Nhà thiết kế trẻ Kiều My: “Quản lý bắt đầu từ những việc nhỏ”

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – số tháng 9/2016] Những tác phẩm của nhà thiết kế thời trang 9X mang nhiều sắc màu và tinh thần trẻ trung.

Nhận được học bổng danh giá của CFDA tại Mỹ, thực tập tại Alexander Wang, Thakoon và vừa hoàn thành 6 tháng học việc tại Coach, Kiều My đang từng bước chuẩn bị cho bước ngoặt mới với thương hiệu của riêng mình.

Kiều My với lần đầu với Senior Designer Izabela Targoz

Chào My, bạn hãy chia sẻ thêm về công việc của mình tại đại bản doanh của Coach ở New York?

Tôi vừa kết thúc 6 tháng học việc tại Coach, trong team thiết kế thời trang nữ. Chỉ có một ứng cử viên được chọn nên mức độ cạnh tranh rất cao. Tôi may mắn được nhận sau hai lần phỏng vấn, lần đầu với Senior Designer Izabela Targoz (từng làm việc ở Miu Miu) và lần hai với Tara Maurice (Division Vice President Women’s RTW).

Trong suốt quá trình làm việc, tôi được phân công tập trung vào các thiết kế áo khoác, sau đó là dự án hợp tác đặc biệt như Coach x Disney, Coach x Colette (Paris) và sau cùng là BST dành riêng cho cửa hàng Coach trên phố Regent, London. Hàng ngày, tôi làm việc trên máy tính khá nhiều để lên màu bản vẽ, diễn giải kỹ thuật may và các mô típ trang trí. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ nhà thiết kế trong khi fitting, chuẩn bị bảng thuyết trình, giúp chỉnh sửa mẫu may đầu tiên để ra mẫu cuối cùng hoàn chỉnh.

Điều gì thú vị nhất khi được tham gia những dự án đặc biệt như Coach x Disney hay Coach x Colette?

Coach x Disney quả là kinh nghiệm rất đáng giá. Gắn liền với hai tên tuổi lớn này là cả một di sản. Ý tưởng là dùng hình tượng chuột Mickey trong các thiết kế của Coach. Nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu làm không khéo sẽ dễ bị nhầm lẫn với các hàng lưu niệm bậc trung. Hơn nữa, tất cả sản phẩm có hình Mickey phải được Disney phê duyệt. Thú vị nhất là lúc người đại diện của Disney chấp thuận các thiết kế và gửi lời khen ngợi. Cảm giác được chạm vào các thành phẩm và khi thấy hình chụp trên website thật hãnh diện.

Kiều My tham gia những dự án đặc biệt Coach x Disney hay Coach x Colette

Những điều quan trọng bạn đã học được từ công việc tại Coach, Thakoon và Alexander Wang?

Tôi nhớ rất rõ khi phỏng vấn ở Coach chị Senior Designer Targoz đã nói rằng có thẩm mỹ tốt là quan trọng, nhưng quan trọng không kém là bạn có làm được việc hay không. Đi làm được một, hai tháng thì tôi mới thấm hết ý câu nói đó. Môi trường làm việc ở những tập đoàn lớn như Coach khá căng với nhịp độ nhanh, đòi hỏi mình phải tự chủ và thích nghi cao. Lúc nào cũng phải chủ động ứng biến thật nhanh vì mọi việc đôi lúc không được như dự tính.

Tôi luôn dặn dò chính mình phải giữ tính cách quyết liệt và chịu khó. Quyết liệt không có nghĩa tranh giành mà là phải làm việc hết mức có thể và biết nắm bắt cơ hội. Chịu khó là không ngại khổ, ngại bẩn vì thực tế công việc không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ. Thái độ tích cực chắc chắn ít nhiều giúp mình tìm được những cơ hội sau này.

Bạn đã nhận được học bổng của CFDA vào năm 2014. Học bổng này đã giúp cho quá trình học tập của bạn như thế nào?

Không chỉ hỗ trợ học phí tại SCAD, học bổng CFDA là động lực để tôi trưởng thành hơn với danh nghĩa nhà thiết kế. Tôi cảm giác được con đường mình đi có những người am hiểu về thời trang tin tưởng và động viên. Cái tên CFDA chắc chắn giúp hồ sơ của tôi mạnh hơn, mùa Hè năm đó tôi được nhận vào thực tập ở Alexander Wang. Từ năm 2014, tôi thấy rõ hơn mục tiêu và định hướng thẩm mỹ của mình. Tôi cũng nhận thấy được rằng mình chỉ có thể thành công khi có tiếng nói riêng xuất phát từ chính trong con người mình. Nhận thức này cũng giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm đồ án tốt nghiệp và tôi rất hài lòng vì nó phản ánh đúng nội tâm của bản thân.

Không chỉ hỗ trợ học phí tại SCAD, học bổng CFDA là động lực để tôi trưởng thành hơn với danh nghĩa nhà thiết kế.

Đã học tại Đại học Kiến trúc ở Việt Nam rồi một trường nổi tiếng về ngành nghệ thuật tại Mỹ là SCAD, theo bạn điều gì là quan trọng nhất đối với một sinh viên theo ngành Thiết kế sáng tạo?

