5 thay đổi nhỏ trong lối sống giúp giảm triệu chứng mãn kinh

Đăng ngày:

Mãn kinh có thể mang lại nhiều triệu chứng khó chịu, từ bốc hỏa đến thay đổi tâm trạng. Nhưng bạn có biết rằng những thay đổi nhỏ trong lối sống hàng ngày có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn?

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu từ độ tuổi 45-55. Đây là giai đoạn không ít phụ nữ cảm thấy bồn chồn, lo âu về sức khỏe cũng như những biến động trong tâm trạng. Các triệu chứng như nóng bừng hay đau nhức cơ thể có thể làm bạn cảm thấy kiệt sức hơn bao giờ hết. Hiểu được điều đó, ELLE giúp bạn tìm hiểu về những thay đổi nhỏ trong lối sống, để vượt qua giai đoạn mãn kinh một cách nhẹ nhàng hơn.

2 người phụ nữ mặc đồ đen - mãn kinh

Thay đổi lối sống lành mạnh hơn chỉ với 5 bí quyết nhỏ giúp cho phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Ảnh: Instagram @cturlington

1. Bổ sung Probiotic và Prebiotic

Sức khỏe đường ruột không chỉ đơn thuần ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tâm trạng và sức khỏe tổng thể. Trong giai đoạn mãn kinh, phụ nữ thường gặp phải các triệu chứng khó chịu như nóng bừng và đau nhức trong cơ thể. Vì vậy, tăng cường bổ sung probiotic và prebiotic có thể giúp cải thiện đáng kể tình trạng này.

Probiotics hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột và thường có mặt trong các thực phẩm như sữa chua và dưa cải. Chúng giúp duy trì sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột, cải thiện tiêu hóa và hỗ trợ hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, probiotics còn giảm thiểu các triệu chứng như đầy hơi và khó tiêu, đây những vấn đề thường gặp trong giai đoạn mãn kinh. Trong khi đó, prebiotics cung cấp nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho vi khuẩn có lợi. Chúng thường có trong thực phẩm như chuối, hành và tỏi. Những chất dinh dưỡng này nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp tăng cường sự phát triển và hoạt động của chúng.

người phụ nữ cưỡi ngựa - mãn kinh

Bổ sung probiotic và prebiotic thường xuyên trong giai đoạn mãn kinh để sức khỏe luôn chất lượng. Ảnh: Instagram @cturlington

Theo nghiên cứu của The American Journal of Clinical Nutrition (Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ) vào năm 2015 đã cho thấy rằng việc bổ sung probiotic và prebiotic có thể tăng cường sức đề kháng của hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại bệnh tật hiệu quả hơn. Khi kết hợp cả probiotic và prebiotic trong chế độ ăn uống hàng ngày, phụ nữ có thể giảm thiểu triệu chứng khó chịu trong giai đoạn mãn kinh, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống một cách rõ rệt.

2. Giảm lượng đường và rượu

Đường tinh luyện và rượu không chỉ góp phần gây ra cảm giác nóng bừng trong giai đoạn mãn kinh mà còn có thể dẫn đến sự rối loạn tâm trạng, gây ra lo âu và trầm cảm. Do đó, bạn nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh ngọt và đồ uống có đường, giúp bạn có thể cân bằng lượng đường trong máu. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mãn kinh, khi sự thay đổi hormone có thể làm gia tăng cảm giác khó chịu và tác động tiêu cực đến tâm trạng.

người phụ nữ chống cằm - mãn kinh

Đường và rượu là hai hợp chất gây hại rất nhiều đến sức khỏe phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh. Ảnh: Instagram @cturlington

Thay vì sử dụng rượu, bạn có thể chuyển sang các lựa chọn lành mạnh hơn như trà thảo mộc hoặc nước trái cây tự nhiên. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp bạn cải thiện tâm trạng. Ngoài ra, việc giảm đường và rượu còn hỗ trợ quá trình giảm cân hiệu quả, giúp duy trì vóc dáng khỏe mạnh trong giai đoạn mãn kinh.

3. Tập thể dục nhẹ nhàng

Tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ hoặc pilates là phương pháp hiệu quả để giảm triệu chứng mãn kinh. Những hoạt động này không chỉ giúp cơ thể linh hoạt mà còn cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.

phụ nữ 50 tuổi tập thể dục - mãn kinh

Tập luyện thể dục sẽ giúp phụ nữ thoải mái tâm trạng và tăng sức đề kháng trong giai đoạn mãn kinh. Ảnh: Unsplash.

