Văn hóa / Thế giới văn hóa

15 bộ phim điện ảnh về tình thân đáng xem vào Ngày của Mẹ

Không cần những món quà đắt tiền hay lời chúc hoa mỹ, đôi khi, một buổi tối quây quần bên nhau và cùng thưởng thức một bộ phim đầy cảm xúc cũng đủ để gắn kết tình cảm gia đình trong Ngày của Mẹ. Dưới ánh đèn dịu nhẹ và tiếng cười rộn vang, những câu chuyện về tình mẫu tử, sự hy sinh và tình thân thiêng liêng, tất cả bỗng chốc trở nên thật gần gũi và ý nghĩa, dễ dàng chạm đến những góc sâu lắng nhất trong tâm hồn.

Từ những tác phẩm kinh điển gợi nhắc ký ức của tuổi thơ, đến những thước phim hiện đại mang thông điệp sâu sắc về vai trò của người mẹ và gia đình trong xã hội, 15 bộ phim điện ảnh dưới đây chắc chắn sẽ là gợi ý đầy cảm hứng để gia đình bạn cùng trải qua một Ngày của Mẹ ý nghĩa và đong đầy yêu thương.

Lật Mặt 7: Một Điều Ước (2024)

phim điện ảnh lật mặt 7
Ảnh: Dan Viet

Nằm trong loạt phim được công chiếu thường niên của đạo diễn Lý Hải, Lật Mặt 7: Một Điều Ước mang đến một câu chuyện đậm chất nhân văn, lấy chủ đề tình mẫu tử làm trung tâm. Bộ phim xoáy sâu vào nỗi cô đơn và sự hy sinh thầm lặng của người mẹ trong xã hội hiện đại, nơi nhịp sống vội vã dễ khiến con người lãng quên đi những điều thân thuộc nhất.

Bộ phim kể về bà Hai (Thanh Hiền thủ vai), một người mẹ đơn thân đã dành cả cuộc đời để nuôi dạy năm người con trưởng thành. Khi bà gặp tai nạn và cần sự chăm sóc, năm người con đều đang bận rộn với cuộc sống và mái ấm riêng. Vì vậy, thay vì đoàn tụ, họ lại chọn cách luân phiên “chia ngày” để chăm sóc mẹ. Chính sự sắp đặt tưởng chừng hợp lý ấy đã dần phơi bày những rạn nứt vô hình trong gia đình, và cũng là cơ hội để từng nhân vật đối diện với những tổn thương và hóa giải các mâu thuẫn.

Lật Mặt 7: Một Điều Ước không chỉ là một thước phim cảm động về tình mẹ, mà còn là lời nhắc nhở tinh tế về giá trị của sự kết nối, lòng biết ơn và tình yêu vô điều kiện giữa những người thân trong gia đình.

Are You There God? It’s Me, Margaret. (2023)

Poster phim Are You There God? It’s Me, Margaret.
Ảnh: IMDb

Are You There God? It’s Me, Margaret. (tựa Việt: Chúa Có Ở Đó Không? Là Tôi, Margaret) là bộ phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển cùng tên của Judy Blume.

Được đạo diễn bởi Kelly Fremon Craig, bộ phim theo chân cô bé 11 tuổi Margaret Simon (Abby Ryder Fortson thủ vai) trong hành trình trưởng thành đầy thử thách, khi gia đình cô chuyển từ New York đến ngoại ô New Jersey. Tại đây, Margaret đối mặt với những câu hỏi về tôn giáo, tình bạn và sự thay đổi cơ thể, đồng thời tìm kiếm bản sắc cá nhân trong môi trường sống mới.

Are You There God? It’s Me, Margaret. không chỉ là một bộ phim về tuổi mới lớn, mà còn là một tác phẩm phản ánh những câu hỏi sâu sắc về bản sắc, niềm tin và sự trưởng thành trong xã hội hiện đại.

