Thập niên 90 và sự nở rộ của Chủ nghĩa Thời trang Tối giản
Thập niên 90 được ví như cột mốc vàng son cho các phong cách thời trang chuyển mình mạnh mẽ. Giữa làn sóng ‘more is more’, Chủ nghĩa Tối giản (minimalism) xuất hiện như một cuộc cách mạng thời trang cho giới cuồng nhiệt vẻ đẹp tinh giản và mang tính thực tiễn cao.
Thập niên 90 được xem là thời kì bùng nổ của sự đa dạng phong cách thời trang. Giới trẻ được tự do thể hiện cá tính của mình bằng ngôn ngữ thời trang bứt phá, vượt ra khỏi những khuôn khổ quy tắc được xem là chuẩn mực đương thời.
Sự xuất hiện của phong cách Tối giản (Minimalism) ở thời điểm đỉnh cao của thời trang thập niên 90 với các bản phối thiết kế cầu kì và đa dạng như đem lại một “hơi thở” mới cho nền công nghiệp này. Đây cũng được xem là một bước ngoặt lớn trong việc tái cấu trúc dòng chảy thời trang những năm sau đó.
Sự xuất hiện của chủ nghĩa Tối giản ở thập niên 90
Tuyên ngôn ‘”Less is more – ít là nhiều” mà Ludwig Mies van der Rohe tiên phong đã giúp ông trở thành một trong những tượng đài của kiến trúc tối giản hiện đại. Câu nói ấy đồng thời trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho xu hướng thời trang vào thập niên 90. Tiêu biểu là Miuccia Prada đã thể hiện niềm say mê của bà đối với chủ nghĩa Tối giản trong bộ sưu tập Ready-to-wear 1998. Thời trang theo phong cách Tối giản của thập niên 90 đạt đến thời kì hoàng kim với sự ra đời BST đầu tiên cho Gucci của NTK Tom Ford (1996) và Marc Jacobs cho Louis Vuitton (1998).
Thông qua các BST, mỗi thiết kế đều thể hiện rõ tinh thần đơn giản hoá và gọn gàng đến tối đa. Không còn cảm giác điên rồ hay kì thú đem lại bởi những thiết kế vượt ra khỏi ranh giới của thực tế và trí tưởng tượng bay bổng. Với phong cách Tối giản, các nhà thiết kế tiết chế lại “cái tôi” và óc sáng tạo không giới hạn của mình. Họ tập trung đầu tư vào lát cắt, đường may và chất liệu vải để đáp ứng được các chuẩn mực về cái đẹp tinh giản. Sự tối giản của thời trang thập niên 90 đã khiến các nhà mốt phải dành nhiều thời gian và công sức vào mỗi sản phẩm để thể hiện được sự sáng tạo và tài năng của mình. Mỗi thiết kế tuy đơn giản nhưng vẫn đạt đến cảnh giới cuối cùng của sự hoàn hảo sẽ là minh chứng cho tay nghề tài hoa của NTK đứng sau chúng.
chủ nghĩa tối giản những năm 90 và các nhà mốt tiên phong
Calvin Klein
Calvin Klein đã làm dậy sóng làng thời trang thế giới khi cho ra mắt các thiết kế tối giản mang tính cách mạng vào những năm 1970 – 1990. Không cầu kỳ hay chạy theo xu hướng mới, Calvin Klein tiết chế những bộ trang phục thường ngày của mình. Thương hiệu tập trung vào chi tiết chính, màu sắc và giản lược các chi tiết thừa để người mặc có thể linh hoạt kết hợp cùng các món đồ khác mà không lo lỗi thời. Dù đơn giản nhưng thương hiệu này không để mình bị lu mờ trước sự xa xỉ của các nhà mốt đương thời. Với phương châm “As simple as possible. As unique as possible – Tinh giản và độc đáo nhất có thể”, đây tựa như kim chỉ nam của nhà mốt để khẳng định sự đơn giản nhưng độc nhất của mình qua các BST.
Jil Sander
Được thành lập tại Hamburg, Đức vào năm 1968, Jil Sander đã xây dựng nên thương hiệu thời trang theo trường phái tối giản mang tên mình. Với bà, việc tập trung nâng cao chất liệu của sản phẩm, đề cao sự thoải mái và tính thực tiễn đồng nghĩa mang lại chất lượng nghệ thuật đồng điệu mà bộ sưu tập muốn truyền tải. Những thiết kế của Jil Sander mang hơi thở tân tối giản tập trung vào những lát cắt tinh xảo và đường may chuẩn chỉnh, tạo nên một Jil Sander với phong cách Tối giản sạch sẽ, mang tính ứng dụng cao cho phái nữ.
Helmut Lang
Trong thập niên 90, thời trang của nhà thiết kế người Áo Helmut Lang là đại diện hoàn hảo cho chủ nghĩa tối giản với sự ứng dụng tươi mới và gọn nhẹ dành cho quần áo. Các bộ sưu tập từ Helmut Lang không chỉ là sự ngự trị của các bản phối màu sặc sỡ mà tập trung sử dụng bảng màu trung tính, trầm lắng, hướng nội, và đề cao vẻ đẹp phi giới tính.
Dù Lang không còn hoạt động mạnh mẽ dưới cái tên thương hiệu và chuyển hướng trở thành một nghệ sĩ, nhưng thành tựu và sức ảnh hưởng của ông vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho giới mộ điệu. Đặc biệt trong cách mà ông đã thay đổi khái niệm thời trang xa xỉ và mang lên sàn diễn những thiết kế đường phố mang phong cách Tối giản và có tính ứng dụng cao.
Các thương hiệu thời trang theo đuổi chủ nghĩa Tối giản
Uniqlo
Mang phong cách Tối giản với bảng màu trung tính đậm chất Nhật Bản, Uniqlo hướng đến phong cách thời trang tiện dụng hằng ngày, có chất lượng cao và phù hợp với mọi lứa tuổi. Các chi tiết quần áo được giản lược tối đa và thay thế bằng những đường may chắc chắn, tinh xảo và đôi khi độc đáo. Sản phẩm từ Uniqlo giúp khách hàng dễ dàng kết hợp với nhiều món đồ phụ kiện khác nhau qua các năm mà không lo bị lỗi mốt.
Massimo Dutti
Massimo Dutti là một trong những thành viên thuộc Tập đoàn thời trang lớn toàn cầu Inditex. Kết hợp hài hoà giữa yếu tố thời trang cổ điển giản lược và thanh lịch, Massimo Dutti dễ dàng lấy được cảm tình của những người trẻ ái mộ phong cách Tối giản. Bên cạnh đó, thiết kế từ nhà Massimo Dutti luôn cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật sắc sảo và sự đơn giản của đời sống thường ngày.
COS
Giữa sự bùng nổ của thị trường thời trang “nhanh” – Fast Fashion, sự ra đời của COS với khao khát tạo ra các sản phẩm mang tinh thần tối giản và trường tồn qua suốt các mùa. Mỗi món đồ từ COS là một món thời trang “must-have” trong tủ đồ hiện đại được gia công thủ công bởi những người thợ lành nghề và chất liệu tốt nhất. Tinh thần của phong cách Tối giản được COS đề cao thông qua các đường cắt may tinh giản và bảng màu trung tính. Với giới mộ điệu và những người đam mê phong cách Tối giản, COS như một “liều thuốc thanh lọc” sự phù phiếm, rườm rà đôi khi có phần không cần thiết của giới thời trang.
Bài: An Đinh
Ảnh: Tổng hợp
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE