[Giới thiệu sách hay] Sách hay tháng 12/2018
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 12/2018] ELLE Việt Nam sẽ giới thiệu cho bạn những quyển sách hay nhất trong tháng 12 năm nay.
Mời bạn cùng ELLE Việt Nam tổng hợp các tựa sách hay trong tháng.
Mùa Xuân vắng lặng – Rachel Carson
Được đăng thành nhiều kỳ trên tờ The New Yorker trước khi xuất bản thành sách vào tháng 9/1962, đến nay, Mùa Xuân vắng lặng là cuốn sách hay đã bán được hơn hai triệu bản. Rachel Carson đã chỉ ra những thiệt hại nghiêm trọng về môi trường sống do thuốc trừ sâu tổng hợp DDT gây ra và bày tỏ mối quan ngại khi chính phủ Mỹ cho phép sử dụng tràn lan hóa chất độc hại trước khi hiểu rõ hệ quả lâu dài của chúng đối với môi trường và sự sống. Cuốn sách ra đời không những gây ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Mỹ, như một hồi chuông cảnh tỉnh về môi trường, mà còn là tiền đề cho việc ra đời nhiều bộ luật và cơ quan kiểm soát chặt chẽ sau này. Ngoài lệnh cấm bán DDT trên toàn nước Mỹ vài năm sau đó, cuốn sách còn là khởi nguồn của Đạo luật Nước và Không khí sạch, Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia, và dẫn đến sự ra đời của Ngày Trái đất. “Xét tổng thể, Rachel Carson đã thành công trong việc làm chúng ta khiếp sợ việc bị thế giới tự nhiên ruồng bỏ” Walter Sullivan.
Cố định một đám mây – Nguyễn Ngọc Tư
Cố định một đám mây là tập truyện ngắn gồm 10 truyện mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư. Nhà văn đưa độc giả bước vào một không gian kỳ lạ trong chuyến viễn hành văn chương âm thầm nhưng đầy dấu ấn cá nhân. Ở đó, độc giả sẽ nhận ra Nguyễn Ngọc Tư không còn ở lại trong vùng quan sát thực tế quen thuộc đã làm nên phong cách văn chương “độc nhất vô nhị” của chị. Thay vào đó, chị đặt mình vào một cuộc ra đi thú vị và không kém thử thách. Qua mỗi câu chuyện, mỗi số phận, nhà văn lại cho thấy nỗ lực “cố định đám mây” thực tại đầy xao lãng trên trang viết. Những tình huống đời sống ngẫu nhiên tạo ra những bước chuyển domino đầy bất ngờ trên trang văn và thay đổi hoàn toàn cuộc đời một con người, được thể hiện bằng văn phong điêu luyện, dửng dưng và lạnh lùng đến ngột ngạt.
Đấy là nó nghĩ thế (Just the way she thinks) – Trần Ngọc Anh Thư
Đây là cuốn sách hay gồm những câu chuyện có thật của tác giả về cuộc sống xung quanh khi còn thơ bé. Bằng giọng văn dí dỏm, cuốn hút, tác giả mở ra những trang ký ức lộng lẫy, đầy ắp kỷ niệm vui – buồn tuổi thơ. Thông qua cuốn sách, tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc đã là cha mẹ: Chúng ta nắm giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành tính cách của những đứa con. Chính chúng ta cùng môi trường sống xung quanh tác động lớn đến hướng đi, tương lai của trẻ nhỏ. Tuổi thơ và những năm tháng đầu đời ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống sau này của mỗi đứa trẻ, vì thế, hãy trân trọng cá tính riêng của chúng, kể cả khi chúng gặt hái thành công hay đối mặt với thất bại. Hãy luôn đồng hành cùng con bạn, với sự lắng nghe, sẻ chia và tôn trọng.
Ở Paris – Tán Gẫu Cùng Gái Pháp – Jeanne Damas, Lauren Bastide
Jeanne là một It girl chính hiệu sinh ra và lớn lên ở Paris. Có thể nói, tư tưởng của một Parisian thực thụ đã thấm nhuần trong huyết mạch của cô. Bên cạnh công việc người mẫu và fashionista, Jeanne còn sở hữu một thương hiệu thời trang riêng rất được yêu thích tại Pháp. Còn Lauren Bastide lại được biết đến bởi thực lực đáng nể trong ngành báo chí và truyền thông in ấn, đặc biệt là quá trình làm việc tại tạp chí danh tiếng ELLE. Cô cũng chính là người sáng lập podcast Powder, mang đến những cuộc trò chuyện thân mật với phái nữ năng động hoặc những người làm nghệ thuật; đồng thời là phát ngôn viên của tổ chức Let’s Take One. Jeanne và Lauren đã cùng nhau tạo nên cuốn sách hay này dựa trên nền tảng của chính bản thân mình. Nếu Jeanne phụ trách phần hình ảnh với những shoot ảnh phim vô cùng ấn tượng và cảm xúc thì Lauren lại dẫn dắt độc giả qua những câu chuyện tràn đầy cảm hứng. Mỗi cô gái đều phát huy được tối đa thế mạnh của mình và mang thông điệp tích cực đến cho phụ nữ.