Yoga giúp nâng cao sức mạnh, cải thiện sự dẻo dai và giảm lo âu. Bên cạnh đó, đi bộ hàng ngày giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và sản sinh hormone hạnh phúc, trong khi pilates tập trung vào cải thiện tư thế và giữ dáng thon gọn. Hãy dành ít nhất 30 phút mỗi ngày cho việc tập luyện thể dục. Thói quen này sẽ giúp bạn cảm thấy khỏe mạnh hơn và vượt qua giai đoạn mãn kinh một cách dễ dàng.

4. Cải thiện giấc ngủ

Giấc ngủ là yếu tố then chốt giúp cơ thể phục hồi và duy trì sức khỏe tốt trong giai đoạn mãn kinh. Một giấc ngủ chất lượng không chỉ giúp cơ thể tái tạo năng lượng mà còn cải thiện tâm trạng và tăng cường hệ miễn dịch. Để có giấc ngủ ngon, hãy tạo thói quen ngủ đều đặn bằng cách đi ngủ sớm và thức dậy vào cùng một giờ nhất định mỗi ngày. Thói quen này giúp thiết lập đồng hồ sinh học của cơ thể, khiến bạn dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.

người phụ nữ tóc vàng - mãn kinh

Ngủ đủ giấc sẽ giúp phụ nữ cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần trong thời kỳ mãn kinh. Ảnh: Instagram @gwynethpaltrow

Trước khi đi ngủ, hãy tránh xa thiết bị điện tử ít nhất một giờ. Bởi vì ánh sáng xanh từ màn hình có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất melatonin, đây là một hormone cần thiết để điều chỉnh giấc ngủ.

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc ngủ, hãy thử áp dụng một số phương pháp thư giãn như đọc sách, thiền hoặc nghe nhạc nhẹ. Những hoạt động này không chỉ giúp làm dịu tâm trí mà còn tạo điều kiện cho cơ thể dễ dàng bước vào giấc ngủ sâu hơn. Hãy nhớ rằng một giấc ngủ ngon là nền tảng cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn, đặc biệt là trong thời kỳ mãn kinh.

5. Nhận diện triệu chứng

Một trong những triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh là cảm giác nóng bừng, nó thường xảy ra đột ngột và có thể kéo dài từ vài giây đến vài phút. Khi cơn nóng bừng xuất hiện, bạn có thể cảm thấy cơ thể nóng lên, đặc biệt là khu vực mặt, cổ và ngực. Kèm theo đó, là sự xuất hiện của mồ hôi, có thể là mồ hôi nhẹ hoặc đổ mồ hôi nhiều. Những cơn nóng bừng này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, nhưng thường xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm, dẫn đến hiện tượng đổ mồ hôi ban đêm, gây rối loạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, các yếu tố như căng thẳng, thực phẩm cay, rượu và caffeine cũng có thể làm tăng cường độ và tần suất của các cơn nóng bừng​ kéo dài hơn.

người phụ nữ mặc đầm nâu - mãn kinh

Quan sát sức khỏe bản thân thường xuyên hơn trong giai đoạn mãn kinh. Ảnh: Instagram @gwynethpaltrow

Ngoài cảm giác nóng, nhiều phụ nữ còn trải qua những biểu hiện như tim đập nhanh, khó thở và cảm giác bồn chồn. Triệu chứng này xảy ra thường liên quan đến những biến động trong hormone estrogen, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và làm tăng nhịp tim một cách bất thường.

Do đó, bạn cần phải tìm hiểu kỹ về những triệu chứng này để có thể xác định sớm tình trạng của bản thân. Việc ghi chép lại các triệu chứng và cảm giác của bạn trong một cuốn nhật ký có thể giúp bạn nhận diện các mẫu hình và thay đổi trong sức khỏe. Nếu cần thiết, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể nhận được những lời khuyên hữu ích và điều trị phù hợp. Nhận diện sớm và chăm sóc sức khỏe bản thân là cách tốt nhất để bạn vượt qua giai đoạn mãn kinh một cách nhẹ nhàng hơn.

Giai đoạn mãn kinh có thể mang đến nhiều thách thức, nhưng với kiến thức và biện pháp chăm sóc bản thân đúng đắn sẽ giúp bạn vượt qua dễ dàng. Duy trì lối sống lành mạnh, cải thiện giấc ngủ và nhận diện sớm các triệu chứng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ để tận hưởng giai đoạn này với sự tự tin và một sức khỏe tốt nhé.

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Hân

Ảnh: Tổng hợp 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more