Turning Red (2022)

phim điện ảnh turning red
Ảnh: IMDb

Được đạo diễn bởi Domee Shi, Turning Red (tựa Việt: Gấu Đỏ Biến Hình) mang đến một góc nhìn mới mẻ về tuổi dậy thì, đặc biệt là trong bối cảnh văn hóa Á Đông.

Câu chuyện kể về Meilin Lee (Rosalie Chiang lồng tiếng), một cô bé 13 tuổi người Canada gốc Hoa sinh sống ở Toronto. Dưới sự di truyền từ gia đình, Mei sở hữu một khả năng đặc biệt: mỗi khi cô bé cảm thấy xúc động mạnh, cô sẽ biến thành một con gấu trúc đỏ khổng lồ. Bộ phim khắc họa hành trình Meilin đối mặt với những thay đổi trong cơ thể, mối quan hệ với mẹ và bạn bè, đồng thời khám phá chính bản thân mình trong giai đoạn dậy thì.

Turning Red không chỉ là một bộ phim hoạt hình giải trí, mà còn là một bức tranh chân thực và cảm động phản ánh về quá trình trưởng thành, tình cảm gia đình và sự chấp nhận bản thân.

Xin chào, Lý Hoán Anh (2021)

Poster phim Xin chào Lý Hoán Anh
Ảnh: A Day Magazine

Xin chào Lý Hoán Anh (tựa gốc: Hi, Mom) là bộ phim điện ảnh Trung Quốc ra mắt vào dịp Tết Nguyên Đán 2021, do nữ nghệ sĩ Giả Linh làm đạo diễn, kiêm biên kịch và đảm nhận vai chính.

Câu chuyện của bộ phim xoay quanh Giả Hiểu Linh (Giả Linh thủ vai), một cô gái trẻ sống ở năm 2001, bất ngờ quay ngược thời gian về năm 1981 và gặp được mẹ mình Lý Hoán Anh (Trương Tiểu Phì thủ vai) khi bà còn trẻ. Với kiến thức và kinh nghiệm sống hiện đại, Hiểu Linh quyết định giúp mẹ thay đổi cuộc đời, nhưng mọi chuyện lại không diễn ra dễ dàng như cô dự tính.

Thông qua hành trình quay ngược thời gian, Giả Hiểu Linh nhận ra rằng mẹ cô không chỉ là người chăm sóc, mà còn là một cá nhân với ước mơ và khát vọng riêng. Bộ phim khắc họa sâu sắc mối quan hệ giữa mẹ và con gái, phản ánh những thay đổi trong xã hội và vai trò của người phụ nữ qua các thế hệ.

Little Women (2019)

poster phim điện ảnh little women
Ảnh: Amazon

Dưới bàn tay của nữ đạo diễn Greta Gerwig, Little Women (tựa Việt: Những Người Phụ Nữ Nhỏ Bé) là bản chuyển thể điện ảnh thứ sáu từ tiểu thuyết kinh điển cùng tên của nhà văn Louisa May Alcott, một trong những biểu tượng văn học tiêu biểu về nữ giới và sự trưởng thành.

Bối cảnh phim diễn ra tại thị trấn Concord, Massachusetts vào cuối thế kỷ 19, theo chân bốn chị em là Meg, Jo, Beth và Amy. Với những cá tính và lý tưởng sống riêng biệt, bộ phim đã thành công trong việc gói gọn những cột mốc trưởng thành quan trọng trong cuộc đời của chị em nhà March. Đây không chỉ là câu chuyện ấm áp về tình thân và tình yêu, mà còn là bức tranh hiện thực sâu sắc về những định kiến giới hiện diện trong xã hội lúc bấy giờ.

Được phát hành vào dịp Giáng Sinh năm 2019, Little Women mang đến một cái nhìn đầy mới mẻ và sâu sắc về vẻ đẹp gắn kết của những người phụ nữ, là tiếng nói đa thanh cho những khát vọng cá nhân và vai trò của họ trong xã hội.

