Những nhà thiết kế trang sức huyền thoại thế giới

Đăng ngày:

[Tạp chí ELLE – 8/201] Cùng ELLE khám phá “chuyện chưa kể” về các nhà thiết kế trang sức đằng sau 4 thương hiệu nổi tiếng, những người đã làm nên các biểu tượng kết nối nhiều thế hệ đam mê với vẻ đẹp và sức mạnh của nữ trang cao cấp.

“Quý bà báo đen” của Cartier

Không thỏa mãn với cửa hàng ở Paris kế thừa từ ông nội và cha, ba anh em nhà Cartier đã vạch kế hoạch đưa tên tuổi Cartier ra thị trường quốc tế. Người anh cả Louis chịu trách nhiệm thiết kế chính, góp phần tạo nên dấu ấn Cartier trên dòng chảy lịch sử đương đại. Ông cũng là người phát kiến ra việc sử dụng chất liệu bạch kim trong chế tác đồng hồ thay cho vàng, đồng thời sáng tạo ra mẫu đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới.

.

Nữ thiết kế trang sức “La Panthère” Jeanne Toussaint

“Quý bà báo đen” – “La Panthère” Jeanne Toussaint

Tuy nhiên, thành công của Cartier còn phải kể đến sự trợ giúp đắc lực của “quý bà báo đen” – “La Panthère” Jeanne Toussaint. Jeanne Toussaint gia nhập đại gia đình Cartier với tư cách là Giám đốc Sáng tạo của bộ phận trang sức cao cấp năm 1933.

Được mệnh danh là Coco Chanel thứ 2 của giới nữ trang, Jeanne Toussaint là “nàng Thơ” cho rất nhiều thiết kế của Louis Cartier. Hâm mộ nhan sắc, gu thẩm mỹ độc đáo và phong cách phóng khoáng của bà, Louis đã tìm mọi cách lôi kéo Jeanne về Cartier. Tuy không thể vẽ, bà chỉ đạo một nhóm những NTK trang sức và đưa Cartier thoát khỏi lối mòn trường phái trừu tượng, dẫn đầu xu hướng Art Deco thời bấy giờ.

Ngoài nghệ thuật, Toussaint lấy cảm hứng từ nhiều nguồn văn hóa khác nhau như Ai Cập hay Ấn Độ. Chính Jeanne Toussaint là người đã lên ý tưởng cho những biểu tượng kinh điển của Cartier như chú vẹt, hồng hạc hay báo Panthère de Cartier. Bản thân bà cũng là người đặc biệt yêu thích họa tiết da báo và được cho là người phụ nữ đầu tiên khoác lên mình chiếc áo da báo ở Paris.

.

Những món nữ trang trong BST Panthère de Cartier

Những món nữ trang trong BST Panthère de Cartier chứa đựng vẻ đẹp mạnh mẽ và đầy uyển chuyển của loài báo, trở thành di sản không thể tách rời mà Jeanne Toussaint đã để lại cho Cartier.

Báo Panthère được lấy cảm hứng dựa trên một bức tranh màu nước Louis Carter đặt họa sĩ Pháp George Barbier thực hiện vào năm 1914, mô tả hình ảnh chú báo đen nằm phủ phục dưới chân người phụ nữ xinh đẹp. Sau nhiều ngày quan sát những chú báo ở sở thú, NTK tài ba Peter Lemarchand và Jeanne Toussaint đã tạo nên những kiệt tác nữ trang mang hình dáng và họa tiết báo Panthère kinh điển. Có thể nói chú báo Panthère de Cartier là di sản văn hóa lớn nhất “La Panthère” Jeanne Toussaint để lại cho nhân loại.

Nguồn cảm hứng vô tận của Chanel

Khi ngành công nghiệp thời trang vốn bị chi phối và lấn át bởi các NTK nam với những quy tắc cứng nhắc về cách ăn diện và làm đẹp, những thiết kế của Coco Chanel đã giải phóng người phụ nữ và cả ngành công nghiệp thời trang khỏi những ràng buộc của thời thế. BST nữ trang Bijoux de Diamants High Jewellery được Coco Chanel ra mắt vào năm 1932. Vào thời điểm đó, các nhà mốt chưa được tự sản xuất trang sức kim cương nhưng Chanel đã bỏ ngoài tai những lời dị nghị từ phía các thương hiệu nữ trang truyền thống và tự giải phóng khỏi “xiềng xích” của quy tắc trong ngành.

