Những chiến dịch quảng cáo sử dụng “nàng thơ” có thể tạo hiệu ứng ngược?

Đăng ngày:

Các thương hiệu đang nỗ lực thu hút khách hàng nhờ chiến dịch quảng cáo sử dụng “người ảnh hưởng” trên mạng xã hội. Nhưng điều này có thực sự hiệu quả?

Trước đây, các nhãn hàng và doanh nghiệp thời trang thường chọn những gương mặt người nổi tiếng bao gồm ca sĩ, diễn viên hoặc người mẫu để trở thành đại sứ thương hiệu, tham gia vào chiến dịch quảng cáo sản phẩm trên đài truyền hình và các kênh truyền thông. Tuy nhiên, trong thời đại mạng xã hội phát triển cùng với sự thay đổi hành vi từ phía người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ thì cách thức tiếp cận thị trường trên thế giới đã chuyển qua mô hình mới. Đó là “influencer marketing”, một hình thức quảng cáo thông qua những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.

 chiến dịch quảng cáo 1

(Ảnh: Linda Farrow)

Đây được coi là chiến lược thông minh để thu hút khách hàng bởi phần lớn người được “chọn mặt gửi vàng” để quảng bá sản phẩm thường có độ phủ sóng nhất định trên nền tảng công nghệ, đồng thời sở hữu kiến thức, lối sống, phong cách thời trang truyền cảm hứng đến số đông. Gần đây nhất, thương hiệu Dior đã bắt tay cùng những tên tuổi như Bella Hadid, Kylie Jenner, Chiara Ferragni và Shiona Turini để hồi sinh dòng sản phẩm túi Saddle, mang đến làn gió tươi trẻ và đầy hứng khởi cho các tín đồ thời trang. Chính vì thế mà thông điệp cũng như dòng sản phẩm của thương hiệu được kết nối với đối tượng khách hàng tiềm năng theo cách hiệu quả, tự nhiên nhất.

 chiến dịch quảng cáo 2

Bella Hadid xuất hiện cùng mẫu túi yên ngựa cổ điển của nhà mốt Dior. (Ảnh: Glamour Paris)

 chiến dịch quảng cáo 3

Trước đó, chiến dịch quảng cáo của thương hiệu Fendi đã gây được sức ảnh hưởng trong cộng đồng nhờ hình ảnh lăng xê của Kim Kardashian trên các trang mạng xã hội. (Ảnh: Twitter @KimKardashian)

Thế nhưng cũng cần nhìn nhận lại mặt trái của chiến lược truyền thông này, bởi sự bùng nổ của người nổi tiếng hay người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội sẽ dễ dẫn đến hiệu ứng bão hòa. Theo đó, nếu như quá nhiều người nói về cùng một sản phẩm trong thời gian liên tục thì sẽ gây ra hệ lụy – sự quá tải thông tin đến khách hàng. Thậm chí, họ sẽ cảm thấy nhàm chán và dần không còn quan tâm đến những thông tin hay hình ảnh liên quan đến sản phẩm đó trên mạng xã hội nữa. Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh các thương hiệu đều muốn tranh giành vị trí trên thị trường bán lẻ thời trang đầy khốc liệt như hiện nay. Rõ ràng, không một nhãn hàng nào mong muốn chiến dịch quảng cáo đầy tâm huyết của mình lại rơi vào trường hợp phản tác dụng.

 chiến dịch quảng cáo 4

Người tiêu dùng ngày nay đang dần trở nên thông thái hơn. Họ có thể phân biệt giữa chiến dịch quảng cáo của nhãn hàng và một sản phẩm không chịu tác động của truyền thông. (Ảnh: Hitwise)

Ngoài ra, không phải lúc nào các thương hiệu cũng có quyết định lựa chọn người đại diện quảng bá sản phẩm phù hợp với tiêu chí mà công ty đề ra. Chính điều này cùng với việc không đánh giá chính xác mức độ hiệu quả của một người ảnh hưởng đối với chiến dịch đã dẫn tới tình trạng lãng phí ngân sách mà kết quả lại không như mong đợi. Chính vì thế, để tận dụng lợi ích của nền tảng mạng xã hội và đẩy mạnh sự quan tâm của khách hàng đến sản phẩm thì yếu tố hàng đầu chính là sử dụng những người có sức ảnh hưởng một cách hợp lý. Theo đó, không chỉ dựa vào danh tiếng hay mức độ ảnh hưởng của họ để nhìn nhận, chúng ta cần tính tới phương diện kết nối khách hàng hay hiệu ứng mà họ mang lại đối với mức độ nhận diện thương hiệu, kết quả doanh thu.

 chiến dịch quảng cáo 5

(Ảnh: @ayaxxamiaya)

Thêm vào đó, để phương thức tiếp thị này đạt hiệu quả, các thương hiệu cũng cần lưu tâm đến vấn đề phân bố danh sách người ảnh hưởng. Đừng để quá nhiều người dùng sản phẩm của nhãn hàng cùng một lúc. Điều này sẽ không kích thích được sự ham muốn mua sắm của khách hàng mà trái lại, người tiêu dùng sẽ có cảm giác đây là một chiến dịch được sắp xếp quá tỉ mỉ và thiếu tự nhiên.

Kết lại, chiến dịch quảng cáo dùng sức ảnh hưởng của những gương mặt nổi tiếng trên mạng xã hội chính là chìa khóa tiếp cận làn sóng người tiêu dùng trẻ hiện nay, đối tượng có mức chi tiêu cao nhất trong số các thế hệ. Do đó, nếu muốn chiếm lĩnh thị trường và làm chủ cuộc chơi, các thương hiệu cần nắm vững nguyên tắc cơ bản trước khi thực hiện các hình thức sáng tạo. Nắm bắt cơ hội đúng lúc và đúng cách sẽ nâng cao hiệu suất của chiến lược. Kết quả mang lại không chỉ dừng ở mặt lợi nhuận mà hình ảnh, danh tiếng của nhãn hàng cũng sẽ được nâng tầm đáng kể.

 chiến dịch quảng cáo 6

Chiến dịch quảng cáo của Kayne West cho BST Yeezy mùa 6 với sự tham gia của Paris Hilton đã gây được hiệu ứng truyền thông lớn. Hình ảnh nàng Paris hoá thân thành Kim Kardashian trong trang phục của Yeezy đã nhanh chóng lan toả trên mạng xã hội. (Ảnh: W Magazine)

Xem thêm: 

Cách phát âm “chuẩn” Versace và chiến dịch quảng bá bộ sưu tập Thu-Đông 2018.

Thương hiệu Gucci hợp tác với 12 nghệ sĩ trong chiến dịch quảng bá mới nhất.

Nhóm thực hiện

Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Ảnh: Sưu tầm)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more