Bạn có biết bóc da môi cũng có thể là biểu hiện của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế?

Đăng ngày:

Mùa lạnh khi không khí trở nên khô và khắc nghiệt hơn cũng là lúc chúng ta đối diện với các vấn đề bong tróc ở da, trong đó có da môi. Có thể bạn chưa biết nhưng bóc da môi cũng có thể là biểu hiện của chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD – Obsessive Compulsive Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần đặc biệt, có xu hướng kéo dài với đặc điểm là những suy nghĩ và hành vi lặp đi lặp lại, không thể kiểm soát được. Các triệu chứng của bệnh có thể xảy ra với mức độ và tần suất đa dạng tùy theo từng trường hợp cụ thể. Hành động bóc da môi có thể trông như một phản ứng bình thường, tuy nhiên trong một số trường hợp, đây cũng có thể là biểu hiện của việc sức khỏe tinh thần của bạn đang gặp vấn đề. 

bóc da môi

Rất có thể thói quen bóc da môi đang báo hiệu một triệu chứng bệnh tâm lý của bạn. Ảnh: Instagram: @mistyhunter83.

Chứng rối loạn bóc da là gì?

Nhiều người thỉnh thoảng vẫn hay tự lột da mình, đặc biệt là hay bóc da môi trong mùa Đông. Tuy nhiên, nếu tình trạng này vượt quá giới hạn và khiến cho làn da nói chung hay da môi bị tứa máu, đau rát thì rất có thể bạn đã mắc một bệnh lý gọi là rối loạn bóc da (SPD – Skin Picking Disorder). Khi điều này xảy ra, việc cạy da – ví dụ như cạy vảy mụn, vảy vết thương hoặc xé những vùng da chết ở xung quanh móng tay của bạn – có thể trở nên thường xuyên và dữ dội đến mức gây chảy máu, lở loét và để lại sẹo. 

nặn mụn

Nặn mụn cũng có thể là một biểu hiện của hội chứng bóc da nếu bản thân bạn không thể ngừng nặn mụn, làm vết mụn ngày càng sưng đỏ, thậm chí là có mủ. Ảnh: zoranm.

Hội chứng này được phân loại trong DSM-V (bản tóm tắt các chẩn đoán tâm thần) là một loại rối loạn ám ảnh cưỡng chế do thôi thúc cưỡng chế thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại. Hội chứng này có thể để lại nhiều vết sẹo, nhiễm trùng, lở loét và khiến bạn tự ti. Tuy nhiên nó không phải là trường hợp hiếm gặp. Theo Đại học Y Harvard, chứng rối loạn bóc da đang ảnh hưởng đến ít nhất năm triệu người Mỹ. 

cắn da tay

“Nghiện” cắn da ở khóe ngón tay khiến vùng da này bật máu cũng là một dấu hiệu cần theo dõi xem bạn có mắc hội chứng bóc da SPD không. Ảnh: freepik.

Biểu hiện của chứng rối loạn bóc da

Triệu chứng rối loạn bóc da có thể xuất hiện ở cả người lớn và trẻ em, không ngoại trừ bất kì độ tuổi hay giới tính sinh học nào. Triệu chứng này thường bắt đầu từ một trong hai cách phổ biến như sau:

  • Sau khi mắc phải một vấn đề về da như phát ban, viêm da hoặc hoặc các vết thương nhỏ, chúng ta hay có xu hướng cạy lớp vảy của vết thương hoặc gãi ngứa. Hành động này dân gian hay gọi là “mọc da non”. Việc cạy vảy sẽ khiến vết thương nghiêm trọng và khó lành hơn. Càng ngứa, chúng ta càng gãi nhiều hơn, vết thương sẽ toác ra, rồi tiếp tục đóng vảy. Chu kì này cứ tiếp tục khiến làn da của bạn không thể nào liền sẹo được.
gãi da

Việc liên tục gãi vào những vết mụn lưng có thể là lý do bạn bị mụn lưng kinh niên. Ảnh: shutterstock.

  • Trong những giai đoạn bị stress, bệnh nhân có thể vô tình gãi trúng phần vảy của vết thương hoặc xé phần da chết xung quanh móng tay vì cảm thấy hành vi này giúp bạn giảm căng thẳng. Cảm giác được thư giãn tinh thần bằng cách làm đau thể xác sẽ khiến bạn liên tục xé và bóc da của chính mình. 