.

Nữ thiết kế trang sức Coco Chanel

Coco Chanel

Đây cũng là BST nữ trang đầu tiên được trưng bày trên ma-nơ-canh sáp ong thay vì trong khay nhung như bình thường, một hành động mang tính cách mạng thời bấy giờ. Những viên kim cương kết hợp cùng chất liệu bạch kim cao cấp được thiết kế mô phỏng kiểu dáng nơ ruy-băng nữ tính và các vì tinh tú, bởi Coco Chanel đã chia sẻ: “Tôi muốn bọc phụ nữ vào những vì tinh tú”.

Tinh thần tự do sống và yêu của Coco Chanel được thể hiện rõ rệt trong những thiết kế phụ kiện thời trang của bà. Ít ai biết rằng hình tượng đóa hoa trà camellia gắn liền với thương hiệu Chanel được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Trà hoa nữ” của đại văn hào Alexandre Dumas, cuốn tiểu thuyết ưa thích thời thiếu nữ của Chanel. Trong truyện, đóa hoa trà trắng ngần cài trên ngực Trà hoa nữ Marguerite ám chỉ sự sẵn sàng đón tiếp người tình của nàng. Ngày nay, hoa trà vẫn liên tục xuất hiện trong các BST thời trang lẫn trang sức cao cấp của Chanel.

Là người có tính cách vô cùng mạnh mẽ, những sở thích, niềm đam mê cá nhân của Coco Chanel thuở sinh thời cũng là nguồn cảm hứng lớn lao cho những NTK kế nhiệm của bà. Sinh ra vào năm 1883, có cung hoàng đạo là cung Leo (sư tử), hình tượng sư tử luôn mang ý nghĩa đặc biệt và hiện diện trong không gian riêng của Coco, và trở thành khởi điểm cho BST trang sức Sous Le Signe Du Lion.

Dấu ấn Coco Chanel để lại cho thế giới không chỉ là những thiết kế thời trang đột phá mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ sau. Trên tất cả, bằng những sáng tạo mang tính cách mạng, bà đã giải phóng phụ nữ thế giới để tự do sống, yêu và làm đẹp theo cách của riêng mình.

.

BST Sous Le Signe Du Lion thể hiện tình yêu sâu sắc của Chanel với Venice thông qua biểu tượng đặc trưng của thành phố và của riêng Coco Chanel: hình tượng sư tử.

BST Sous Le Signe Du Lion thể hiện tình yêu sâu sắc của Chanel với Venice thông qua biểu tượng đặc trưng của thành phố và của riêng Coco Chanel: hình tượng sư tử.

BST Signature de Chanel lấy cảm hứng từ họa tiết bông chần, một biểu tượng quen thuộc của nhà Chanel gắn liền với chiếc túi nổi tiếng 2.55.

BST Signature de Chanel lấy cảm hứng từ họa tiết bông chần, một biểu tượng quen thuộc của nhà Chanel gắn liền với chiếc túi nổi tiếng 2.55.

Caroline Scheufele – Người tiếp nối di sản

Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống chế tác đồng hồ và trang sức ở Đức, định mệnh đã quyết định Caroline Scheufele theo nghiệp gia đình. Sau khi mua lại thương hiệu Chopard, Karl Scheufele III, cha của Caroline đã cùng gia đình chuyển tới Geneva – thủ phủ của nghệ thuật chế tác đồng hồ Thụy Sĩ. Ngay sau khi tốt nghiệp trường quốc tế Geneva, Caroline bắt đầu làm việc tại Chopard, song song với việc tham gia các khóa học về thiết kế và nghiên cứu đá quý. Kiến thức sách vở kết hợp với kinh nghiệm làm việc thực tế đã tạo nên một Caroline Scheufele với con mắt thẩm mỹ độc đáo, đặc biệt nhạy cảm với các xu hướng về kiểu dáng và màu sắc.

.

Caroline Scheufele

Caroline Scheufele

Vào năm 1985, dựa trên dòng đồng hồ Happy Diamonds, với những viên kim cương tự do di chuyển, Caroline đã sáng tạo nên thiết kế đầu tiên cho dòng trang sức Happy Diamonds. Đây cũng lần đầu tiên Chopard cho ra đời dòng trang sức cao cấp. Hình ảnh chú hề ngộ nghĩnh từ năm 1985 là khởi điểm cho nhiều BST sau đó như Happy Sports, Happy Fish và Happy Spirits trong suốt 40 năm qua.

