Hệ thống thời trang cao cấp nước Mỹ đang suy thoái như thế nào?

Đăng ngày:

Vì sao hệ thống thời trang cao cấp Mỹ gặp khó khăn trong thời kỳ kinh tế đang tăng trưởng tốt? Do đâu người Mỹ “quay lưng” với thời trang cao cấp nước nhà?

Là một trong bốn kinh đô thời trang lớn nhất thế giới – New York tổng hợp nhiều nét văn hoá đặc trưng tạo nên nguồn cảm hứng dồi dào cho các nhà thiết kế thoả sức sáng tạo. New York Fashion Week luôn là màn mở đầu cho các tuần lễ thời trang trên thế giới với các tên tuổi nhà thiết kế nổi tiếng như: Calvin Klein, Marc Jacobs, Kenneth Cole, Anna Sui,… Nhưng nay vùng đất thời trang này đang dần thoái hóa.

Cảm hứng thiết kế bị chi phối bởi thị trường

Narciso Rodriguez, giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang LVMH Loewe đã có những chia sẻ sau: “Hiện nay người ta hầu như không còn quan tâm đến thời trang nữa. Xã hội Mỹ đã thoải mái hơn trong các quy tắc trang phục nên mọi người có thể tự do lựa chọn quần áo đơn giản, tiện lợi tại công sở và không cần phải đầu tư cho thời trang âu phục cao cấp”.

Trang phục trong show thời trang Thu – Đông 2018 của nhà mốt LVMH Loewe. (Ảnh: Getty images)

Ông cho biết thêm: “Trước kia chúng tôi rất háo hức đầu tư cho show thời trang của mình từ ý tưởng, kiểu dáng bộ sưu tập, sàn diễn đến người mẫu sao cho thật công phu và hoành tráng. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, cảm hứng sáng tạo của tôi không còn dồi dào nữa. Vì sự chi phối của thị trường thời trang nên các mẫu thiết kế phải giản dị và mang tính ứng dụng hơn, khách hàng ngày nay chỉ cần bộ trang phục trông ổn chứ không còn những yêu cầu phong phú, mới lạ”.

Thiết kế của LVMH Loewe bị ảnh hưởng bởi thị hiếu của khách hàng. (Ảnh: Getty images)

Người tiêu dùng “quay lưng” với thời trang cao cấp nước nhà

Trên thực tế theo báo cáo kinh tế năm 2017, thị trường thương mại thời trang Mỹ đã tăng thêm 5% nhờ vào tỷ lệ người tiêu dùng các thương hiệu thời trang trực tuyến và thời trang cao cấp châu Âu. Trong khi đó, doanh thu từ hệ thống cửa hàng bán lẻ và show thời trang của nhiều thương hiệu thời trang ở New York lại thấp đi.

Điều này cho thấy việc “ngại” đưa ra những mẫu trang phục mới lạ đã khiến nhóm “khách hàng phong cách” quay lưng với các thương hiệu thời trang cao cấp Mỹ. (Ảnh: Getty images)

Bên cạnh đó, do hệ quả từ sau khủng hoảng kinh tế nên người Mỹ đã không còn mặn mà với các thương hiệu thời trang cao cấp. Họ sẽ chọn thương hiệu thời trang bình dân như H&M, Everlane hoặc các cửa hàng trực tuyến trên mạng xã hội. Chính vì không còn yêu cầu cao trong phong cách ăn mặc nên việc lựa chọn trang phục có chất lượng và giá thành rẻ cũng là yếu tố ưu tiên hàng đầu.

Thay vì chi trả hàng nghìn đô la cho chiếc quần hiệu, người Mỹ sẽ mua một chiếc quần tương tự có giá chỉ 35 đô la của H&M. (Ảnh: Bernd Von Jutrczenka)

Nỗ lực tìm lối đi riêng

Trong cuộc cạnh tranh thị trường khốc liệt, một số thương hiệu cao cấp Mỹ đã tự giải phóng khỏi lối mòn về tư duy, tiềm lực tài chính và nhân lực để củng cố vị thế trong giai đoạn khó khăn này. Đổi mới là giải pháp duy nhất để hệ thống thời trang Mỹ thoát khỏi tình trạng suy thoái.

Vetements là thương hiệu thời trang đã có kế hoạch kinh doanh thông minh và đầy đột phá. Thiết kế độc đáo về dáng vẻ luộm thuộm, phá vỡ cấu trúc cân bằng của trang phục truyền thống nhưng chính điều này đã làm nên dấu ấn đặc biệt cho những ai thích thể hiện cá tính riêng.

Dù có thiết kế rất kén người mặc và mức giá cao nhưng sản phẩm của Vetements luôn trong tình trạng cháy hàng. (Ảnh: Getty images)

Với số lượng sản phẩm giới hạn cộng thêm việc không được bán rộng rãi nhưng Vetements vẫn lôi cuốn những tín đồ thời trang. (Ảnh: Getty images)

Thời trang Vetements được ca sĩ Rihanna cực kỳ yêu thích. (Ảnh: Getty images)

Nếu Vetements chọn cho mình phương thức kinh doanh mới thì Rachel Comey lại mạnh dạn thay đổi cách tổ chức show thời trang của mình để thu hút khán giả hơn. Theo cô việc bỏ các quy tắc cũ là hành động cần thiết để vượt qua giai đoạn khó khăn trong lúc này. Chính vì thế nên không gian và cách tổ chức show thời trang của Rachel Comey rất đa dạng và thú vị như: không gian trình diễn trong cửa hàng bách hóa cổ, sàn diễn trên vỉa hè đường phố New York, tiệc tối trong viện bảo tàng,…

Người mẫu đang tạo dáng trên sàn diễn là đường phố New York trong show thời trang của Rachel Comey. (Ảnh: Getty images)

Sự sáng tạo kết hợp trình diễn thời trang trong không gian tiệc. (Getty images)

Nỗ lực của những thương hiệu thời trang cao cấp Mỹ trong việc tìm hướng đi mới giữa giai đoạn khó khăn này được đánh giá rất cao. (Ảnh: Getty images)

Xem thêm:

Trang phục hàng hiệu của Beyoncé trong ca khúc mới “Apes**t”

Phong cách thời trang “quyền lực” của Kim Kardashian khi xuất hiện ở Nhà Trắng

Nhóm thực hiện

Ngọc Trân (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tham khảo: businessoffashion/ Hình ảnh: tổng hợp)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more