Đại dịch COVID-19 đã thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào?

Đăng ngày:

Bên cạnh chuyển biến vĩ mô về kinh tế – chính trị, sau đại dịch COVID-19, đời sống văn hóa – xã hội cũng sẽ có nhiều thay đổi.

Cuộc sống thường nhật của mọi người đã thay đổi vô cùng nhanh chóng. Sau những trải nghiệm “có một không hai” ấy, giờ đây, trước mắt chúng ta là một thế giới đầy khác biệt, lạ lẫm. Bên cạnh những chuyển biến vĩ mô toàn diện ở lĩnh vực kinh tế – chính trị, trong mùa đại dịch, đời sống văn hóa – xã hội cũng chứng kiến sự xuất hiện của nhiều xu hướng mới mẻ.

Vai trò của các chuyên gia và nguồn thông tin được củng cố

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, cả thế giới rơi vào trạng thái hoang mang, bị động vì thiếu hụt thông tin đáng tin cậy từ cộng đồng y khoa lâm sàng cũng như giới nghiên cứu học thuật. Giữa dòng chảy tin tức thật giả bất phân cực kỳ hỗn loạn, mỗi người dân đều ý thức rõ hơn về tầm quan trọng của những kiến thức chuyên môn chuẩn xác. Do đó, lượng truy cập vào các kênh thông tin chính thống như Báo cáo tình hình theo ngày của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Trung tâm Quản lý và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, website Bộ Y tế… cũng như các tờ báo lớn như CNN, Reuters, The Wall Street Journal, The New York Times, Tuổi Trẻ Online, Thanh Niên Online, VTV24… tăng lên đáng kể.

cô gái tìm kiếm thông tin bằng laptop

Ảnh: Unsplash

Trên Facebook, các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực y tế thường xuyên đăng tải thông tin hữu ích về dịch bệnh dựa trên bằng chứng khoa học cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều nhà báo nổi tiếng cũng chia sẻ dòng trạng thái nhắc nhở độc giả cảnh giác hơn trước hàng tá tin đồn thất thiệt tràn lan trên mạng xã hội này. Sự ra đời của nhóm Chung tay chống tin giả – fake news dịch cúm COVID-19 với sự tham gia của gần 5.000 thành viên đã góp phần đẩy lùi tin giả cũng như lan tỏa sự thật.

Bên cạnh đó, vào ngày 21/3, nhằm giúp độc giả chọn lọc nguồn tin, Twitter đã hỗ trợ dấu tích xanh cho những thông tin xác thực về dịch bệnh mà người dùng cung cấp. Từ ngày 22/3, Google triển khai một chuyên trang mới nhằm cập nhật thông tin về đại dịch COVID-19 trên toàn cầu.

Tình người tỏa sáng hơn trong cuộc sống thường ngày

Sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh trong những ngày vừa qua đã chứng tỏ rằng, con người vẫn luôn mong manh và yếu đuối trước các tai họa bất ngờ. Giữa tình trạng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, hàng trăm nghìn người đang lâm vào cảnh thất nghiệp, nợ nần. Thế nhưng, chúng ta đã ấm lòng biết bao khi chứng kiến sự nâng đỡ, sẻ chia nhiệt tình của mọi người trên toàn thế giới.

Đó là sự lan tỏa sâu rộng của lời kêu gọi “We Stay Here For You, You Stay Home For Us” trên mạng xã hội, là những tràng pháo tay tri ân chân thành của người dân dành cho đội ngũ y bác sĩ tại nhiều thành phố lớn. Các thương hiệu thời trang danh tiếng sản xuất khẩu trang miễn phí cho mọi người.

đại dịch thương hiệu thời trang may khẩu trang miễn phí

Ảnh: Los Angeles Times

Tại Việt Nam, nhiều nhà hảo tâm đang chung tay quyên góp vào Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ. Những tấm lòng vàng âm thầm góp sức giải cứu nông sản, cung cấp bữa ăn miễn phí cho người yếu thế, hỗ trợ khu cách ly, miễn phí tiền nhà trọ, tặng gạo cho người nghèo…

Trải qua đại dịch lần này, cộng đồng càng thêm tôn trọng và mến yêu đội ngũ “thiên thần áo trắng”, những người hùng thầm lặng đang ngày đêm đương đầu với bệnh tật để giành giật sự sống quý giá của từng bệnh nhân. Dường như, lệnh cấm túc đã khiến cả thế giới nhận ra rằng, chúng ta thực sự cần nhau nhiều hơn chúng ta vẫn tưởng. Trong thời khắc tận cùng khó khăn, nguy cấp, tình người nồng ấm đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ giúp chúng ta chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.

