngoại hạng. Đây không còn là mảng thời trang đi đầu, đưa ra những đề xuất mới về việc chúng ta có thể chưng diện như thế nào, hay phát minh ra kỹ thuật, chất liệu, thiết kế, trang phục. Nó trở thành một trò chơi mà quy tắc số một là làm sao khoe sự giàu sang một cách ý tứ. Khoác lên người các chất liệu siêu đắt tiền như da cá sấu, lông thú hay trang sức nặng cân là một điều khiếm nhã. Vậy thì hãy khoe công sức bỏ ra để thêu trang trí một bộ váy áo, nhất là khi công việc đó hoàn toàn không cần thiết (lãng phí sức lao động là một trong những biểu hiện của sự xa hoa), diễn ra ngay tại trung tâm Paris, trong trường hợp của Lesage. Haute couture tuy không “chết” như người ta thường nói, nhưng nó đã trở nên tẻ nhạt. Đúng như lời của chính Karl Lagerfeld đã nói cách đây 20 năm: “Khi đồ xa hoa đạt được vị trí đẳng cấp khiến người ta kính nể, thì nó trở nên tẻ nhạt”.

 

Chi tiết trên thiết kế CHANEL Couture Thu-Đông 2013

Chi tiết trên thiết kế CHANEL Couture Thu-Đông 2013

Haute couture là mảng thời trang cao cấp nhất, xa hoa nhất, trang phục có một không hai dành riêng cho từng cá nhân, tinh xảo đến mức mà Karl Lagerfeld định nghĩa là “không ai làm được”. Khách hàng là một số ít ỏi phụ nữ thường được gọi là thành viên của “câu lạc bộ kín của haute couture”, đếm được khoảng vài ngàn người trên toàn thế giới. Tuy nhiên cả con số và thành phần họ đều thay đổi trong thời gian gần đây. Nhiều thành viên mới của “câu lạc bộ kín” này đến từ các nền kinh tế mới nổi, nhất là người Nga, thường xuyên xuất hiện trên các blog thời trang đường phố (và vì thế mà không hề kín đáo một chút nào). Họ là những người mua nhiều và thường xuyên thay đồ để chứng tỏ sự sành điệu của mình trước công chúng. Trong số đó, theo tờ New York Times, có người đã đặt mua đến 35 món may đo cá nhân của Chanel.

Tuy vậy, phải nói rằng haute couture không phải lúc nào cũng “thêu, thêu và thêu”. Những nhà thiết kế mốt đóng vai trò quan trọng trong lịch sử là những người đem lại những thay đổi lớn trong nghệ thuật thiết kế hay kinh doanh thời trang. Điển hình nhất là Coco Chanel, người khởi xướng “cuộc cách mạng phụ nữ” trong thời trang trong những năm 1910-1920. Váy, áo của bà may bằng vải jersey rẻ tiền, dáng thể thao gọn nhẹ hay bắt chước trang phục nam giới đáp ứng nhu cầu của người phụ nữ đang rời bỏ bốn bức tường phòng khách để tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội. Loại váy đen “a little black dress” có thể mặc ban ngày cũng như dự tiệc buổi tối, trở thành trang phục không thể thiếu được trong tủ quần áo của người phụ nữ hiện đại.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Christian Dior và sau đó, Cristobal Balenciaga là những nhà kiến trúc sư thời trang tiên phong, phát minh ra những kiểu dáng, cấu trúc độc đáo cho trang phục. New Look của Christian Dior đem người phụ nữ trở lại với vai trò của người thiếu nữ lãng mạn, yêu kiều, nhưng thiết kế đặc trưng của ông – áo vét bar jacket vai nhỏ, bó eo và tà áo bồng, mặc với váy xòe rộng trở thành chuẩn mực cho phong cách của thập kỷ 1950. Dior là niềm tự hào của người Pháp vì một lý do nữa, thực tế hơn: chính nhờ thành công của nhà mốt này mà thời trang Paris đã vực dậy sau chiến tranh, giành lại ngôi số một trên thế giới.

Trong thập kỷ 1960, người kế thừa của Christian Dior, Yves Saint Laurent mang trang phục của đường phố và giới trẻ đến với thời trang haute couture, cũng là người đầu tiên “ném” dòng thời trang đỉnh cao này vào quá khứ, đưa thời trang may sẵn pret-a-porter vào vị trí mũi nhọn xác định phong cách ăn mặc đương thời.

Còn trong thập kỷ 1990, John Galliano đã biến haute couture của Dior thành vở kịch (và không hiếm khi là hài kịch) thời trang. Mô hình của Dior lúc đó? Show haute couture càng có tiếng vang, nước hoa, mỹ phẩm và phụ kiện thời trang dập logo CD càng bán chạy. Tuy vậy, nhà thiết kế người Anh tai tiếng đã đặt ra tiêu chuẩn mới cho haute couture mà cho đến bây giờ người ta vẫn còn mong mỏi được trải nghiệm. Đó là những trang phục tinh xảo nhưng lộng lẫy đến mức phô trương, đi kèm với các show diễn sự cường điệu kiểu “kistch”.

 

Thiết kế Couture của John Galliano cho DIOR Thu-Đông 2011

Thiết kế Couture của John Galliano cho DIOR Thu-Đông 2011

Sau khi Dior sa thải Galliano, sau hai bộ sưu tập haute couture của thương hiệu có thể được ví với những bản copy vô duyên của phong cách New Look, người ta đặt nhiều hy vọng về những điều mới mẻ vào Raf Simons. Nhà thiết kế mới đến từ Antwerp, là người tiên phong và độc lập, có phong cách tối giản và nỗi ám ảnh đem thời hiện tại đến với phong cách haute couture lãng mạn của thập kỷ 1950. Trong bộ sưu tập haute couture đầu tiên của mình vừa trình diễn tại Paris vừa qua, Raf Simons kết hợp quần âu với áo bar jacket, với váy dạ hội vai trần được cắt ngắn hoặc xẻ dọc thân. Vẫn là New Look của Dior, tuy đã được gỡ ra, chải sạch rồi ghép lại một cách khẽ khàng. Chúng ta có thể đã chờ đợi điều gì đó ghê gớm hơn, nhưng đây là một sự khởi đầu tốt đẹp.

 

Thiết kế cho BST Haute Couture DIOR Xuân 2013 của Raf Simons. Đây cũng là BST Couture đầu tiên Raf làm cho nhà mốt huyền thoại này.

Thiết kế cho BST Haute Couture DIOR Xuân 2013 của Raf Simons. Đây cũng là BST Couture đầu tiên Raf làm cho nhà mốt huyền thoại này.

 

Tới BST Couture thứ 2 dành cho DIOR, Raf đã mang tới rất nhiều sự hiện đại lẫn mỹ cảm cá nhân của mình vào nhiều thiết kế.

Tới BST Couture thứ 2 dành cho DIOR, Raf đã mang tới rất nhiều sự hiện đại lẫn mỹ cảm cá nhân của mình vào nhiều thiết kế.

Nhóm thực hiện

Bài viết của Thành Lukasz

Ảnh tư liệu

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more