Kim Ji Young 1982 (2019)

Poster phim Kim Ji Young
Ảnh: Flip Screen

Kim Ji Young 1982 (tựa gốc: Kim Ji-young, Born 1982) là một bộ phim điện ảnh Hàn Quốc ra mắt năm 2019, do đạo diễn Kim Do Young thực hiện, với sự tham gia của Jung Yu Mi trong vai nữ diễn viên chính. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết bán chạy cùng tên của tác giả Cho Nam Joo, kể về cuộc sống của một người phụ nữ bình thường trong xã hội Hàn Quốc hiện đại.

Kim Ji Young (Jung Yu Mi) là một người phụ nữ ngoài 30 tuổi, từng có sự nghiệp hứa hẹn trong lĩnh vực marketing. Sau khi kết hôn với Jung Dae Hyun (Gong Yoo) và sinh con, cô quyết định nghỉ việc để toàn tâm toàn ý chăm lo gia đình. Tuy nhiên, Ji Young bắt đầu gặp phải những hiện tượng kỳ lạ, tiêu biểu là hành động và nói chuyện giống mẹ hoặc bà của mình, dẫn đến chẩn đoán mắc chứng rối loạn phân ly.

Đây là bộ phim khai thác sâu sắc những áp lực và kỳ vọng xã hội đặt lên vai người phụ nữ, đặc biệt là trong vai trò làm mẹ và vợ của gia đình. Câu chuyện của Kim Ji Young chính là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ, kêu gọi sự thay đổi để xây dựng một xã hội công bằng và nhân văn hơn.

Dear Ex (2018)

Poster phim Dear Ex
Ảnh: IMDb

Dear Ex (tựa Việt: Ai Yêu Anh Ấy Trước) là một bộ phim điện ảnh chính kịch Đài Loan do đạo diễn Mag Hsu và Hsu Chih Yen thực hiện. Bộ phim khai thác mối quan hệ phức tạp giữa một người mẹ, người tình đồng giới của chồng quá cố và cậu con trai tuổi vị thành niên.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Liu Sanlian (Hsieh Ying Hsuan) phát hiện ra rằng người chồng quá cố của mình đã thay đổi người thụ hưởng bảo hiểm sang cho Jay (Roy Chiu), người tình đồng giới của ông. Bức xúc trước sự việc, Sanlian cùng con trai Chengxi (Joseph Huang) đến gặp Jay để đòi lại số tiền bảo hiểm, trong khi chính Jay cũng không hay biết về chuyện này. Cùng lúc đó, Chengxi vì không họa thuận được với mẹ nên đã quyết định chuyển đến sống cùng với Jay.

Dear Ex không chỉ là câu chuyện về tình yêu đồng giới, mà còn là một tác phẩm phản ánh sâu sắc về gia đình, sự tha thứ và chấp nhận. Bộ phim khắc họa những xung đột nội tâm của các nhân vật khi họ đối mặt với những bí mật, sự phản bội và mất mát. Thông qua đó, phim gửi gắm thông điệp ý nghĩa về việc chấp nhận bản thân và người khác, cũng như giá trị của tình yêu và gia đình trong xã hội hiện đại.

Wonder (2017)

poster phim wonder
Ảnh: IMDb

Wonder (tựa Việt: Điều Kỳ Diệu) là bộ phim chính kịch chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn R.J. Palacio, kể về hành trình trưởng thành đầy cảm xúc của thử thách của cậu bé August “Auggie” Pullman (Jacob Tremblay thủ vai).

Sinh ra với dị tật bẩm sinh hiếm gặp, Auggie đã trải qua 27 cuộc phẫu thuật và luôn phải đội một chiếc mũ phi hành gia để che giấu khuôn mặt khác biệt của mình. Sau nhiều năm học tại nhà, cậu bé được gia đình quyết định cho đến trường công lập Beecher Prep để học tiếp lớp năm, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời của Auggie lẫn những người thân trong gia đình.

