Sau những năm tháng nhuốm màu u ám bởi bóng đen chiến tranh, thời trang thập niên 1950 bùng nổ như một lời khẳng định đầy kiêu hãnh về sự nữ tính, về niềm vui được khoác lên mình vẻ đẹp xa hoa. Nó không chỉ là sự trở lại của váy áo, mà là sự phục hưng của cả một tinh thần, từ cuộc cách mạng “New Look” của Dior cho đến tinh thần tự do, mang tính ứng dụng cao mà vẫn sang trọng và thanh lịch của “Elegance Americana” mọi thứ đều dẫn lối đến những chuẩn mực phong cách mà chúng ta vẫn theo đuổi hôm nay.
BÀI LIÊN QUAN
“Elegance Americana”: Khi Sự Tiện Dụng Gặp Gỡ Tinh Hoa Thanh Lịch
Vào những năm thập niên 50, nếu Paris là kinh đô của sự lộng lẫy xa hoa với “New Look” quyến rũ, thì bờ bên kia Đại Tây Dương lại chứng kiến sự ra đời của một phong cách đối trọng đầy mạnh mẽ và kiêu hãnh: “Elegance Americana”. Gạt bỏ định kiến thời trang Mỹ chỉ xoay quanh sportswear hay sự đơn giản với áo thun và quần jeans, thập niên 50 đã chứng minh điều ngược lại rằng các nhà thiết kế Mỹ đã tạo ra những trang phục sở hữu “vẻ thanh lịch không thể nhầm lẫn” nhưng cũng “mang đậm chất Mỹ không thể phủ nhận”.
“Elegance Americana” không chạy theo phô trương mà tôn vinh sự hài hòa giữa vẻ sang trọng và tính ứng dụng. Từ áo khoác satin viền lông chồn, bộ suit tweed được cắt may tinh xảo, đến những chiếc cúc đá lấp lánh – tất cả đều minh chứng cho sự chú trọng vào chất liệu cao cấp và chi tiết tỉ mỉ, nhưng vẫn phù hợp với lối sống năng động của phụ nữ Mỹ ở thời điẻm bấy giờ. Đường nét gọn gàng, phom dáng chuẩn mực, tôn vinh hình thể một cách tự nhiên và thanh lịch chính là DNA của họ.
Dẫu vậy, di sản sportswear bất diệt từ Claire McCardell vẫn được giữ gìn, mang đến sự thoải mái ngầm mà nhiều thiết kế châu Âu thiếu vắng. Ngay cả phom dáng “New Look” cũng được biến tấu đầy khéo léo để phù hợp với thị hiếu Mỹ. Điển hình là chiếc “Poodle Skirt” – váy xòe chữ A bằng vải nỉ, thường thêu hình chó Poodle ngộ nghĩnh và trẻ trung. Chiếc váy này vẫn giữ được vòng eo thon gọn và độ xòe đặc trưng của New Look nhưng lại mang một tinh thần trẻ trung, casual và đậm chất Mỹ.
Bên cạnh ngọc trai, găng tay và mũ – những phụ kiện phổ biến ở thời điểm bấy giờ, kính mắt mèo và giày saddle trở thành biểu tượng độc đáo, hoàn thiện bức tranh về một vẻ đẹp thực tế nhưng vẫn đầy tinh tế. “Elegance Americana” đã chứng minh rằng sự tinh tế và sang trọng không chỉ thuộc về Paris hay Rome, khẳng định tiếng nói riêng của thời trang Mỹ: đề cao sự kết hợp hài hòa giữa xa xỉ, mang tính ứng dụng cao và vẻ đẹp thanh lịch đầy tự nhiên.
Sự Chuyển Mình Cuối Thập Niên 50: Hơi Thở Của Tương Lai
Khi thập niên 50 dần khép lại, thời trang bắt đầu chuyển mình, báo hiệu một kỷ nguyên mới của sự thoải mái và tối giản. Dù “New Look” vẫn là kinh điển, những phom dáng mới mẻ, ít bó buộc hơn bắt đầu xuất hiện. Coco Chanel tái xuất năm 1954, mang đến hơi thở đối lập hoàn toàn với Dior: những bộ suit vải tweed kinh điển với áo khoác dáng cardigan và váy ôm thẳng, cùng những chiếc Little Black Dress vượt thời gian đã đưa sự tinh tế và tối giản lên một tầm cao mới. Hubert de Givenchy đã đưa sự tinh tế và tối giản lên một tầm cao mới bằng những đường cắt sạch sẽ. Thiết kế “sack dress” (váy dáng bao tải) không chiết eo của ông năm 1957 đã báo hiệu cho những phom dáng thoải mái hơn.
