Ngành công nghiệp mỹ phẩm có như trên quảng cáo?

Đăng ngày:

Bạn tin bao nhiêu phần trăm vào những lời hứa hẹn trên quảng cáo về công dụng thần thánh của các loại mỹ phẩm?

Toxic Beauty – một bộ phim của đạo diễn Phyllis Ellis – đã lật ra mảng tối của ngành công nghiệp mỹ phẩm khi một số thành phần trong đó đe doạ đến sức khoẻ con người. Vậy những thành phần có trong kem dưỡng da, nước hoa, đồ trang điểm… thực chất gây hại như thế nào nếu được sử dụng ngày qua ngày? Hãy cùng ELLE tìm hiểu qua bài viết sau. 

LÀM ĐẸP CÓ THỰC SỰ NHƯ QUẢNG CÁO? 

Những sản phẩm giúp bạn đẹp lên từ bên ngoài chưa chắc sẽ có tác động tốt với cơ thể bên trong. Thực tế, truyền thông đã lên án rất nhiều về các thực phẩm gây hại cho sức khoẻ, đồng thời khuyến khích tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh cũng như ban hành các lệnh tiêu thụ thuốc lá. Tuy nhiên, truyền thông ít khi đề cập đến những thành phần có hại trong mỹ phẩm.

Mỹ phẩm

Mảng tối của ngành công nghiệp mỹ phẩm đe doạ đến sức khoẻ của con người. Ảnh: Pexels.

Con số thống kê thị trường mỹ phẩm nói lên điều gì? 

Theo báo cáo của Statista (2018), trong năm 2016, thị trường mỹ phẩm thế giới tăng trưởng hơn 4% so với năm 2015. Sản phẩm chăm sóc da, tóc, nước hoa, trang điểm, chất khử mùi là các loại sản phẩm chính của thị trường mỹ phẩm. Trong đó, sản phẩm chăm sóc da đứng đầu chiếm 36% thị trường toàn cầu. Sản phẩm chăm sóc tóc chiếm 23% trong khi mỹ phẩm chiếm 18,2% theo thống kê số liệu năm 2016. Hơn hết, sản phẩm chăm sóc da dự báo sẽ có lợi nhuận cao nhất vì giá trị thị trường được dư đoán sẽ tiếp tục tăng thêm 20,1 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2014 đến 2019. 

Số liệu thống kê cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp mỹ phẩm. Ảnh: Unsplash.

Số liệu thống kê cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp mỹ phẩm. Ảnh: Pexels.

Dựa vào số liệu trên, có thể thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp mỹ phẩm. Xuyên suốt bộ phim Toxic Beauty, sinh viên nữ ngành Y trường Đại học Boston đã được đo lường sức nặng của cơ thể khi sử dụng hơn 27 sản phẩm khác nhau. Các nhà khoa học đã hết sức bất ngờ khi theo dõi kết quả của cô. 

Truyền thông thường bỏ qua việc nêu tên các thành phần độc hại

Không giống như một số loại thực phẩm và thuốc, các sản phẩm chăm sóc cá nhân hoặc làm đẹp không cần phải công bố các thành phần phụ và chất có hại gây ung thư. Vì thông điệp được truyền tải trên bao bì của các sản phẩm luôn tốt, thiết kế bắt mắt. Vì ước ao có một làn da đẹp, một mái tóc bóng khoẻ hay chỉ cần vài bước trang điểm, người tiêu dùng có thể bỏ qua bước kiểm duyệt các thành phần độc hại dẫu đôi khi suy nghĩ đó cũng có lướt qua trong đầu vài lần. 

Bạn có chắc mình đã nắm rõ những thành phần chứa trong mỹ phẩm hàng ngày của mình? Ảnh: Pexels.

Bạn có chắc mình đã nắm rõ những thành phần chứa trong mỹ phẩm hàng ngày của mình? Ảnh: Pexels.

Ngoài nguy cơ mắc ung thư do sử dụng sản phẩm làm đẹp có thành phần độc hại, cơ thể còn có thể đối mặt với những tiềm ẩn bệnh lý như dị tật bẩm sinh ở phụ nữ mang thai, nội tiết tố bị phá vỡ ở trẻ em và thanh thiếu niên, viêm da hoặc dễ kích ứng da khi tiếp xúc. 

Các hoá chất phổ biến được tìm thấy trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân & Mỹ phẩm 

Triclosan 

Thành phần này được tìm thấy trong các sản phẩm cạo râu, kem dưỡng, mỹ phẩm có màu, nước súc miệng. Triclosan được sử dụng như một chất chống lại vi khuẩn. Mặt hại là Triclosan sẽ làm rối loạn tuyến giáp và hormone sinh sản, ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch. 

mỹ phẩm cạo râu

Triclosan có trong kem cạo râu. Ảnh: Getty Images.

Parabens 

Các sản phẩm chăm sóc cá nhân và trang điểm có chứa Parabens như một chất bảo quản. Parabens hầu hết có trong sản phẩm trang điểm, dưỡng ẩm, dầu gội, dầu xả, kem dưỡng da, sữa rửa mặt và sữa tắm, sản phẩm cạo râu và tẩy tế bào chết. Tiếp xúc nhiều với Parabens sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết tố. 

Trong dầu gội, dầu xả có chứa parabens gây rối loạn nội tiết tố. Ảnh: Unsplash.

Trong dầu gội, dầu xả có chứa parabens gây rối loạn nội tiết tố. Ảnh: Unsplash.