Dưới sự chỉ đạo của đạo diễn Stephen Chbosky, bộ phim khắc họa quá trình Auggie hòa nhập với môi trường học đường, đối mặt với sự kỳ thị, nhưng đồng thời cũng tìm thấy được tình bạn chân thành. Bên cạnh đó, phim cũng khắc họa sâu sắc mối quan hệ gia đình, đặc biệt là tình cảm giữa Auggie và người mẹ Isabel (Julia Roberts thủ vai), người luôn đồng hành và bảo vệ cho cậu bé trên hành trình trưởng thành cùng bệnh tật.

Nắng (2016)

Poster phim nắng
Ảnh: CGV

Được chỉ đạo bởi đạo diễn Đồng Đăng Giao, Nắng là bộ phim điện ảnh kể về câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng trong hoàn cảnh khắc nghiệt của những mảnh đời khốn khó.

Nắng (Kim Thư thủ vai) là một cô bé 5 tuổi lanh lợi sống cùng với người mẹ thiểu năng tên Mưa (Thu Trang thủ vai). Hai mẹ con nương tựa nhau trong một căn nhà hoang và kiếm sống bằng nghề bán vé số và lượm ve chai. Biến cố ập đến khi Mưa vướng vào một vụ án oan. Từ đó, Nắng cùng với những người bạn tốt bụng của hai mẹ con đã đấu tranh để tìm cách minh oan cho mẹ.

Nắng mang đến thông điệp nhân văn về tình mẫu tử, lòng kiên cường và tương thân tương ái. Bộ phim khắc họa hình ảnh người mẹ Mưa thiểu năng nhưng luôn sẵn sàng làm mọi thứ vì con, một cô bé Nắng tuy nhỏ tuổi nhưng đã dám đứng lên đấu tranh cho mẹ, cùng những con người tuy không chung dòng máu nhưng sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo”, đùm bọc lẫn nhau trước những giông tố của cuộc đời.

The Blind Side (2009)

Poster The Blind Side
Ảnh: Spiderum

The Blind Side (tựa Việt: Góc Khuất) là bộ phim điện ảnh dựa trên câu chuyện có thật, được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của Michael Lewis. Phim kể về hành trình của Michael Oher, một thanh niên vô gia cư trở thành cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp tại NFL nhờ sự giúp đỡ của gia đình Tuohy.

The Blind Side mang đến thông điệp rằng gia đình không chỉ được xây dựng từ quan hệ huyết thống, mà còn từ sự gắn bó, sẻ chia và yêu thương vô điều kiện. Mối quan hệ giữa Michael và gia đình Tuohy là minh chứng sống động cho điều đó.

Still Walking (2008)

phim still walking
Ảnh: TMDB

Still Walking (tựa Việt: Cây Đời Xanh Tươi), hay còn được biết đến với tên gọi Aruitemo Aruitemo, là một tác phẩm điện ảnh đến từ xứ sở mặt trời mọc, do đạo diễn Hirokazu Koreeda chấp bút và thực hiện.

Bộ phim được xây dựng xoay quanh 24 giờ tưởng niệm của gia đình Yokoyama nhân ngày giỗ của người con trai cả. Ngày tưởng niệm ấy dần mở ra những xung đột chưa được giải quyết, từ cảm giác tội lỗi, sự kỳ vọng chưa thỏa mãn cho đến những bí mật chưa được tiết lộ.

Still Walking không chỉ là câu chuyện về một gia đình, mà còn là hành trình tìm kiếm sự hòa giải và chữa lành. Bộ phim khắc họa những mâu thuẫn nội tâm, sự hy sinh thầm lặng và tình yêu vô điều kiện của tình thân. Thông qua những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống bình dị, Koreeda đã tinh tế xây dựng một lát cắt buồn vui lẫn lộn về cuộc sống của một gia đình, mà tại nơi đó đã gợi nhắc cho người xem về những mâu thuẫn với chính người thân của mình.