Không chỉ vậy, sự bùng nổ của thời trang tuổi teen ở thập niên 50 cũng đánh dấu một lực lượng tiêu dùng mới đầy sức mạnh. Các thiết kế hướng đến giới trẻ như váy “baby doll” vay váy dáng suông empire line bắt đầu phổ biến hơn, mang đến vẻ ngoài Cùng với đó, công nghệ vải vóc với sự phổ biến của các loại sợi tổng hợp nylon, Crimplene (polyester) và Orlon (acrylic) – những chất liệu “giặt mặc” (wash and wear) đã cách mạng hóa ngành may mặc, giúp những thiết kế thanh lịch trở nên dễ tiếp cận hơn, dân chủ hóa thời trang cao cấp.
BÀI LIÊN QUAN
Hollywood: Sân Khấu Lớn Nhất Của “elegane americana”
Hollywood, không nghi ngờ gì, chính là sàn diễn lớn nhất, biến các ngôi sao thành thần tượng phong cách toàn cầu. Marilyn Monroe là biểu tượng của sự quyến rũ tràn đầy chiếc váy ôm sát, váy bút chì hay váy halter (cổ yếm) xẻ sâu đã định hình chuẩn mực cái đẹp gợi cảm của thập niên này, toát lên sức hút không thể cưỡng lại. Grace Kelly đại diện cho thanh lịch quý phái với những bộ cánh may đo hoàn hảo, áo ôm và váy xòe đã trở thành kinh điển. Đặc biệt, chiếc váy cưới cổ điển của bà vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho đến ngày nay, minh chứng cho vẻ đẹp vượt thời gian.
Audrey Hepburn là hiện thân của phong cách Givenchy. Vóc dáng mảnh mai, thanh thoát trong những chiếc Little Black Dress, quần capri ôm, giày bệt, hay những thiết kế gọn gàng, tinh giản đã chứng minh rằng sang trọng đích thực nằm ở sự tối giản và vẻ đẹp thanh lịch. Cô đã trở thành một biểu tượng toàn cầu, thay đổi cách phụ nữ nhìn nhận về thanh lịch. Elizabeth Taylor là hiện thân của xa hoa, kịch tính, với những chiếc váy dạ hội xòe rộng, váy trễ vai và niềm đam mê trang sức lộng lẫy, khẳng định vị thế của một minh tinh màn bạc. Jacqueline Kennedy, dù ảnh hưởng nhất ở thập niên 60, nhưng phong cách của Jackie trong những năm cuối 50 với những đường nét đơn giản của váy chữ A và suit may đo, đã báo hiệu cho sự chuyển dịch sang một vẻ đẹp hiện đại hơn, tối giản hơn và đầy quyền lực. Jacqueline không chỉ là một biểu tượng thời trang mà còn là người định hình xu hướng cho phái nữ muốn tìm kiếm sự thanh lịch không phô trương, sự sang trọng đi đôi với sự thực tế và tính ứng dụng cao.
Thập Niên 1950 – Nguồn Cảm Hứng Bất Tận Cho Thời Trang đương đại
Thập niên 1950, với sự kết hợp hài hòa giữa cấu trúc sang trọng và tính ứng dụng đang phát triển, vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế hiện đại. Tại Dior, dù trong những màn trình diễn kịch tính của John Galliano đến sự tối giản của Raf Simons hay góc nhìn nữ quyền của Maria Grazia Chiuri, vòng eo thắt chặt và váy xòe của New Look vẫn liên tục được tái hiện, biến hóa không ngừng. Chanel vẫn giữ vững DNA thời trang của mình trong “triều đại” của Karl Lagerfeld và Virginie Viard với những bộ suit tweed và Little Black Dress. Givenchy tiếp tục khai thác di sản với các đường cắt may gọn gàng, tinh tế.