Formaldehyde 

Formaldehyde được sử dụng như chất bảo quản và có mặt trong các sản phẩm làm móng, keo dán lông mi, gel vuốt tóc, sản phẩm làm mượt tóc, dầu gội trẻ em, xà bông tắm, mỹ phẩm màu. Chất hoá học này chứa tạp chất gây ung thư, kích ứng da dẫn đến tỷ lệ phản ứng dị ứng da cao và phát ban. 

sơn móng tay

Formaldehyde gây ung thư, kích ứng da. Ảnh: Getty Images.

Hương liệu 

Hương liệu là sự kết hợp của hơn 3,000 thành phần để tạo ra mùi hương. Có mặt hầu hết trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Nếu tiếp xúc quá nhiều trên mức cho phép sẽ gây kích ứng da, dị ứng hoặc ung thư. 

Tiếp xúc nhiều hương liệu trên mức cho phép sẽ gây kích ứng da, dị ứng hoặc ung thư. Ảnh: Unsplash.

Tiếp xúc nhiều hương liệu trên mức cho phép sẽ gây kích ứng da, dị ứng hoặc ung thư. Ảnh: Unsplash.

Phthalates dibutyl phthalate (DBP), dimethyl phthalate (DMP) và diethyl phthalate (DEP)

Phthalates có trong sơn móng tay, thuốc xịt tóc, nước hoa, lotion, xà phòng và dầu gội như một chất dung môi và thành phần tạo hương liệu. Các chất này có khả năng làm tổn thương hệ thống sinh sản ở nam giới nếu tiếp xúc nhiều. 

thuốc xịt tóc

Thuốc xịt tóc có khả năng làm tổn thương hệ thống sinh sản ở nam giới. Ảnh: Getty Images.

ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE VỀ LÂU DÀI

Ung thư

Thực tế, sử dụng mỹ phấm chứa hoá chất độc hại không phải là nguyên nhân chính gây ung thư. Nhưng nhìn chung, khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc cá nhân hoặc mỹ phẩm có chứa hoá chất gây hại lâu dài chắc chắn sức khoẻ sẽ bị ảnh hưởng. 

Hormones bị gián đoạn

Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị ảnh hưởng do tiếp xúc với các thành phần gây rối loạn nội tiết tố. Những hoá chất này làm xáo trộn nội tiết tố của bạn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ nếu tiếp xúc lâu dài với liều lượng thấp. 

Riêng ở nữ giới: một phân tích đã chỉ ra rằng việc tăng hàm lượng paraben có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng buồng trứng và khả năng sinh sản. Nhưng nhận định này cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định kết quả chính xác. 

Biến chứng khi mang thai và sinh con

Có nhiều tranh cãi xung quanh mối liên hệ giữa phơi nhiễm retinoids và chứng dị tật bẩm sinh. Retinoids là chất chống lão hoá có trong các sản phẩm chăm sóc da đặc trị. Một nghiên cứu gần nhất cho thấy phụ nữ mang thai nên tránh sử dụng retinoids để tránh ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Một số loại sản phẩm chống lão hoá cũng có chứa một liều lượng vitamin A nên tránh khi mang thai. Vitamin A liều cao có thể dẫn đến dị tật của thai nhi. 

Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc là một thuật ngữ để mô tả kích ứng da, ngứa hoặc phát ban do tiếp xúc với chất hoá học lạ. Da có thể bị kích ứng nếu tiếp xúc với sản phẩm có tỉ lệ hoá chất độc hại cao. 

Đối tượng nào nên tránh xa những mỹ phẩm có hoá chất gây hại sức khoẻ?

Phụ nữ đang mang thai và cho con bú 

Hãy thận trọng khi lựa chọn sản phẩm chăm sóc cá nhân hoặc làm đẹp khi mang thai vì trong quá trình mang thai cơ thể rất nhạy cảm. Nghiên cứu cho thấy một số hoá chất có liên quan và có tác dụng phụ gây nên biến chứng của thai kỳ. 

Hãy cẩn thân khi sử dụng mỹ phẩm trong giai đoạn thai kỳ. Ảnh: Unsplash.

Hãy cẩn thân khi sử dụng mỹ phẩm trong giai đoạn thai kỳ. Ảnh: Unsplash.

Trẻ em và thanh thiếu niên

Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, mối quan tâm lớn nhất là tiếp xúc lâu dài với các chất gây rối loạn nội tiết tố có thể dẫn đến sự tăng trưởng bất thường. Theo nghiên cứu của Nhóm công tác môi trường (EWG) đã thử nghiệm 20 thiếu nữ với các hóa chất phổ biến. Kết quả cho thấy rằng mỗi thiếu niên có trung bình từ 10 đến 15 hóa chất trong cơ thể (theo số liệu của Healthline, 2017). 

Kết luận

Mỹ phẩm giúp chúng ta trở nên đẹp hơn nhưng trong đó vẫn có mặt trái về các thành phần gây hại. Người sử dụng cần nâng cao kiến thức và đừng lầm tưởng về công dụng tuyệt vời của sản phẩm mà bỏ qua bản chất thực sự của các hoá chất nguy hiểm. Và luôn nhớ rằng nếu có phản ứng hoá học nguy hại nào xảy ra thì chính là phản ứng xảy ra trong cơ thể của chúng ta. Hãy là một người tiêu dùng thông minh khi bỏ tiền ra mua sản phẩm để “chăm sóc” và “làm đẹp” cơ thể!

Nhóm thực hiện

Bài: Vy Pham

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Tham khảo: Healthline

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more