Các hoạt động thời trang bền vững vẫn phát triển bất chấp đại dịch COVID-19

Đăng ngày:

Các bộ sưu tập thời trang bền vững vẫn được sáng tạo, ra mắt và đón nhận. Những sáng kiến tái chế, chuyển hoá vật liệu cũ, thừa trong ngành công nghiệp dường như còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Đại dịch COVID-19 đã khiến toàn ngành thời trang gặp không ít khó khăn và những thiệt hại về kinh tế. Các tuần lễ thời trang và các buổi diễn ra mắt bộ sưu tập mới của loạt thương hiệu danh tiếng buộc phải trì hoãn nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng chính COVID-19 đã ảnh hưởng tích cực hơn tới triết lý thời trang và kinh doanh của các nhãn hàng. Họ nhận ra rằng cần có trách nhiệm hơn với nhân loại và giảm thiểu lãng phí tài nguyên và hành động quyết liệt hơn, thiết thực nhất có thể.

Đây cũng chính là lý do vì sao, ngày càng nhiều các “ông lớn” thời trang quyết định chuyển mình “xanh” hơn. Họ chọn đi theo xu hướng phát triển thời trang bền vững để hạn chế tối đa tác động xấu của ngành công nghiệp may mặc lên con người và môi trường sống.

Karl Lagerfeld và bộ sưu tập “xanh” cùng Amber Valletta

Mới đây, “nàng thơ” Amber Valletta của Karl Lagerfeld đã bắt tay hợp tác cùng hãng thời trang cùng tên của “ông hoàng thời trang” và cho ra mắt những thiết kế phụ kiện có chất liệu thân thiện với môi trường.

Image from Karl Lagerfeld x Amber Valletta campaign

(Ảnh: Karl Lagerfeld)

Bên cạnh việc là một siêu mẫu tên tuổi trên sàn catwalk quốc tế từ những năm 1990 đến nay, Amber Valletta còn là một nhà vận động cho sự phát triển bền vững nổi tiếng. Với tình yêu và đam mê dành cho thời trang, Valletta đã dồn hết tâm huyết và kiến thức của mình vào dự án đầu tiên hợp tác cùng Karl Lagerfeld. Trong bộ sưu tập này, Valletta và công ty thời trang của Lagerfeld đã cố gắng thể hiện tối đa trách nhiệm của mình đến với môi trường. Hãng đã giảm thiểu hết mức ảnh hưởng công tác thiết kế, sản xuất, hậu kì đến môi trường cũng như sử dụng các vật liệu bền vững, mang tính nhân văn.

Karl Lagerfeld x Amber Valletta stamp name tag

(Ảnh: Karl Lagerfeld)

Điểm nhấn của lần hợp tác này chính là sự làm mới chiếc túi K/Kushion từng được ra mắt lần đầu trong bộ sưu tập mùa thu 2020 của hãng Karl Lagerfeld. Chiếc túi được lấy cảm hứng từ chiếc ghế đệm yêu thích – vật bất ly thân của nhà thiết kế tài ba Lagerfeld. Trong bộ sưu tập thân thiện với môi trường này, chiếc túi sẽ có hai phiên bản từ da với hai màu sắc xanh lá cây hoặc đen và từ bông hữu cơ.

Amber Valletta in black suit holding black cactus leather K:Kushion from the collaboration campaign with Karl Lagerfeld

(Ảnh: Karl Lagerfeld)

Toàn bộ phần da túi được may bằng da xương rồng thuần chay do công ty Desserto của Mexico phát triển. Theo như Desserto, loại da xương rồng do công ty sản xuất rất bền và thoáng khí, có khả năng chống mài mòn và xé rách cao. Việc sử dụng vật liệu thuần chay được nhuộm màu hữu cơ sẽ giúp đảm bảo sự bền vững cho môi trường và hoàn toàn có thể tái chế.

Amber Valletta wearing white dress holding K:Kushion cactus leather in green from the collaboration collection with Karl Lagerfeld

(Ảnh: Karl Lagerfeld)

Bên cạnh đó, K/Kushion còn có một phiên bản được làm từ bông tái chế được chứng nhận GRS (Global Recycle Standard) và cũng được nhuộm màu hữu cơ như bản da.