Yêu x Sống x Phong Cách – Garance Doré
Garance Doré là một nhiếp ảnh gia người Pháp, họa sĩ minh họa và tác giả, nổi tiếng với blog thời trang của cô. Suốt thời thơ ấu ở đảo Corse, phong cách đối với Garance Doré chính là cuộc tìm kiếm thú tiêu khiển, để rồi, nó trở thành cuộc sống của cô sau này. Garance Doré sẽ đưa bạn vào chuyến du ngoạn tìm hiểu cốt lõi của phong cách trong cuốn sách hay này, bắt đầu từ ngoại hình (mặc áo vest jean thế nào cho đúng điệu) cho tới những gì thầm kín nhất (yêu một ai đó theo cách nào). Từ các quán cà phê ở Paris, trải qua những chuyến đi khắp bốn phương trời, đến những đường phố New York, cô hiểu ra rằng phong cách là tất cả những điều vô hình khiến con người tự cảm thấy bản thân mình đẹp và hiện hữu trên thế giới này.
Đi rong trên những múi giờ – Nguyễn Hữu Tài
Đi Rong Trên Những Múi Giờ là cuốn sách hay gồm 19 bài viết về cuộc hành trình khám phá các quốc gia nằm trải rộng trên ba châu lục Á, Âu, Phi dưới cái nhìn của một người Mỹ gốc Việt hòa trộn trong mình cả hai nền văn hóa Đông-Tây. Với giọng văn dí dỏm nhưng không kém phần chiêm nghiệm sâu sắc, tác giả khiến độc giả không thôi tò mò, ngạc nhiên, hứng khởi trước từng cánh cửa du quan hấp dẫn, để biết những điều mà có khi Google và những tour du lịch không mang lại được. Ví như: Vì sao người Bangladesh múa tay liên tục như một vũ điệu và luôn mang theo vòng nhang? Và vì sao dưới cái nắng đỏ lửa 40 độ, đền Baitul Mukarram vẫn mát lạnh chân trần? Chúng ta sẽ nhìn thấy gì khi đứng ở đường kinh tuyến gốc Greenwich? Đường biên giới ở châu Âu có gì đặc biệt? Đường vào kim tự tháp Kheops để chiêm ngưỡng quan tài của Pharaoh vĩ đại nhất Ai Cập có gì? Công dân số một của Brussels là ai? Từng chuyến đi rong của tác giả là “từng chuyến lộng lẫy thanh xuân, rực rỡ thanh xuân, nối dài thanh xuân”, đi để thỏa nỗi khao khát tuổi trẻ – cú chạm thật mạnh vào bụi đất của từng xứ sở trên thân thể địa cầu.
Nơi nhà người bạn – Guy De Maupassant
Maupassant là một người kể chuyện xuất sắc của văn chương Pháp thế kỷ 19. Trong cuốn sách hay này, chẳng viện đến những thủ pháp kể chuyện phức tạp hay cầu kỳ trong câu chữ, ông chỉ thủ thỉ kể câu chuyện đời của giới công chức xoàng hay những người nông dân bé mọn xứ Normandie quê mình, để rồi đều khiến người đọc phải bồi hồi, ngơ ngẩn, phải bật cười khoái trá hay khẽ mỉm cười chua chát. “Tôi bước vào văn chương như một ngôi sao băng, và tôi sẽ ra khỏi nó như một cú sét” – Guy De Maupassant.
Dân Dublin – James Joyce
Dân Dublin là cuốn sách hay gồm 15 truyện ngắn James Joyce viết từ năm 1904 đến năm 1907. Tập truyện là những trải nghiệm của James Joyce trong bối cảnh phong trào đòi độc lập từ Anh đang lên cao tại Ireland (xã hội Ireland bị chia cắt bởi khác biệt chính trị, tôn giáo và văn hóa), và có thể nói, nó làm nên nền tảng cho toàn bộ văn chương của ông, là bối cảnh cho các tác phẩm ông viết sau này. Dân Dublin là những bí ẩn, những khoảng tối nằm sâu trong tâm hồn con người trong cái xã hội tê liệt, tù đọng, dối trá, đói khổ, tối tăm và bế tắc của Dublin. Thành phố Dublin hiện ra rõ ràng cảnh sắc, con người, đường phố, nhà thờ, quán rượu, bàn tiệc, tiệm ăn, khách sạn, nhà trọ, công sở, rạp hát, dạ hội, sòng bạc…vang lên những tiếng nói ồn ã, xô bồ, bởi trò chuyện của những con người sống trong những không gian chật chội, xám xịt, trong những khoảnh khắc ngày đêm bất chợt. Họ là tất cả những người đang sống ở Dublin cùng với Joyce thời ấy: những chú bé, những gã ga lăng vô công rồi nghề, cô hầu, gái điếm, cha cố, những bà chị, cô em, bà góa, những người mẹ, những người đàn ông…Họ đang sống và chết dần chết mòn. Các nhân vật trong Người Dublin đều nhận thấy thực chất cuộc sống bi thảm của mình, luôn bị giằng xé bởi thực tại, muốn vươn cao hơn, muốn thay đổi, nhưng họ không làm gì được. Tất cả đều rơi vào tình trạng bế tắc đến nghẹt thở qua từng câu chữ của Joyce.
