Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Đăng ngày:

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững là như thế nào? Bài viết này của ELLE sẽ giúp bạn giải đáp những khúc mắc đó.

Để hướng đến lối sống bền vững, hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đối với môi trường và xã hội trong lĩnh vực may mặc, ELLE Việt Nam tổ chức ELLE Design Contest – cuộc thi thiết kế “Thời trang bền vững” (Sustainable Fashion) – thuộc khuôn khổ sự kiện ELLE Fashion Journey sẽ được tổ chức cuối năm nay. Đây là sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê thời trang, muốn thử sức với một loại hình thiết kế mới mẻ và đem đến những giải pháp có ý nghĩa ứng dụng cao.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Thời gian nhận hồ sơ dự thi: 3/10 – 5/11/2017

Xem thêm thông tin chi tiết TẠI ĐÂY

——————————————————————————————————————————————

Thời trang bền vững – sustainable fashion là một khái niệm được dự đoán sẽ trở thành xu hướng chính cho nền công nghiệp thời trang trong tương lai. Vốn dĩ thời trang bền vững ở thời điểm hiện tại đang còn bị chèn ép bởi thời trang nhanh – fast fashion bởi lí do chủ yếu là kinh tế. Thật vậy, để sản xuất và triển khai thương hiệu đi theo xu hướng thời trang bền vững thì cái giá phải tốn là không hề nhỏ, bao gồm những chi phí hao tổn để bảo vệ môi trường – bằng việc chi trả cho những dự án giúp hạn chế tối đa lượng hóa chất độc hại sẽ đổ ra môi trường trong quá trình sản xuất, hay đầu tư vào việc phát triển những kỹ thuật sản xuất tân tiến nhằm phục vụ cho việc sản xuất các mặt hàng không lãng phí tài nguyên tự nhiên. Bên cạnh đó các nhãn hàng sẽ phải tốn chi phí để trả lương và phúc lợi cho công nhân lao động, những người nông dân giúp tạo ra những chất liệu xanh, sạch để phục vụ cho nhu cầu sản xuất…

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Chiến dịch quảng bá cho bộ sưu tập Xuân-Hè 2013 của thương hiệu Uniforms For The Dedicated với tên gọi “The Listener” nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người tiêu dùng.

Nếu so với fast fashion – thời trang nhanh, sản phẩm được làm ra của thời trang bền vững sẽ có giá đắt hơn rất nhiều so với thời trang nhanh. Tuy là thế nhưng để bù trừ cho khoản tiền bỏ ra của khách hàng thì chất lượng và vòng đời của một sản phẩm được làm ra sẽ bền và lâu hơn gấp nhiều lần so với quần áo may sẵn của các thương hiệu fast fashion.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Kiến trúc nhà ở xanh như thế này sẽ dần trở nên phổ biến trong tương lai (Ảnh: Oliver Wendell)

Sau đây là những yếu tố quan trọng và thực tiễn để các thương hiệu có thể chuyển mình sang xu hướng thời trang bền vững:

1/ Yếu tố sản xuất:

Để một thương hiệu thời trang được công nhận là thời trang bền vững thì sẽ phải đáp ứng đủ những yếu tố sau:

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

(Ảnh: Chelsea Bock)

– Nguyên liệu dùng để sản xuất phải là nguyên liệu tái chế/ thân thiện với môi trường/ nguyên liệu xanh. Những chất liệu phổ biến được xem là thân thiện với môi trường bao gồm: linen, bố/đũi, lụa tự nhiên. Organic cotton cũng là một chất liệu thân thiện với môi trường khi phân hủy. Khác với cotton thông thường, organic cotton sẽ không tốn quá nhiều nước để trồng trọt, đó là điểm mấu chốt. Một điểm cần lưu ý nữa là quá trình nhuộm vải. Thuốc nhuộm vải vô cùng có hại cho môi trường tự nhiên bởi tính chất hóa học của nó. Khi được xả ra nguồn nước thải hay sông hồ tự nhiên, nó sẽ gây ảnh hướng rất lớn đến sức khỏe của con người vì không thể nào được lọc sạch các hóa chất hòa trong phân tử nước. Thuốc nhuộm cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của con người khi ngấm trực tiếp vào da.

Đối với lãnh vực đồ trang sức như đồng hồ và mắt kính – vốn dĩ sẽ sử dụng nguyên liệu là gỗ để sản xuất. Nếu gỗ được khai thác có phép và được trồng nhằm mục đích để khai thác như vậy thì sẽ không là vấn đề. Những trường hợp sử dụng tài nguyên gỗ trái phép, gỗ quý hiếm, gỗ có tác dụng giúp cân bằng hệ sinh thái của những khu vực đặc biệt thì sẽ được coi như là phạm vào tôn chỉ đạo đức của thời trang bền vững. Da và lông của động vật cũng được xem như là nguyên liệu cấm trong lĩnh vực này. Những chất liệu như plastic, giả da hay cũng không được xem là thân thiện với môi trường vì cấu tạo của chúng là pvc – nguyên liệu gây nguy hại đến môi trường số 1 trên thế giới)

