Ellewiki – Thời trang ý niệm

Đăng ngày:

Thời trang ý niệm – một thời còn được gọi là “phản thời trang” không quan tâm nhiều đến việc trang phục có đẹp, thực dụng hay phù hợp với các xu hướng hiện hành hay không. Tuy vậy nhiều xu hướng mới lại bắt đầu với chính “phản thời trang”. Dưới đây là một bài nhận định đặc sắc của cây viết thời trang Thành Lukasz.

Thế giới phẳng

Nửa đầu buổi trình diễn thời trang Thu-Đông của thương hiệu Nhật Bản Comme des Garcons diễn ra trong sự im lặng tuyệt đối, nếu không kể tiếng đế giày gỗ của người mẫu gõ trên sàn diễn là một bục dài bằng gỗ ép và tiếng động của máy chụp hình. Đây là một show diễn đặc biệt thậm chí cả trong trường hợp của Comme – thương hiệu nổi tiếng với nhiều khám phá độc đáo có thể được ví với sự kỳ quặc.

NTK Rei Kawakubo “nhắc lại” quy tắc căn bản trong thiết kế trang phục – ghép các mặt phẳng thành hình khối không gian, tuy bà làm điều này theo cách sơ đẳng nhất. NTK khâu dập những miếng vải cứng lên nhau, với vải lề “lộn” ra mặt phải, thành áo khoác, áo vét, váy dài, quần soóc. Trang phục may “phẳng” nhưng đủ rộng để người mẫu có thể khoác được lên người và cử động thoải mái.

BST có thể đánh trượt một sinh viên tốt nghiệp ngành thời trang ở đâu đó, nhưng khán giả Tuần lễ thời trang Paris – các nhà báo, biên tập viên thời trang có tiếng và những người chủ boutique đứng dậy vỗ tay gần 10 phút. Ai sẽ bỏ tiền ra mua những trang phục “cắt may” theo kiểu trẻ con này? Nếu thay chất liệu vải felt cứng bằng chất liệu len mềm là có thể thấy ngay những sản phẩm cổ điển của Comme.

 

Thiết kế của Comme des Garcons (CdG)

Thiết kế của Comme des Garcons (CdG)

 

CdG Thu-Đông 2012

CdG Thu-Đông 2012

 

CdG Thu-Đông 2012

CdG Thu-Đông 2012

Nghệ thuật trình diễn

BST và show của Comme là một ví dụ điển hình cho thời trang ý niệm, tuy là một thời trang ý niệm đã được công nhận, đẹp, dễ chịu. Màu sắc rực rỡ – từ đỏ, cam, hồng đến xanh cô ban là các xu hướng mới cho mùa Thu-Đông. Các đường may chỉn chu hết mức có thể và chất liệu trông cũng thuộc diện đắt tiền, nếu không kể một số trang phục trông như được may từ vải bạt nylon quảng cáo.

Tổ chức show đóng vai trò quan trọng trong thời trang ý niệm nhằm thể hiện những ý tưởng không phải lúc nào cũng dễ hiểu của các NTK một cách thuyết phục nhất. Show diễn đơn sơ của Comme, từ âm thanh, ánh sáng đến sàn diễn từ chất liệu rẻ tiền nhất, hướng sự chú ý đến trang phục. Ngoài việc phù hợp với kỹ thuật may cũng đơn giản hết mức có thể trong BST . Đây không phải lần đầu tiên Comme tổ chức show diễn không âm thanh và tối giản, cũng như trình diễn “thời trang phẳng”.

Trong thập kỷ 1990, NTK “trải” một lớp trang phục lên người mẫu, biến trang phục ba chiều thành hai và đồng thời giản lược cơ thể người xuống thành mặt phẳng. Trong những show diễn nổi tiếng nhất của Comme phải kể đến BST Xuân – Hè năm 1997 với những túi bông – khối u độn dưới vải làm biến dạng cơ thể. Có thể nói là trình diễn thời trang không chỉ còn là vở kịch cho các giác quan, mà còn trở thành một trò chơi nhỏ cho trí óc.

 

CdG Xuân-Hè 1997

CdG Xuân-Hè 1997

Phá thời trang

Có thể cho rằng thời trang ý niệm không tồn tại trước thập kỷ 1980. Đây là lúc những BST của Rei Kawakubo và Yohji Yamamoto trình diễn lần đầu tiên tại Paris đã gây sốc mạnh. Trước đó, các NTK mốt hàng đầu của phương Tây quan tâm đến chất liệu, cấu trúc, kỹ thuật may, phát minh ra các trang phục mới hay giới thiệu phong cách “dân tộc” trong thời trang. Chiều dài của gấu váy, thể loại trang phục chiếm vị trí hàng đầu.