Amber Valletta in the collaboration collection with Karl Lagerfeld campaign photoshoot

(Ảnh: Karl Lagerfeld)

Các sản phẩm thuộc bộ sưu tập hợp tác giữa Karl Lagerfeld và Amber Valletta sẽ được mở bán độc quyền trên trang thương mại điện tử của Karl.com và Zalando vào ngày 8/4/2021. Toàn bộ lợi nhuận của việc bán chiếc túi K/Kushion của Valletta và Lagerfeld sẽ được quyên góp cho The Ocean Cleanup – một tổ chức từ thiện hỗ trợ các mục tiêu của Hiệp ước Thời trang.

Amber Valletta holding a piece from collaborated collection between Karl Lagerfeld x Amber Valletta collection

(Ảnh: Karl Lagerfeld)

Bộ sưu tập này chỉ là bước khởi đầu cho sự kết hợp giữa Karl Lagerfeld và Amber Valletta trong những nỗ lực hướng tới thời trang bền vững. Bộ sưu tập kết hợp thứ hai, bao gồm cả những bộ quần áo ready-to-wear sẽ được bày bán vào mùa Xuân 2022.

Sáng kiến mới của Hội đồng thời trang Anh với nguyên liệu vải thừa

Theo thông tin mới đây từ hãng thông tấn xã WWD, Hội đồng Thời trang Anh quốc đã vận động các nhãn hàng thời trang ở Anh quyên góp những vật liệu may mặc không tiêu thụ được trong tình trạng hoàn toàn mới của họ cho các sinh viên thời trang trên khắp nước Anh.

Deadstock material in black BFC x Burberry

(Ảnh: DrapersOnline)

24 thương hiệu của Anh quốc, trong đó bao gồm Simone Rocha, Roksanda, Paul Smith và Victoria Beckham đã đồng ý tài trợ hàng ngàn mét vải thừa chưa qua sử dụng cũng như phụ kiện trang trí. Các vật liệu may mặc này sẽ được dành tặng cho sinh viên hoàn thành bằng cử nhân của 33 trường đại học trên toàn nước Anh.

Reburberry campaign photo

(Ảnh: Burberry)

Đây là một dự án cộng đồng có tên gọi là “Giải pháp vải may mặc dành cho sinh viên”. Sáng kiến này nhằm hỗ trợ nguồn lực nguyên liệu bị suy giảm do đại dịch cho những sinh viên và các tài năng đang phát triển và giúp giảm thiểu chất thải trong ngành công nghiệp thời trang.

Sáng kiến này được nhà tư vấn sáng tạo Cozette McCreery và nhà báo Charlie Porter vô cùng ủng hộ. Theo như Porter, hành động vì cộng đồng này không chỉ để đối phó với khủng hoảng thiếu hụt nguyên liệu do đại dịch mà còn giúp đặt tính bền vững làm trọng tâm của nền giáo dục thời trang tại Anh quốc.

Burberry photoshoot for ReBurberry campaign

(Ảnh: Burberry)

Dự án này là bước tiếp nối cho sáng kiến ReBurberry được Hội đồng thời trang Anh quốc và Burberry thí điểm vào đầu năm nay. Trong dự án ReBurberry, hãng đã quyên góp vật liệu vải không dùng đến của mình nhằm tạo ra một quy trình hậu cần tập trung cho các trường cao đẳng và thương hiệu khác cùng tham gia sử dụng. Trong lần hợp tác này, hãng Burberry sẽ hỗ trợ việc vận chuyển các vật liệu còn Hội đồng Thời trang Anh quốc sẽ giám sát các khâu hậu cần.

ReBurberry Sustainable Fashion Future

(Ảnh: Burberry)

Các nhãn hàng như Dunhill và McQueen cũng đã bắt đầu quyên góp những phần vải thặng dư của họ. Nhà thiết kế người Anh Deborah Lyons cũng đã thành lập một cộng đồng trực tuyến mang tên Hiệp hội Vải, nơi mà các nhà thiết kế khác cũng như sinh viên thời trang có thể tìm kiếm được nguồn vải dư cho công việc của họ.

Tinh thần cộng đồng và sự quan tâm đến môi trường và thời trang bền vững chính là trọng tâm của dự án này. “Giải pháp vải may mặc dành cho sinh viên” là dấu hiệu cho thấy sự chuyển mình tích cực với ngành thời trang sau một quãng thời gian đầy thách thức do đại dịch COVID-19. Đây cũng thắp lên tia sáng hy vọng cho các sinh viên thời trang với hoàn cảnh khó khăn có thể tốt nghiệp, đánh dấu sự cam kết của ngành công nghiệp thời trang trong việc nuôi dưỡng các thế hệ nhân tài tương lai.

Nhóm thực hiện

Bài: Thanh Nguyễn

Ảnh: Tổng hợp

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more