Mua sắm online bùng nổ ngoạn mục

Trước thông báo cách ly toàn xã hội từ chính phủ, đa số người dân lựa chọn phương thức mua sắm trực tuyến nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều ứng dụng, nhãn hàng, nhà bán lẻ như Grab, Be, Baemin, Tiki, Shopee… đã triển khai dịch vụ mua sắm online với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

mua hàng online trong đại dịch

Ảnh: UYS Tech

Đây chính là thời cơ thuận lợi để các thương hiệu này củng cố thị phần đồng thời khẳng định vị thế trên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi và sạp hàng truyền thống cũng đẩy mạnh hình thức giao hàng tận nơi để khách hàng an tâm mua sắm. Theo thống kê sơ bộ, từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay, mỗi phút có khoảng 3.000 – 4.000 đơn hàng. Các trang thương mại điện tử tăng trưởng ít nhất 20% so với những tháng cuối năm ngoái. Đặc biệt, doanh thu của một số trang mua sắm tăng vọt, đạt 150% so với bình thường. Một số chuyên gia dự đoán, tận dụng thế mạnh tiện lợi, đơn giản của hình thức mua sắm trực tuyến, trong tương lai, khi đại dịch kết thúc, thói quen đi siêu thị thông qua một cú click vẫn tiếp tục được ưa chuộng.

“Muôn hình vạn trạng” hình thức giải trí độc lạ ra đời trong mùa dịch

Trong bối cảnh cách ly, xem phim trở thành một trong những hoạt động giải trí phổ biến nhất. Từ ngày 25/2, Netflix đều đặn tung bảng xếp hạng phim thịnh hành mỗi ngày theo từng quốc gia nhằm mang đến cho khán giả những gợi ý phù hợp nhất. YouTube liên tục cập nhật hàng nghìn video thú vị với nội dung mới lạ, hấp dẫn. Lĩnh vực game trực tuyến cũng tăng trưởng vượt bậc trong những tháng qua.

Với mong muốn tạo ra góc nhìn lạc quan hơn về tình hình dịch bệnh, người dùng thế hệ Z trên mạng xã hội TikTok đã sáng tạo và lan truyền nhiều clip hài hước đồng thời khởi xướng một số trào lưu vui nhộn nhằm chống lại khủng hoảng tinh thần do đại dịch gây ra.

Để thích ứng với tình hình hiện tại, nhiều nghệ sĩ Việt Nam như Trấn Thành, Ninh Dương Lan Ngọc, Đông Nhi, Quang Trung… cũng chủ động chia sẻ các video “cà khịa” lên TikTok, Facebook, Instagram, YouTube và tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ. Không chỉ ghi lại những tình huống đời thường, nhiều clip còn được đầu tư nghiêm túc, chỉn chu về mặt nội dung và hình ảnh. Bên cạnh đó, sự ra đời của một số nhóm cộng đồng trên Facebook như Nghiện nhà, Yêu bếp, Ghét bếp không nghiện nhà, Ở nhà vui thấy bà!… với hàng loạt bài viết, hình ảnh, video “mặn mà” cũng khiến chúng ta không thể không yêu.

Các nhà hát, bảo tàng, phòng tranh, triển lãm nghệ thuật, công viên giải trí… đang “đón chào” du khách quốc tế với hàng loạt hoạt động tham quan online nhờ vào công nghệ thực tế ảo. Thêm vào đó, nhiều thư viện trên khắp thế giới cũng cung cấp cơ sở dữ liệu mở trong khi các trường cao đẳng, đại học tổ chức nhiều khóa học trực tuyến miễn phí.

Ngoài ra, ở nhiều nước phương Tây, người dân chọn cách hẹn nhau nhảy múa, hát hò, thậm chí là đánh bóng bàn với hàng xóm từ cửa sổ nhà mình. Đây quả là những hình ảnh vô cùng tươi vui, ấm áp giữa những ngày cách ly ngột ngạt, buồn chán. Như vậy, không chỉ mang ý nghĩa giải trí đơn thuần, những hoạt động trên rõ ràng đã trở thành phương tiện kết nối kỳ diệu trong mùa đại dịch, giúp chúng ta từng chút, từng chút một xích lại gần nhau.

Nhóm thực hiện

Tổng hợp: Xuân Mai

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more