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

H&M với bộ sưu tập Close The Loop với tinh thần đi theo xu hướng thời trang tái chế (Ảnh: H&M)

– Quá trính vận chuyển: Việc sử dụng phương tiện di chuyển ở thời điểm hiện tại, ngoại trừ xe đạp hay các phương tiện di chuyển bằng sức người thì đều ít nhiều gây ảnh hưởng đến môi trường; đặc biệt là những phương tiện sản sinh ra khí CO2, khiến tình trạng hiệu ứng nhà kính trở nên nguy nan hơn. Vậy nên những thương hiệu sustainable đúng quy chuẩn thường sẽ có những cửa hàng ở gần nơi sản xuất, để hạn chế tối đa việc vận chuyển nguyên liệu đến phân xưởng sản xuất và thành phẩm sau cùng ra cửa hàng trưng bày. Bên cạnh đó thì việc làm này cũng sẽ làm giảm bớt nguồn nhân lực vận chuyển hàng hóa. Quá trình vận chuyển cũng sẽ bao gồm cả việc sản xuất bao bì, túi đựng sản phẩm của thương hiệu, cũng phải được làm từ nguyên liệu tái chế/ thân thiện với môi trường.

– Người lao động: Yếu tố con người của những thương hiệu thời trang bền vững rất được đề cao. Những người lao động góp công sức vào việc kiến tạo nên sản phẩm thời trang bền vững sẽ được trả lương và có những khoản phúc lợi, bảo hiểm, môi trường làm việc an toàn và đảm bảo sức khỏe.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Chiến dịch “Who Made My Clothes” của Fashion Revolution (Ảnh: Idealog)

– Vị trí: Khu vực sản xuất cũng phải nằm ở khu vực không đông dân cư, không gây ô nhiễm tiếng ồn, không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của dân cư.

2/ Yếu tố thành phẩm:

Những sản phẩm làm ra của thương hiệu phải đảm bảo yếu tố thân thiện với môi trường, bên cạnh đó phải góp phần làm giảm thiểu tối đa những tác hại gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái; sản phẩm có thể tái chế, đồng thời góp phần giúp con người có sự thay đổi trong tâm thức về việc bảo tồn môi trường sống: sản phẩm sau cùng được xem là động thái để kêu gọi mọi người có ý thức hơn trong việc gìn giữ môi trường và quan tâm hơn đến việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên lao động do con người làm ra. Điều thiết yếu trong cuộc sống chính là để tạo dựng ra những giá trị bền vững, là yếu tố then chốt cho sự bình ổn trong cách thức vận hành của cuộc sống hàng ngày: sản xuất – sử dụng – tái chế, cứ như vậy là một vòng tròn khép kín với chu kì tương hỗ lẫn nhau.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Chiến dịch Detox My Fashion của thương hiệu Benetton hợp tác cùng tổ chức Green Peace (Ảnh: Benetton)

Những điều kiện cần để một thiết kế được xem là bền vững:

  • Nguyên liệu thân thiện với môi trường: phải là chất liệu không độc hại trong quá trình sản xuất và phân hủy; tốn ít năng lượng để sản xuất
  • Sử dụng năng lượng hiệu quả: Hạn chế tối đa năng lượng như điện, nước trong quá trình sản xuất.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Sử dụng năng lượng gió tự nhiên để sán xuất là một trong những phương cách sản xuất tiết kiệm năng lượng hiệu quả nhất.

  • Mẫu thiết kế tạo ra phải trở nên đặc biệt tới mức tạo ra được sự gắn kết đối với khách hàng sở hữu nó. Chính nhờ sự gắn bó đó mà khách hàng sẽ kéo dài thời hạn sử dụng của sản phẩm.
  • Mẫu thiết kế, hệ thống sản xuất, quá trình sản xuất đều có thể được tận thu và tái chế.
  • Trong quá trình sản xuất mẫu thiết kế, không có xả thải ra khí CO2, góp phần làm gia tăng thêm hiệu ứng nhà kính.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Chiến dịch Detox Our Future của Green Peace (Ảnh : Green Peace)

  • Sử dụng những kỹ thuật tân tiến nhất được phát triển để tạo dựng sản phẩm: những kỹ thuật hiện đại như áp dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất chất liệu may mặc: Zero Waste – kỹ thuật dựng rập không hao tổn, Subtracting Cutting – kỹ thuật dựng rập có thể tận dụng được nguồn vải chế thải… hay những kỹ thuật truyền thống như nhuộm eco, đan len, dệt thủ công…

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Kỹ thuật nhuộm tự nhiên Eco Dyeing – một kỹ thuật nhuộm truyền thống của người dân tộc thiểu số. Trong hình là hoa lá cẩm đỏ được đun sôi và ép trong suốt 2 giờ đồng hồ để chiết xuất được nước dùng để nhuộm.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Những mẫu thiết kế ứng dụng kỹ thuật zero waste – thời trang không hao tổn (Ảnh: CoolHunting)

  • Sử dụng dịch vụ thay thế: Sử dụng công nghệ tiên tiến và thuận tiện của thời đại trong việc vận chuyển hàng hóa theo một cách ít hao tổn nguyên liệu nhất.

