ELLE Vietnam – Tạp chí Thời trang, Làm đẹp & Phong Cách Sống

Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Giới thiệu sách hay] “Vẻ đẹp của cuộc sống”: Soi tâm mình qua dáng hình thiên nhiên

"Vẻ đẹp của cuộc sống" là tập hợp những ghi chép hiếm hoi do chính triết gia J.Krishnamurti chấp bút, trải dài qua nhiều vùng đất ông từng đi qua. Trong cuốn sách này, thiên nhiên không chỉ là phông nền cho tư tưởng, mà hiện diện như một thực thể sống, góp phần soi chiếu những suy tư về thiền định, bản ngã, thời gian và sự tự do.

Cuốn sách đặc biệt duy nhất

Là một trong những nhà tư tưởng và triết gia tâm linh hàng đầu thế kỷ 20, từng được suy tôn là người sẽ dẫn dắt nhân loại đến sự giác ngộ, nhưng kỳ lạ thay, Krishnamurti chỉ để lại một văn bản duy nhất do chính tay ông chấp bút: Vẻ đẹp của cuộc sống (tất cả tác phẩm từng được xuất bản đều là tuyển tập bài giảng hoặc đối thoại được ghi chép lại). Những ghi chú trong cuốn sách được ông viết rời rạc từ giữa tháng 9/1973 ở Công viên Brockwood (Anh quốc), sau đó đến Rome, nhiều nơi chốn ở California và Gstaad (Thụy Sĩ), để rồi thêm một lần nữa trở lại Brockwood vào năm 1981.

Các trang viết ngắn này đều mang mô-típ chung: khởi đầu bằng những mô tả tinh tế về khung cảnh xung quanh rồi dần dẫn dắt người đọc đến những suy tư mà ông trăn trở về thiền định, về trạng thái nhất thể và những vấn đề mang tính thời đại. Thiên nhiên trong các áng văn được khắc họa một cách tinh tế, sắc nét, giàu cảm xúc. Đôi lúc, ta có cảm giác như đang đối thoại với những nhà văn, nhà thơ lãng mạn trên một lối mòn nơi miền quê thanh bình.

Ở mỗi nơi ông đi qua, Krishnamurti đều khắc họa những đặc trưng rất riêng: Brockwood hiện lên với những khu rừng trầm mặc, California là miền núi non trập trùng và thung lũng rộng mở, Gstaad phủ đầy tuyết trắng, còn Rome mang đậm dấu ấn của con người với sự chật chội, xô bồ. Ông cảm nhận thế giới xung quanh bằng tất cả giác quan – từ tiếng chim hót, tiếng suối róc rách, giọng hát ai đó vang lên trong gió, đến hương cam, hương bơ, hương của mùa Hè…

vẻ đẹp của cuộc sống review sách

Thiên nhiên trong cách nhìn của Krishnamurti

Tuy vậy, khác với các nhà lãng mạn chủ nghĩa hay những cây bút như Thoreau và W.G. Sebald – những người tìm cảm hứng từ cuộc sống điền dã, các mô tả của Krishnamurti không mang tính đồng sáng tạo với thiên nhiên, mà là kết quả của một quá trình chắt lọc. Krishnamurti từng khẳng định: “Bất kỳ dạng thiền nào có ý thức đều không phải là thiền thật sự. Thiền có chủ đích thì không phải thiền. Nó phải tự diễn ra, không thể được mời gọi”. Vì vậy, thiên nhiên không được ngắm nhìn trong hành trình, mà là hình ảnh được tái hiện trên trang giấy sau quá trình nghiền ngẫm và suy tư.

Ở đây, thiên nhiên giữ một vai trò hoàn toàn khác. Krishnamurti không xem nó như công cụ phục vụ con người hay chất liệu khơi mở tư duy mà tồn tại song song, là một “nhất thể” độc lập, vượt ra khỏi trung tâm của cái tôi. Chỉ khi ở cấp độ ý thức thấp hơn thiền định – nơi ngôn ngữ chưa can thiệp, tư duy chưa vận hành – ông mới mượn vẻ đẹp ấy để biểu đạt những điều mình “ngộ” ra. Chẳng hạn, cũng như Heraclitus từng dùng dòng sông để ẩn dụ cho thời gian, Krishnamurti cũng xem con sông như biểu tượng cho dòng chảy của ký ức và tư tưởng. Với ông, chừng nào con người còn bị trói buộc bởi thời gian, ngôn ngữ và sự tích trữ – dù là vật chất hay tâm lý – thì chừng đó, tự do và tình yêu vẫn còn ở ngoài tầm với.

Bởi lẽ, khi ấy, ta đang bị phân mảnh. Ta không nhận ra rằng bản thân “ở đây” và “ở kia” thực chất vẫn là một. Ta không ý thức rằng chính mình vừa là kẻ quan sát, vừa là đối tượng bị quan sát. Với Krishnamurti, chính sự phân mảnh đó – cùng với nhu cầu tích trữ liên tục, từ kinh nghiệm, ký ức đến bản sắc – là cội nguồn của mọi rối loạn: xung đột, chiến tranh, hỗn loạn, khổ đau. Vì vậy, để thực sự “là ta” và chạm đến hạnh phúc, con người cần quên đi những bản thể mà mình tự tạo ra. Chỉ khi không còn bị ám ảnh bởi điều “phải là”, ta mới sống đúng với cái “vốn là”, như cách thiên nhiên tồn tại.

Qua cuốn sách Vẻ đẹp của cuộc sống, thiên nhiên đã được nhìn nhận bằng một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Đó không chỉ là bối cảnh hay nguồn cảm hứng, mà là một thực thể sống động, hiện hữu, có khả năng soi chiếu và chuyển hóa nội tâm con người. Nhờ đó, con người mới có thể thôi phân mảnh, thôi tách biệt, và bắt đầu hòa làm một với vũ trụ.

ELLE Carolyn (29).png

Vẻ đẹp của cuộc sống - Nhật ký của Krishnamurti

Nhóm thực hiện

Bài: Ngô Minh

Ảnh: Tư liệu

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)