Freaky Friday (2003)

Poster Freaky Friday
Ảnh: TV Insider

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của Mary Rodgers, Freaky Friday (tựa Việt: Ngày Thứ Sáu Kỳ Quái) kể về câu chuyện của Tess Coleman (Jamie Lee Curtis), một bác sĩ tâm lý góa chồng, và cô con gái Anna (Lindsay Lohan), một thiếu niên nổi loạn. Sau một cuộc tranh cãi tại nhà hàng Trung Quốc, họ vô tình hoán đổi thân xác và phải trải qua một ngày trải nghiệm cuộc sống của nhau để tìm cách trở lại trạng thái ban đầu.

Vào năm 2025, bộ phim có phần tiếp theo mang tên Freakier Friday (tựa Việt: Ngày Thứ Sáu Siêu Kỳ Quái) với sự trở lại của bộ đôi Jamie Lee Curtis và Lindsay Lohan. Đạo diễn Nisha Ganatra giữ vai trò chỉ đạo với kịch bản do Jordan Weiss viết lại. Phim dự kiến ra mắt vào tháng 8/2025, tiếp tục khai thác chủ đề gia đình và sự thấu hiểu giữa các thế hệ.

The Princess Diaries (2001)

Lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Meg Cabot, The Princess Diaries (tựa Việt: Nhật Ký Công Chúa) là một trong những bộ phim điện ảnh kinh điển làm nên tên tuổi của Anne Hathaway. Trong câu chuyện cổ tích hiện đại này, nữ diễn viên vào vai Mia Thermopolis, một cô gái mọt sách tuổi teen sống yên bình cùng với mẹ. Nhưng mọi thứ thay đổi khi Mia bất ngờ phát hiện ra rằng cô chính là công chúa của vương quốc hư cấu Genovia.

Poster phim The Princess Diaries
Ảnh: eBay

Từ một cô gái bình thường, Mia bắt đầu hành trình lột xác đầy thử thách dưới sự dẫn dắt của người bà quyền quý, Nữ hoàng Clarisse, do huyền thoại Julie Andrews thủ vai. Sự gắn bó giữa Mia và bà Clarisse dần trở nên khắng khít hơn qua từng bước ngoặc của bộ phim, mang đến thông điệp ấm áp và sâu sắc về tình thân, sự trưởng thành và vẻ đẹp nội tại của người phụ nữ.

Tiếp nối thành công của phần 1, phần tiếp theo mang tên Royal Engagement (2004, tựa Việt: Đám Cưới Hoàng Gia) mang đến một câu chuyện ngọt ngào không kém, cuốn hút người xem qua những tình tiết lãng mạn và kịch tính về cuộc sống của Mia sau khi bước vào gia đình hoàng gia. Đặc biệt, hãng phim Disney gần đây đã chính thức xác nhận thực hiện phần ba của loạt phim đình đám này, hứa hẹn một lần nữa mang giấc mơ công chúa đến gần hơn với khán giả hiện đại.

Brave (2012)

Poster Brave
Ảnh: CBR

Là bộ phim hoạt hình đầu tiên của Pixar có nhân vật chính là người nữ, Brave (tựa Việt: Công Chúa Tóc Xù) kể về Merida, nàng công chúa vừa bước sang tuổi 16 của vương quốc Dunbroch, Scotland. Merida (Kelly Macdonald lồng tiếng) là một cô gái mạnh mẽ, yêu thích tự do và bắn cung, nhưng lại phải đối mặt với kỳ vọng truyền thống của gia đình, đặc biệt là từ mẹ của mình, Nữ hoàng Elinor (Emma Thompson lồng tiếng), người luôn mong muốn cô tuân theo các quy tắc và chuẩn mực của hoàng gia.