Theo tôi, quỹ thời gian học tập tại trường nên chia làm ba phần: học, đọc và giao lưu. Đừng bao giờ coi thường các đồ án trong trường, bởi vì đây là lúc mình được thỏa mãn trí tưởng tượng của bản thân mà không phải chiều theo đơn đặt hàng nào cả. Trong thời gian này, sinh viên nên cố gắng định hình phong cách cá nhân để portfolio có sức thuyết phục hơn. Đọc nghĩa là trau dồi kiến thức chuyên môn cũng như khả năng đối chiếu dữ liệu. Đọc tài liệu tiếng Việt và cả tài liệu tiếng Anh, đọc từ nhiều nguồn khác nhau. Thông tin là sức mạnh. Giao lưu bao gồm giao thiệp xã hội, làm tình nguyện viên hay thực tập trong các công ty có liên quan đến ngành học. Có thể những việc này không lương, nhưng môi trường làm việc và các mối quan hệ xã hội sẽ hỗ trợ cũng như giúp mình trưởng thành hơn.

Để thành công trong thế giới thời trang, thực tế cho thấy sở hữu tài năng, sự sáng tạo không thôi vẫn chưa đủ mà bạn cần phải có tài chính, khả năng quản lý. Bạn đã chuẩn bị cho mình như thế nào trước những thử thách này?

Đối với sinh viên mới ra trường thì tài chính đúng là phim truyện nhiều tập. Tôi được hỗ trợ một phần từ gia đình nhưng có lúc làm một lúc hai công việc. Trong khoảng thời gian học tập tại Mỹ, tôi có hợp tác từ xa với một thương hiệu trẻ trong nước, phụ trách thiết kế và tất cả hình ảnh cho thương hiệu. Ngày thường tôi làm việc ở Thakoon, buổi tối và cuối tuần thì vẽ phác thảo, lên ý tưởng và họp với team ở Việt Nam. Kinh nghiệm này rất quý giá vì bạn được giữ trách nhiệm rất cao mà ít có sinh viên mới tốt nghiệp có được. Tôi học được rất nhiều về cách lãnh đạo thông qua công việc này. Quản lý chi tiêu cũng là một kỹ năng mềm có thể rèn luyện được.

Tôi tin rằng khả năng quản lý bắt đầu từ những việc nhỏ như sắp xếp công việc, thời gian biểu có trật tự và khoa học hết mức có thể ngay cả trong việc sắp xếp dữ liệu trên máy tính. Tính ngăn nắp giúp công việc hiệu quả và giảm thiểu sai phạm.

.

Hình ảnh lookbook trong đồ án tốt nghiệp của Kiều My tại SCAD

Hình ảnh lookbook trong đồ án tốt nghiệp của Kiều My tại SCAD

Bạn định nghĩa phong cách thiết kế của mình như thế nào?

Ngắn gọn thì tôi gọi phong cách của mình là “More is More”, chủ nghĩa “tối đa”. Thiết kế của tôi sử dụng màu sắc, chất liệu đa dạng. Moodboard thường là hình ảnh góc cạnh của các thanh thiếu niên từ các dòng văn hóa ngầm, trang phục đường phố từ những năm 1990 nghiền trộn với sự nữ tính, lãng mạn, một chút xinh xẻo. BST thường gợi lên một câu chuyện giả tưởng thời niên thiếu. Đồ án tốt nghiệp ở SCAD của tôi lấy ý tưởng từ buổi tiệc sinh nhật. Bộ hình lookbook hoàn chỉnh trông như một tiệc sinh nhật chỉ có chủ mà không có khách tham dự, chủ nhà ngồi đợi mãi. Không biết vui hay buồn nhưng trông khá thú vị.

Ai là “thần tượng” của bạn?

Martin Margiela, Walter Van Beirendonck,Raf Simons, Rei Kawakubo, và trẻ tuổi nhất là nhà thiết kế Demna Gvasalia.

Bạn thường tìm cảm hứng sáng tạo như thế nào?

Tôi nghĩ cảm hứng có sẵn trong những gì mình xem, đọc hàng ngày. Nếu là đồ án cá nhân thì tôi chọn những gì mình dễ đồng cảm được nhất, thường là từ nghệ thuật đương đại, văn hóa, phim ảnh hoặc nhiếp ảnh.

Kế hoạch của bạn trong 5 và 10 năm nữa là gì?

Trong 5 năm tới, tôi muốn đi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người hơn. Quan trọng nhất là cùng một người bạn làm nên thương hiệu riêng, không làm giàu thì ít nhất cũng sống được với nghề. Mục tiêu 10 năm là không hối hận vì đã không thực hiện mục tiêu 5 năm! (cười).

—–

Xem thêm:

Nhà thiết kế Giao Linh: Làm phụ nữ đã là lợi thế

Nhà thiết kế thời trang Jennifer Đỗ: Ganh tị để… khác biệt

Là nhà thiết kế thì thiết kế? – Blog Nguyễn Danh Quý

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đep ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more