Coco Chanel đơn giản hóa trang phục của phụ nữ dựa trên quần áo của đàn ông. Christian Dior và Balenciaga định nghĩa lại cấu trúc và kiểu dáng trong thời trang. Trong thập kỷ 1970, Yves Saint Laurent giới thiệu thời trang của “thế giới ngoại vi” và làm nhòe đi ranh giới giới tính, giữa thời trang cao cấp và đường phố.

 

Minh tinh Marlene Dietrich là biểu tượng của thời trang Phi giới tính

Minh tinh Marlene Dietrich là biểu tượng của thời trang Phi giới tính

Trong thập kỷ 1980, các NTK Nhật “thiết kế lại” các trang phục của châu Âu với đường cắt chéo không đối xứng, không hình dạng, không màu sắc (tức là trong các tông đen trắng) và chất liệu rách rưới, rẻ tiền, phủ nhận vai trò của quần áo là làm đẹp cho cơ thể hay thể hiện giới tính, địa vị xã hội của người mặc. Người ta thấy cần những tiêu chuẩn mới để đánh giá các thiết kế “phản thời trang” đó và trang phục bắt đầu được coi là công cụ truyền tải ý tưởng không nhất thiết gắn liền đến thời trang của các NTK.

Thời trang trừu tượng

Trong thập kỷ 1990, thương hiệu với hình ảnh “bỏ trống” hay “vô danh” của Martin Margiela trở thành một ví dụ điển hình cho thời trang ý niệm. NTK người Bỉ dùng các con số từ 0 đến 23 thay thế cho tên thương hiệu hay logo in trên mác quần áo. Đây là một băng vải sợi trắng in 3 hàng số – mỗi số xác định một dòng thời trang khác nhau, đính lên trang phục bằng 4 mũi khâu tay chỉ trắng.

Màu trắng chính là tông màu đặc trưng của thời trang Martin Margiela bao phủ nội thất các cửa hàng và tất cả các sản phẩm của thương hiệu, tượng trưng cho sự xóa bỏ mọi ý nghĩa. Nhân viên của MMM cũng mặc áo choàng phòng thí nghiệm màu trắng.

Thời trang “vô nghĩa” hay “vô danh” buộc người tiêu dùng đi tìm cách lý giải riêng, những liên hệ của chính mình – bằng cách nào đó gắn lên trang phục dấu ấn riêng của cá nhân người mặc. Martin Margiela yêu cầu dùng tên “Nhà/Maison Martin Margiela”, dùng từ “chúng tôi” thay cho “tôi” để nhấn mạnh đến đội ngũ các NTK cùng cộng tác với ông. Cũng theo ý tưởng “vô danh”, ông từ chối xuất hiện trước công chúng và chỉ liên lạc với báo chí qua fax (và tất nhiên vẫn xưng “chúng tôi” khi trả lời câu hỏi).

 

Thiết kế MMM Xuân-Hè 2012

Thiết kế MMM Xuân-Hè 2012

Bốn mũi khâu chỉ trắng

Điều thú vị là chính hình ảnh “bỏ trống” của Martin Margiela biến thương hiệu của ông trở thành một trong những nhãn hiệu đặc sắc nhất trong thời trang. Bốn mũi khâu tay bằng chỉ trắng đính mác quần áo sau lưng trang phục của MMM có dụng ý để người tiêu dùng có thể cắt bỏ logo, theo quan điểm trang phục đủ sự thú vị nên không cần đến logo. Tuy vậy, nó trở thành một trong những “logo” xuất sắc nhất của thời trang (và chỉ ai đi phía sau mới có thể nhìn thấy). Tất nhiên là phần lớn người tiêu dùng gìn giữ bốn mũi khâu cẩn thận và thường xuyên “vô tình để lộ” ra những mũi chỉ sành điệu.

Ngoài việc tạo dựng hình ảnh đặc sắc cho thương hiệu, Martin Margiela còn là một trong những người đi tiên phong với phong cách “phi cấu trúc/deconstruction”, các thiết kế với số lượng đường cắt tối thiểu hay thời trang “recycling” – từ việc dùng phế liệu đến việc tìm kiếm và tái tạo lại các trang phục cổ điển bằng chất liệu mới.

 

Mác trang phục của MMM

Mác trang phục của MMM

Nhóm thực hiện

Blog của Thành Lukasz

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more