Đối với những ai đang phải chịu đựng tình trạng mụn thì việc liên tục cạy, nặn mụn có lẽ chẳng xa lạ gì. Nhiều người cảm thấy khó có thể kiềm chế thói quen nặn mụn và bóc những vết mài trên da. Theo một khảo sát được thực hiện vào năm 2021 đã cho thấy hơn 80% phụ nữ ở Mỹ thừa nhận đã từng không kiềm chế được khao khát nặn mụn dù bác sĩ khuyên là không nên chạm vào da. 

nặn mụn

Có nhiều người có cảm giác thôi thúc nặn mụn dù bác sĩ đã khuyến cáo không nên chạm vào vùng da đó. Ảnh: Self.

Cách đối phó với tình trạng rối loạn bóc da môi

Tìm hiểu nguyên nhân khiến bạn bóc da môi

Bạn có thể có xu hướng thích bóc da, cạy vảy do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do buồn chán, ngứa, do những cảm xúc tiêu cực đối với những khuyết điểm trên da hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy muốn được cạy, xé mỗi khi nhìn vào làn da của mình. Thậm chí nhiều người còn cảm thấy hành vi này rất dễ chịu và mang tính giải toả. 

Nếu như bạn cảm thấy mình đang bị thôi thúc bóc da bởi da đang đang mắc một số bệnh lý gây khô nẻ, ngứa ngáy thì hãy đi tới chuyên gia da liễu thăm khám và điều trị dứt điểm vấn đề đó. Việc bóc da của bạn sẽ tự động giảm đi. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân bóc da bắt nguồn từ chứng trầm cảm, lo lắng, hoặc do bạn cảm thấy muốn làm vậy, hãy tìm đến một chuyên gia tâm lý. 

da môi

Khi đang đọc bài viết này, nếu tay bạn đang chạm vào đôi môi và chuẩn bị bóc da thì hãy dừng lại. Ảnh: Instagram: @mistyhunter83.

Phương pháp kiểm soát kích thích 

Một mẹo đơn giản để có thể giảm tần suất của hành vi này gọi là kiểm soát kích thích. Chúng ta sẽ khiến cho việc gãi và cạy da trở nên khó khăn hơn bằng một số biện pháp như cắt móng tay, đeo găng tay, mặc áo dài tay và những chiếc áo ôm vừa vặn với cơ thể. Bên cạnh đó, hãy cố gắng làm cho tay của mình luôn bận rộn với những đồ chơi như fidget spinner, bóng trị liệu… Khi bạn đã tìm được một món đồ phù hợp với sở thích của mình, hãy mang nó bên người mọi lúc mọi nơi và mỗi khi cảm thấy buồn tay hãy lấy ra sử dụng. Ngoài ra, bạn có thể tham gia một số hoạt động thể chất để phân tán sự chú ý của mình đối với việc bóc da: 

chú ý chăm sóc da môi

Ngoài ra trong mùa Đông, hãy dưỡng ẩm thật kĩ những vùng da dễ bị khô như môi, tay, chân. Chính việc khô da sẽ tạo ra cảm giác ngứa, thôi thúc bạn bóc và xé vùng da bị khô đó. Hãy giữ bản thân đủ “ẩm” bằng cách bổ sung lượng nước đều đặn. Có thể mùa đông sẽ khiến cho bạn muốn tắm nước nóng nhiều hơn nhưng hãy hạn chế tắm quá lâu bằng nước quá nóng bởi nó có thể là nguyên nhân khiến bạn bị khô da.

da môi

Luôn nhớ dưỡng ẩm môi để tránh tạo cơ hội cho đôi tay “táy máy”. Ảnh: Instagram: @mistyhunter83.

Nếu quan tâm tới cách dưỡng da cho mùa đông, bạn có thể tham khảo phương pháp dưỡng da Slugging: 

Liệu pháp nhận thức hành vi 

Một liệu pháp nhận thức hành vi chuyên biệt đã được phát triển để điều trị cho triệu chứng rối loạn bóc da. Phương pháp này bao gồm các bài tập kiểm soát kích thích nêu trên, cùng với luyện tập đảo ngược thói quen, ví dụ như là bạn cảm thấy muốn gãi, hãy nắm chặt nấm đấm trong vòng 1 phút. Các thử nghiệm đã cho thấy liệu pháp nhận thức hành vi cực kì hiệu quả trong việc điều trị chứng rối loạn bóc da. Tuy nhiên, bạn sẽ cần một chuyên gia trong lĩnh vực này và quá trình điều trị chắc chắn không hề đơn giản. 

dewy skin

Phối hợp các liệu pháp là cách để bỏ thói quen bóc da và có một đôi môi căng mọng chuẩn Hàn. Ảnh: Instagram: @mistyhunter83.

Nhóm thực hiện

Bài: Tiểu Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Ảnh: Tổng hợp 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more