Em không có gì để mặc? – Alexandra Fullerton
Nếu bạn bước ra đường vào buổi sáng và bắt gặp một cô gái với vẻ mặt hằn học khó chịu, thì bạn biết sao không? Lý do chính là bởi bộ đồ cô ấy đang mặc. “Em không có gì để mặc”, đã bao nhiêu lần bạn phải thốt lên như thế khi đứng trước tủ đồ và loay hoay mất cả tiếng cho mỗi buổi sáng? Những lúc đó bạn nên làm gì? Mường tượng về list đồ dài ngoằng cần mua thêm hay ngán ngẩm mặc một món đồ không ưng ý ra đường và cáu kỉnh. Nào, bình tĩnh một chút. Bạn biết không, bạn không cần phải có 7 bộ đồ cho 7 ngày, hay một dãy 10 chữ số trong tài khoản để có thể trông thật sành điệu và cá tính! Tất cả những gì bạn cần là cầm cuốn sách hay này lên và quăng suy nghĩ “mình chẳng có gì để mặc” ra khỏi não, vì bạn sắp có được những tuyệt chiêu “mặc đẹp không cần nghĩ” từ stylist hàng đầu thế giới.
Lâu đài trên mây – Diana Wynne Jones
Tại thành Zanzib ở vương quốc Rashpuht, phía Nam của Ingary, có một người buôn thảm trẻ tuổi tên Abdullah ngày ngày đắm chìm trong những mộng tưởng hoang đường. Tuy chẳng giàu có nhưng anh rất bằng lòng với cuộc sống của mình, cho tới ngày anh được một lữ khách phương xa bán cho một tấm thảm mầu nhiệm. Hằng đêm, tấm thảm đưa anh tới một khu vườn đẹp mê hoặc, nơi anh gặp gỡ và đem lòng yêu nàng công chúa Hoa Đêm khả á. Một đêm nọ, nàng lại bị ma thần cướp đi ngay trước mắt anh. Với tấm thảm thần giúp sức và sự lanh trí của bản thân, Abdullah khăn gói lên đường đi giải cứu cô gái của lòng mình…
Cuốn sách hay này có thể xem là phần tiếp theo của Lâu đài bay của pháp sư Howl. Không hề kém cạnh phần đầu, với khiếu hài hước kỳ lạ và những tình tiết bí ẩn, Jones đã thành công trong việc tạo nên cho cuốn sách một không khí căng thẳng mà dí dỏm, và lần nữa chứng minh rằng mọi sự không phải lúc nào cũng như ta tưởng.
Đốn hạ – Thomas Bernhard
Một nhà văn quay trở lại Vienna sau khi sống ở London 20 năm và nhận lời mời tham dự một buổi “dạ tiệc nghệ sĩ”. Ngồi lừng lững trên ghế bành, với ly sâm panh trên tay, ông phóng tia nhìn từ bóng tối và lặng lẽ quan sát những người xưa kia từng là bạn bè thân thiết trong giới nghệ thuật mà ông đã hoàn toàn quay lưng. Theo tiến trình của buổi tiệc, những ký ức về mối quan hệ với từng người khách ùa về và theo đó, diễn biến tâm trạng của người kể cũng trở nên càng lúc càng kích động. Đỉnh điểm kích động là khi bữa tiệc khép lại và cuốn sách này được mở ra: “tôi sẽ viết ngay về cái gọi là buổi dạ tiệc nghệ sĩ này, bất kể là viết về cái gì, miễn là phải viết ngay, viết ngay lập tức, kẻo muộn…”. Sáng tác năm 1984, Đốn Hạ như tập hợp những ghi chép của Thomas Bernhard về chính quá khứ của ông ba thập kỷ trước. Ông chia sẻ: “Đốn Hạ là tác phẩm tóm bắt những năm 50 của tôi. Lúc này chúng ta ở những năm 80, tức là 30 năm sau, và tôi có thể đưa tất cả bạn bè cũ của tôi vào không gian trong trang sách và nhốt giữ họ ở đó”.
—
Xem thêm:
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE