Phẫu thuật thẩm mỹ làm gì, thế nào?
Người Anh có câu “Beauty is in the eye of the beholder”, nghĩa là “cái Đẹp nằm trong mắt người xem”, ý nói dù bạn đẹp hay chưa đẹp, vẫn luôn có một điểm nào đó trên cơ thể bạn thu hút người khác.
Ngày nay, cái đẹp lại được hiểu theo khái niệm của số đông. Xã hội phát triển tạo nên những thước đo nhất định về chuẩn chung cho vẻ đẹp phụ nữ. Từ đó, phẫu thuật thẩm mỹ ra đời, góp phần giúp phái yếu sửa chữa những khuyết điểm bẩm sinh và hoàn thiện bản thân theo một số chuẩn mực chung ấy. Hiện nay, có 4 loại hình phẫu thuật thẩm mỹ, cứu cánh của phái đẹp, cơ bản và thịnh hành nhất tại Việt Nam. Cùng ELLE tìm hiểu nhé.
1. Nâng ngực
Được xem là “ông hoàng” trong các kiểu phẫu thuật thẩm mỹ, nâng ngực lấy đi hơn 2 tỉ đô la mỗi năm từ ví tiền phái yếu. Gồm việc thêm vào túi silicone qua đường nách hoặc dưới nếp gấp vú, nâng ngực cho phép bạn chọn lựa kích cỡ túi ngực mong muốn, tạo độ đầy, căng cho đôi gò bồng đảo cũng như có khe ngực đẹp quyến rũ.
Đường rạch phẫu thuật có thể đặt tại vô số vị trí như dưới nếp gấp ngực, rìa quầng vú (vùng màu nâu gồm núm vú và quầng vú), trong quầng vú, nách hoặc khu vực rốn. Trong số các khu vực trên, vết sẹo mỏng nhất thường ở quầng vú trong khi các khu vực khác lợi dụng nếp nhăn của da để tạo đường rạch.
Nguy cơ trong phẫu thuật nâng ngực:
• Phần cấy ghép có thể rò rỉ, vỡ hoặc không còn độ căng, nẩy
• Nhiễm trùng hậu phẫu
• Các mô sẹo bị chai, khiến ngực căng, đau, méo mó hoặc phần cấy ghép không cố định
• Chảy máu
• Đau nhức
• Núm vú không nhạy cảm như trước
• Cảm giác tê quanh khu vực cấy ghép
• Khó tìm thấy khối u ở vú và sự thay đổi của ngực qua X-quang
• Trong một số trường hợp, cấy ghép ngực có thể khiến phát sinh lượng lớn tế bào lymphoma – một loại ung thư hiếm gặp của hệ miễn dịch
Những đối tượng thực hiện nâng ngực:
• Vòng ngực nhỏ, không có khe ngực
• Ngực sa trễ sau sinh
• Ngực teo nhỏ do tuổi tác kèm sa trễ
• Khuôn ngực bên to bên nhỏ
• Phụ nữ cần tái tạo ngực sau điều trị ung thư hoặc tai nạn
Nếu bạn thấy mình không nằm trong 5 trường hợp trên, đừng vội vàng phá hỏng “kì quan” cơ thể để chạy theo xu hướng chung. Một bộ ngực đẹp còn phải cân xứng với các số đo còn lại trên cơ thể chứ không chỉ là cứ to là đẹp, bạn nhé!
2. Hút mỡ
Những món ăn béo ngậy dường như luôn hấp dẫn khi ăn vào nhưng lại không hề vui vẻ khi được giữ lại trên cơ thể của phái đẹp. Khi tuổi bạn càng lớn, những khối mỡ cứng đầu này càng khó đánh bại và luôn giữ vững “thành trì” kiên cố bất chấp mọi nỗ lực giảm cân hay tập thể dục. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại đại học Washington cho thấy, một số người không hề mất đi các tế bào chất béo dù họ có ăn kiêng hay tập thể dục như thế nào đi nữa.
Trong trường hợp này, phẫu thuật hút mỡ giúp loại bỏ những mô mỡ thừa và nhanh chóng cải thiện dáng vóc. Khu vực hay được phái yếu quan tâm nhiều nhất gồm hông, thân, đùi, mông và mặt. Phẫu thuật hút mỡ không thể làm mất đi các ngấn mỡ cứng cellulite mà chỉ hút đi chất béo.
Những đối tượng phù hợp với phẫu thuật hút mỡ:
Trước khi thực hiện phẫu thuật hút mỡ, bạn cần được bác sĩ tư vấn về kết quả thực tế trên cơ thể của mình. Ngoài ra, cơ thể của bạn phải nằm trong các yêu cầu sau:
• Cân nặng trên trung bình hoặc trên trung bình nhẹ
• Làn da chắc, đàn hồi
• Có sức khỏe tốt
• Những túi mỡ không phản hồi với chế độ ăn kiêng và luyện tập
Bệnh nhân với làn da nhiều cellulite không phải đối tượng tốt cho phẫu thuật hút mỡ bởi họ có thể hình thành sự tái tạo da không đều sau khi phẫu thuật. Tuổi tác – tuy không là vấn đề lớn khi phẫu thuật hút mỡ nhưng sự đàn hồi da kém vì tuổi tác sẽ khiến hiệu quả phẫu thuật giảm đi nhiều lần.
3. Phẫu thuật chỉnh mũi
Theo quan niệm của người Việt, mũi chính là bộ phận quyết định tiền tài và duyên số của một người, đặc biệt là phái nữ. Do đó, việc bạn chẳng may sở hữu chiếc mũi không vừa mắt có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp lẫn tình duyên sau này. Mong mỏi được đẹp hơn và phần nào thay đổi vận mệnh, đó cũng là lý do khiến nhiều người tìm đến với phẫu thuật chỉnh hình mũi. Phẫu thuật chỉnh hình mũi có 2 dạng chính là nâng cao sống mũi và thu gọn cánh mũi. Trong đó, nâng cao sống mũi có thể bằng sụn nhân tạo hoặc sụn tự thân.
Nguy cơ trong phẫu thuật chỉnh hình mũi:
• Nhiễm trùng
• Bể mạch máu
• Nổi chấm đỏ, da căng bóng
• Chảy máu dưới da
• Sẹo
4. Phẫu thuật chỉnh cằm
Xu hướng vẻ đẹp Hàn Quốc tấn công vào Việt Nam khiến phái đẹp xôn xao khi ai cũng muốn có chiếc cằm V-line dài và thanh mảnh. Thế nhưng, không phải ai cũng có một chiếc cằm như ý sau khi phẫu thuật. Tạm gác những vấn đề phía sau chiếc cằm đã “dao kéo”, hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các phương pháp độn cằm đang phổ biến nhất hiện nay.
Độn cằm bằng phương pháp phẫu thuật:
Được hiểu nôm na là đưa chất liệu độn (silicone định hình, Gore-tex, Medpor) vào bên trong cằm bạn, tạo nên khuôn cằm mới cho mặt. Phẫu thuật được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ, thời gian thực hiện khoảng 30 phút. Có 2 loại phẫu thuật độn cằm phổ biến là:
– Rạch từ ngoài: Với phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường phía ngoài da rồi nhét miếng silicon vào bên trong. Cách này đơn giản hơn nhưng có thể để lại sẹo ẩn lâu dài.
– Rạch từ trong: Bác sĩ sẽ rạch và đưa miếng silicon từ bên trong miệng bạn, cụ thể là ở nướu dưới. Cách này không để lại sẹo lộ bên ngoài, tuy nhiên lại dễ nhiễm trùng và đòi hỏi bạn cần chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng sau khi phẫu thuật.
Độn cằm bằng chất làm đầy Filler:
Độn cằm không phẫu thuật bằng Filler so với hình thức độn cằm bằng phẫu thuật lại đơn giản hơn rất nhiều, không mất nhiều thời gian, không cần gây mê và thao tác nhanh chóng. Bằng vài mũi tiêm Filler vào vị trí cần tạo dáng, bạn đã có chiếc cằm như ý về chiều dài lẫn hình dáng. Tuy vậy, độn cằm bằng phương pháp Filler chỉ kéo dài từ 8-12 tháng chứ không vĩnh viễn và giá thành tương đối cao. Nhưng nếu so với việc tránh đau đớn do dao kéo và biến chứng theo thời gian thì tiêm Filler vẫn là lựa chọn ổn định hơn cả.
Phẫu thuật chỉnh hình cằm:
Xương cằm được cắt theo chiều ngang và đưa ra phía trước. Ở phương pháp này, đường viền ngang xương cằm được giữ nguyên nên hình dáng cằm có vẻ tự nhiên. Phẫu thuật được thực hiện dưới hình thức gây mê toàn thân. Trước khi phẫu thuật, bạn cần chụp X-quang và phân tích đánh giá hình thái cấu trúc xương mặt trước phẫu thuật.
Nghe tưởng chừng đơn giản nhưng các loại phẫu thuật tạo hình cằm đều mang lại sự đau đớn lâu dài và thường mất 1-3 tháng để phục hồi. Nếu đã cảm thấy khá hài lòng với chiếc cằm của mình và không cần tìm đến một chiếc cằm V-line nhọn hoắt, bạn có thể bỏ qua liệu pháp làm đẹp phức tạp và nhiều rủi ro này.
KẾT
Với xã hội hiện đại và đầy đủ ngày nay, “tốt gỗ” đã đi kèm “tốt nước sơn”. Một vẻ ngoài ưa nhìn cũng sẽ giúp đưa bạn đến nhiều nơi hơn. Do đó, nếu chẳng may sở hữu chiếc mũi không cân đối hay thân hình khó cải tạo bằng chính sức mình, các cô gái có thể tìm đến các trung tâm thẩm mỹ uy tín để có thêm sự tự tin trong giao tiếp. Nên tư vấn cẩn thận trước khi quyết định để tránh “tiền mất tật mang” bạn nhé.
Xem thêm Lợi và hại của việc sửa mũi
Xem thêm Vì sao phụ nữ làm đẹp?
Bài: Kim Chi – Ảnh: Trọng Đức
Trang điểm: DY – Làm tóc: Daniel Wong
Người mẫu: Phan Linh