Nhiều thương hiệu và các nhà thiết kế đương đại thường xuyên tái hiện nét quyến rũ hoài cổ của thập niên 50. Các phiên bản hiện đại của váy xòe, váy shirtwaist và váy bút chì, với họa tiết vui tươi hoặc chất liệu cải tiến, luôn xuất hiện trên sàn diễn, mang đến làn gió mới mẻ cho những thiết kế kinh điển. Phong cách “Elegance Americana” với tinh thần thực tế nhưng tinh tế được thể hiện rõ nét ở các thương hiệu tập trung vào ready-to-wear sang trọng, những bộ quần áo được may đo kỹ lưỡng và trang phục thể thao cao cấp. Đặc biệt là ở các nhà mốt như Ralph Lauren và Michael Kors – những bậc thầy trong việc tái tạo tinh thần thoải mái và tinh tế của thời trang Mỹ giữa thế kỷ 20. Không chỉ vậy, những chiếc váy cưới bồng bềnh, lộng lẫy của thập niên 50, mà điển hình là chiếc váy cưới của Grace Kelly, vẫn là một cột mốc quan trọng trong thời trang cô dâu, với các nhà thiết kế không ngừng đưa ra những phiên bản hiện đại cho phom dáng vượt thời gian này, mang đến vẻ đẹp cổ điển đầy mê hoặc.
Hơi Thở Cổ Điển Trong Nhịp Sống việt nam Hiện Đại
Không nằm ngoài dòng chảy của cảm hứng toàn cầu, thời trang thập niên 1950, đặc biệt là tinh thần “Elegance Americana” đã và đang tìm thấy những bản thể đương đại trong tủ đồ của hội tín đồ thời trang và các bộ sưu tập của những nhà thiết kế tại Việt Nam.
Không khó để bắt gặp những cô gái thành thị diện váy midi xòe bồng hay váy chữ A kinh điển, kết hợp với áo blouse chiết eo nhẹ nhàng được làm mới bằng chất liệu linen, cotton thoáng mát và màu sắc hiện đại, phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Những chiếc áo sơ mi cổ điển phom dáng gọn gàng, được may đo tỉ mỉ, hay những bộ suit blazer cách tân thanh lịch cũng là ví dụ điển hình cho tinh thần của “Elegance Americana” đề cao sự tinh tế, ứng dụng cao mà vẫn giữ được nét sang trọng. Các chất liệu như tweed, lụa tơ tằm cũng được khai thác để mang đến vẻ đẹp cổ điển nhưng vẫn hợp thời.
Điều thú vị là phong cách này cực kỳ linh hoạt và phù hợp với nhiều hoàn cảnh, đặc biệt là trong môi trường công sở, các buổi họp hành quan trọng, hoặc những buổi gặp gỡ semi-formal, nơi sự thanh lịch và chuyên nghiệp được đặt lên hàng đầu. Bạn có thể dễ dàng phối những item mang hơi thở thập niên 50 từ những món đồ phổ biến: một chiếc chân váy midi xếp ly hoặc váy chữ A, kết hợp cùng áo cổ Peter Pan hoặc áo blouse lụa mềm mại. Điểm nhấn không thể thiếu là chiếc khăn lụa nhỏ xinh buộc nhẹ ở cổ hay cài trên túi xách, cùng đôi giày mũi tròn đế thấp hoặc kitten heel, và một chiếc túi tay cầm (top-handle bag) dáng hộp cứng cáp.
Để hoàn thiện vẻ đẹp vượt thời gian này mà không làm mình trở nên lỗi thời, hãy khéo léo kết hợp phong cách thập niên 50 với các phụ kiện hiện đại: một chiếc đồng hồ tối giản, một chiếc túi da boxy thời thượng thay vì túi cổ điển quá cứng nhắc, hoặc chỉ cần một lớp make-up nhẹ nhàng với điểm nhấn là son môi đỏ cổ điển và kẻ mắt mèo tinh tế. Sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại chính là chìa khóa để vẻ đẹp thập niên 50 tỏa sáng trong nhịp sống đương đại.
Xem thêm:
Ngược dòng thời gian với 3 mẫu bikini mang cảm hứng thời trang retro
Combo kinh điển cho mùa Thu gọi tên chân váy ngắn và boots cao cổ
Nhóm thực hiện
Bài: Thanh Nguyễn
Ảnh: Tổng hợp