Triển lãm nghệ thuật No Longer/Not Yet của Gucci
[Tạp chí ELLE – 12/2015] Chữ “Mode” – Thời trang, Thời thượng – bản thân cũng đã bao hàm ý nghĩa Thời gian. Bởi thế, một NTK tài năng chính là người luôn chộp được khoảnh khắc mơ hồ đó một cách thật chính xác, để không bị rơi vào một trong hai trạng thái: “Lỗi thời”/“Lỗi mốt” hay “Quá sớm”/“Chưa tới”.
Triển lãm nghệ thuật No Longer/Not Yet của Gucci đang diễn ra tại Bảo tàng nghệ thuật Minsheng (Thượng Hải) đặt ra câu hỏi khó nhất của thời trang và cùng đi tìm lời giải với 7 nghệ sĩ nổi tiếng. Chữ No Longer/Not Yet thể hiện tuyệt vời bản chất phù du, khó nắm bắt của khoảnh khắc hiện tại. Nếu tính thức thời luôn là một những yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức mạnh của thời trang thì làm thế nào để các NTK, nghệ sĩ, người làm công việc sáng tạo có thể thấu hiểu, nắm bắt và thể hiện nó thông qua tác phẩm đây?
Nhà triết học Giorgio Agamben đã viết rằng: “Những người đương đại thực ra lại là những người không hoàn toàn sống cùng thời đại, cũng như không thích ứng được với nhu cầu của thời đại. Họ không bao giờ ở đây, lúc này”. Câu nói của Agamben đã thúc đẩy Alessandro Michele – Giám đốc sáng tạo của Gucci – cùng với stylist nổi tiếng Katie Grand – tìm tới các nghệ sĩ mà cả hai cùng ngưỡng mộ để mời họ sáng tác các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt, hồi đáp lại câu hỏi về: “Thế nào là Đương đại?”.
7 nghệ sĩ thực hiện tác phẩm cho triển lãm này là Cao Fei và Li Shurui từ Bắc Kinh; Jenny Holzer, Rachel Feinstein và Glen Luchford đến từ New York; Nigel Shafran và Unskilled Worker từ London.
.
ELLE Việt Nam phỏng vấn Unskilled Worker
Unskilled Worker, tên thật là Helen Downie, là họa sĩ vẽ minh họa hiện đang định cư ở London và trở nên nổi tiếng thông qua các bức vẽ chân dung độc đáo mà cô đăng tải trên Instagram. Sau khi lọt vào mắt xanh của giới thời trang và nghệ thuật, Helen đã làm việc cùng nhiều nghệ sĩ và thương hiệu nổi tiếng như nhiếp ảnh Nick Knight, thương hiệu Alexander McQueen, tạp chí Time và The New York Times. Những tác phẩm của cô tại triển lãm nghệ thuật No Longer/Not Yet được lấy cảm hứng từ BST Thu-Đông 2015 của Gucci.
Cô định nghĩa chữ “đương đại” như thế nào?
“Đương đại” đối với tôi là cảm giác về một thứ gì đó vừa phải, đúng lúc. Nó tồn tại nhờ vào những thứ đã xuất hiện trước đó nhưng lại cho chúng ta cảm nhận chính xác về thời điểm hiện tại.
Cảm giác của cô khi thấy tác phẩm cá nhân được trưng bày bên cạnh các sáng tạo từ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác ra sao?
Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy các tác phẩm của mình trong thế giới thực vì trước đó chúng chỉ hiện diện trên Instagram mà thôi. Tôi có thể cảm nhận chúng một cách riêng biệt và đầy mới mẻ!
Cô có nhận xét gì khi được làm việc cùng với NTK đang rất được yêu thích của Gucci – Alessandro Michele?
Sau mỗi show diễn của Gucci gần đây, tôi chỉ muốn nhanh chóng trở về nhà để vẽ lại các thiết kế đó! Những sáng tạo của Alessandro Michele có khả năng truyền cảm rất lớn và để lại dư âm sâu sắc trong tôi. Dường như mọi thứ từ quá khứ đều được ném lên không trung, sau đó hạ cánh trong một diện mạo hoàn toàn mới và đẹp đẽ.
Có rất nhiều tình yêu và sự ấm áp trong các thiết kế của Gucci, và đó là những gì tôi cố gắng nắm bắt khi vẽ. Alessandro yêu thích những bức tranh của tôi và điều đó thật tuyệt vời!
Vậy chắc hẳn phải có sự tương đồng rất lớn giữa mỹ cảm của cô với định hướng nghệ thuật mới của Alessandro Michele cho Gucci!
Alessandro đang tạo nên một Gucci dành cho những ông hoàng và bà hoàng của thời nay. Đó cũng là cách tôi vẽ, cách tôi thể hiện con người trong tác phẩm của mình. Luồng cảm xúc ấy không khác gì khi tôi lúc 7 tuổi và đang vẽ hình nữ hoàng Elizabeth. Đó là một niềm vui thuần khiết, nó khiến tôi muốn được tồn tại mãi mãi!
Xem thêm
Triển lãm thị giác của nghệ sĩ Daniel Kerkhoff
Bài: ELLE Team (từ Thượng Hải) – Hình ảnh: Gucci