Biểu tượng Happy Diamonds qua 40 năm đã không ngừng biến hóa

Biểu tượng Happy Diamonds qua 40 năm đã không ngừng biến hóa, nhưng vẫn luôn tôn vinh những dấu ấn và sức mạnh cá nhân. Dòng nữ trang Happy Diamonds của Chopard với những viên kim cương không ngừng chuyển động thể hiện tinh thần tự do, độc lập và phóng khoáng.

Cùng với anh trai, Caroline Scheufele là đồng chủ tịch của công ty, đồng thời giữ chức vụ Giám đốc Sáng tạo và Trưởng bộ phận thiết kế của thương hiệu Chopard. Bà thường xuyên đi du lịch và thăm thú các cửa hàng Chopard trên toàn cầu, không ngừng tìm kiếm những địa điểm mới để mở rộng thương hiệu.

Là fan ruột của môn nghệ thuật thứ bảy, Caroline Scheufele còn tổ chức giải thưởng Trophée Chopard thường niên tại Liên hoan phim Cannes nhằm vinh danh những nghệ sĩ trẻ có đóng góp lớn cho nền điện ảnh thế giới.

Các mẫu đồng hồ tinh xảo của Chopard

Các mẫu đồng hồ tinh xảo của Chopard

Hậu duệ hoàng gia của Dior

Năm 1998, Bernard Arnault, chủ tịch tập đoàn LVMH, công bố sự ra đời của bộ phận thiết kế trang sức mới của thương hiệu Dior mang tên Dior Joaillerie với Victoire de Castellane là Giám đốc sáng tạo. Victoire xuất thân dòng dõi hoàng gia Pháp, dòng họ Castellane có lịch sử từ thế kỷ thứ 10 là một gia tộc hoàng gia danh giá. Trước khi “đầu quân” cho Dior, bà từng có 14 năm kinh nghiệm làm trợ lýcho Karl Lagerfeld tại Chanel, phụ trách bộ phận trang sức cao cấp.

.

Victoire de Castellane

Victoire de Castellane

Đặc trưng thiết kế trang sức của Castellane là sự kết hợp của những viên đá opal màu sắc rực rỡ – vàng, xanh, hồng, lấy cảm hứng từ hoa cỏ, muông thú, truyện cổ tích và cả chính cuộc đời của NTK đại tài Christian Dior. Tiêu biểu là BST Jardin de Milly-la-forêt lấy cảm hứng từ khu vườn hoa thuộc khuôn viên biệt thự rộng 8 nghìn mét vuông của gia đình Christian Dior, nơi NTK sinh ra và lớn lên. Tính cách sôi nổi xen mộng mơ của Castellane được thể hiện qua những thiết kế mô phỏng hình tượng chú ong, bướm, bọ rùa, chuồn chuồn và cả ếch ngộ nghĩnh kết bằng đá quý và bạch kim.

.

Những thiết  kế trang sức của Victoire de Castellance

Những thiết kế trang sức của Victoire de Castellance mang vẻ đẹp bay bổng, nữ tính khắc họa tình yêu với thiên nhiên và cuộc sống muôn màu.

Castellane đặc biệt ưa thích hoa hồng, cũng là loài hoa ưa thích của Christian Dior. Bà đã ra mắt nhiều BST khác nhau lấy cảm hứng từ đóa hồng, tiêu biểu có BST Bois de Rose dựa trên hình tượng gai hoa hồng, hay BST Rose Dior Pré Catelan kết hợp chất liệu thủy tinh cùng vàng và vàng hồng tạo nên những bông hồng thủy tinh tuyệt đẹp. Ngoài công việc chính ở Dior, Victoire de Castellane còn sở hữu thương hiệu nữ trang cao cấp mang tên bà, và thường xuyên tổ chức các buổi triển lãm tại Paris, London và New York.

BST Rose Dior Pré Catelan kết hợp chất liệu thủy tinh cùng vàng và vàng hồng

 

—-

Xem thêm:

Giá trị của trang sức cao cấp được xác định như thế nào?

Câu chuyện đằng sau những mẫu nữ trang cao cấp

3 tài khoản instagram về nghệ nhân trang sức bạn nên theo dõi

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more