Những vĩ nhân từng tạo nên lịch sử trong thời kỳ cách ly

Đăng ngày:

Trong lịch sử, chúng ta đã từng ghi nhận những trận đại dịch quy mô lớn hay chiến tranh, khiến mọi người phải tạm gác lại cuộc sống đời thường và phải cách ly xã hội. Nhờ khoảng thời gian này mà những thiên tài nổi tiếng của thời đại đã tạo ra các tác phẩm để đời cho lịch sử văn học, khoa học, nghệ thuật…

Cùng ELLE tìm hiểu xem họ là ai và họ đã tạo ra những kiệt tác vĩ đại nào cho nhân loại trong thời kỳ cách ly nhé!

Nhà vật lý Isaac Newton (1643 – 1727)

Vào năm 1665, khi Newton còn là sinh viên của trường đại học Cambridge, London đã xảy ra đại dịch hạch. Đây là một trong những bệnh dịch tồi tệ nhất trong lịch sử kéo dài hàng thế kỷ, chỉ trong vòng 7 tháng đã tước đi sinh mạng của hơn 100.000 người dân.

Newton và quả táo khi bị cách ly

Ảnh: Art UK

Lúc này, Newton lui về cách ly tại quê nhà Woolsthorpe Manor và dành 18 tháng để thực hiện các công việc nghiên cứu của mình. Tuy ông đã ấp ủ dự án nghiên cứu “Vạn vật hấp dẫn” trong một thời gian dài trước đó, nhưng sự cố quả táo rơi trúng đầu ông tại quê nhà ở thời điểm này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong công cuộc nghiên cứu của ông. Khoảnh khắc này khiến ông đặt ra những câu hỏi về trọng lực của Trái Đất, và từ đó khám phá ra lực hấp dẫn. Giai thoại này trở thành một trong những khoảnh khắc kỳ diệu nhất của lịch sử và góp phần ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền khoa học sau này.

Nhà văn William Shakespeare (1564 – 1616)

william shakespeare khi bị cách ly

Ảnh: nghiencuulichsu

Nhà văn William Shakespeare đã từng phải trải qua nhiều giai đoạn bệnh dịch trong suốt cuộc đời. Dù không có bằng chứng nào cho thấy Shakespeare đã bị cách ly, nhưng trong thời gian thành phố London tạm đóng cửa do dịch hạch bùng phát, ông đã chấp bút tác phẩm kinh điển mang tính biểu tượng King Lear (tạm dịch: Vua Lear) cùng với nhiều tác phẩm khác như Antony và CleopatraMacbeth. Ngoài ra, đây còn được coi là thời kỳ sung mãn nhất trong sự nghiệp của Shakespeare.

Nhà văn Victor Hugo (1802 – 1885)

nhà văn victor hugo

Ảnh: Revelogue

Victor Hugo là nhà văn, nhà viết kịch thuộc chủ nghĩa lãng mạn nổi tiếng và giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Pháp. Ông là tiểu thuyết gia của công chúng với hai tác phẩm nổi tiếng là Notre-Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà Paris) và Les Miserables (Những người khốn khổ). Victor Hugo từng phải sống lưu vong tại Bỉ dưới thời Napoleon III do lên án cuộc đảo chính ngày 2/12/1851 của hoàng tử Louis-Napoléon. Và trong thời gian này, Victor Hugo đã viết nên vở kịch nổi tiếng Les Miserables (Những người khốn khổ) cùng một số tác phẩm văn học khác.

Họa sĩ Frida Kahlo (1907 – 1954)

Bức ảnh mang tên Frida on White Bench (tạm dịch: Frida trên băng ghế trắng) của nhiếp ảnh gia Nickolas Muray.

Từ nhỏ, nghệ sĩ Frida Kahlo đã phải chịu đựng nhiều bất hạnh. Cô từng mắc chứng bệnh bại liệt khi mới 6 tuổi, và 12 năm sau đó, một tai nạn giao thông khiến Frida bị “giam cầm” trên giường để chữa bệnh. Nhiều nhà sử học cho rằng, trong thời kỳ Frida Kahlo cách ly để dưỡng bệnh, tình yêu với nghệ thuật của cô đã được nuôi dưỡng và trở nên ngày càng mãnh liệt. Khi đó, cô đã vẽ bức chân dung tự họa đầu tiên của mình thông qua chiếc gương trong phòng. Về sau, cô gắn liền với sự nghiệp nghệ thuật và trở thành biểu tượng Chicano (xuất phát từ Mexico), phong trào nữ quyền và phong trào LGBTQ.

