3 hoạt chất không nên dùng trong trị nám để tránh làm tổn thương da & sức khỏe

Đăng ngày:

Không nên tự ý sử dụng Hydroquinone, Corticoid để điều trị nám. Mặc dù đem lại hiệu quả làm giảm đốm nâu nhanh chóng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho làn da và sức khỏe sau này.

Hydroquinone là hoạt chất đầu tay trong điều trị nám. Corticoid được dùng để hỗ trợ để đem lại hiệu quả nhanh chóng cho những người bị nám. Thậm chí thủy ngân còn được phát hiện nhiều trong các sản phẩm làm trắng da nhờ khả năng trị nám mạnh mẽ. Nhưng tốt hơn là không nên dùng 3 hoạt chất này để điều trị nám, vì…

1. Không nên trị nám bằng Hydroquinone

Nếu như trước đây tại Mỹ cho phép các sản phẩm trị nám không kê toa được chứa tối đa 2% Hydroquinone, thì từ 9/2020 FDA (Food & Drug Administration – Tạm dịch Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) quyết định liệt thành phần này ở bất kỳ nồng độ nào vào nhóm thuốc kê toa. Trong khi đó, từ trước đến nay EU và ở Việt Nam không cho phép mỹ phẩm không kê toa có chứa Hydroquinone. Giải thích về vấn đề này, nhà hóa mỹ phẩm Ginger King hoạt động tại Mỹ giải thích:

Hydroquinone đã bị cấm từ lâu ở châu Âu vì nó gây độc tế bào, nghĩa là nó gây độc cho các tế bào để ngăn chặn việc tạo ra các sắc tố melanin.

Hydroquinone hoạt động bằng cách ức chế sản sinh enzyme tyrosinase, nhờ thế cơ quan melanocyte ngưng tiết melanin nhuộm đen tế bào. Chính nhờ khả năng tác động mạnh mẽ từ gốc nên Hydroquinone thường là lựa chọn đầu tay của các bác sĩ da liễu khi điều trị nám hay các vấn đề về sắc tố.

Ngoại trừ những trường hợp kích ứng do cơ thể nhạy cảm với Hydroquinone, có nhiều nghiên cứu cũng như phản hồi tiêu cực từ người tiêu nên FDA đã thay đổi hoạt chất này vào nhóm thành phần cần có sự kê toa của bác sĩ. Các triệu chứng đó bao gồm phát ban, sưng mặt, mất sắc tố vĩnh viễn và đổi màu da vĩnh viễn (chronosis).

2. Không nên trị nám bằng Corticosteroid/ Corticoid

Corticoid thường phát huy khả năng trị nám, tăng sắc tố sau viêm hơn là những nguyên nhân gây ra nám khác. Theo International Journal of Research in Dermatology (tạm dịch Tạp chí Nghiên cứu Da liễu Quốc tế) được đăng tải vào tháng 10-12/2019, sử dụng corticosteroid tại chỗ cho thấy sự cải thiện nhanh chóng của các mảng tăng sắc tố sau viêm. Tuy nhiên, báo cáo này cũng cảnh báo việc sử dụng Corticoid kéo dài và không được giám sát sẽ dẫn đến teo da và tái xuất hiện các mảng tăng sắc tố.

Dưới dạng thức kê toa, nhóm Corticosteroid thường được các bác sĩ dùng kết hợp với Hydroquinone và/hoặc Tretinoin để điều trị nám. Bởi lẽ Corticosteroid thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và có thể giúp ngăn ngừa sạm da trong quá trình trị nám. Nghiên cứu của Kligman và Willis được đăng tải trên National Library of Medicine (Tạm dịch: Thư viện Y khoa Quốc gia), khi sử dụng Corticosteroids (dưới dạng thức Fluocinolone acetonide 0.01%) kết hợp với Tretinoin và Hydroquinone có khả năng ức chế tổng hợp & bài tiết của tế bào hắc sắc tố – nhờ đó làm giảm tình trạng nám trong 8 tuần.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Kligman và Willis cũng cho thấy sử dụng corticosteroid dạng bôi tại chỗ có thể dẫn đến teo biểu bì, giãn mao mạch, ban đỏ giống trứng cá đỏ, mụn trứng cá và viêm da quanh miệng.

3. Không nên trị nám bằng thủy ngân

Theo khảo sát năm 2018 của tổ chức UNEP (The United Nations Environment Programme – tạm dịch là Chương trình Môi trường Liên hợp quốc) khi kiểm tra 300 sản phẩm từ 22 quốc gia đã phát hiện khoảng 10% lượng thủy ngân xuất hiện trong mỹ phẩm làm trắng và chống lão hóa vượt quá giới hạn, trong đó có nhiều sản phẩm chứa gấp 100 lần lượng dùng cho phép.

Nhờ khả năng ức chế quá trình sản xuất melanin nhờ thế cản trở được quá trình hình thành nám cũng như can thiệp vào quá trình tạo sắc tố để da trắng hơn nhanh chóng. Thế nên những sản phẩm làm trắng sáng da không kê toa dành cho những làn da có đốm đen, tàn nhang, vết thâm thường có chứa thủy ngân.

Tuy nhiên phần lớn người tiêu dùng thường không biết các sản phẩm trị nám hay làm trắng da đang dùng thường có chứa thủy ngân. Bởi lẽ, theo Công ước Minamata về Thủy ngân tại Mỹ quy định và cho phép hàm lượng thủy ngân trong mỹ phẩm không được vượt mức 1ppm. Song, các nước Châu Âu cấm sử dụng thủy ngân trong mỹ phẩm.

Nguyên do là vì những tác hại của thủy ngân đối với sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Sử dụng thường xuyên thủy ngân làm giảm khả năng chống nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, gây phát ban, đổi màu da và da có vết loang lổ. Về lâu dài, việc sử dụng thủy ngân cũng có liên quan đến tổn thương mắt, khó thở, tổn thương hệ thần kinh và gây các vấn đề liên quan đến thận. Hơn nữa, những người sử dụng các sản phẩm trị nám hay mỹ phẩm chứa hàm lượng thủy ngân cao cũng có thể vô tình phơi nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình do tiếp xúc gần.

Những hoạt chất Hydroquinone, Corticosteroid hay Corticoid vẫn được sử dụng trong điều trị nám dưới sự giám sát liều lượng của bác sĩ da liễu. Chúng ta không nên tự ý sử dụng nếu không có sự kê toa, thăm khám, theo dõi từ người có chuyên môn. Thay vì vậy, đối với những sản phẩm không kê toa bạn hãy sử dụng những hoạt chất trị nám an toàn hơn ví dụ như Tranexamic acid, Hexylresorcinol, Alpha-arbutin, Glutathione, Vitamin C… Ngoài ra, chúng ta còn có thể tham khảo các biện pháp công nghệ cao như laser để điều trị nám.

Nhóm thực hiện

Bài: Aaron Nguyen 

Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more