Khi Merida từ chối hôn nhân sắp đặt và gây rối trong cuộc thi đấu giữa các gia tộc, cô tìm đến một phù thủy để giúp mình thay đổi số phận. Tuy nhiên, phép thuật của phù thủy đã khiến Merida và Nữ hoàng Elinor vướng vào một tình huống lạ kỳ, dẫn đến một cuộc hành trình đầy thử thách để sửa chữa sai lầm và hàn gắn mối quan hệ giữa hai mẹ con.

Bộ phim không chỉ nổi bật với hình ảnh đẹp mắt mà còn mang đến thông điệp nhân văn về sự trưởng thành, lòng dũng cảm và tình mẫu tử. Năm 2013, Brave đã xuất sắc giành được giải Oscar, Quả cầu vàng và BAFTA cho hạng mục Phim hoạt hình hay nhất, chứng minh sức ảnh hưởng và giá trị nghệ thuật của mình trên bản đồ điện ảnh thế giới.


Xem thêm

Những câu nói hay và ý nghĩa từ bộ phim “Người mẹ tồi của tôi”

5 bộ phim Netflix hay nhất tôn vinh sự thông minh và mạnh mẽ của phụ nữ 

Những “Giai Điệu Hạnh Phúc” The Sound Of Music


The Parent Trap (1988)

Poster phim The Parent Trap
Ảnh: IMDb

Được dạo diễn với Nancy Meyers, The Parent Trap là bộ phim điện ảnh hài lãng mạn kinh điển của hãng phim Walt Disney, được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Lisa and Lottie của Erich Kästner, đồng thời là phiên bản làm lại từ bộ phim cùng tên ra mắt năm 1961.

Câu chuyện xoay quanh về chị em song sinh Hallie Parker và Annie James, đều do diễn viên nhí Lindsay Lohan thủ vai. Họ bị chia cắt từ khi con nhỏ sau khi cha mẹ ly hôn, nhưng lại không hề biết về sự tồn tại của nhau cho đến khi tình cờ hội ngộ tại trại Hè. Sau khi nhận ra sự thật, hai cô bé quyết định hoán đổi thân phận để đoàn tụ với cha mẹ và hàn gắn mối quan hệ đổ vỡ của họ.

Tại thời điểm ra mắt, bộ phim xuất sắc đạt doanh thu hơn 92 triệu USD trên toàn cầu và nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, đặc biệt là về màn trình diễn của Lindsay Lohan. Cô đã giành giải Young Artist Award cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim điện ảnh vào năm 1999.

The Sound of Music (1965)

Poster The Sound of Music
Ảnh: Studyphim

The Sound of Music (tựa Việt: Giai Điệu Hạnh Phúc) là bộ phim nhạc kịch kinh điển ra mắt vào năm 1965, được đạo diễn bởi Robert Wise và do Julie Andrews thủ vai chính.

Bộ phim  dựa trên câu chuyện có thật về Maria, một nữ tu trẻ được cử đến làm gia sư cho gia đình Đại úy Von Trapp. Sau nhiều năm sống dưới nề nếp nhà binh hà khắc và thiếu vắng hình bóng của người mẹ, sự xuất hiện của Maria như một làn gió khơi dậy lòng yêu thương và tiếng cười, không chỉ cho bảy đứa trẻ mà còn cho cả vị Đại úy Von Trapp lạnh lùng. 

Với những ca khúc bất hủ như Do-Re-Mi, My Favorite ThingsEdelweiss, The Sound of Music không chỉ là một bộ phim giải trí mà còn là một tác phẩm nghệ thuật kinh điển của thế giới, phản ánh lòng dũng cảm, tình yêu gia đình và sức mạnh của âm nhạc trước những khó khăn trong cuộc sống.

Nhóm thực hiện

Bài: Tiêu Ngọc

Tham khảo: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)