Họa sĩ Edvard Munch (1863 – 1944)

edvard munch khi bị cách ly

Ảnh: Biography

Họa sĩ Edvard Munch người Na Uy với phong cách thuộc trường phái tượng trưng là nghệ sĩ tiên phong của trường phái Biểu hiện (phong cách hội họa, âm nhạc và văn chương mang tính tâm linh của những năm đầu hế kỉ XX). The Scream (tạm dịch: Tiếng hét) được vẽ bằng phấn màu năm 1893 là kiệt tác để đời của danh họa Edvard Munch. Khuôn mặt đau đớn của người đàn ông trong bức tranh đã trở thành một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử nghệ thuật.

bức tranh the scream

Ảnh: Wikimedia

Tuy nhiên đây không phải là tác phẩm được ông thực hiện trong bối cảnh đại dịch mà là bức Self-Portrait with the Spanish Flu (tạm dịch: Chân dung bị bệnh cúm Tây Ban Nha). Đây là công trình mà ông tạo ra trong khoảng thời gian này, với nội dung mô phỏng ông cùng những người người khác trong cơn bệnh tật.

bức tranh self portrait with the spanish flu

Bức tranh Self-Portrait with the Spanish Flu. (Ảnh: Paintingz)

Nhà văn Simone de Beauvoir (1908 – 1986)

nhà văn simone khi cách ly

Ảnh: Aeon

Trong thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng Paris, nhà văn người Pháp – người có tiếng nói mạnh mẽ về nữ quyền thời bấy giờ – đã phải tạm dừng công việc dạy học của mình trong một thời gian. Sau đó cô lui về giúp đỡ quân kháng chiến Pháp, cũng trong thời gian này, một số tác phẩm văn học của Simone de Beauvoir được ra đời. Đáng chú ý nhất là vở kịch Les Bouches inutiles (tạm dịch: Những cái miệng vô dụng) được viết vào năm 1945 đã trở thành nguồn cảm hứng, động lực chiến đấu cho quân đội Pháp. Nội dung của tác phẩm kể về sự hy sinh của những con người yếu thế và thiệt thòi trong xã hội để có thể cứu mạng những người đàn ông trẻ và khỏe mạnh.

Họa sĩ Salvator Rosa (1615 – 1673)

họa sĩ salvator rosa khi cách ly

Ảnh: Detroit Institute of Arts

Bức tranh Human Frailty (tạm dịch: Sự yếu đuối của loài người) năm 1656 được tạo ra bởi họa sĩ Salvator Rosa trong bối cảnh trận dịch Naples xảy ra tại Ý. Trận dịch này đã cướp đi người con trai của ông và điều đó đã được họa sĩ đưa vào bức tranh Human Frailty. Trong đó, hình ảnh đứa bé mới sinh đang ký vào bản án tử với Thần Chết ám chỉ sự ra đi của đứa trẻ. 

bức tranh human frailty

Bức tranh Human Frailty. (Ảnh: Wikimedia)

Nhà văn Giovanni Boccaccio (1313 – 1375)

giovanni boccaccio khi cách ly

Ảnh: Paris Review

Trận dịch hạch Cái chết đen (Black Death) năm 1347 đã khiến gần 200 triệu người tử vong chỉ trong vòng 4 năm. Đây cũng là trận dịch đầu tiên mà biện pháp cách ly xã hội được triển khai. Trong thời điểm này, nhà văn Boccaccio đã phải chịu nhiều mất mát khi mất đi những người mình thương yêu nhất.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian mà ông cho ra đời tác phẩm The Decameron (Mười ngày) – một trong những kiệt tác văn học của lịch sử châu Âu. The Decameron khai thác những câu chuyện của xã hội đương thời bấy giờ, xoay quanh đời sống của các tầng lớp trong xã hội khi diễn ra dịch bệnh.

Nhóm thực hiện

Bài: Vi Tường

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Reader\’s Digest

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more