Video về kỹ thuật dệt vải bố thủ công của người dân tộc Hmong đen.

3/ Yếu tố khách hàng:

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

(Ảnh: Woman of Green)

Một thương hiệu thời trang bền vững phải có trách nhiệm quảng bá và tuyên truyền thông qua những poster, ấn phẩm (được sản xuất bằng chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái chế), chiến lược marketing và nhận diện của thương hiệu về việc tái chế, về những điều tích cực và thời trang bền vững sẽ mang lại cho con người trong tương lai, làm cho khách hàng phải thay đổi nhận thức trong việc bảo vệ môi trường và con người thông qua sự lựa chọn tiêu dùng thông minh của mình. Thương hiệu thời trang bền vững phải có trách nhiệm trong việc tạo dựng mối quan hệ với khách hàng của mình thông qua sản phẩm bền vững theo cách tích cực nhất: làm ra những sản phẩm có giá trị cả về tinh thần và vật chất để giúp cho khách hàng kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm lâu nhất có thể.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Kỹ thuật truyền thống – thêu chữ thập của những nghệ nhân thuộc dân tộc Hmong đen.(Ảnh: wildtussah)

Khách hàng của một thương hiệu thời trang bền vững cần phải xây dựng được ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường, tái chế và tuyên truyền nhận thức này của mình đến với những người xung quanh.

4/ Yếu tố khách quan:

Một thương hiệu thời trang bền vững sẽ rất tốn kém để tạo dựng ở thời điểm hiện tại. Thực tế là có rất nhiều những công trình nghiên cứu và phát kiến đang được tiến hành nhằm giúp phát triển thời trang bền vững trong tương lai, mà hiện đã thu về những kết quả rất khả quan. Để phát triển thời trang bền vững ở hiện tại sẽ cần đến việc làm thủ công và yếu tố con người nhiều hơn, và nếu những người thợ và công nhân được tạo điều kiện việc làm, có thể duy trì được những kỹ thuật cổ truyền đang dần bị mai một, được trả lương với chế độ đãi ngộ tốt giúp cải thiện cuộc sống của họ thì đều rất đáng mừng. Điều quan trọng nhất là những nhà thiết kế xác định đi theo hướng thời trang bền vững nên hỗ trợ và ủng hộ nhau hết mình, vì đây là một hành động thiết thực, ý nghĩa và có giá trị nhân văn cao trong việc bảo tồn môi trường sống của loài người. Bất kì ai có tâm thức như vậy, đều đáng nhận được sự tôn trọng và biểu dương. Xây dựng một thương hiệu thời trang bền vững sẽ là một chặng đường nhiều gian truân và thử thách, yếu tố tinh thần sẽ có vai trò vô cùng quan trọng để những nhà thiết kế có thể vững vàng mà đi trên con đường của mình. Bên cạnh đó, có rất nhiều những tổ chức phi chính phủ như Eco Age, Ethical Fashion Forum, Green Peace,… được thành lập nhằm cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ và giúp định hướng những nhà thiết kế trẻ với mong muốn đi theo thời trang bền vững.

Tư duy thực tiễn để phát triển ngành công nghiệp thời trang bền vững

Linda Mai Phùng – thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam của nhà thiết kế người Pháp gốc Việt Linda Mai Phùng, sắp giới thiệu bộ sưu tập mới nhất tại ELLE Fashion Journey 2017. (Ảnh: @Lindamaiphung)

BST Seed của thương hiệu Kilomet 109 ở Hà Nội. Đây là một trong những thương hiệu thời trang bền vững tiên phong của Việt Nam. (Ảnh: kilomet109)

Kết: Sự thật là gì? Thời trang luôn gắn liền với sự hao tổn, sẽ luôn có những cái giá phải trả cho ngành công nghiệp may mặc đang phát triển theo cấp số nhân như vậy. Vậy nên nếu bạn thật sự quan tâm đến môi trường sống và tương lai của loài người, giải pháp đơn giản và thiết thực nhất mà mỗi người có thể làm đó là ngưng việc tiêu thụ quần áo quá mức của mình lại, hãy tiết kiệm bằng cách lựa chọn những sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường và tìm cách để thay đổi nhận thức của những người xung quanh bạn. Đó là cách duy nhất mà thời trang được tôn vinh và nhìn nhận theo một cách có đạo đức và văn minh nhất có thể.

Greenpeace Detox Catwalk ở Bandung, Indonesia (Ảnh: Greenpeace)

Thời trang bền vững và thời trang kết hợp với công nghệ chính là tương lai của ngành công nghiệp thời trang”, đây là nhận định của rất nhiều những chuyên gia đầu ngành và có đủ mọi tiền đề để trở thành sự thật. Hãy trở thành nhân tố đóng góp cho sự thay đổi tích cực của nhân loại và hành động vì tương lai ngày mai của lớp thế hệ con trẻ sau này. Đừng biến thời trang trở thành một công cụ tận diệt chính loài người.

Nhóm thực hiện

Fellini Rose (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more